Chúa Nhật II Phục sinh

Bí tích của Lòng Thương Xót

Nhìn lại cả dòng lịch sử cứu độ, chúng ta nhận ra, trong tương quan giữa Thiên Chúa và loài người có hai chiều trái ngược nhưng cứ song hành bên nhau; khác biệt nhưng cứ tồn tại. Đó là: Một bên loài người yếu đuối, tội lỗi, đầy bất trung. Còn bên kia, đối lại, Thiên Chúa quyền năng luôn nhẫn nại, luôn giàu lòng xót thương và sẵn sàng tha thứ.

Loài người càng bất trung, lòng tín trung và sự nhẫn nại của Thiên Chúa càng được thể hiện. Tội lỗi loài người càng nặng, sự tha thứ của Thiên Chúa càng đậm đà. Yếu đuối của loài người luôn được nhận thấy bằng sự đỡ nâng vô bờ bến của ân sủng và lòng xót thương. Tội lỗi làm cho loài người vong thân, thì tình yêu bền vững của Thiên Chúa càng lớn để cứu vớt, để mở ngỏ cho loài người hằng có lối quay về.

Sự tha thứ của Thiên Chúa dành cho loài người là vô giới hạn. Ơn tha thứ khắc sâu khuôn mặt xót thương của Thiên Chúa. Nó cần thiết để mang từng người đến gần Thiên Chúa, mỗi khi họ ý thức về những sa ngã, lỗi phạm của mình.

Vì thế, dù chúng ta là những kẻ thường xuyên lầm đường lạc lối, Chúa vẫn không từ nan bất cứ điều gì, miễn là được dang rộng vòng tay đón nhận. Chúa đón nhận lòng ăn năn thống hối của từng người, khi quyết trở về với Chúa.

Lòng thương xót của Chúa luôn mời gọi để được trao ban, luôn chờ đợi để được đáp trả, luôn sẵn sàng để được cống hiến, luôn thổn thức nếu bị làm ngơ ngoảnh mặt.

Hơn ai hết, Chúa Giêsu biết rõ sự cần thiết này của ơn tha thứ, nên vừa phục sinh, ngay sau khi trao ban một chuỗi đầy nghĩa xót thương: ơn bình an (x.Ga 20, 19), ơn nối tiếp sứ mạng truyền giáo (x.Ga 20, 21), ơn Chúa Thánh Thần (x.Ga 20, 22), lập tức Đấng Phục Sinh ban ơn tha thứ: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20, 23).

Còn Hội Thánh, nhận lãnh sứ mạng và kho tàng ơn tha thứ từ Chúa Kitô, chính là nhận lãnh bí tích của tình thương hãi hà mà Thiên Chúa trao ban qua Chúa Kitô. Hội Thánh luôn ý thức tầm quan trọng và cần thiết của bí tích xót thương ấy.

Hội Thánh nhấn mạnh:

- “Những ai đến nhận lãnh Bí tích Hòa Giải đều được Thiên Chúa nhân từ tha thứ những xúc phạm đến Người. Đồng thời, họ được giao hòa cùng Giáo Hội mà tội lỗi họ đã làm tổn thương. Nhưng Giáo Hội hằng nỗ lực lấy đức ái, gương lành và kinh nghiệm để hoán cải họ” (Lumen Gentium số 11).

- “Không có hành vi nào có ý nghĩa hơn, có hiệu quả thần linh hơn hay cao quý hơn, và đồng thời xét như là nghi thức, lại gần tầm tay cho bằng Bí tích Hòa Giải” (Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Reconciliatio et Paenitentia – Hòa giải và Sám hối, số 28).

- “Bí tích Giao Hòa không những chữa lành hối nhân vừa được hiệp thông lại với Hội Thánh, mà còn làm cho Hội Thánh thêm sức sống sau khi đã phải đau khổ vì tội lỗi của các chi thể” (GLCG số 1469).
Hội Thánh sung sướng trao ban ơn tha thứ cho từng hối nhân, qua đó:

- Hội Thánh cũng muốn công bố cho toàn thế giới về lòng xót thương tha thứ của Thiên Chúa là cao cả, lớn lao, lớn đến không có bất cứ bến bờ nào.

- Hội Thánh trao ban ơn huệ của lòng Thiên Chúa xót thương, giúp từng người xác tín vào tình thương không biết đến quá khứ mà chỉ là hiện tại và tương lai rộng mở với tất cả sự tín nhiệm, tin tưởng, đầy tràn hy vọng mà Thiên Chúa dám đặt nơi thụ tạo của Người.

- Hội Thánh dạy, chính Thiên Chúa dẫn đưa những người được cứu độ đến với Hội Thánh (x.Cv 2, 47) và mỗi hối nhân là đối tượng tình yêu của Thiên Chúa. Từng người trong cộng đoàn Hội Thánh đã được lòng thương xót của Người triệu tập, là cộng đoàn đã được thương xót và đồng thời cũng là dụng cụ của lòng thương xót.

- Hội Thánh mang sứ mạng tha thứ không ngừng, tha thứ vô cùng. Qua đó dạy cộng đoàn gồm tất cả con cái mình cũng tha thứ cho nhau cách quảng đại, nhân ái, đầy lòng thương xót như Chúa của mình từng đòi hỏi: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18, 22).

Và như vậy, nơi bí tích của lòng xót thương tha thứ, không chỉ lãnh nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta còn được mời gọi trở nên những nhân chứng cho lòng thương xót bằng cách đem tha thứ và tình thương vào giữa thế giới còn nhiều thờ ơ, vô cảm, bạo lực, hận thù:

“Thế giới loài người chỉ có thể ngày càng mang tính người hơn khi nào chúng ta đưa vào trong mọi quan hệ hỗ tương giữa người với người sự tha thứ theo Tin Mừng. Sự tha thứ cho thấy rằng trong thế giới tình thương mạnh hơn tội lỗi. Hơn nữa, tha thứ là điều kiện trước tiên của sự hòa giải, chẳng những trong các tương quan giữa Thiên Chúa với con người, mà còn trong những tương giao giữa người với người” (Gioan Phaolô II, Dives in misericordia – Thiên Chúa giàu lòng thương xót, số 14).

Riêng từng người tín hữu, hãy nhớ rằng, bí tích tha tội là bí tích của lòng Thiên Chúa thương xót. Lòng thương xót của Thiên Chúa luôn chờ đợi để trao ban tình yêu tha thứ, trao ban sự sống vĩnh cửu. Vì thế, mọi tín hữu đừng ngần ngại, nhưng hãy siêng năng tìm đến bí tích của lòng thương xót mà hòa giải cùng Thiên Chúa, mà lãnh nhận mọi ân huệ tuôn trào từ lòng thương xót vô cùng ấy.

Chúng ta hãy sung sướng mà cầu nguyện bằng lời Thánh vịnh để tri ân tình yêu thương xót và tha thứ đến vô cùng mà Thiên Chúa dành cho mình: “Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung. Hạnh phúc thay, người Chúa không hạch tội, và lòng trí chẳng chút gian tà.

Bao lâu con lặng thinh không thú lỗi, thì gân cốt rã rời, cả ngày con gào thét. Vì ngày đêm con bị tay Ngài đè nặng, nên sức lực hao mòn, như bị nắng mùa hè thiêu đốt. Bởi thế, con đã xưng tội ra với Ngài, chẳng giấu Ngài lầm lỗi của con. Con tự nhủ: ‘Nào ta đi thú tội với Chúa’, và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con” (Tv 32, 1-5).