Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Niềm hy vọng kitô giúp nhìn mọi sự với đôi mắt của Chúa Kitô phục sinh;

2- Đức Thánh Cha cổ võ cầu nguyện như phương thế tha thứ cho kẻ thù;

3- Đức Thánh Cha kêu gọi đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập di dân và tị nạn;

4- Giáo sư Richard Madsen: Trung Quốc theo đuổi các cuộc đàm phán với Vatican là nhằm tiêu diệt Giáo Hội tại Hoa Lục;

5- Phái đoàn Tòa Thánh đi Cairô dự hội nghị chống chủ nghĩa cực đoan tôn giáo;

6- Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đề cao nhân đức anh hùng của Đức Hồng Y Josyf Slipyj khi đối mặt với cộng sản;

7- Câu chuyện về người phụ nữ trong vụ án Roe chống Wade dẫn đến phán quyết cho phép phá thai tại Hoa Kỳ;

8- Tổng Giáo Phận Denver, Utah, thông cáo về vụ 'thị kiến' của ông Johnston.

9- Bề trên tổng quyền dòng Salêdiêng Don Bosco thăm tỉnh dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam.

Sau đây là phần tin chi tiết:

- Niềm hy vọng kitô giúp nhìn mọi sự với đôi mắt của Chúa Kitô phục sinh;

Trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần sáng thứ Tư tại quảng trường thánh Phêrô ngày 22/7/2017, với gần 20.000 tín hữu và du khách hành hương khắp năm châu, ĐTC Phanxicô đã nói: “Thụ tạo là một ơn tuyệt vời Thiên Chúa đặt để trong tay chúng ta để qua đó chúng ta có thể bước vào tương quan với Ngài, nhận ra trong đó dấu ấn chương trình tình yêu của Ngài, và Ngài mời gọi chúng ta cộng tác thực hiện nó trong từng ngày sống…” Trong bài huấn dụ ngài đã quảng diễn ý nghĩa chương 2 các câu 22 tới 26 thư thánh Phaolô gửi tín hữu Roma và nói:

Chúng ta thường bị cám dỗ nghĩ rằng thụ tạo là tư sản của chúng ta, một chiếm hữu mà chúng ta muốn khai thác tuỳ thích và không phải trả lẽ với bất cứ ai khác…Tông đồ Phaolô, trái lại, nhắc nhớ chúng ta rằng thụ tạo là một ơn tuyệt diệu mà Thiên Chúa đặt để trong tay chúng ta, để chúng ta có thể bước vào trong tương quan với Ngài, nhận ra trong đó dấu ấn chương trình tình yêu của Ngài.

ĐTC giải thích thêm: Chúng ta hãy nghĩ tới nước… Nước trao ban sự sống, giúp chúng ta trong mọi sự, nhưng để khai thác các quặng mỏ, người ta làm cho nước ô nhiễm như thế nào, người là làm bẩn thụ tạo và tàn phá thụ tạo. Đây chỉ là một thí dụ thôi.

** Với kinh nghiệm thê thảm của tội lỗi, sự hiệp thông với Thiên Chúa bị bẻ gẫy, chúng ta làm hư thối thụ tạo, biến nó thành nô lệ, và bắt nó quy phục sự hư nát của chúng ta… Khi bẻ gẫy sự hiệp thông với Thiên Chúa, con người đánh mất đi vẻ đẹp nguyên thuỷ của chính mình… Tuy nhiên, Chúa cũng cống hiến cho chúng ta một viễn tượng của sự giải thoát mới, của ơn cứu độ đại đồng. Và đó là điều thánh Phaolô tươi vui minh nhiên, bằng cách mời gọi chúng ta lắng nghe các tiếng rên siết của toàn thụ tạo… Các tiếng rên siết này không phải là một than van khô cằn, không an ủi mà là các rên siết của một phụ nữ sinh con. Chúng là các rên siết của người khổ đau, nhưng biết là mình sắp cho ra đời một sự sống mới… Đây là nội dung niềm hy vọng của chúng ta… Trong hy vọng, chúng ta biết rằng Chúa muốn chữa lành một cách vĩnh viễn với lòng thương xót các con tim bị thương và bị hạ nhục, và tất cả những gì mà con người đã làm vẩn đục trong sự gian ác của nó, và rằng trong thế giới này Chúa làm nảy sinh ra một thế giới mới và một nhân loại mới, sau cùng được hoà giải trong tình yêu của Ngài.

ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ Pháp, Đức, Anh quốc, Ailen, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Na Uy, Ấn Độ, Nha và Hoa Kỳ.

ĐTC cũng nhắc cho mọi người biết năm nay là kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Là Mẹ của niềm hy vọng, Mẹ mời gọi chúng ta hướng cái nhìn về ơn cứu rỗi, về một thế giới mới và một nhân loại mới.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Tòa Thánh ĐTC ban cho mọi người.

- Đức Thánh Cha cổ võ cầu nguyện như phương thế tha thứ cho kẻ thù

ĐTC Phanxicô kêu gọi các tín hữu hãy cầu nguyện như phương thế thực thi lời Chúa Giêsu dạy phải tha thứ cho kẻ thù.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong bài giảng thánh lễ kết thúc cuộc viếng thăm dài 3 tiếng rưỡi tại Giáo Xứ thánh Maria Josefa Thánh Tâm Chúa Giêsu ở khu vực Ponte di Nona, mạn đông Roma, chiều Chúa Nhật 19-2-2017. Giáo xứ này có 20 ngàn dân cư trong đó có nhiều người nghèo và người thất nghiệp.

Trong bài giảng thánh lễ bắt đầu lúc 5 giờ 15 phút chiều, ĐTC đã diễn giải bài Tin Mừng theo thánh Mathêu (Mt 5,38-48) trong đó Chúa Giêsu dạy các môn đệ hãy “nên thánh như Cha các con trên trời là Đấng Thánh, và hãy tha thứ cầu nguyện cho những người bách hại các con”. Ngài nói: “Tôi đề nghị anh chị em hãy bắt đầu từ điều nhỏ. Tất cả chúng ta đều có kẻ thù; tất cả chúng ta đều biết người này người kia nói xấu mình, hoặc oán ghét mình... Tôi gợi ý với anh chị em: hãy dành một phút hướng về Chúa và nói: Người này người kia là con Chúa, xin Chúa thay lòng đổi dạ họ. Xin Chúa chúc lành cho họ. Hành động này gọi là cầu nguyện cho những người không thích các con, cầu nguyện cho kẻ thù. Có lẽ oán hận vẫn còn trong chúng ta, nhưng chúng ta đang cố gắng đi theo con đường của Chúa là Đấng nhân lành, từ bi, thánh thiện, trọn hảo.”

- ĐTC kêu gọi đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập di dân và tị nạn.

ĐTC đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 21-2-2017 dành cho 250 tham dự viên Diễn đàn quốc tế về chủ đề “Hội nhập và phát triển: từ phản ứng đến hành động”.

Lên tiếng về vấn đề này, ĐTC nhắc đến hiện tượng rộng lớn di dân và tị nạn trên thế giới ngày nay, và ngài tóm tắt thái độ mà cộng đồng chính trị, xã hội dân sự và Giáo Hội cần có trước những thách đố cấp thiết do hiện tượng này đề ra, đó là: đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập những người di dân và tị nạn.

ĐTC nói: “Đối với những người trốn chạy chiến tranh và bách hại kinh khủng, nhiều khi bị rơi vào nanh vuốt của các tổ chức tội phạm vô lương tâm, cần mở những hành lang nhân đạo có thể đi qua và an toàn. Một sự tiếp đón trong tinh thần trách nhiệm và xứng đáng dành cho các anh chị em này bắt đầu trước hết bằng cách thu xếp cho họ những không gian thích hợp và xứng đáng”.

ĐTC cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ những người di dân tị nạn dễ bị tổn thương nhất chống lại sự khai thác, bóc lột, lạm dụng và bạo hành… đồng thời giúp thăng tiến các quyền lợi của họ như những nhân vị, bảo đảm cho họ những điều kiện cần thiết. Ngài nhắc nhở rằng sự thăng tiến nhân bản cho người di dân và gia đình họ bắt đầu từ những cộng đoàn nguyên quán. Tại đó, ngoài quyền xuất cư, còn phải bảo đảm cho họ quyền không phải xuất cư, nghĩa là quyền tìm được nơi quê hương của mình những điều kiện để có cuộc sống xứng đáng.

