Chúa Nhật II Phục Sinh, năm A
(Chúa Nhật kính Lòng thương xót Chúa)
Ga 20,19-31

Bình an cho các con

Tuần Bát Nhật Lễ Phục Sinh trình bầy cho chúng ta về một Tin Mừng duy nhất :” Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô đã khải hoàn từ cõi chết, Ngài không chết nữa, Ngài đang hiện diện giữa chúng ta “. Tin Mừng của thánh sử Gioan và cũng là người làm chứng cho Chúa Phục Sinh :” Tôi đã thấy và tôi tin “. Gioan đã tin, nên Chúa Phục Sinh cho Ngài thấy. Ngài đã là nhân chứng kiên cường, bất khuất cho Chúa Giêsu sống lại. Các môn đệ của Chúa nhất nhất đã tin vào Chúa, nhờ đức tin, các Ngài đã được Chúa sống lại cho thấy Ngài, và các Ngài đã là nhân chứng cho sự Phục Sinh của Chúa dù có phải hy sinh cả mạng sống.

Chúa Phục Sinh từ cõi chết sống lại đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ để củng cố đức tin cho các ngài : Chúa Phục Sinh đã hiện ra cho các người phụ nữ,cho Simon Phêrô, Gioan. Chúa sống lại đã hiện ra với các môn đệ trong phòng kín khi không có Tôma, rồi sau tám ngày Phục Sinh, Chúa đã hiện ra và ban bình an cho các môn đệ, hôm nay có cả Tôma, Ngài giơ chân, tay, cạnh sườn thương tích cho Tôma xem, và mời Tôma hãy xo ngón tay vào lỗ đinh, xỏ bàn tay vào vết thương cạnh sườn của Ngài.Chúa hiện ra với hai đệ trên đường Emmaus, Chúa hiện ra với các môn đệ trên bờ biển và dạy các Ngài thả lưới bên mạn phải thuyền, các môn đệ đã làm theo và đã bắt được mẻ cá thật lạ lùng. Chúa Phục Sinh đã củng cố đức tin, làm cho đức tin của các Ngài thêm mạnh mẽ nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Củng cố lòng tin, Chúa sai các môn đệ ra đi :” Như Cha đã sai Thầy, giờ đây Thầy cũng sai các con ra đi “.

Viễn cảnh trước mắt cho các môn đệ thấy một thế giới bao la, mênh mông, rộng lớn mà Chúa đã loan báo trước cho các Ngài. Chúa đã chuẩn bị cho các Ngài từ lúc theo Chúa, cho tới giờ phút Chúa Phục Sinh…Theo Chúa nhưng các môn đệ vẫn chưa hiểu mầu nhiệm đau khổ là gì, mầu nhiệm thập giá và sự sống lại là làm sao, do đó, các Ngài vẫn co cụm, vẫn sợ sệt, lo âu khi Chúa bị bắt, bị giết…Nếu Chúa Phục Sinh không mở lòng, không ban ơn can đảm, trí hiểu cho các môn đệ qua tác động, hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, đặc biệt sự soi sáng của ánh sáng Phục Sinh, chắc chắn các Ngài sẽ không thể nào làm chứng cho Chúa Phục Sinh được. Tuy nhiên, nhờ quyền năng của Chúa Phục Sinh, các môn đệ đã được thay đổi, đức tin của các Ngài đã trưởng thành theo lòng Chúa mong muốn để các Ngài có thể hoàn thành sứ mạng cao cả Chúa trao phó là làm chứng và loan truyền sứ điệp Chúa Phục Sinh cho toàn thể nhân loại.

Chúa Phục Sinh đã thay đổi hoàn toàn sinh mạng của các môn đệ, từ tình trạng lo âu, sợ sệt, co cụm, đóng kín cửa nhà vì sợ người Do Thái, các môn đệ đã được củng cố đức tin mạnh mẽ, kiên cường, các Ngài đã nhận lãnh Thánh Thần, đức tin đã được kiện toàn, họ mở tung cửa để ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Họ khong còn khép kín cõi lòng, không còn tự mình bị giam hãm trong phòng, họ đã ra đi bất chấp tất cả hiểm nguy, ngay cả phải hy sinh chính mạng sống.

Chúng ta cũng như các môn đệ, các tông đồ Chúa có những lúc chúng ta bị vùi dập trong đêm tối, bị cám dỗ để mất đức tin, cám dỗ xa lìa Chúa khi những khó khăn, nghịch cảnh, hiểm nguy xẩy đến trong đời…Khi thập giá chồng chất, khi mầu nhiệm thập giá bủa vây, giăng mắc vv…

Các môn đệ, các tông đồ là những người đã được sống với Chúa, được nghe Chúa dạy bảo, được thấy Chúa làm phép lạ, nhưng khi thập giá, mầu nhiệm thương khó xẩy tới, các môn đệ đều nao núng, đều muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, Chúa Phục Sinh không bao giờ bỏ rơi, các môn đệ, và như thế Chúa sống lại cũng không bao giờ bỏ rơi chúng ta, Ngài luôn có mặt trong cuộc đời, trong lịch sử của mỗi người, của thế giới vv…Chỉ cần chúng ta có đôi mắt đức tin, đôi mắt Phục Sinh, chúng ta sẽ nhận ra Chúa đang đồng hành với chúng ta trong mọi trạng huống của đời sống : lúc thuận cũng như lúc nghịch.

Hôm nay, Chúa Nhật II Phục Sinh, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chọn để Kính Nhớ Lòng Chúa Thương Xót Chúa, chúng ta hãy mau mắn chạy tới với Lòng Thương Xót của Chúa vì Chúa mãi mãi một lòng xót thương chúng ta.

Chúng ta hãy mau mắn quay trở về với Thiên Chúa tình thương để lãnh nhận sự tha thứ và ơn bình an của Ngài.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tôma có dám xỏ ngón tay vào lỗ đinh và thọc bàn tay vào cạnh sườn Chúa Phục Sinh không ?
2.Tại sao Chúa Phục Sinh lại ban bình an cho các môn đệ ?
3.Bình an của Chúa Phục Sinh có khác với bình an của thế gian không?
4.Chúa Phục Sinh có hiện diện với chúng ta không ?
5.Ai đã chọn Chúa Nhật II Phục Sinh làm Chúa Nhật Kính Nhớ Lòng Thương Xót Chúa ?