Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật I Mùa Chay: Dựa vào Lời Thiên Chúa.

2- Đức Thánh Cha tiếp tục truyền thống của các vị tiền nhiệm, gặp gỡ các cha sở Roma sau lễ tro.

3- Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội nghị quốc tế về thánh nhạc.

4- Năm 2015 của Tòa Thánh năm bị thiếu hụt 12,4 triệu Euro.

5- Mễ Du: Đức Giám Mục của giáo phận sở tại phủ nhận về các cuộc hiện ra liên quan tới Đức Mẹ.

6- Đức Tổng Giám mục của Giáo Hội Maronite Syria cho hay: Mùa Chay này thật thê lương cho các Giáo Hội Syria vì nhiều linh mục đã phải di tản.

7- Đức Hồng Y Mueller bác bỏ lời trách cứ của bà Marie Collins.

8- Hai học giả phò phụ nữ tranh luận về vai trò phụ nữ trong Giáo Hội Công Giáo.

9- Giáo Hội Công Giáo Bangladesh chống luật mới về hôn nhân vị thành niên.

10- 31000 nạn nhân đói ở Nam Sudan, khoảng nửa số phải chạy qua nước cựu thù Sudan.

Sau đây là phần tin chi tiết:

- Kinh Truyền Tin với ĐTC, Chúa Nhật I Mùa Chay: Dựa vào Lời Thiên Chúa

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay 5-3-2017 tại quảng trường thánh Phêrô, ĐTC quảng diễn về cách thế Chúa Giêsu dựa vào Lời Thiên Chúa để chiến thắng ma quỷ trong ba cơn cám dỗ nơi sa mạc. ĐTC mời gọi mọi người hãy thường xuyên sử dụng Kinh Thánh giống như thường xuyên sử dụng điện thoại di động.

Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền Tin, ĐTC nói:

Trong ngày Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Chay, bài Tin Mừng giới thiệu cho chúng ta con đường hướng tới Phục Sinh. Đó là bốn mươi đêm ngày Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong sa mạc (x. Mt 4:1-11). Đó là lúc Chúa Giêsu vừa mới chịu phép rửa tại sông Giođan… Thần Khí Thiên Chúa ngự xuống trên Người và có tiếng Chúa Cha từ trời công bố: “Này là con Ta yêu dấu” (Mt 3:17). Thế là, Chúa Giêsu đã sẵn sàng bắt đầu thực thi sứ mạng, và cùng lúc ấy Người tuyên chiến với kẻ thù là Satan… Tên cám dỗ lặp đi lặp lại: “Nếu ông là Con Thiên Chúa…”. Ma quỷ gây nghi hoặc về danh hiệu Con Thiên Chúa với mục đích cản trở ngăn trở Chúa thực thi sứ mạng. Không chỉ làm như thế, mà nó còn đưa ra cụ thể ba cơn cám dỗ. Một là biến hóa đá thành bánh để thỏa mãn cơn đói. Hai là nhảy từ trên nóc Đền Thờ xuống và sẽ được các thiên thần nâng đỡ. Ba là thờ lạy ma quỷ để được cai trị thế giới… Nhưng những mũi tên tẩm thuốc độc của ma quỷ đều được Chúa Giêsu ngăn chặn bởi chiếc khiên che là Lời Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa chính là ý muốn của Chúa Cha. Chúa Giêsu không tự mình nói điều gì, nhưng luôn luôn vâng theo Lời Thiên Chúa.

Trong suốt bốn mươi ngày Mùa Chay, các Kitô hữu chúng ta được mời gọi bước theo những dấu chân của Chúa Giêsu và vững mạnh trong cuộc chiến đấu thiêng liêng, để với sức mạnh của Lời Chúa mà chống lại thần dữ… Để làm được điều đó, chúng ta cần thường xuyên đọc Kinh Thánh, suy niệm Lời Chúa và sống Lời Chúa… Thực tế, nếu Lời Thiên Chúa luôn ở trong tâm hồn chúng ta, thì không có cám dỗ nào và không trở ngại nào có thể làm chúng ta lệch hướng khỏi con đường lành, và khi ấy chúng ta sẽ đánh bại những lời mời mọc của cái ác hàng ngày bủa vây chúng ta, chúng ta sẽ sống cuộc phục sinh trong Chúa, chúng ta sẽ biết đón nhận và yêu thương anh chị em của mình hơn, nhất là những người dễ bị tổn thương và những ai thiếu thốn, ngay cả chúng ta có thể yêu thương kẻ thù của mình.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha đọc kinh Truyền Tin và ban Phép Lành Tòa Thánh cho mọi người.

