ĐGH Phanxicô: Sứ điệp đặc biệt nhân Mùa Chay Thánh năm nay.

(EWTN News/CAN) Trong Thánh Lễ vào Thứ Tư Lễ Tro được cử hành tại nhà thờ Thánh Anselm, ĐGH đã nhắc nhở các tín hữu về việc lắng nghe lời Chúa và đối xử với mọi người như một quà tặng Chúa ban.

“Mùa chay là mùa thuận lợi để canh tân cuộc gặp gỡ với Chúa, để sống theo lời Ngài, sống với các phép bí tích và sống với tha nhân. Xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta trên hành trình hoán cải thực sự, để chúng ta có thể tái khám phá quà tặng của Lời Chúa, để thanh tẩy tội lỗi đã làm cho chúng ta đui mù và phục vụ Chúa hiện diện trong những anh chị em nghèo khổ.”

ĐGH đã nhắc đến dụ ngôn về ông phú hộ và người ăn xin tên là La-da-rô. Ông phú hộ không để ý gì đến người ăn xin sống vất vưởng nơi thềm cửa nhà mình. Khi cả hai đã chết, người ăn xin La-da-rô được an nghỉ ở thiên đàng, còn người nhà giàu kia phải chịu nhiều đau khổ.

Dù rằng người nhà giàu không nhìn thấy La-da-rô, nhưng chúng ta gặp những con người đau khổ mỗi ngày bằng xương bằng thịt, những người mà Thiên Chúa coi như một kho báu vô giá.

ĐGH nói “Nhân vật La-da-rô dạy chúng ta rằng mỗi người là quà tặng của Thiên Chúa. Sự liên hệ đúng đắn với người khác bao gồm lòng biết ơn nhận ra giá trị của họ. Khi một người nghèo đứng trước cửa nhà của người giàu không có nghĩa là người giàu bị quấy rầy, nhưng là mệnh lệnh để hoán cải và để thay đổi.

Theo cái nhìn đó, bài dụ ngôn mời chúng ta nhìn người khác như một ân huệ của Chúa và Mùa Chay chính là thời gian để mở cửa lòng đón nhận những người nghèo khổ và nhận ra khuôn mặt Chúa Kitô nơi họ.

Mỗi con người chúng ta gặp là một món quà rất đáng đón nhận, tôn trọng và yêu thương. Lời của Chúa giúp chúng ta biết mở mắt để chào đón và yêu thương con người, đặc biệt những người yếu đuối và dễ bị tổn thương.

ĐGH nói rằng, “Một bài học quan trọng khác của dụ ngôn là tội lỗi đã làm chúng ta đui mù đến mức nào. Nơi người giàu, chúng ta có thể nhìn thấy rõ sự lũng đoạn xấu xa của tội lỗi, tiến hành qua ba giai đoạn liên tiếp nhau: yêu tiền bạc,sự hão huyền và sự tự mãn.”

Tiền bạc có thể chế ngự, sai khiến chúng ta và nó có thể là thần tượng của nhiều người. Thay vì coi tiền của là công cụ để phục vụ chúng ta làm điều tốt và thể hiện tình đoàn kết với tha nhân, thì tiền có thể trở thành mắt xích trói buộc chúng ta và toàn thế giới trong cái vòng luẩn quẩn ích kỷ, không có chỗ cho tình yêu và cản trở hòa bình.

ĐGH cảnh báo rằng “ Đối với những người bị hư hỏng bởi lòng đam mê của cải thế gian này, thì không có gì tồn tại ngoài cái tôi của họ.”

“Đam mê tiền bạc là một bệnh mù. Những người này không bao giờ nhìn thấy người nghèo, đang chết đói, chết khát, đau đớn nằm trước cửa nhà họ.

“Phần kết của truyện dụ ngôn cho chúng ta thêm một bài học nữa. Sau khi chết, ông phú hộ kêu cứu tổ phụ Abraham từ chốn cực hình. Đây chính là dấu chỉ đầu tiên rằng người ngày cũng thuộc về dân Chúa khi ông còn tại thế, nhưng “Thiên Chúa duy nhất của ông là chính ông.”

Khi người phú hộ xin tổ phụ Abraham cho anh La-da-rô về thế gian để báo cho những anh em của ông đang còn sống thì Abraham đã trả lời “Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó… nhưng nếu chúng không nghe Mô-sê hay các Ngôn Sứ, thì chúng cũng sẽ chẵng nghe người về từ cõi chết đâu.”

Chúng ta thấy cái vấn đề ở đây là “người giàu không lắng nghe Lời Chúa”. ĐGH nói, “kết quả là ông ta không còn yêu Chúa nữa và đã khinh bỏ những người quanh mình.”

“Lời của Chúa thì sống động và có sức mạnh biến đổi con tim và hướng mọi người về với Chúa. Khi chúng ta đóng cửa lòng với quà tặng là Lời của Thiên Chúa, thì chúng ta cũng đóng cửa lòng với anh chị em của chúng ta.

“Khi chúng ta bắt đầu hành trình Mùa Chay, chúng ta nhấn mạnh đến việc: ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái. Đây là cơ hội để bắt đầu nhìn lại cuộc sống của chúng ta.

“Mùa Chay khẩn thiết kêu gọi mọi người hoán cải. Người kitô hữu được kêu gọi trở về với Thiên Chúa bằng hết con tim của mình và lớn lên trong tình yêu của Ngài. Thiên Chúa luôn kiên nhẫn đợi chờ và sẵn sàng tha thứ cho những yếu đuối của chúng ta.

ĐGH kết luận: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau và qua chiến thắng khải hoàn của Chúa Kitô, chúng ta có thể mở cửa đón nhận những người yếu đuối và nghèo khổ. Như thế chúng ta mới có thể cảm nghiệm và chia sẻ niềm vui trọn vẹn của Lễ Phục Sinh.”

Giuse Thẩm Nguyễn