Bài Giảng III Mùa Chay của Lm Raniero Cantalamessa

Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta vào mầu nhiệm tử nạn của Chúa Kitô

1- Chúa Thánh Thần trong mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô

Trong hai bài suy niệm trước chúng ta đã cố gắng chỉ cho thấy Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta như thế nào vào “sự viên mãn của chân lý” về con người Chúa Kitô, khi làm cho Người được nhận biết như là “Chúa” và như là “Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật.” Trong những suy niệm còn lại chúng ta sẽ thay đổi chú ý từ con người của Chúa Kitô tới công trình của Chúa Kitô, từ hữu thể tới hành vi của Người. Chúng ta sẽ cố gắng minh chứng Chúa Thánh Thần chiếu sáng như thế nào trong mầu nhiệm vượt qua.

Khi vừa mới công bố chương trình cho những bài giảng Mùa Chay, tôi được hỏi câu hỏi này trong một cuộc phỏng vấn từ báo L’Osservatore Romano: “Những suy niệm của cha sẽ có tính thời sự như thế nào?” Tôi trả lời rằng nếu “tính thời sự” liên hệ tới những biến cố và những hoàn cảnh đương thời, tôi sợ rằng có lẽ có rất ít điều đó trong những bài giảng Mùa Chay. Nhưng, theo ý của tôi, “tính thời sự” (current) không chỉ hiểu “là những gì đang xảy ra” và nó không phải là một từ đồng nghĩa với từ “gần đây” (recent). Những điều “có tính thời sự” nhất là những điều vĩnh cữu, những điều đụng chạm tới con người trong sâu thẳm nhất của nó ở mọi thời và mọi nền văn hóa. Đây cũng chính là sự phân biệt giữa “khẩn thiết” (urgent) và “quan trọng” (important). Chúng ta luôn luôn bị cám dỗ đặt điều khẩn thiết trước điều quan trọng và đặt “tính thời sự” trước “điều vĩnh cữu.” Đây là khuynh hướng mà tốc độ nhanh chóng của truyền thông và nhu cầu về sự mới mẻ của truyền thông ngày hôm nay mang lại đặc biệt mau lẹ.

Điều gì quan trọng và thời sự đối với người tín hữu, và với mọi người nam người nữ, hơn là biết rằng cuộc sống này có ý nghĩa hay không, nếu cái chết là kết thúc mọi sự, hay ngược lại, nếu cái chết là bắt đầu một cuộc sống đích thực chăng? Mầu nhiệm vượt qua của cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô là câu trả lời duy nhất cho những câu hỏi này. Sự khác biệt tồn tại giữa tính thời sự này và những thông tin của truyền thông thì tương tự như sự khác biệt giữa một người dùng thời gian quan sát một hình thù mà con sóng để lại trên bờ biển (mà con sóng sau đó xóa tan!) và với một người nâng cao tầm nhìn mình để chiêm ngưỡng sự mênh mông của biển cả.

Với ý thức điều đó giờ đây chúng ta hãy suy niệm về mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô, bắt đầu từ cái chết trên thập giá của Người.

Thư gửi tín hữu Do Thái nói rằng Chúa Kitô “nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa” (Dt 9,14). “Thánh Thần hằng hữu” là cách thức khác để nói về Chúa Thánh Thần, mà nhiều bản văn cổ đã dùng. Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu, như là con người, đã đón nhận từ Chúa Thánh Thần ở trong Người sức mạnh để dâng chính mình làm của lễ cho Chúa Cha cũng như sức mạnh nâng đỡ Người trong suốt cuộc khổ nạn. Phụng vụ diễn tả sự xác tín này trong lời cầu nguyện trước lúc hiệp lễ, khi linh mục nói: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, theo thánh ý Chúa Cha và nhờ Chúa Thánh Thần hợp tác, Chúa đã chết cho thế gian được sống, xin Mình và Máu Thánh Chúa đây cứu con khỏi mọi tội lỗi và mọi sự dữ…”

Năng động tương tự đã diễn ra trong hiến lễ đồng thời cũng diễn ra trong lời cầu nguyện. Một ngày kia Chúa Giêsu “hoan lạc trong Thần Khí và nói: “Lạy Cha, con ngợi khen Cha, Chúa trời đất…” (Lc 10,21). Chính Chúa Thánh Thần là Đấng làm cho lời cầu nguyện trào dâng trong Người, và chính Chúa Thánh Thần là Đấng thúc đẩy Người hiến mình cho Chúa Cha. Chúa Thánh Thần là quà tặng vĩnh cửu mà Chúa Con hiến trao cho Chúa Cha từ đời đời, cũng là Đấng thúc đẩy Người trở thành quà tặng hy sinh chính mình cho Chúa vì lợi ích của chúng ta trong thời gian.

