PHỎNG VẤN CHA GIUSE NGUYỄN VĂN THÀNH, TRƯỞNG BAN TRUYỀN THÔNG GIÁO PHẬN HƯNG HÓA

Ngày Lễ Chúa Lên Trời sắp tới là ngày Truyền Thông Xã Hội lần thứ 51. Nhân dịp này, Thông Tấn Xã Công Giáo Vietcatholic xin được phỏng vấn Cha Giuse Nguyễn Văn Thành, Trưởng Ban Truyền Thông Giáo Phận Hưng Hóa.

PV. Kính thưa Cha, chúng con được biết Cha là người hoạt động mục vụ Truyền Thông hăng hái, nhiệt thành và đã đem lại những hiệu quả đáng chú ý. Xin Cha chia sẻ cho độc giả Vietcatholic đâu là “cơ duyên” đưa Cha đến với truyền thông Công Giáo?

Cha Giuse Thành: Xin chào quý độc giả Vietcatholic, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã thích viết. Khi vào Chủng viện, tôi hay ghi lại những bài giảng của các cha giáo và viết suy niệm Lời Chúa các ngày Chúa Nhật và lễ trọng. Đặc biệt, tôi được phụ trách cuốn tập san trong lớp và một số mục trên trang mạng của Đại Chủng Viện. Khi là linh mục, tôi làm mục vụ ban ngày và còn đêm tôi viết những gì mình gặp, mình làm và mình cảm thấy cần viết. Mỗi bài viết tôi thấy có nhiều người đọc và chia sẻ. Có lẽ đó là “cơ duyên” đưa tôi đến với truyền thông Công Giáo.

PV. Thật là “duyên tiền định” phải không ạ? Theo Cha, đâu là “cốt lõi” của Truyền thông Công Giáo và đâu là phẩm chất quan trọng của người làm truyền thông Công Giáo?

Cha Giuse Thành: Truyền thông Công Giáo không đơn thuần chỉ là đưa tin và hướng dẫn dư luận mà còn là giúp độc giả nhận ra chân lý đức tin qua việc suy ngẫm Lời Chúa và đọc ra những dấu chỉ của thời đại, nói tắt là loan báo Tin Mừng qua phương tiện truyền thông. Vì thế, người làm truyền thông Công Giáo phải được đào tạo về lương tâm, về giáo lý và về phương thức truyền thông. Đó chính là “cốt lõi” của truyền thông Công Giáo. Hơn thế nữa, người làm về truyền thông cần phải say mê Chúa, yêu mến sự thật và thông truyền sự thật. Đó chính là phẩm chất cao quý của người làm truyền thông.

PV. Cha vẫn ưu tư về khía cạnh loan báo Tin Mừng của công cuộc Truyền thông, xin Cha vui lòng chia sẻ thêm về vấn đề này.

Cha Giuse Thành: Ngày nay được gọi là thời đại của thông tin đại chúng. Tất cả mọi sự đều bị chi phối bởi truyền thông. Chỉ cần trong giây lát người ta có thể biết được sự kiện gì vừa xảy ra trên thế giới. Người làm công tác truyền thông cần phải tận dụng cơ hội này để loan báo Tin Mừng: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (Gaudium Et Spes, số 1). Theo tôi, về khía cạnh loan báo Tin Mừng, chúng ta không thể lãng quên vai trò tích cực của truyền thông nếu không muốn nói là cần phải quan tâm hơn nữa. Làm sao phải tạo được sân chơi bổ ích cho mọi đối tượng hay nói cách khác mọi đối tượng đều bị chi phối bởi tính tích nơi truyền thông Công Giáo.

PV. Giáo phận Hưng Hóa, cách riêng Giáo hạt Lào Cai của Cha vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tổ chức các lễ nghi phụng vụ cũng như thi hành mục vụ. Xin Cha chia sẻ cho độc giả một chút về những khó khăn này.