- ĐTC tiếp tục truyền thống của các vị tiền nhiệm, gặp gỡ các cha sở Giáo phận Roma sau lễ tro.

Trong cuộc gặp gỡ khoảng 800 cha sở trong giáo phận Roma sáng ngày 2-3-2017 tại Đền thờ Thánh Gioan Laterno, ĐTC khích lệ các vị vượt thắng những khó khăn và cám dỗ để tăng trưởng trong đức tin.

Trong bài suy niệm về đề tài: “Sự tăng trưởng đức tin trong đời sống linh mục”, ĐTC nhận xét rằng cám dỗ là điều vẫn luôn hiện diện trong đời sống của Simon Phêrô. Thánh nhân đích thân tỏ cho chúng ta thấy cách thức tiến triển trong đức tin qua việc tuyên xưng và để cho mình bị thử thách, và qua đó cả tội lỗi cũng đi vào sự tiến bộ của đức tin. ĐTC nói: “Phêrô đã phạm tội nặng nề là chối Chúa - vậy mà Chúa chọn Phêrô làm Giáo Hoàng. Điều quan trọng đối với một linh mục là biết đưa những cám dỗ và tội lỗi của mình vào trong khuôn khổ kinh nguyện của Chúa Giêsu để đức tin của chúng ta không bị suy yếu, nhưng trưởng thành và giúp củng cố đức tin của những người được ủy thác cho sự chăm sóc của linh mục”.

Theo chiều hướng trên đây, ĐTC mời gọi các linh mục hãy tránh thái độ chủ bại: “Cảm thức thất bại làm cho chúng ta trở thành những người bi quan, bất mãn, và không hăng say phấn khởi … Đó là một trong những cám dỗ nghiêm trọng nhất…” ĐTC nói: “Tôi thích lập lại rằng một linh mục hoặc một giám mục không cảm thấy mình là người tội lỗi, không xưng thú, mà chỉ khép kín co cụm vào mình, thì không tiến triển trong đức tin. Nhưng cần chú ý làm sao để sự xưng tội và phân định những cám dỗ của mình bao gồm và để ý tới ý hướng mục vụ mà Chúa muốn mang cho các vị”.

- Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội nghị quốc tế về thánh nhạc.

ĐTC khuyến khích các chuyên gia về thánh nhạc giúp cộng đoàn phụng vụ và dân Chúa tích cực tham dự vào mầu nhiệm Thiên Chúa.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 4-3-2017 dành cho 400 tham dự viên Hội nghị quốc tế về chủ đề: “Âm nhạc và Giáo Hội: việc phụng tự và văn hóa 50 năm từ sau Huấn Thị về Thánh Nhạc”. Hội nghị do Hội đồng Tòa Thánh về Văn hóa, Bộ giáo dục Công Giáo, Giáo Hoàng Học viện về Thánh Nhạc và Giáo Hoàng Học viện về phụng vụ thuộc trường thánh Anselmo ở Roma cùng tổ chức.

Trong bài huấn dụ, ĐTC đề cao tính chất thời sự của Huấn Thị này, trong đó có nêu bật tầm quan trọng sự tham gia của toàn thể cộng đoàn tín hữu, một cách tích cực, ý thức và trọn vẹn, vào hoạt động phụng vụ. Trong ý hướng đó, ngài nhiệt liệt khuyến khích các chuyên gia về thánh nhạc, các vị ca trưởng các ca đoàn, ”hãy giúp cộng đoàn phụng vụ và Dân Chúa nhận thức và tham gia, với tất cả giác quan thể lý và tinh thần, vào mầu nhiệm Thiên Chúa. Thánh Nhạc và thánh ca phụng vụ có nghĩa vụ mang lại cho chúng ta ý nghĩa vinh danh Thiên Chúa, vẻ đẹp, sự thánh thiện bao trùm chúng ta như đám mây sáng ngời”

- Năm 2015 của Tòa Thánh năm bị thiếu hụt 12,4 triệu Euro.

Kết toán chi thu của Tòa Thánh trong năm 2015 bị thiếu hụt 12,4 triệu Euro, tức là giảm được hơn 1 nửa so với số thiếu hụt 25,8 triệu Euro trong năm 2014 trước đó. Năm 2013, Tòa Thánh bị thiếu hụt 24,4 triệu Euro.