Sự liên kết giữa Chúa Thánh Thần và cái chết của Chúa Giêsu trước tiên được làm sáng tỏ trong Tin Mừng thánh Gioan. “Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Kitô chưa được tôn vinh (Ga 7,39). Tác giả Tin Mừng chú thích liên quan đến lời hứa về nước hằng sống. Nghĩa là theo ý nghĩa của “sự vinh hiển” trong Gioan, Chúa Giêsu (đã) chưa được nâng lên thập giá. Chúa Giêsu “trao thần khí” (Mt 27,50) trên thập giá, tượng trưng cho nước và máu; Quả thật Gioan viết trong thư Thứ Nhất: “Có ba chứng tá, Thần Khí, nước và máu” (1 Ga 5,8).

Chúa Thánh Thần đưa Chúa Giêsu lên thập giá và từ thập giá Chúa Giêsu ban Thánh Thần. Tại lúc Người sinh ra và cách công khai lúc chịu phép rửa, Chúa Thánh Thần được ban cho Chúa Giêsu; tại lúc Người chết, Chúa Giêsu ban Thánh Thần. Phêrô nói với đám đông tập họp trong ngày lễ Ngũ Tuần: “Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống: đó là điều anh em đang thấy đang nghe” (Cv 2,33). Các Giáo Phụ của Giáo Hội thích làm sáng tỏ sự tương hỗ này. Thánh Ignatiô thành Antiochia nói: “Chúa đã nhận sự xức dầu (myron) trên đầu, để thổi sự bất tử trên Hội Thánh.” (1)

Theo nghĩa này chúng ta cần nhớ lại lời nhận định của thánh Augustinô liên quan đến bản tính của các mầu nhiệm trong Chúa Kitô. Theo ngài, có một sự cử hành đích thực của một mầu nhiệm, và không chỉ theo cách thức của kỷ niệm “khi không chỉ tưởng nhớ một biến cố, nhưng là làm cho mình tham dự vào biến cố mà chúng ta hiểu ý nghĩa của nó vì chúng ta và đón nhận nó một cách thánh thiện.” (2) Và đây là điều mà chúng ta sẽ làm trong suy niệm này, được hướng dẫn bởi Thánh Thần: hãy tìm hiểu xem cái chết của Chúa Kitô có ý nghĩa gì đối với chúng ta, cái chết này đã thay đổi điều gì liên quan đến các chết chúng ta.

2- Một người chết vì tất cả

Kinh Tinh Kính của Giáo Hội kết thúc bằng những lời này: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau.” Nó không đề cập đến điều sẽ xảy ra trước sự sống lại và đời sống vĩnh cửu, là cái chết. Đúng như thế, bởi vì, cái chết không phải là đối tượng của đức tin, nhưng thuộc kinh nghiệm của chúng ta. Tuy nhiên, sự chết liên hệ quá gần gũi với chúng ta làm cho chúng ta qua đi trong thinh lặng.

Để định giá sự thay đổi mà Chúa Kitô mang lại liên quan đến cái chết, chúng ta hãy nhìn xem đâu là những phương thuốc mà con người đã tìm kiếm cho vấn đề sự chết, và tại sao nó là những điều mà cả ngày hôm nay con người còn tìm kiếm để “an ủi mình.” Cái chết là vấn đề số một của con người. Thánh Augustinô đã tiên đoán những suy tư triết học đương thời về cái chết:

