Bước vào tuần thánh của Mùa Chay năm 2017, có đoàn hành hương gồm một số người lớn tuổi, người trung niên và các bạn trẻ, từ Việt Nam sang đất nước Campuchia thăm một số nhà thờ, hiệp thông tham dự thánh lễ, chia sẻ quà Mùa Chay cho các gia đình nghèo (người lớn tham gia chuyến đi cùng quí ân nhân đóng góp) và tặng quà cho các cháu thiếu nhi ở các nơi đoàn dừng chân (nhóm Bông Hồng Xanh trao tặng).
Chuyến đi kéo dài ba ngày cùng với chiếc xe 50 chỗ đi thẳng từ Việt Nam sang Campuchia. Ngày đầu tiên, xe đưa đoàn tiến sâu vào vùng nội địa của đất nước bạn. So với năm 2010, đường xá có phần thuận lợi hơn nhiều. Từ cửa khẩu Mộc Bài đến TP Nompenh, nhà cửa hai bên đường đã được xây tươm tất hơn, chỉ còn rất ít nhà sàn gỗ trên nền đất đỏ bụi bặm như trước. Đi rất xa, dừng nhiều trạm, chúng tôi mới đến bãi biển Sihanouk. Gió biển làm chúng tôi tỉnh lại. Có mấy anh chị em xưng tội với một linh mục đi trong đoàn. Mọi người được thưởng thức ghẹ tươi luộc tại chỗ. Người khó tính sẽ không thích nơi đây khi ghế bàn khá cũ; còn người nhiều cảm xúc thì thấy thương những gánh hàng rong và người ăn xin trên bãi biển.
Xem Hình
Mở đầu ngày kế tiếp, chúng tôi lên núi Tà Lơn thăm nhà thờ cổ. Đây là một dãy núi mà đỉnh cao nhất có chiều cao là 1080 mét so với mực nước biển; vậy mà đường lên núi có đến hơn 385 cua quẹo. Theo tài liệu thì bắt đầu từ năm 1917, người Pháp đã xây dựng ở đâycác công trình như nhà thờ, chùa chiền, nhà nghỉ, sòng bạc... mà ngày nay phần lớn đã trở thành hoang phế. Trong thập niên 1990, người ta đã ví Tà Lơn (Bokor) như là “một nơi kỳ lạ nhất trên thế giới” và là “thành phố ma” vì vẻ hoang tàn và kỳ bí của nó. Hiện nay, người ta đang biến núi Tà Lơn thành một nơi hành hương, nghỉ dưỡng và vui chơi. Đoàn hành hương chúng tôi thực hiện giờ cầu nguyện ngắn gọn và chụp hình chung tại đây.
Xuống lưng chừng núi, chúng tôi ghé vào tượng Dì Mâu - một nữ thần của người Campuchia - (Theo truyền thuyết, đây là một phụ nữ ở trong làng thuộc khu vực Ream. Chồng bà đi làm ở Koh Kong. Vào một mùa mưa, người phụ nữ đi tìm chồng rồi bị bão chìm thuyền. Bà báo mộng lành cho dân chúng ở phía nam, bảo vệ ngư dân, dạy mọi người sống tốt đẹp...). Ông tài xế nói, đứng ở đây có thể nhìn thấy đảo Phú Quốc.
Điểm nhấn trong ngày hành hương thứ hai là chúng tôi xuống phà qua sông Mê Kông, đến nhà thờ Bãi Cải (Arey Khsath) là giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình, nơi có đặt tượng Đức Mẹ thứ nhất, được vớt từ dưới lòng sông Mê Kông ngày 16/4/2008; và tượng Đức Mẹ thứ hai, lớn hơn, được vớt ngày 19/11/2012, đặt ở sân ngoài nhà thờ.
Nhà thờ nằm trong một khu phố đông đúc dân cư trông không bắt mắt, nhưng trên đất này, một nhà thờ hiện diện nơi đây là rất quí, nay đã có linh mục đến ở cùng giáo dân. Sau khi ổn định, đoàn hành hương tham dự thánh lễ cùng với giáo dân người Việt tại đây. Nắng chiều tàn hẳn, thánh lễ kết thúc, chúng tôi mới tách thành hai tốp chia quà cho người lớn và thiếu nhi. Các cháu thiếu nhi chúng tôi chụp hình được thì ngoan nhưng sau đó, nhiều trẻ em trong khu vực ùa vào vì cổng nhà thờ rộng mở, nên chúng tôi thì mướt mồ hôi chia quà, trong khi bọn trẻ hớn hở vì mỗi cháu được một áo thun, một gói kẹo nho, hộp Vitamin C...
Chúng tôi cũng gặp một số người quen của một đoàn hành hương khác có đến chín chục người, chỉ đến hành hương mà thôi; nên khi xuống phà, người đi đông như trảy hội, thật gần gũi! Cuối ngày, chúng tôi được tham quan casino Nagas, là một sòng bài lớn nhất Nompênh. Dù đã được xem phim ảnh, nhưng bước vào đây tôi vẫn thấy lạ, khác với sòng bài ở Malaysia. Có một bà ghé vào tai chúng tôi thì thào: “Ở phường mình cũng có một người bán nhà cửa vì sang đây chơi ở sòng bài!” Chúng tôi cười nhạt: “Đây là nơi giải trí của người giàu và cũng là mồ chôn những người tưởng là sẽ giàu lên khi đánh bạc!”
Hai ngày trôi qua, được đi qua nhiều con đường trên đất nước bạn, có những cung đường sạch đẹp, khá giả, có những khu vực mang bộ mặt đô thị mà nhếch nhác. Đa số người dân còn nghèo. Một đất nước có 1.137 km biên giới với Việt Nam về phía đông và đông nam nên người Việt qua đây sinh sống cũng không ít và người Khơ –me sống trên đất Việt cũng nhiều. Người Công Giáo tại đất nước này rất ít, tuy nhiên, việc truyền giáo và giúp cho người Công Giáo có điều kiện sống đạo đang là nỗ lực của giáo phận tại đây và một số cộng đoàn dòng tu ở Việt Nam.
Sáng ngày lễ lá, chúng tôi đến nhà thờ Thánh Tâm ở Koh Nô Rịa, thành phố Nompênh để tham dự thánh lễ và chia sẻ quà Mùa Chay cho giáo dân tại đây. Thánh lễ đồng tế do cha chánh xứ và một linh mục trong đoàn hành hương cùng đồng tế. Thật xúc động khi chúng tôi được hòa vào đoàn rước lá đi qua phố chợ trong tiếng hát, tiếng trống của ca đoàn với đoạn đường đi và về gần một cây số. (Xem video Clip đoàn rước tại Facebook: Nhóm Bông Hồng Xanh (Maria Vũ Loan).
Giáo xứ Thánh Tâm có chưa đến một ngàn giáo dân, thế mà mọi việc trong ngoài rất tươm tất, sạch sẽ. Cha chánh xứ Sok Na còn trẻ; có ông bà và cha mẹ là người Việt Nam nhưng cha được sinh ra trên đất nước này. Cha được lãnh chức linh mục vào năm 2015 và coi sóc cộng đoàn giáo dân ở đây gần hai năm.
Phát 100 phần quà cho người lớn ở đây chúng tôi chỉ ghi nhận được qua một hai tấm hình tiêu biểu vì nhà xứ chật hẹp. Khi phát quà cho các cháu thiếu nhi ở đây, chúng tôi chia thành hai tốp, ở trong một phòng dạy giáo lý và ở ngoài sân. Mọi việc diễn ra nhịp nhàng. Thật là vui cho “một ngày kỷ niệm Chúa tiến vào thành Jérusalem!”.
Cũng tại giáo xứ này chúng tôi còn gặp những người cùng khổ. Có một chị kia chồng đã chết vì bệnh thế kỷ và chị cũng nhiễm HIV thời kỳ cuối. Chị băng cái chân bị lở rồi đi một cách khó khăn đến nhà thờ dự lễ. Nhìn bàn tay gầy guộc cầm con cào cào kết bằng lá dừa, chúng tôi tự hỏi, không biết chị còn dự được “bao nhiêu lần” lễ lá nữa?
Tạm biệt giáo xứ, đoàn hành hương đi về phía trung tâm thành phố tham quan, mua sắm và dùng cơm trưa. Khu phố chợ khó đi lại vì chen chúc xe hơi nhưng việc mua bán lại dễ dàng vì ở đây người ta xài tiền Usd, tiền Việt và tiền Ria của Campuchia.
Đoàn chúng tôi lên xe giữa cái nắng gắt, khô khốc. Không một phút nghỉ ngơi, cả đoàn lại làm giờ kinh Lòng Chúa Thương Xót sớm hơn 15 giờ 00 vì còn ghé vào một nhà thờ để phát những phần quà cuối cùng cho người lớn và trẻ em. Trong chuyến đi này, lúc nào trên xe cũng có những giây phút tĩnh nguyện: khi thì kinh dâng ngày, xem phim đạo, nghe sách thiêng liêng, chuỗi kinh kính Lòng Chúa Thương Xót, không có “văn gừng, văn nghệ” gì cả!
Đến ngôi nhà thờ sau cùng, nơi đây không có linh mục ở cùng giáo dân, nên ông trùm xứ đạo và ba bạn trẻ tiếp đón chúng tôi. Khi vào trong lòng nhà thờ, chúng tôi đã thấy các em thiếu nhi ngồi chờ đoàn, không có người lớn nào đến nhận quà cả. Chúng tôi sinh hoạt một chút rồi phát quà. Các em đều vui vẻ vì quà khá dồi dào. Có một em ngây thơ hỏi chúng tôi: “Bà ơi, con không được phát quần!”. Tôi trả lời: “Tất cả đều không có quần, chỉ có áo thôi con ạ!”. Thằng bé tiu nghỉu. Khi nó quay lưng đi, chúng tôi thấy cái quần đùi của nó bị rách ở mông.
Các cháu cũng đọc vài ba kinh rồi vui vẻ ra về. Quà người lớn được trao lại cho ông trùm. Chúng tôi còn mua một ít xoài keo ở bên vệ đường rồi mới ra về. Ai cũng vui vì công việc đã “hoàn tất” tốt đẹp. Đường về đến cửa khẩu khá xa và trời đã tối.
Hành hương đầu tuần thánh trên đất nước Campuchia giữa mùa nắng nóng nhưng lòng mỗi người chúng tôi như được đổ đầy ắp lòng sốt mến, đủ sức để tham dự nghi thức vượt qua, về cuộc thương khó của Đức Giêsu, đỉnh cao của công trình cứu độ.
Chuyến đi kéo dài ba ngày cùng với chiếc xe 50 chỗ đi thẳng từ Việt Nam sang Campuchia. Ngày đầu tiên, xe đưa đoàn tiến sâu vào vùng nội địa của đất nước bạn. So với năm 2010, đường xá có phần thuận lợi hơn nhiều. Từ cửa khẩu Mộc Bài đến TP Nompenh, nhà cửa hai bên đường đã được xây tươm tất hơn, chỉ còn rất ít nhà sàn gỗ trên nền đất đỏ bụi bặm như trước. Đi rất xa, dừng nhiều trạm, chúng tôi mới đến bãi biển Sihanouk. Gió biển làm chúng tôi tỉnh lại. Có mấy anh chị em xưng tội với một linh mục đi trong đoàn. Mọi người được thưởng thức ghẹ tươi luộc tại chỗ. Người khó tính sẽ không thích nơi đây khi ghế bàn khá cũ; còn người nhiều cảm xúc thì thấy thương những gánh hàng rong và người ăn xin trên bãi biển.
Xem Hình
Mở đầu ngày kế tiếp, chúng tôi lên núi Tà Lơn thăm nhà thờ cổ. Đây là một dãy núi mà đỉnh cao nhất có chiều cao là 1080 mét so với mực nước biển; vậy mà đường lên núi có đến hơn 385 cua quẹo. Theo tài liệu thì bắt đầu từ năm 1917, người Pháp đã xây dựng ở đâycác công trình như nhà thờ, chùa chiền, nhà nghỉ, sòng bạc... mà ngày nay phần lớn đã trở thành hoang phế. Trong thập niên 1990, người ta đã ví Tà Lơn (Bokor) như là “một nơi kỳ lạ nhất trên thế giới” và là “thành phố ma” vì vẻ hoang tàn và kỳ bí của nó. Hiện nay, người ta đang biến núi Tà Lơn thành một nơi hành hương, nghỉ dưỡng và vui chơi. Đoàn hành hương chúng tôi thực hiện giờ cầu nguyện ngắn gọn và chụp hình chung tại đây.
Xuống lưng chừng núi, chúng tôi ghé vào tượng Dì Mâu - một nữ thần của người Campuchia - (Theo truyền thuyết, đây là một phụ nữ ở trong làng thuộc khu vực Ream. Chồng bà đi làm ở Koh Kong. Vào một mùa mưa, người phụ nữ đi tìm chồng rồi bị bão chìm thuyền. Bà báo mộng lành cho dân chúng ở phía nam, bảo vệ ngư dân, dạy mọi người sống tốt đẹp...). Ông tài xế nói, đứng ở đây có thể nhìn thấy đảo Phú Quốc.
Điểm nhấn trong ngày hành hương thứ hai là chúng tôi xuống phà qua sông Mê Kông, đến nhà thờ Bãi Cải (Arey Khsath) là giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình, nơi có đặt tượng Đức Mẹ thứ nhất, được vớt từ dưới lòng sông Mê Kông ngày 16/4/2008; và tượng Đức Mẹ thứ hai, lớn hơn, được vớt ngày 19/11/2012, đặt ở sân ngoài nhà thờ.
Nhà thờ nằm trong một khu phố đông đúc dân cư trông không bắt mắt, nhưng trên đất này, một nhà thờ hiện diện nơi đây là rất quí, nay đã có linh mục đến ở cùng giáo dân. Sau khi ổn định, đoàn hành hương tham dự thánh lễ cùng với giáo dân người Việt tại đây. Nắng chiều tàn hẳn, thánh lễ kết thúc, chúng tôi mới tách thành hai tốp chia quà cho người lớn và thiếu nhi. Các cháu thiếu nhi chúng tôi chụp hình được thì ngoan nhưng sau đó, nhiều trẻ em trong khu vực ùa vào vì cổng nhà thờ rộng mở, nên chúng tôi thì mướt mồ hôi chia quà, trong khi bọn trẻ hớn hở vì mỗi cháu được một áo thun, một gói kẹo nho, hộp Vitamin C...
Chúng tôi cũng gặp một số người quen của một đoàn hành hương khác có đến chín chục người, chỉ đến hành hương mà thôi; nên khi xuống phà, người đi đông như trảy hội, thật gần gũi! Cuối ngày, chúng tôi được tham quan casino Nagas, là một sòng bài lớn nhất Nompênh. Dù đã được xem phim ảnh, nhưng bước vào đây tôi vẫn thấy lạ, khác với sòng bài ở Malaysia. Có một bà ghé vào tai chúng tôi thì thào: “Ở phường mình cũng có một người bán nhà cửa vì sang đây chơi ở sòng bài!” Chúng tôi cười nhạt: “Đây là nơi giải trí của người giàu và cũng là mồ chôn những người tưởng là sẽ giàu lên khi đánh bạc!”
Hai ngày trôi qua, được đi qua nhiều con đường trên đất nước bạn, có những cung đường sạch đẹp, khá giả, có những khu vực mang bộ mặt đô thị mà nhếch nhác. Đa số người dân còn nghèo. Một đất nước có 1.137 km biên giới với Việt Nam về phía đông và đông nam nên người Việt qua đây sinh sống cũng không ít và người Khơ –me sống trên đất Việt cũng nhiều. Người Công Giáo tại đất nước này rất ít, tuy nhiên, việc truyền giáo và giúp cho người Công Giáo có điều kiện sống đạo đang là nỗ lực của giáo phận tại đây và một số cộng đoàn dòng tu ở Việt Nam.
Sáng ngày lễ lá, chúng tôi đến nhà thờ Thánh Tâm ở Koh Nô Rịa, thành phố Nompênh để tham dự thánh lễ và chia sẻ quà Mùa Chay cho giáo dân tại đây. Thánh lễ đồng tế do cha chánh xứ và một linh mục trong đoàn hành hương cùng đồng tế. Thật xúc động khi chúng tôi được hòa vào đoàn rước lá đi qua phố chợ trong tiếng hát, tiếng trống của ca đoàn với đoạn đường đi và về gần một cây số. (Xem video Clip đoàn rước tại Facebook: Nhóm Bông Hồng Xanh (Maria Vũ Loan).
Giáo xứ Thánh Tâm có chưa đến một ngàn giáo dân, thế mà mọi việc trong ngoài rất tươm tất, sạch sẽ. Cha chánh xứ Sok Na còn trẻ; có ông bà và cha mẹ là người Việt Nam nhưng cha được sinh ra trên đất nước này. Cha được lãnh chức linh mục vào năm 2015 và coi sóc cộng đoàn giáo dân ở đây gần hai năm.
Phát 100 phần quà cho người lớn ở đây chúng tôi chỉ ghi nhận được qua một hai tấm hình tiêu biểu vì nhà xứ chật hẹp. Khi phát quà cho các cháu thiếu nhi ở đây, chúng tôi chia thành hai tốp, ở trong một phòng dạy giáo lý và ở ngoài sân. Mọi việc diễn ra nhịp nhàng. Thật là vui cho “một ngày kỷ niệm Chúa tiến vào thành Jérusalem!”.
Cũng tại giáo xứ này chúng tôi còn gặp những người cùng khổ. Có một chị kia chồng đã chết vì bệnh thế kỷ và chị cũng nhiễm HIV thời kỳ cuối. Chị băng cái chân bị lở rồi đi một cách khó khăn đến nhà thờ dự lễ. Nhìn bàn tay gầy guộc cầm con cào cào kết bằng lá dừa, chúng tôi tự hỏi, không biết chị còn dự được “bao nhiêu lần” lễ lá nữa?
Tạm biệt giáo xứ, đoàn hành hương đi về phía trung tâm thành phố tham quan, mua sắm và dùng cơm trưa. Khu phố chợ khó đi lại vì chen chúc xe hơi nhưng việc mua bán lại dễ dàng vì ở đây người ta xài tiền Usd, tiền Việt và tiền Ria của Campuchia.
Đoàn chúng tôi lên xe giữa cái nắng gắt, khô khốc. Không một phút nghỉ ngơi, cả đoàn lại làm giờ kinh Lòng Chúa Thương Xót sớm hơn 15 giờ 00 vì còn ghé vào một nhà thờ để phát những phần quà cuối cùng cho người lớn và trẻ em. Trong chuyến đi này, lúc nào trên xe cũng có những giây phút tĩnh nguyện: khi thì kinh dâng ngày, xem phim đạo, nghe sách thiêng liêng, chuỗi kinh kính Lòng Chúa Thương Xót, không có “văn gừng, văn nghệ” gì cả!
Đến ngôi nhà thờ sau cùng, nơi đây không có linh mục ở cùng giáo dân, nên ông trùm xứ đạo và ba bạn trẻ tiếp đón chúng tôi. Khi vào trong lòng nhà thờ, chúng tôi đã thấy các em thiếu nhi ngồi chờ đoàn, không có người lớn nào đến nhận quà cả. Chúng tôi sinh hoạt một chút rồi phát quà. Các em đều vui vẻ vì quà khá dồi dào. Có một em ngây thơ hỏi chúng tôi: “Bà ơi, con không được phát quần!”. Tôi trả lời: “Tất cả đều không có quần, chỉ có áo thôi con ạ!”. Thằng bé tiu nghỉu. Khi nó quay lưng đi, chúng tôi thấy cái quần đùi của nó bị rách ở mông.
Các cháu cũng đọc vài ba kinh rồi vui vẻ ra về. Quà người lớn được trao lại cho ông trùm. Chúng tôi còn mua một ít xoài keo ở bên vệ đường rồi mới ra về. Ai cũng vui vì công việc đã “hoàn tất” tốt đẹp. Đường về đến cửa khẩu khá xa và trời đã tối.
Hành hương đầu tuần thánh trên đất nước Campuchia giữa mùa nắng nóng nhưng lòng mỗi người chúng tôi như được đổ đầy ắp lòng sốt mến, đủ sức để tham dự nghi thức vượt qua, về cuộc thương khó của Đức Giêsu, đỉnh cao của công trình cứu độ.