Thông cáo do Bộ Kinh tế của Tòa Thánh công bố hôm 4-3-2017 cho biết số thu của Tòa thánh đến từ việc đầu tư, và có 24 triệu Euro do các giáo phận và dòng tu đóng góp theo khoản giáo luật số 1271. Ngoài ra có 50 triệu Euro do Viện Giáo Vụ, quen gọi là Ngân hàng Vatican đóng góp.

Giống như những năm trước đây, phần lớn số chi của Tòa Thánh là để trả lương cho các nhân viên.

Ngoài ra, trong năm 2015, kết toán chi thu của Phủ Thống đốc Quốc gia thành Vatican dư được gần 60 triệu Euro (59,9), phần lớn từ Bảo tàng viện Vatican.

Kết toán chi thu của Tòa Thánh nay bắt đầu được thực hiện theo các nguyên tắc kế toán quốc tế.

- Mễ Du: Đức Giám Mục của giáo phận sở tại phủ nhận về các cuộc hiện ra liên quan tới Đức Mẹ.

Hôm thứ Hai 27-2-2017, ĐGM Ratko Peric của Giáo phận Mostar-Duvno (Nam Tư cũ) đã ban hành một tuyên bố nói rằng Đức Trinh Nữ Maria chưa bao giờ hiện ra tại Mễ Du (Međugorje), và thêm rằng những cuộc hiện ra đang được ghi nhận chỉ là một hình thức thêm thắt của những thị nhân và linh mục đang làm việc ở đó.

Đức Cha Peric, GM bản quyền của Mễ Du nói, "Khi xem xét tất cả mọi thứ mà tòa án của giáo phận cho đến nay đã điều nghiên được về bảy ngày đầu tiên của cuộc hiện ra ấy, chúng tôi có thể nói rằng: không hề có những cuộc hiện ra nào của Đức Mẹ tại Mễ Du",

Đức Cha Peric cũng lưu ý rằng Giáo Hội đã nhiều lần điều tra về hiện tượng này, bắt đầu từ đầu đầu thập niên 1980 và đã kết thúc qua một ủy ban do Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI thành lập hồi năm 2010, cũng như các quan điểm mà Bộ Giáo Lý Đức Tin đưa ra vào năm 2016. "Quan điểm của tòa án giáo phận rõ ràng và dứt khoát là: không hề có sự hiện ra đáng tin cậy nào liên quan đến Đức Trinh Nữ Maria" tại Mễ Du.

- Đức Tổng Giám mục của Giáo Hội Maronite Syria cho hay: Mùa Chay này thật thê lương cho các Giáo Hội Syria vì nhiều linh mục đã phải di tản.

Các Kitô hữu tại Syria đang chuẩn bị để sống một "Mùa Chay Thê Lương", và giữa nhiều yếu tố đưa tới sự thê lương đau khổ và buồn đau cho các Giáo Hội của Syria là có nhiều linh mục phải di tản vì chiến tranh, khiến nhiều tín hữu không còn cơ hội tham dự các nghi lễ phụng vụ nữa. Đây là những điểm mà Đức Tổng Giám mục Samir Nassar, Thượng phụ của Giáo Hội Maronites ở Damascus, đề cập tới trong lá thư mục vụ Mùa Chay của Ngài.

Trong bức thư gửi cho Thông tấn xã Fides, Đức Tổng giám mục Samir cho hay "Các giáo xứ đã thấy rõ số lượng giáo dân xút giảm và hoạt động mục vụ trống trải đáng kể. Giáo Hội tại Damascus đã chứng kiến sự ra đi của một phần ba hàng giáo sĩ của họ (27 linh mục). Đây là lý do chính làm suy yếu vị trí và vai trò của các Kitô hữu vốn đã bị coi là thiểu số mà nay lại bị suy giảm vì tình trạng thiếu linh mục.

Chính trong trạng thái bi thương và túng nghèo này, Đức Tổng Giám Mục Nassar nói, Mùa Chay 2017 thê lương này là thời gian sa mạc để mỗi Kitô đưa ra một mối cam kết đối với Giáo Hội, đề ra con đường dẫn tới Chúa Kitô phục sinh. Chúa Kitô là Ánh Sáng của thế gian đã mời gọi tất cả mọi người bất luận nam nữ: "Hãy đến với Ta, tất cả những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, và Ta sẽ cho các ngươi được an vui thảnh thơi".

- Đức Hồng Y Mueller bác bỏ lời trách cứ của bà Marie Collins.