“Khi một đứa trẻ được sinh ra có nhiều sự suy đoán. Có lẽ nó sẽ đẹp trai, có lẽ nó xấu; có lẽ nó giàu có, hoặc có lẽ nó nghèo; có lẽ nó trở thành to lớn, có lẽ nó không. Nhưng không ai nói: Có lẽ nó sẽ chết, có lẽ nó không chết. Chết là điều tuyệt đối chắc chắn trong đời sống. Khi chúng ta biết rằng ai đó bị phù ra (đây là một bệnh không thể chữa lúc đó, như ngày nay có những bệnh khác), chúng ta nói: “Tội nghiệp người bạn, anh ấy sắp chết; anh ấy bị kết án cho đến chết; không có cứu được.” Chúng ta không phải nói tương tự như thế về bất cứ ai được sinh ra chăng? “Tội nghiệp cho người bạn, anh ấy phải chết; không còn cách cứu chữa; anh ấy bị kết án cho đến chết!” Anh tạo ra sự khác biệt nào nếu anh có một chuỗi thời gian dài hơn hoặc một thời gian ngắn ngủi hơn để sống? Cái chết là căn bệnh không tránh khỏi mà chúng ta mắc phải vì có sinh thì có tử.” (3)

Có lẽ tốt hơn khi nghĩ về đời sống chúng ta như là “một cuộc sống phải chết”, chúng ta nên suy nghĩ về nó như là “một cái chết sống động” (4), một cuộc sống đang chết. Tư tưởng này của Augustinô được đón nhận theo một quan điểm thế tục do Martin Heidegger, người biến cái chết trong phạm vi của nó, thành một chủ đề cho triết học. Khi định nghĩa sự sống và hữu thể con người như là một “hữu thể - hướng về - cái chết”, ông nhìn thấy cái chết không phải là một biến cố đưa sự sống tới tận cùng nhưng như là một bản chất của đời sống, nghĩa là, như một cách thế mà sự sống bày tỏ. Sống là để chết. Mỗi giây phút mà chúng ta sống là điều gì đó bị tiêu hao, bị bớt sự sống và phải phó nộp cho cái chết. (5) “Sống để chết” có nghĩa chết không chỉ là kết thúc nhưng cũng là mục đích của sống. Một người sinh ra để chết và không vì điều gì khác nữa. Chúng ta đến từ hư không và trở về từ hư không. Hư không như thế là một khả năng duy nhất của con người.

Đây là sự đảo ngược tận căn nhất của cái nhìn Kitô giáo, bởi lẽ, Kitô giáo nhìn hữu thể con người như là “hữu thể vì sự vĩnh cữu.” Tuy nhiên, khẳng định mà triết học đạt được sau những suy tư lâu dài về hữu thể con người không phải là xấu hổ và vô lý. Triết học đơn thuần làm công việc của mình; nó cho thấy định mệnh nào của con người để lại cho chính mình. Nó giúp chúng ta hiểu sự khác biệt mà đức tin trong Chúa Kitô làm.

Hơn cả triết học, có lẽ đó là một nhà thơ đã nói những từ ngữ đúng đắn và đơn giản nhất của sự khôn ngoan về cái chết. Một trong số họ, Giuseppe Ungaretti, khi nói về thái độ của những người lính dưới hầm chiến đấu trong cuộc Chiến Thế giới I, đã mô tả tình trạng của mỗi con người khi đối diện với sự chết:
“Họ đứng giống / như lá trên cây / vào mùa thu.” (6)

Chính Kinh Thánh trong Cựu Ước không có một câu trả lời rõ ràng nào về cái chết. Các sách Khôn Ngoan nói về cái chết nhưng luôn từ lập trường của một vấn nạn hơn là một câu trả lời. Sách Gióp, Thánh Vịnh, Giảng Viên, Huấn Ca, Khôn Ngoan – tất cả những sách này dành chỗ đáng kể cho chủ đề chết. “Xin dạy chúng con đếm những ngày mình sống ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan,” một Thánh Vịnh nói như thế (Tv 90,12). Tại sao chúng ta được sinh ra? Tại sao chúng ta lại chết? Chúng ta đi về đâu khi chúng ta chết? Đây là những câu hỏi không có câu trả lời đối với các bậc hiền nhân Cựu Ước ngoại trừ điều này: Thiên Chúa muốn như vậy; sẽ có phán xét cho mỗi người.