- Giáo sư Richard Madsen: Trung Quốc theo đuổi các cuộc đàm phán với Vatican là nhằm tiêu diệt Giáo Hội tại Hoa Lục.

Ngày 9 tháng Hai vừa qua, ĐHY Gioan Thang Hán đã tung ra một bài viết vào với nhan đề “Tương lai của cuộc đối thoại Trung quốc - Vatican từ quan điểm Giáo Hội học”. Trong bài viết này ngài cho rằng một thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Trung quốc về vấn đề bổ nhiệm Giám Mục đã gần kề, Vatican sẽ nhìn nhận các giám mục Trung quốc được tấn phong trái phép trong thời gian qua, ngược lại cộng sản Bắc Kinh sẽ nhìn nhận các giám mục “thầm lặng”.

Phản ứng lại bài viết này, Lưu Bách Niên, người đứng đầu Hiệp hội Công Giáo Yêu nước và được coi là “giáo hoàng đen” ở Trung quốc, nói đó chỉ là những suy đoán vô căn cứ của riêng ĐHY Thang Hán. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ South China Morning Post, Lưu Bách Niên nói các giám mục “thầm lặng” (tức là những vị được Tòa Thánh công nhận nhưng cộng sản không nhìn nhận như các Giám Mục) là “không thích hợp để làm việc với đảng cộng sản”.

Về sự kiện này, Giáo sư Richard Madsen, là một nhà xã hội học về tôn giáo của Đại học San Diego (California), đã cho đăng một bài nhận định về những khó khăn trong cuộc đối thoại của Trung quốc -Vatican. Ông cho rằng, điều đáng quan tâm và có tính chất định đoạt đối với các cuộc đàm phán giữa Vatican và Trung Quốc là liệu hai bên có thể đồng ý với nhau hay không về tình trạng của các giám mục và các tín hữu thuộc Giáo Hội thầm lặng. Nếu các tín hữu thầm lặng cảm nhận rằng Vatican đang bỏ rơi họ, thì họ có thể xem đây là một sự phản bội của Tòa Thánh đối với Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc và sẽ gây ra những chia rẽ nghiêm trọng trong Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc rất phấn khởi trước viễn tượng này. Các hành động của nhà cầm quyền Bắc kinh trong những năm qua cho thấy họ thèm khát muốn nhìn thấy Giáo Hội tại đất nước này suy yếu, và những chia rẽ sâu đậm hơn trong Giáo Hội sẽ giúp họ thực hiện điều này...

Và Giáo sư Richard Madsen kết luận, mặc dù có những điểm hội tụ về lợi ích giữa Trung Quốc và Vatican trong việc bổ nhiệm các giám mục, hy vọng của hai bên rất khác nhau: Tòa Thánh muốn làm cho Giáo Hội tại Hoa Lục trở thành một phần quan trọng trong xã hội Trung Quốc; trong khi đó, Bắc Kinh trái lại “thực sự hy vọng tiêu diệt bằng được Giáo Hội này”.

- Phái đoàn Tòa Thánh đi Cairô dự hội nghị chống chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

ĐHY Jean-Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn, sẽ đi Ai Cập trong tuần này để dự hội nghị chống chủ nghĩa cực đoan tôn giáo tại Đại học Al Azhar.

Hội nghị được tổ chức tại một học viện hàng đầu về tư tưởng Hồi giáo Sunni ở Ai Cập. Điều đó làm nổi bật sự hợp tác giữa Vatican và đại học Al Azhar để “chống lại hiện tượng cuồng tín, cực đoan, và bạo lực nhân danh tôn giáo”.

ĐHY Tauran dẫn đầu một phái đoàn hùng hậu của Vatican, bao gồm Đức TGM Bruno Musaro, Sứ Thần tại Cairo; Đức GM Miguel Angel Ayuso Guixot, thư ký Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn; Đức Ông. Khaled Akasheh, chuyên gia của Hội đồng trong các vấn đề Hồi giáo.

Hội nghị diễn ra vào các ngày 22 và 23 tháng 2. Sau đó là ngày kỷ niệm chuyến thăm lịch sử của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Al Azhar vào năm 2000.

- Đức TGM Sviatoslav Shevchuk đề cao nhân đức anh hùng của ĐHY Josyf Slipyj khi đối mặt với cộng sản.