ĐHY Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, bác bỏ lời trách cứ của bà Marie Collins, và một số người khác cho rằng các cơ quan Tòa Thánh không hỗ trợ công việc của Ủy ban Tòa Thánh Bảo Vệ Trẻ Em.

Hôm 1-3-2017, bà Marie Collins, người Ai Len, từng là nạn nhân bị 1 LM lạm dụng hồi năm 1960, đã từ chức thành viên Ủy ban Tòa Thánh Bảo Vệ Trẻ Em. Trong nhiều cuộc phỏng vấn sau đó, bà cho biết lý do khiến bà từ chức vì sự thiếu cộng tác của nhiều cơ quan Tòa Thánh với Ủy ban này, trong đó có Bộ giáo lý đức tin. Tòa Thánh thiếu quyết liệt trong việc xử lý những kẻ lạm dụng tính dục trẻ em.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ Frankfurt toàn báo (Frankfuter Allgemeine Zeitung) số ra ngày 3-3-2017, ĐHY Mueller nói: “Cần phải hiểu rằng Tòa Thánh không đưa ra những bản án như tòa đời. Trong Giáo Hội, hình phạt là giới hạn các chức vụ thiêng liêng và án phạt nặng nhất là sa thải khỏi hàng giáo sĩ. Ngoài ra, hình luật của mỗi nước đều có thể áp dụng cho các giáo sĩ. Tòa án đời có thể phạt tù tội nhân. Biện pháp trừng phạt của Giáo Hội có thể được coi là bổ túc, như một biện pháp kỷ luật…”

ĐHY Mueller nhìn nhận rằng đối với Giáo Hội không dễ phân tích những sự kinh khủng và không thể tưởng tượng được như nạn lạm dụng tính dục.” Các GM chúng tôi có khi là những người thơ ngây, tin tưởng nơi sự tốt lành. Chúng tôi không học về tội phạm học. Về vấn đề này Giáo Hội còn đang ở trong một tiến trình học hỏi.

- Hai học giả phò phụ nữ tranh luận về vai trò phụ nữ trong Giáo Hội Công Giáo.

Theo tin của Catholic News Agency ngày 27-2-2017, Erika Bachiochi, một học giả tại Trung Tâm Đạo Đức Học và Chính Sách Công, và Tiến Sĩ Mary Anne Case, giáo sư luật tại Đại Học Chicago, đã có cuộc tranh luận sôi nổi về vai trò phụ nữ trong Giáo Hội Công Giáo tại Cuộc Tranh Luận Lớn Lần Thứ Mười của Viện Aquinas về Tư Tưởng Công Giáo, tổ chức tại Boulder, Colorado, ngày 23 tháng Hai năm 2017.

Hai học giả phụ nữ này hoàn toàn bất đồng về câu hỏi chính: “Giáo Hội có chống phụ nữ không?” Bà Case trả lời có, còn bà Bachiochi thì trả lời không.

Đối với Erika Bachiochi, Giáo Hội Công Giáo có thể cung cấp một nền thần học phò phụ nữ chân chính, không những che chở và bảo vệ tư thế của bà như một người phò phụ nữ mà còn thăng tiến khả năng của bà trong mọi khía cạnh của đời sống. Tiến Sĩ Mary Anne Case nghĩ khác. Bà tin rằng dù phong trào Công Giáo phò phụ nữ có hiện hữu, nhưng Giáo Hội Công Giáo định chế, tức Vatican và Huấn Quyền, thì rõ ràng chống lại phụ nữ.

Bà Case nói: “… Theo tôi, Giáo Hội đã làm chúng ta thất vọng, và tôi nghĩ Giáo Hội tương đối mới làm chúng ta thất vọng gần đây thôi. Giáo Hội tiên khởi không hề chống phụ nữ. Các sách Tin Mừng không chống phụ nữ”. Tuy nhiên, theo bà Case, khi dứt khoát nói “không” với việc phong linh mục cho phụ nữ hồi thập niên 1970, Giáo Hội đã đóng sập cửa đối với nửa dân số trong Giáo Hội. Trong 50 năm vừa qua, bà Case tin rằng Giáo Hội đã bác bỏ ý niệm đàn ông và đàn bà bình đẳng với nhau… Bà cho rằng đặt để các đặc điểm hay vai trò lên từng phái tính là bác bỏ sự bình đẳng của họ.

Lên tiếng trả lời, Bachiochi nói rằng: “giáo huấn giáo hoàng bác bỏ quan điểm có tính duy yếu tính cho rằng đàn ông và đàn bà sở hữu các đặc điểm cố định hoàn toàn loại bỏ nhau”. Tính dục không lấy mất sự bình đẳng giữa người đàn ông và người đàn bà, nó đơn thuần chỉ làm họ khác biệt mà thôi.

