HOA TRÁI ĐÍCH THỰC CỦA TÌNH YÊU VÀ SỰ SỐNG

(Chúa Nhật Lễ Lá Khai mạc Tuần Thánh Năm A 2017)

Phụng vụ hôm nay được cử hành với 2 phần mở đầu mà nội dung ý nghĩa và hình thức diễn đạt xem ra hoàn toàn đối nghịch nhau :

- Nghi thức tưởng niệm Chúa Giêsu vào thành mang bầu khí tươi vui, rạng rỡ, với tiếng hát chúc tụng, lời hoan hô tưng bừng náo nhiệt.

- Trong khi đó, phần Phụng Vụ Lời Chúa lại kéo cộng đoàn trở về với không khí ảm đạm, u buồn : cả 3 Bài đọc đều nói về cuộc thương khó, sự chết. Ngay bài đáp vịnh ca với thánh vịnh 21, cũng là những lời cầu nguyện trong đau thương ngút ngàn của người công chính.

“Tưởng mình như tan dần ra nước, toàn thân con xương cốt rã rời, con tim đau đơn bồi hồi, mềm như sáp chảy tơi bời ruột gan…”

Hội Thánh tin tưởng và tuyên xưng điều gì khi sắp xếp một tiến trình phụng vụ xem ra mâu thuẫn như thế ? Để hiểu rõ, không gì bằng, chúng ta thử đọc lên một lời nguyện trong Thánh lễ hôm nay ; bởi vì khi Hội Thánh cầu nguyện cũng là lúc Hội Thánh diễn tả đức tin của chính mình (Lex orandi lex credendi).

“…Xin cho chúng con biết đón nhận bài học Người để lại trong cuộc Thương Khó, và được thông phần vinh quang phục sinh với Người.” (Lời nguyện nhập lễ).

Trong lời kinh Tổng nguyện nầy, chúng ta để ý thấy 2 cặp từ chủ yếu : THƯƠNG KHÓ và PHỤC SINH.

Thì ra, phần đầu, chính là vinh quang phục sinh. Thật vậy, chúng ta được chính Đức Kitô dẫn đầu để tiến vào vương quốc Nước Trời, tiến vào cuộc chiến thắng vinh quang của ơn cứu độ, của tình yêu muôn đời bền vững của Thiên Chúa. Theo Đức Kitô mà dẫn tới thất bại, tới đường cùng, tới thất vọng…thì theo làm quái gì ! Một lần nữa, mầu nhiệm PV Tuần Thánh, khi tái diễn các biến cố sau cùng của Đức Kitô, tức mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài, Hội Thánh muốn tái tuyên xưng về sự chiến thắng của Đức Kitô trước thần lực của ma quỉ và sự dữ, trước khổ đau và tội lỗi, trước thập giá và quyền lực của thế gian.

Tuy nhiên, con đường chiến thắng vinh quang đó, con đường phục sinh lẫy lừng đó không phải là chuyện “dễ ợt” theo cái kiểu “bất chiến tự nhiên thành”, mà phải là một cuộc dấn thân “trầy vi tróc vảy”, một cuộc chiến đấu một mất một còn, một chọn lựa không phải một “rừng mơ ngọt ngào của Tào Tháo”, mà là một “hoang mạc đầy dẫy gai chông, cạm bẫy, thách đố, đắng cay và cả cái chết…”. Và Đức Kitô đã chọn lựa, đã dấn thân và hoàn tất con đường đó khi Ngài cất tiếng thân thưa với Chúa Cha : “Mọi sự đã hoàn tất. Con phó linh hồn trong tay Cha” !

Và như vậy, Tuần Thánh được mở ra hôm nay với cuộc “vào thành” của Đức Kitô, sẽ tuần tự diễn ra cả một tiến trình Vượt Qua của Đức Kitô mà toàn thể Dân Chúa được gọi mời tham gia và đón nhận vào chính cuộc hành trình đức tin của mình. Bởi vì không thể là Kitô hữu nếu không “cầm lấy mà ăn, cầm lấy mà uống” chính Bánh Thánh Thể và Chén máu Giao ước và sẵn sàng quỳ xuống rửa chân cho anh chị em (Lễ Tiệc Ly) ; cũng vậy, không thể là Kitô hữu nếu không can đảm chấp nhận “chén đắng” của hy sinh, bỏ mình, và những thập giá xuyên qua suốt cuộc đời, thập giá của bệnh hoạn, tật nguyền, yếu đau…trong tâm hồn cũng như ngoài thân xác, cùng bao nhiêu gánh nặng đau thương nhức nhối khác…(Tứ Sáu Khổ nạn); và cũng không thể là Kitô hữu, khi chúng ta không mang một trái tim mới, một thần khí mới, một ngọn lửa mới, đó là niềm vui Phục Sinh, đó là Đức Kitô phục sinh, đó là sự chiến thắng của tình yêu và hy vọng, đó là sự “tái sinh vào vương quốc sự sống” (Vọng Phục sinh), đó là “bỏ lại đằng sau nấm mồ của tăm tối, nô lệ để bước đi trong ánh bình minh của tin yêu hy vọng” (Chúa Nhật Phục Sinh).

Để tuyết minh cho ý nghĩa hôm nay, chúng ta có thể đọc lại lời chứng sống động nầy :

Trong trại tù Auschwitz, một trại tù nổi tiếng của Đức Quốc Xã giam giữ những người Do thái, người ta đã tìm được một lời cầu nguyện rất cảm động như sau :

“Lạy Chúa, xin đừng chỉ nhớ đến những người thiện chí, mà hãy nhớ cả những kẻ ác tâm. Đừng chỉ nhớ những nỗi khổ đã đổ dồn xuống chúng con, mà cũng hãy nhớ đến những hoa trái mà các đau khổ ấy đã sinh ra cho chúng con: tình bạn chân thành, sự khiêm tốn, lòng can đảm, tính quảng đại và con tim nhân ái. Khi những người hành hạ chúng con phải ra trước toà Chúa phán xét, xin cho tất cả những hoa trái ấy thành những lời xin ơn tha thứ cho họ.”

Thì ra, đau khổ, đắng cay vẫn trổ sinh hoa trái tốt lành; và đó mới là những hoa trái đích thực của tình yêu, hy vọng và sự sống.

LM. Giuse Trương Đình Hiền