Cha Giuse Thành: Như quý vị biết, Hưng Hóa là một giáo phận rộng nhất Việt Nam, bao gồm 10 tỉnh: Hà Nội (một phần), Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Sơn la, Điện Biên, Hòa Bình, Tuyên Quang và Hà Giang. Trong đó, giáo hạt Lào Cai gồm hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Xét về mặt giáo quyền, hiện nay giáo hạt này có 6 xứ: Lào Cai, Bảo Yên, Phố Lu, Sapa, Lai Châu và Than Uyên nhưng xét về mặt xã hội mới chỉ được công nhận hai giáo xứ Lào Cai và Sapa. Các linh mục đi cả 100 cây số đường đèo để tìm một giáo dân. Nói như vậy chúng ta mới thấy mục vụ tại giáo hạt này phức tạp biết là chừng nào. Trong những năm gần đây tình hình có khá hơn chút, các linh mục được bổ sung nhiều hơn. Giáo dân được tham dự Thánh Lễ và chăm sóc mục vụ nhiều hơn. Nhưng còn một số nơi vùng sâu vùng xa chính quyền địa phương không muốn các linh mục tới cử hành Thánh Lễ. Họ sẵn sàng làm ngăn cản bằng mọi cách với lý do là “chưa được công nhận giáo họ” và chưa có “cơ sở tôn giáo”. Vì thế, nếu muốn dâng lễ tại những nơi chưa có cơ sở thờ tự, chúng tôi phải đăng ký dâng lễ ngoài cơ sở thờ tự nhưng chuyện được dâng hay không lại là chuyện khác.

PV. Và như thế, vai trò của Truyền thông có tác động như thế nào, thưa Cha?

Cha Giuse Thành: Khi tiếng nói chính đáng của giáo dân và linh mục không được lắng nghe, truyền thông lúc đó có vai trò hết sức quan trọng. Nó có tác động nhanh chóng và mạnh mẽ trên lương tâm của mỗi người và lên án những hành vi thiếu văn hóa và vi phạm quyền con người.

PV. Thưa Cha, chúng con thấy Cha rất thao thức về việc đào tạo những người làm Truyền thông Công Giáo, xin Cha cho độc giả biết thêm về tầm quan trọng của việc đào tạo này.

Cha Giuse Thành: Để làm một ghề gì thì cũng cần phải có nhân sự và nhân sự phải được đào tạo càng chu đáo bao nhiều càng hiệu quả bấy nhiêu. Riêng về lãnh vực truyền thông thì còn hơn thế nữa, người làm về Truyền thông không chỉ được đào tạo giỏi về chuyên môn mà còn phải giỏi cả về mặt đạo đức ghề nghiệp nữa. Vì thế, linh đạo truyền thông Công Giáo phải được đào tạo một cách bài bản.

PV. Chủ đề Ngày Truyền Thông Xã Hội năm nay được Đức Thánh Cha chọn là “Đừng sợ, và Thông truyền niềm hy vọng và tin tưởng trong thời đại chúng ta”. Theo Cha, để đạt đến lý tưởng ấy, Truyền thông cần có thêm những gì ạ?

Cha Giuse Thành: Thật là ý nghĩa khi Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn chủ đề Ngày Truyền Thông Xã Hội năm là “Đừng sợ, và Thông truyền niềm hy vọng và tin tưởng trong thời đại chúng ta”. Theo tôi, Đức Thánh Cha đã đi vào cốt lõi của vấn đề truyền thông trong công cuộc loan báo Tin Mừng với những phương thế mới, thái độ mới và bằng những cách thức mới. Truyền thông cần mạnh dạn hơn và dấn thân hơn bởi Chúa Giêsu đã nói: “Thầy đây đừng sợ” (Ga 6.20).

PV. Chúng con xin cám ơn Cha, và xin Chúa ban cho Cha đầy hồng ân trong sứ vụ của Cha.

Gioan Lê Quang Vinh thực hiện