Bà Bachiochi đồng ý với Case về một số bình diện, trong đó có việc nên có nhiều tiếng nói của phụ nữ hơn trong Giáo Hội. Tuy nhiên, các dị biệt đáng kể nhất giữa hai học giả này là về các giáo sĩ và giáo huấn về tính dục. Trong khi bà Case cho rằng phụ nữ có thể và nên được thụ phong làm linh mục Công Giáo, thì bà Bachiochi cho rằng ý niệm thụ phong này nặc mùi chủ nghĩa duy giáo sĩ. Bà nói: “là một Kitô hữu đã chịu phép rửa, tôi đâu có kém thế giá gì hơn các linh mục. Linh mục có thế giá thay mặt cho Chúa Kitô trong các bí tích, còn tôi, tôi có thế giá thay mặt cho Người ở mọi lãnh vực khác trong đời tôi”.

- Giáo Hội Công Giáo Bangladesh chống luật mới về hôn nhân vị thành niên

Dhaka - Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Bangladesh mạnh mẽ lên án luật mới về hôn nhân vị thành niên, được chính quyền Dhaka phê chuẩn hôm 27-2-2017.

Đức Cha Gervas Rozario, GM của Rajshah, chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình nói với hãng tin Á châu: Quốc hội đã sai lầm nghiêm trọng khi phê duyệt luật “Hạn chế Hôn nhân vị thành niên năm 2017”, với một điều khoản cho phép hôn nhân trong một số hoàn cảnh đặc biệt, như “có thai vô tình và bất hợp pháp” để “cứu danh dự một cô gái”.

Luật mới cho phép độ tuổi kết hôn của nam giới là từ 21 tuổi và nữ giới từ 18. Tuy vậy, các nhà hoạt động than phiền về điều khoản “những hoàn cảnh đặc biệt”, thực tế là hợp pháp hóa hôn nhân của các bé gái có thai vì bạo lực tình dục. Đức Cha Rozario cũng đồng ý với họ, ngài lưu ý: “Bangladesh là một quốc gia tham nhũng. Bây giờ nhiều người coi sóc có thể sắp xếp những cuộc hôn nhân trẻ em. Cảnh sát và các nhà hoạt động không thể ngăn cản được.” Đức Cha cho biết là Giáo Hội Công Giáo sẽ không theo luật mới và vẫn tiếp tục chấp nhận giới hạn tuổi kết hôn là từ 21 cho người nam và 18 cho nữ giới.

Các con số thống kê chính thức cho thấy là Bangladesh có tỉ số cô dâu và chú rể dưới tuổi kết hôn cao nhất ở Á châu. Khoảng 52% cô dâu dưới 18 tuổi và 18% dưới 15 tuổi.

- 31000 nạn nhân đói ở Nam Sudan, khoảng nửa số phải chạy qua nước cựu thù Sudan.

Theo tin từ Khartoum, Sudan, thì khoảng một nửa số người tị nạn cuả Nam Sudan đã đến Sudan trong hai tháng qua. Căn cứ vào số liệu chính thức cuả văn phòng cao ủy Liên Hiệp Quốc cho người tị nạn (UNHCR) thì đã có thêm 31.000 người Nam Sudan phải bỏ nhà ra đi vì nạn đói và xung đột.

Chính phủ cuả Nam Sudan và Liên Hiệp Quốc, trong một công bố chính thức về nạn đói vào ngày 20 tháng 2, cho biết tình hình là đặc biệt nghiêm trọng tại một số khu vực của tiểu bang Unity. Trong số những nạn nhân mới được phát hiện ra thì có hơn 80% chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, trong đó có khá nhiều trẻ mồ côi hoặc bị đi lạc. Những người này cần được cứu trợ một cách khẩn cấp.

Đại diện của đảng cầm quyền Umma của Sudan đã kêu gọi cư dân trong các vùng biên giới hãy tiếp nhận những người tị nạn. Nhiều tổ chức từ thiện của Sudan, được công nhận bởi nhà nước, đã kêu gọi lạc quyên đề cung cấp viện trợ cho Nam Sudan. Theo văn phòng cao ủy Liên Hiệp Quốc UNHCR, thì kể từ khi cuộc nội chiến bùng nổ, đã có gần 330.000 người Nam Sudan phải đi tị nạn vì chiến tranh và thiếu thốn thực phẩm.