Đức TGM Sviatoslav Shevchuk, là nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương Ukraine, đã viết một bài ca ngợi người tiền nhiệm của mình, là ĐHY Josyf Slipyj sinh năm 1892 và qua đời năm 1984, nhân dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh của ngài.

ĐHY Slipyj, là nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương Ukraine trong thời gian từ 1944 đến 1984. Ngài đã thẳng thừng “từ chối lời hứa được tự do và bổng lộc cao nếu ngài tuyên bố xóa bỏ Giáo Hội của ngài.” ĐHY Slipyj đã bị bỏ tù 18 năm, trong đó có 8 năm lao động khổ sai tại Siberia, sau khi chế độ Joseph Stalin đàn áp Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương Ukraine. Nhiều lần Stalin cố thuyết phục ngài tuyên bố giải tán Giáo Hội tại Ukraine nhưng ngài cương quyết từ chối.

“Khi đến phương Tây, ngài trở thành một tiếng nói và biểu tượng của một 'Giáo Hội thầm lặng' ở Liên Xô đang bị bách hại bởi chế độ độc tài vô thần”.

ĐGH Gioan XXIII đã can thiệp để ngài được trả tự do vào năm 1963, và ĐGH Phaolô VI đã tấn phong Hồng Y cho ngài vào năm 1965.

- Câu chuyện về người phụ nữ trong vụ án Roe chống Wade dẫn đến phán quyết cho phép phá thai tại Hoa Kỳ.

Tin bà Norma McCorvey qua đời ngày 18 tháng Hai vừa qua tại một trung tâm trợ giúp sinh hoạt tại Katy, Texas; thọ 69 tuổi, đã khiến người ta nghĩ tới điều nghịch lý vĩ đại diễn ra với phong trào phò phá thai của Hoa Kỳ suốt từ năm 1973 đến nay.

Thực vậy, năm đó, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ ra phán quyết Roe chống Wade chính thức hợp pháp hóa phá thai trên cả nước. Nhưng Roe chỉ là tên nặc danh để đi kiện thẩm phán Wade của Tiểu Bang Texas đã không cho cô phá thai. Tên thật của Roe chính là Norma McCorvey, người thực sự chưa bao giờ phá thai tuy có tìm cách phá thai nhưng bị luật sư lừa nên không phá.

Ở tuổi thiếu niên, bà Norma McCorvey đã có một cuộc hôn nhân ngắn ngủi với một người thợ làm các tấm kim loại. Mẹ cô phải nuôi đứa con gái của họ. Đứa con thứ hai của bà sinh ra ngoài giá thú, đã được một gia đình khác nhận làm con nuôi. Đứa con thứ ba là đứa con trong vụ án “Roe chống Wade”.

Norma McCorvey nói với tờ New York Times vào năm 1994 rằng, lúc đó cô chỉ muốn được phá thai, thậm chí là bất hợp pháp cũng được. Cô không ngờ các luật sư của cô đã làm ra lớn chuyện, dùng cô làm nguyên đơn để thách thức tính hợp hiến của luật chống phá thai của tiểu bang Texas. Để bảo vệ tính riêng tư, nguyên đơn Norma McCorvey lấy tên là Jane Roe trong vụ kiện chống lại ông Henry Wade, thẩm phán tòa án Dallas County. Cho nên, vụ kiện này gọi là vụ kiện Roe chống Wade.

Vào ngày 22 tháng Giêng năm 1973, Tòa án Tối cao đã ra phán quyết với tỷ số 7-2 cho phép phá thai trên toàn cõi Hoa Kỳ.

Trong những năm cuối thập niên 90, Norma McCorvey gặp một mục sư Tin Lành, lãnh đạo nhóm Operation Rescue, chống phá thai và trợ giúp cho các bà mẹ gặp khó khăn để giúp họ giữ các bào thai. Vị mục sư này tìm cách hoán cải bà và cuối cùng thành công. Norma McCorvey tuyên bố gia nhập đạo Tin Lành và hăng say trong các hoạt động phò sinh. Sau cuốn hồi ký, “Won By Love” (1997), với tác giả Gary Thomas, cô tham gia trong việc thành lập trụ sở phò sinh ở Dallas lấy tên “Roe No More” và tuyên bố trở thành một người Công Giáo. Cô tham gia vào các cuộc biểu tình chống phá thai và đã bị bắt vào năm 2009 khi xông vào Thượng viện trong khi các thượng nghị sĩ họp để phê chuẩn việc tổng thống Barrack Obama đề cử Sonia Sotomayor, là người ủng hộ đạo luật cho phép phá thai, vào Tối cao Pháp viện.