Kinh Thánh quy chiếu những ý kiến bất an của những người không tin thời đó: “Đời ta thật buồn sầu, vắn vỏi: không thuốc nào chữa cho con người khỏi chết, chẳng ai biết có kẻ nào thoát được cõi âm ty. Bởi ngẫu nhiên ta đã ra đời, rồi lại như chưa hề có mặt (Kn 2,1-2). Chỉ trong sách Khôn Ngoan này, là cuốn sách cuối thuộc văn chương khôn ngoan Kinh Thánh, cái chết bắt đầu được soi sáng bởi ý tưởng về sự thưởng phạt nào đó sau cái chết. Họ nghĩ rằng: “Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, dẫu họ không biết chính xác điều đó có nghĩa là gì (Kn 3,1). Điều này thật chí lý trong một câu của Thánh Vịnh mà chúng ta đọc: “Đối với Chúa thật là đắt giá cái chết của những ai trung hiếu với Người” (Tv 116,15). Nhưng chúng ta không thể trông cậy quá nhiều vào câu này vốn đã được trích dẫn nhiều, bởi vì ý nghĩa của nó có lẽ muốn nói một điều khác: Thiên Chúa trả giá đắt vì cái chết của người công chính, nghĩa là Người báo thù cho họ và thưởng công cho họ.

Con người đã phản ứng như thế nào trước sự cần thiết ác nghiệt của cái chết? Câu trả lời tùy tiện không giúp suy tư về nó và không biết được ý nghĩa đời mình. Đối với Epicurus, chẳng hạn, chết thì không quan trọng, ông nói: “Khi nào tôi còn hiện hữu, cái chết không có và bất cứ lúc nào nó có, thì chúng ta không hiện hữu.” (7) Vì thế, chết không phải thực sự làm chúng ta lo lắng. Lối tiếp cận này muốn xua đuổi cái chết cũng được tìm thấy trong lề luật của bộ luật Napoleon khi quy định đặt những nghĩa trang ở ngoài biên giới thành phố.

Con người cũng muốn bám lấy những phương thuốc tích cực. Mỗi người trên thế giới đều muốn có con cái và tiếp tục sống qua các hậu duệ của mình. Những người khác đang sống nhờ sự nổi tiếng: “Tôi sẽ không chết hoàn toàn” (“non omnis moriar”), nhà thơ La Mã Horace nói như thế, bởi vì “sự nổi tiếng của tôi sẽ là màu xanh và lớn lên. Dài hơn cả đồ đồng đồ thiếc, là tượng đài mà tôi đã làm nên.” (8) Trong chủ nghĩa Marxism, một người sống sót nhờ xã hội tương lai, không như một cá nhân nhưng là một tập thể.

Một cách thế khác của những phương thuốc “giảm đau” này là quan niệm luân hồi. Nhưng đây là một sự điên rồ. Những người tuyên xưng học thuyết này như là một phần không thể thiếu của văn hóa và tôn giáo họ, nghĩa là những người biết rõ luân hồi là cái gì, họ biết rằng đây không phải là một phương thuốc hoặc một sự an ủi nhưng là một hình phạt. Nó không làm một sự kéo dài của đời sống vì niềm vui sướng nhưng là một sự thanh tẩy. Một linh hồn được tái nhập thể bởi vì nó còn có điều gì đó để chuộc lỗi và nếu một người phải đền tội, thì người đó sẽ phải đau khổ. Lời Chúa phá tan tất cả những lối ẩn trốn ảo tưởng này: “Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét” (Dt 9,27). Chỉ một lần duy nhất! Học thuyết về sự luân hồi không thể phù hợp với đức tin của các Kitô hữu.

Có những phương thuốc khác đã xuất hiện trong thời đại chúng ta. Một phong trào quốc tế được gọi là “transhumanism – chuyển đổi con người” xuất hiện. Nó có nhiều mặt, không phải tất cả đều tiêu cực, nhưng trung tâm điểm của nó là xác tín rằng tập thể con người, nhờ tiến bộ của công nghệ, từ đây đã đạt tới một sự vượt trội tận căn trên chính mình, để có thể sống hàng thế kỷ hoặc có lẽ là trường tồn! Theo một người trong số những đại diện nổi tiếng nhất của phong trào, ông Zoltan Istvan, mục đích tối hậu sẽ là “trở thành giống Thiên Chúa và chiến thắng cái chết.” Một người tín hữu Do Thái hoặc Kitô hữu không thể không lập tức nghĩ rằng những lời tương tự tại lúc khởi đầu lịch sử nhân loại: “Các ngươi sẽ không chết… các ngươi sẽ giống Thiên Chúa (St 3,4-5), mà kết quả của nó chúng ta đã biết.

