Suy Niệm Ngày Mùng Ba Tết Thánh hóa Công việc làm ăn

Giáo Hội dành ngày Mùng Ba tết Nguyên Đán này để xin ơn thánh hóa công việc làm ăn. Đây là một việc làm phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa, của truyền thống dân tộc cũng như sự cần thiết của mỗi người chúng ta. Bởi vì, ai trong chúng ta cũng phải làm việc: Có người làm việc tri óc, có người làm việc chân tay.

Từ khởi nguyên lịch sử, Thiên Chúa đã làm việc trong 6 ngày và cao điểm của công việc đó là Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài. Sách Sáng thế tường thuật rằng: "Ta hãy dựng nên loài người giống hình ảnh Ta để họ làm chủ cá biển, chim trời, muôn thú vật trên đất và mọi côn trùng sống động trên địa cầu." (x. St 1,26). Và Ngài tiếp tục làm việc để quan phòng và giữ gìn muôn loài muôn vật mà Ngài đã dựng nên, đúng như thánh vịnh 64,2 đã khẳng định: “Bốn mùa Chúa đổ hồng ân, Ngài gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi".

Khi Đức Giêsu đến trần gian, Ngài được sinh ra trong một gia đình lao động. Cha Ngài là thánh Giuse và mẹ Ngài là Đức Maria. Ngài đã làm nghề thợ mộc để góp phần với cha mẹ nuôi sống gia đình. Ngài đã từng nói: “Cha tôi làm việc liên lỉ, tôi cũng vậy.”(Ga 5,17). Trong các bài giảng, Ngài thường đề cập đến vấn đề lao động. Đặc biệt Ngài kể nhiều dụ ngôn liên quan đến vấn đề lao động: Dụ ngôn người gieo giống (x. Lc 8,4-15); dụ ngôn hạt giống và hạt cải (x. Mc 4,26-34), dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng (x. Mt 13,36-43), dụ ngôn chiếc lưới (x. Mt 13,47-53)…và đặc biệt dụ ngôn các nén bạc mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin mừng hôm nay (x. Mt 25, 14-30).

Đa số các Tông đồ cũng xuất thân từ những người lao động. Trước khi theo Đức Giêsu, các ngài đã có nghề nghiệp ổn định, đó là nghề chài lưới đánh bắt cá. Các ngài đã tự làm việc để nuôi sống mình và giúp đỡ tha nhân. Cả khi đã đi theo Đức Giêsu, các ngài vẫn tiếp tục đi đánh bắt cá. Không những đánh bắt cá bình thường mà còn đánh bắt cá người.

Bài đọc II hôm nay, cho chúng ta thấy, Thánh Phaolô đã tự làm việc để nuôi sống mình, Ngài nói: “Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp” (x. Cv 20,34). Không những Thánh nhân làm việc để nuôi sống mình mà Ngài còn làm việc để có của giúp đỡ tha nhân: “Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận." (x. Cv 20,35).

Mỗi người chúng ta hãy bắt chước Đức Giêsu, các Tông đồ, đặc biệt hãy bắt chước Thánh Phaolô để chăm chỉ làm việc, “Ai không chịu làm thì cũng đừng có ăn.” (2Tx 3,10).

Tục ngữ có câu:

“Có làm thì mới có ăn,

Không dưng ai dễ đem phần đến cho.”

Để các công việc của chúng ta mang lại kết quả hồn xác, thiết tưởng chúng ta cần phải thực hiện những điều sau đây:

Thứ nhất, những ai có công việc tốt, hay duy trì công việc của mình. Những ai chưa có công việc ổn định, hãy tìm cho mình một công việc tốt nhất. Công việc đó: Không được vi phạm pháp luật; đặc biệt không vi phạm luật Chúa, luật Hội Thánh; không ảnh hưởng đến các việc bổn phận khác của người kitô hữu, như ngăn cản việc thực thi luật ngày Chúa Nhật.

Thứ hai, hãy trung thành với công việc mình đã chọn, luôn chăm chỉ trong công việc. Thiên Chúa trao cho mỗi người chúng ta những nén bạc tùy theo địa vị và khả năng của từng người: Có người được giao 5 nén, có người được giao 2 nén, có người được giao 1 nén. Đó chính là đức tin, sức khỏe, tài năng của chúng ta. Khi được trao như thế, mỗi người phải có nhiệm vụ sinh lãi. Giống như người thứ nhất và người thứ hai trong dụ ngôn: Người được giao 5 nén, ông đã sinh lãi được 5 nén khác; người được giao 2 nén, ông đã sinh lãi được 2 nén khác.

Thứ ba, không được lười biếng nhác nhớn, đi muộn về sớm, hãy tránh xa thái độ của người thứ ba trong bài Tin mừng hôm nay, chẳng những ông không sinh lãi một cách tối thiểu vốn liếng ông chủ giao mà còn lười biếng chốn dấu nén bạc, ngoài ra ông còn phàn nàn kêu trách ông chủ: “…người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông vẫn còn nguyên đây này !” (x. Mt 25,24-25).

Thứ tư, biết sử dụng đồng tiền mình kiếm được một cách hợp lý: Giúp bản thân mình có một cuộc sống đúng với nhân phẩm; giúp gia đình và các thành viên trong đại gia đình như ông bà, cha mẹ, anh chị em, những người kém may mắn trong xã hội; nếu có thể, nên đóng góp và các công việc công ích trong Giáo Hội và ngoài xã hội. Vì, như câu Lời Chúa mà Thánh Phaolô nhắc tới: “Cho thì có phúc hơn lãnh nhận.” (x. Cv 20,35).

Thứ năm, cần phải cầu nguyện xin Chúa giúp cho công việc làm ăn của mình, vì “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”; "Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công." (x. Tv 127,1). Vì vậy, sáng vừa thức dậy hãy dâng tất cả công việc mình làm cho Chúa và phó thác mọi sự trong tay Ngài để Ngài hướng dẫn. Cha ông chúng ta ngày xưa cũng đã từng cầu nguyện cho công việc làm ăn rằng:

"Lạy trời mưa xuống

Lấy nước tôi uống

Lấy ruộng tôi cày

Lấy đầy bát cơm

Lấy rơm đun bếp."

Cuối cùng, hãy nhớ rằng con người có hai phần hồn xác. Chúng ta không chỉ cần cơm bánh để nuôi phần xác mà còn cần của ăn nuôi phần hồn. Đó là đời sống cầu nguyện, lãnh nhận các Bí tích, biết thực hành Lời Chúa. Đức Giêsu đã nói: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (x. Lc 4,4). Chính vì vậy, cần phải dành thời gian cho những điều ưu tiên, quan trọng trước, những điều không quan trọng sau. Chính Đức Giêsu đã chỉ dạy chúng ta: “Trước tiên các con phải tìm nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài, rồi mọi sự Ngài sẽ ban cho sau.”(x. Mt 6,33).

Ước gì mỗi chúng ta có công ăn việc làm xứng đáng và luôn biết dành thời gian ưu tiên cho những việc quan trọng hơn nhất là những công việc liên quan đến sự sống đời đời. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành