Thứ Tư ngày 17 tháng 11 năm 2004 có thể nói là một ngày đặc biệt, bởi vì đây là ngày giáp một tháng khai mạc Năm Thánh Thể trong toàn thể Giáo hội Công giáo ngày 17 tháng 10 năm 2004, và cũng là ngày kỷ niệm một tháng kết thúc Ðại Hội Thánh Thể Quốc Tế, tại thành phố Guadalajara, bên nước Mê-hi-cô. Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã lên tiếng kêu gọi các tín hữu trong Giáo hội Công giáo hãy dấn thân sống Bí Tích Thánh Thể một cách sốt sắng hơn và với ý thức nhiều hơn. Ðây là Mầu Nhiệm cao cả của Ðức Tin Công Giáo, là Bí Tích Thánh Thể đã được Chúa Giêsu thiết lập trong Bửa Tiệc Ly, và đã trao lại cho Gíao Hội. Nơi số 5 của Tông Thư về Năm Thánh Thể, ÐTC đã viết ra rõ ràng ý định của ngài như sau:

"Những anh em giám mục của tôi sẽ dễ dàng nhận ra rằng sáng kiến Năm Thánh Thể, tiếp liền với Năm Mân Côi vừa kết thúc, nhắm đến bình diện thiêng liêng sâu xa đến độ không gây trở ngại chút nào cho những chương trình mục vụ của các giáo hội địa phương. Sáng kiến Năm Thánh Thể có thể soi sáng cách hữu hiệu cho những chương trình mục vụ tại các giáo hội địa phương, bằng cách làm cho những chương trình đó ăn sâu vào Mầu Nhiệm kết thành gốc rễ và bí quyết của đời sống thiêng liêng của các tín hữu, cũng như của mọi sáng kiến của giáo hội địa phương. Vì thế, tôi không yêu cầu ngưng lại những chương trình mục vụ mà các giáo hội địa phương đang thực hiện, nhưng tôi xin hãy nhấn mạnh đến chiều kích thánh thể của những chương trình ấy; và chiều kích thánh thể là đặc điểm của toàn bộ đời sống kitô. Phần tôi, với tông thư nầy, tôi muốn đưa ra vài định hướng căn bản, với niềm tin tưởng rằng Dân Chúa, với những thành phần khác nhau, sẽ đón nhận đề nghị của tôi với sự sẵn sàng vâng phục và với tình thương sốt sắng" (trích số 5, tông thư về Năm Thánh Thể).

Ðó là mong ước của ÐTC cho Năm Thánh Thể. Tiếp sau đây, trong mục thời sự hôm nay (18/11/2004) kính mời quý vị và các bạn theo dõi bài phỏng vấn Ðức Hồng Y Francis Arinze, tổng trưởng bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, về dấn thân của người công giáo trong Năm Thánh Thể, vừa được khai mạc cách đây một tháng, tức ngày 17 tháng 10 năm 2004.

Hỏi 1: Xin Ðức Hồng Y cho biết vài nét về sự dấn thân của giáo dân công giáo trong Năm Thánh Thể nầy như thế nào?

Ðáp: Bí Tích Thánh Thể là mầu nhiệm Ðức Tin mà chúng ta không bao giờ nói là mình có thể hiểu được đầy đủ. Chúng ta có thể khám phá Bí Tích Thánh Thể mỗi ngày một hơn, có thể tôn thờ Bí Tích Thánh Thể mỗi ngày một hơn, và yêu mến khâm phục mỗi ngày một nhiều hơn. Chúng ta có thể chiêm ngắm Chúa Giêsu và tiếp nhận Ngài trong tâm hồn. Năm Thánh Thể là một hồng ân để lớn lên trong đức tin nhờ qua kinh nguyện, để suy tư về Bí Tích Thánh Thể nhờ qua việc tổ chức những ngày học hỏi. Ðây là một năm cử hành Mầu nhiệm Thánh Thể một cách chăm chú hơn trong Thánh Lễ. Ðây cũng là một năm tôn thờ Thánh Thể bên ngoài Thánh Lễ.