3- Tử thần đã bị chôn vùi nhờ chiến thắng

Chỉ có một phương thuốc thực sự hiệu nghiệm đối với cái chết, và nếu chúng ta không tuyên xưng bằng lời nói và cuộc sống, thì chúng ta, những Kitô hữu, đang lừa dối thế giới. Chúng ta hãy nghe thánh Phaolô loan báo như thế nào về sự thay đổi này cho thế giới: “Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người… Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã, mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, lại còn lớn lao hơn biết mấy” (Rm 5,15-17).

Chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết được miêu tả với những lời rất ấn tượng trong thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrintô:
“Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng! Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của người? Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật. Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1 Cr 15,54-57).

Nhân tố quyết định xảy ra tại giây phút của cái chết Chúa Kitô: “Người chết vì mọi người” (2 Cr 5,15). Nhưng điều gì có tính quyết định như vậy mà tại giây phút đó đã thay đổi bản chất của cái chết? Chúng ta có thể trình bày nó bằng hình ảnh như thế này. Con Thiên Chúa xuống trong mồ, giống như một nhà tù tăm tối, nhưng khi Người đi ra thì hoàn toàn ngược lại. Người không còn quay lại nơi Người đã vào, như Ladarô đã làm và như thế phải chết lần nữa. Không, Người mở ra một lỗ ở phía đối diện nhờ đó mà những ai tin vào Người có thể đi theo Người.

Một giáo phụ thời xưa viết: “Người gánh trên mình đau khổ con người, đau khổ trong thể xác có thể chịu đựng, nhưng nhờ Thần Khí mà Người không thể chết, Người xoay chuyển sự chết thành sự sống và mở ra một con đường cho chúng ta là những người tin vào sự phục sinh để chúng ta có thể vượt qua cái chết tới sự sống.” (9) Thánh Augustinô nói: “Nhờ cuộc khổ nạn của Người, Chúa chúng ta đã đi từ cái chết tới sự sống và đã mở một con đường cho chúng ta những người tin vào sự sống lại của Người rằng chúng ta cũng có thể vượt qua cái chết để tới sự sống.” (10) Cái chết trở thành một hành lang, và đây là một hành lang cho điều không phải qua đi! Thánh Gioan Kim Khẩu nói rất hay về điều này:

“Quả thật, chúng ta phải chết trước, nhưng chúng ta không ở trong sự chết: nó không phải là chết. Vì quyền lực và sức mạnh đích thực của cái chết chỉ là điều này: một người chết không còn khả năng trở lại với sự sống. Nhưng sau khi chết, nó đón nhận sự sống mới, và đây là một sự sống tốt hơn, đây không phải là chết, nhưng là đang yên nghỉ.” (11)

Tất cả những cách thế này diễn tả ý nghĩa cái chết Chúa Kitô là thật, nhưng chúng không cho chúng ta sự giải thích sâu sắc hơn. Một cách thế này được tìm thấy trong những gì Chúa Kitô đã đến, nhờ cái chết của mình, để mang cho điều kiện nhân loại nhiều hơn cả những gì Người đến để xóa bỏ: Đó là tình yêu Thiên Chúa, chứ không phải là tội lỗi con người. Nếu Chúa Giêsu chịu đau khổ và chết bằng cái chết tức tưởi vì sự thù ghét, Người đã không đi vào cái chết cách đơn thuần để trả một món nợ không thể trả của con người mắc nợ (món nợ 10,000 yến trong dụ ngôn được tha bởi nhà vua!); Người chết trên thập giá để sự đau khổ và sự chết của con người sẽ được ở trong tình yêu!