- TGP Denver, Utah, thông cáo về vụ 'thị kiến' của ông Johnston.

Hôm Thứ Tư tuần trước, TGP Denver đã ban hành một thông cáo mới nói rằng việc ông Charlie Johnston tuyên bố "thị kiến và thông điệp của ông đã được Giáo Hội chấp thuận" là sai trái.

Sự việc là hôm 7 tháng 2 năm 2017, bà Beckie Hesse - người đăng trên blog của ông Johnston bằng cái tên "Beckita" - dường như khẳng định rằng thị kiến của ông Johnston "đã được Giáo Hội phê chuẩn đầy đủ". Vì vậy, Tổng giáo phận Denver đã ban hành một thông cáo để phản bác lại điều nàỵ

Charlie Johnston là một blogger, ông này khẳng định đã có 'thị kiến' và nhận 'thông điệp' từ Đức Trinh Nữ Maria, thiên thần Gabriel và các vị thánh khác trong phần lớn cuộc đời mình. Dự đoán của ông này bao gồm lời cảnh báo về một cuộc chiến tranh dân sự trên toàn thế giới, cũng như nhiều dự đoán chính trị. Từ năm 1998, Johnston đã cảnh báo về điều gọi là "The Storm" (Cơn cuồng phong), tức là một thời kỳ biến động chính trị lớn, trong đó, ông tuyên bố rằng thế giới giờ đây đã đến đỉnh điểm. Ông còn dự đoán Đức Mẹ sẽ ra tay giải thoát khỏi "Cơn cuồng phong" vào Tháng Mười năm 2017.

Khi phát hiện sự việc, Đức TGM Samuel J. Aquila của TGP Denver đã thành lập một ủy ban điều tra về các phát biểu của Ông Johnson và dựa trên kết luận của ủy ban này, đã mạnh mẽ khuyên nhủ các tín hữu phải hết sức thận trọng trước các thông điệp của Johnston, và nhắc họ nên nhớ lại lời của Chúa Kitô: "Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả Người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi" (Mt 24:36).

- Bề trên tổng quyền dòng Salêdiêng Don Bosco thăm tỉnh dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam.

Theo thông tin chính thức từ Tỉnh Dòng Thánh Gioan Bosco Việt Nam, Cha Bề Trên Tổng Quyền Ángel Fernández Artime - sẽ tới thăm Tỉnh Dòng Thánh Gioan Bosco Việt Nam từ ngày 20 đến 27 tháng 2 năm 2017.

Cha Bề Trên Tổng Quyền Ángel Fernández Artime là Đấng Kế vị thứ 10 của Don Bosco. Ngài thuộc Tỉnh Dòng gốc là León - Tây Ban Nha, có Cử Nhân Thần Học Mục Vụ và Thạc Sĩ về Triết học và Sư Phạm. Ngoài ngôn ngữ chính là Tiếng Tây ban Nha, Ngài còn nói tiếng Ý, tiếng Bồ Đào Nha, Tiếng Pháp và Tiếng Anh.

Theo chương trình, Cha Bề Trên Tổng Quyền Ángel Fernández Artime từ Roma sẽ tới Sài Gòn - Việt Nam chiều ngày thứ hai 20/2/2017. Ngài sẽ đi thăm và gặp gỡ tất cả các thành phần Đại Gia Đình Salêdiêng Don Bosco tại các vùng Trung, Nam, Bắc Việt Nam.

Cầu chúc chuyến viếng thăm của Cha Bề Trên Tổng Quyền Ángel Fernández Artime đến Việt Nam sẽ mang lại nhiều phúc lành của Thiên Chúa - Mẹ Phù Hộ và của Don Bosco, để Anh Em Salêdiêng Don Bosco Việt Nam và Đại Gia Đình Salêdiêng Don Bosco ngày càng nhiệt thành và hăng say trong Sứ Mệnh Giáo Dục và phục vụ Thanh Thiếu Niên, đặc biệt những em nghèo khổ hơn cả trên Đất Nước Quê Hương Việt Nam