Hỏi 2: Thưa Ðức Hồng Y, Ðức Thánh Cha đã cho biết ngài không yêu cầu phải thi hành những việc ngoại thường, nhưng muốn cho tất cả những sáng kiến thực hành đều có mang chiều kích nội tâm sâu xa. Ðức Hồng Y nghĩ như thế nào?

Ðáp: Ðúng vậy, ÐTC đã nhấn mạnh đến điểm nầy trong tông thư của ngài về Năm Thánh Thể, có tựa đề là: Thưa Thầy, xin hãy ở lại với chúng tôi. Ðặc biệt, ÐTC đã nhấn mạnh tính cách ưu tiên của Thánh Lễ Ngày Chúa Nhật. Không gì có ưu tiên trên Thánh Lễ Ngày Chúa Nhật. Kế đến là việc tôn thờ Thánh Thể bên ngoài Thánh Lễ; chẳng hạn như: việc kính viếng Thánh Thể, những giờ thánh, việc chầu Chúa trọn ngày, và cả ban đêm nữa. ÐTC đã yêu cầu sao cho trong mỗi giáo phận, mỗi giáo xứ, mỗi quốc gia, hãy xếp chương trình cho mình, mà không xen vào chương trình mục vụ cửa bất cứ giáo phận nào, bởi vì Thánh Thể là nguồn mạch của sức mạnh thiêng liêng của giáo hội. Không có bí tích Thánh Thể, thì không thể hiểu được giáo hội. Không có bí tích Thánh Thể, thì cũng không có giáo hội.

Hỏi 3: Thưa Ðức Hồng Y, trong Năm Thánh Thể, Ðức Thánh Cha yêu cầu những người kitô hãy dấn thân làm chứng cách mạnh mẽ hơn cho sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới, yêu cầu những người kitô đừng sợ nói về Thiên Chúa và mang trên mình những dấu chỉ của Ðức Tin. Ðức Hồng Y nghĩ sao về lời yêu cầu trên của ÐTC?

Ðáp: Chúa Giêsu đã nói: Ai tuyên xưng Thầy trước mặt mọi người, thì Thầy sẽ tuyên xưng kẻ đó trước mặt Cha Thầy". Tại sao một linh mục phải do dự khi chứng tỏ mình là linh mục, qua cách ăn mặc như một giáo sĩ? Tại sao người công giáo không dám làm dấu thánh giá trong quán ăn? Tại sao không lần chuỗi trên xe lửa, khi đi đường? Tại sao không? Chúng ta không khiêu khích ai cả. Tôn giáo không phải là một băng đảng. Chúng ta rao giảng Tin Mừng, mà không khiêu khích ai cả. Chúng ta không che dấu niềm vui của mình vì được làm môn đệ của Chúa Giêsu.

Hỏi 4: Bí Tích Thánh Thể và Tình Liên Ðới. Tình yêu thương lẫn nhau và sự chia sẽ với những anh chị em nghèo cùng, chứng minh cho tính cách trung thực của những cử hành thánh thể. Ðức Hồng Y nghĩ sao về điều nầy?

Ðáp: Ðức Thánh Cha đã nhấn mạnh trong Tông Thư của ngài về Năm Thánh Thể như sau: việc cổ võ cho công bằng và hòa bình trong xã hội là phần không thể tách rời của sự dấn thân chúng ta trong bí tích Thánh Thể. Chúng ta nghĩ đến những kẻ đói khát, bệnh tật, cô đơn, già cả. Chúng ta nghĩ đến tình liên đới quốc tế đối với những quốc gia nghèo đang trên đường phát triển. Tất cả những điều nầy không nằm bên ngoài Bí Tích Thánh Thể. Cuối Thánh Lễ,chúng ta được sai đi, đến với anh chị em để sống điều mà chúng ta vừa cử hành. Ðó là ý nghĩa của lời kết thúc: Ite missa est. Lễ xong, chúc anh chị em ra đi bằng an!