Con người bị kết án với một cái chết vô lý, nhưng khi đi vào cái chết, con người khám phá rằng bây giờ cái chết đã được thấm nhuần bởi tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu có thể không miễn trừ cái chết, vì tự do của con người: tình yêu của Thiên Chúa không xóa bỏ thực tại bi thương của tội lỗi và sự chết với một cú đánh của cây đũa thần diệu. Tình yêu của Người phải để cho đau khổ và cái chết nói lên tiếng nói của mình. Nhưng từ khi tình yêu thấm nhập sự chết và đổ đầy bằng sự hiện diện thần linh, tình yêu bây giờ là tiếng nói cuối cùng.

4- Điều gì đã thay đổi sự chết

Vậy điều gì đã thay đổi liên quan đến cái chết vì Chúa Giêsu? Không có gì cả và tất cả! Không gì cả đối với lý trí chúng ta, nhưng tất cả đối với đức tin. Sự cần thiết của việc đi vào trong nấm mồ đã không được thay đổi, nhưng giờ đây có khả năng thoát khỏi cái chết. Đây là điều mà bức tranh Icône Chính Thống về sự phục sinh minh chứng một cách mạnh mẽ, và chúng ta có thể thấy một giải thích hiện đại về nó bên trái bức tường của ngôi nhà nguyện Redemptoris Mater. Đấng Phục Sinh đi xuống ngục tổ tông và đưa Ađam và Evà đi lên với Người và đằng sau họ là tất cả những ai đang chờ Người trong địa ngục của thế giới này.

Điều này diễn tả thái độ nghịch lý của người tín hữu khi đối diện với cái chết, nó giống với thái độ của những người khác và cũng rất khác biệt. Thái độ đau buồn, sợ hãi, khiếp sợ, khi biết họ phải đi vào trong vực thẳm đen tối, nhưng còn là một thái độ của hy vọng khi biết họ có thể ra khỏi đó. “Để dù có buồn sầu vì số phận phải chết, chúng con cũng được an ủi, bởi Cha đã hứa ban phúc trường sinh bất diệt” (Lời Tiền Tụng I cầu cho các tín hữu qua đời). Thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu ở thành Thessalônica là những người đang khóc than cái chết của những thân nhân của họ.

“Về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng. Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu” (1 Tx 4,13-14).

Phaolô không yêu cầu họ đừng có buồn phiền vì cái chết của họ nhưng nói với họ “đừng có buồn phiền như những người khác buồn”, như những người vô đạo buồn. Cái chết không phải là chấm tận của đời sống đối với những ai tin nhưng là bắt đầu một đời sống thật; nghĩa là không phải một bước nhảy vào chỗ trống nhưng là một bước nhảy vào vĩnh cửu. Đó là một sự sinh ra và là một phép rửa. Đó là một sự sinh ra bởi vì chỉ khi đó sự sống thật mới bắt đầu, sự sống mà không dẫn tới cái chết nhưng kéo dài mãi mãi. Vì lý do này Giáo Hội không cử hành lễ các thánh vào ngày mà họ được sinh ra về thể lý, nhưng vào ngày họ được sinh ra ở trên trời, đó là “dies natalis – ngày sinh nhật” của họ. Sự nối kết giữa đời sống trần thế của đức tin và đời sống vĩnh cửu là tương tự với sự nối kết giữa đời sống của một bào thai trong dạ mẹ và đời sống của một đứa trẻ khi được sinh ra. Nicolas Cabasilas viết:

“Thế giới này cưu mang trong lòng con người nội tâm, con người mới, được tạo dựng giống Thiên Chúa, cho đến khi nó được biến đổi, tạo dựng và trở nên hoàn hảo, có lẽ nó không được sinh ra cho thế giới hoàn hảo này nếu không già cỗi đi. Theo cách thức của bào thai khi nó ở trong sự sống còn tăm tối và hay thay đổi, vì sự sống này mà nó được sinh ra…, tương tự như vậy trong đời sống của cách thánh.” (12)

Chết cũng là một phép rửa. Đó là điều mà Chúa Giêsu miêu tả về cái chết của mình như thế: “Tôi còn phải chịu một phép rửa nữa” (Lc 12,50). Thánh Phaolô nói về phép rửa như là được “mai táng với Người nhờ phép rửa là cái chết” (Rm 6,4). Trong thời cổ xưa, tại lúc rửa tội, một người được dìm mình hoàn toàn trong nước; tất cả mọi tội lỗi và bản tính sai lầm của họ được chôn vùi trong nước và người đó đi ra như một thụ tạo mới, tượng trưng bằng chiếc áo trắng họ mặc. Điều tương tự xảy ra trong cái chết: con sâu chết, con bướm được sinh ra. Thiên Chúa “sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau buồn nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,4). Tất cả những điều này bị chôn vùi mãi mãi.

Trong nhiều thế kỷ, đặc biệt từ thế kỷ thứ mười bảy trở đi, một khía cạnh quan trọng của việc khổ chế Công Giáo đó là “chuẩn bị cho cái chết” (13) nghĩa là, khi suy nhiệm về cái chết và về miêu tả cách trực quan về những giai đoạn khác nhau và tiến trình không thể thay đổi của nó từ bên ngoài thân thể đến con tim. Hầu hết tất cả sự miêu tả của các thánh trong giai đoạn này diễn tả chúng bằng một cái đầu lâu bên cạnh, cả thánh Phanxicô Assisi người đã gọi chết là “chị”.

Nhà hầm nguyện Dòng Capuncinô trên đường Veneto tiếp tục là một trong những sự thu hút khách du lịch ở Roma. Người ta không thể phủ nhận tất cả, điều này có thể thiết lập một lời kêu gọi vẫn còn hữu ích cho thời đại đã bị tục hóa và vô tâm như thời đại chúng ta. Điều này đặc biệt rất đúng nếu một người đọc lại lời nhắc nhở được viết ở trên một bộ xương: “Hôm nay anh, hôm qua chúng tôi, hôm nay chúng tôi, ngày mai anh.”

Tất cả điều này đã cho ai đó lý do để nói rằng Kitô giáo phát triển với sự sợ hãi của sự chết. Nhưng đây là một sai lầm kinh khủng. Kitô giáo như chúng ta thấy, không ở đây để gia tăng nỗi sợ hãi về cái chết nhưng là để xóa bỏ cái chết; thư Do Thái nói rằng Chúa Kitô đến để “giải phóng tất cả những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ” (Dt 2,15). Kitô giáo không phát triển nhờ tư tưởng về sự chết của chúng ta nhưng nhờ tư tưởng về cái chết của Chúa Kitô!
Vì điều này, nó còn hiệu nghiệm để suy ngắm về cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu, hơn là suy nhiệm về cái chết của chúng ta, và chúng ta cần nói rằng – phải tôn kính các thế hệ đi trước đã thường suy niệm như thế mỗi ngày trong tu đức của các thế kỷ qua. Đó là một sự suy niệm phát sinh cảm xúc và thái độ biết ơn, chứ không phải là sự lo sợ; nó làm cho chúng ta kêu lên giống như Tông Đồ Phaolô, Chúa Kitô “đã yêu tôi và đã hiến mình vì tôi!” (Gl 2,20).

Một “việc thực hành đạo đức” mà tôi muốn mời gọi mỗi người trong Mùa Chay là hãy cầm lấy Tin Mừng và đọc toàn bộ tường thuật về cuộc khổ nạn, một cách chậm rải và liên hệ đến chúng ta. Nó mất chưa đến nữa giờ. Tôi biết một người phụ nữ thông minh đã tuyên bố là một người vô thần. Một ngày kia bà tình cờ nhận được một tin trong những tin làm cho nhiều người ngất đi: đưa con gái lớn mười sáu tuổi của bà đã bị u xương. Họ đã mổ cho cô. Cô bé trở về từ phòng mổ với một bình nước chuyền và nhiều ống trên mình cô. Cô bé đang đau đớn kinh khủng và rên rỉ; cô không muốn nghe bất cứ lời an ủi nào.

Mẹ cô, khi biết đứa con mình là một người sốt sắng và đạo hạnh và nghĩ rằng phải làm hài lòng cô, nên đã hỏi: “Con có muốn mẹ đọc cho con điều gì từ Tin Mừng không? “Vâng, thưa mẹ.” “Con muốn mẹ đọc cho con điều gì?” “Hãy đọc cho con cuộc khổ nạn.” Người mẹ chưa bao giờ đọc một Tin Mừng, đã chạy đi mua một cuốn từ cha tuyên úy; bà ngồi bên giường cô con gái và bắt đầu đọc. Sau một hồi đứa con gái ngủ, nhưng người mẹ tiếp tục đọc trong thinh lặng, trong tranh tối tranh sáng cho đến hết. Bà nói trong cuốn sách bà viết sau khi đứa con bà chết: “Đứa con gái ngủ nhưng người mẹ đã thức!” Bà đã thức dậy khỏi sự vô thần của bà. Việc đọc cuộc khổ nạn của Chúa Kitô đã thay đổi mãi mãi cuộc đời của bà. (15)

Chúng ta hãy kết thúc với lời nguyện đơn sơ nhưng đầy sức mạnh từ phụng vụ: “Adoramus te, Christe, et benedicimus tibi, quia per sanctam tuam redemisti mundum,” Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa, vì đã dùng thánh giá mà cứu chuộc thế gian.”

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
Chuyển ngữ




Chú Thích:

1. St. Ignatius of Antioch, “Letter to the Ephesians,”17, in Ignatius of Antioch and Polycarp of Smyrna, trans. and comm. Kenneth J. Howell (Zanesville, OH: CHResources, 2009), p. 87.
2.St. Augustine, “Letter 55,” 1, 2, The Confessions and Letters of St. Augustine , series 1, vol. 1, Nicene and Post-Nicene Fathers, ed. Philip Schaff (New York: Cosimo, 2007), p. 303; see CSEL 34, 1, p. 170.
3.See St. Augustine, “Sermon 47,” 3, Sermons on Selected Lessons of the New Testament, trans. R. G. MacMullen, series 1, vol. 6, Nicene and Post-Nicene Fathers, ed. Philip Schaff (New York: Christian Literature Publishing, 1886), p. 413; see Sermo Guelf., 12, 3 (Misc. Ag. I, p. 482ff).
4.St. Augustine, The Confessions of St. Augustine, 1, 6, 7, trans. John K Ryan (Garden City, NY: Image Books, 1960), p. 46.
5.See Martin Heidegger, Being and Time, #51, trans. Joan Stambaugh (Albany: State University Press of New York, 2010), pp. 242ff.
6.Giuseppe Ungaretti, “Soldiers” [“Soldati”], trans. Stuart Flynn, Modern Poetry in Translation, New Series no.18 (2001): 185.
7. Epicurus, “Letter to Menoeceus,” trans. George K. Stodach (New York: Penguin Books, 2012), p. 157.
8.Horace, The Odes of Horace, 3, 30, trans. James Michie (New York: Washington Square Press, 1963), p. 203.
9. See Melito of Sardis, On Pascha, 66, trans. Alistair Stewart-Sykes (Crestwood, NY: St. Vladimir’s Seminary, 2001), p. 54; see SCh 123, p. 96.
10.St. Augustine, “Psalm 120,” 6, Expositions of the Psalms, trans. Maria Boulding, Part 3, vol. 19, The Works of Saint Augustine (Hyde Park, NY: New City Press, 2003), p. 514.
11. John Chrysostom, “Homily 17,” 4, Homilies on the Epistle to the Hebrews, vol. 14, Nicene and Post-Nicene Fathers, ed. Philip Schaff (Reprinted by Veritatis Splendor, 2012), pp. 327-328; see PG 63, 129.
12. Nicholas Cabasilas, The Life in Christ, 1, 2 trans. Camino J. deCatanzaro (Crestwood NY: St. Vladimir’s Seminary, 1974), p. 44.
13. See St. Alphonsus Ligouri’s 1758 book, Preparation for Death [Apparecchio alla morte] (Charlotte, NC: TAN Books, 1982).
14. See St. Alphonsus Ligouri’s 1760 book, Reflections and Affections on the Passion of Jesus Christ [Considerazioni sopra la passione di Gesù Cristo], trans. Eugene Grimm, vol. 5, The Ascetical Works (reprint of the 1887 edition by Kassock Brothers publishing, 2014).
15. See Rosanna Garofalo, Sopra le ali dell’aquila (Milan: Ancora, 1993).