Cử Tri Pháp Bầu Dân Biểu Quốc Hội Năm 2017

Nghị định của Bộ Nội vụ, được đăng vào Công báo ngày 25.04.2017, mời gọi 47.582.183 cử tri Pháp được mời tham gia đầu phiếu tuyển cử Dân biểu Quốc hội ngày 11.06.2017 và, nếu không ứng cử viên nào đạt được đa số tuyệt đối (50% cộng 1) số phiếu bầu hợp lệ, vòng hai sẽ được tổ chức vào ngày 18.06.2017.

Quốc hội (Assemblée nationale), một trong hai Viện Lập Pháp của nước Pháp, gồm 577 dân biểu (députés) được bầu chọn theo thể thức đầu phiếu trực tiếp và kín. Hiện nay, PS (Parti socialiste, đảng Xã hội) đang chiếm đa số tại Quốc hội nhiệm kỳ XIV sẽ chấm dứt lúc 24 giờ ngày 20.06.2017 (Điều 121 Luật Bầu cử ngày 15.05.2001 quy định : ngày thứ 3 thứ ba tháng sáu năm thứ năm sau khi đắc cử). Các dân biểu tân cử năm nay bắt đầu nhiệm kỳ XV từ 0 giờ ngày thứ tư 21.06.2017.

I.- GHI DANH ỨNG CỬ DÂN BIỂU QUỐC HỘI.

A. Ðiều kiện để ứng cử.

Để nhận cho nộp đơn ứng cử dân biểu, công dân Pháp phải đủ 18 tuổi (thay vì 23 như trước do quy định của Luật tổ chức số 2011-410 ngày 14.04.2011). Ứng cử viên không bắt buộc phải cư ngụ nơi mình ứng cử vì khi đắc cử dân biểu, họ biểu quyết luật cho quốc gia. Ứng cử viên ‘nhảy dù’ (parachutage) là người được Trung ương Ðảng bộ ở Paris gởi xuống vì là một đảng viên ‘cấp to’ và bảo vị dân biểu xuất nhiệm nhường chổ cho vị ‘được thả dù’ này. Nếu không vâng lời, đương sự xuất nhiệm bị coi là ly khai (dissident), bị khai trừ khỏi đảng và hai người cùng tranh cử để cử tri phán quyết.

B. Thể thức Ðầu Phiếu.

Đơn danh, đa số, hai vòng đã được quy định lần đầu thời Ðệ Ngũ Cộng hòa bởi Sắc luật ngày 13.10.1958 và được nhắc lại tại Điều 123-L126 Luật Bầu cử:

1.- Vòng một.

Để được tuyên bố đắc cử, ứng cử viên phải đạt được đa số tuyệt đối tổng số những phiếu bầu hợp lệ và số phiếu phải bằng một phần tư số cử tri ghi danh. Nếu không ai đắc cử, vòng nhì được tổ chức.

2.- Vòng nhì.

Không như bầu cử Tổng thống, chỉ hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất được vào vòng nhì. Ðể bầu dân biểu, các ứng cử viên đạt được nhiều hơn hay bằng 12,50% số cử tri ghi danh đều có thể tham dự vòng này. Nếu chỉ một ứng cử viên đạt được điều kiện này, người về thứ hai cũng được giữ lại. Chỉ cần đa số tương đối, ứng cử viên về đầu được tuyên bố đắc cử. Trong trường hợp hai ứng cử viên có số phiếu bằng nhau, ứng cử viên cao tuổi hơn được tuyên bố đắc cử.

C. Thể thức bầu cử đã có lần thay đổi.

Từ thời Ðệ Ngũ Cộng hoà, những Tổng thống vừa đắc cử đều muốn có một đa số, càng nhiều dân biểu càng tốt, để thông qua và thi hành các chương trình đã trình bày trong thời gian tranh cử. Ngoài ra, trước kia, nhiệm kỳ Tổng thống là 7 năm trong khi thời gian dân biểu tại chức chỉ là 5 năm và Quốc hội có thể bị Tổng thống giải tán, sau khi hội kiến với hai Chủ tịch Thượng nghị viện và Quốc hội.

Do đó, năm 1981, khi ông Francois Mitterrand (PS) thắng cử Tổng thống nhiệm kỳ 1981-1988 với phiếu ủng hộ của Ðảng Cộng sản Pháp (PCF, Parti Communiste Français). Sau khi nhậm chức, ông đã giải tán Quốc hội đương nhiệâm để bầu Quốc hội mới, nhiệm kỳ 1981-1986. Trong những năm đầu của nhiệm kỳ, Tổng thống được Quốc hội ủng hộ ‘hết mình’ đã đưa nền kinh tế xuống dốc. Nhằm giảm bớt sự xuống dốc của đa số Quốc hội, Tổng thống với sự đồng ý của đa số này, Luật ngày 10.07.1985 cho phép bầu cử dân biểu theo đa số tỷ lệ giữa những liên danh cấp tỉnh (Département) có số phiếu từ 5% trở lên. Thâm ý của họ không được cử tri đáp ứng, tuy có chận đứng sự thất bại hoàn toàn vì kết quả đã là : Tập họp vì Nền Cộng hòa (RPR, Rassemblement Pour la République), hữu phái thu 40,97% số phiếu hợp lệ và chiếm 287 ghế ; PS 31,02% với 212 ghế ; PCF 9,78% với 35 ghế và Mặt trận Quốc gia (FN, Front National) 9,65% với 35 ghế (lần đầu tiên có mặt tại Quốc hội).

Từ kết quả tuyển cử Quốc hội đó, Tổng thống Mitterrand phải mời vị Ðứng đầu khối đa số tại Quốc hội là ông Jacques Chirac, Thủ lãnh RPR, làm Thủ tướng và, cùng ông, thành lập Chánh phủ. Từ đó, có danh từ Sống chung chánh trị (Cohabitation politique). Trong đó, Tổng thống chỉ còn là ‘Président chỉ để Chủ tọa (présider) Hội đồng Nội các’ và ‘Chính phủ (Gouvernement) mới Ðiều hành chính sự (gouverner). Bởi thế, Tổng thống mới rảnh rỗi để nghĩ cách lấy lại đa số tại Quốc hội, nhất là khi suy đoán mình sẽ được tái cử Tổng thống năm 1988. Do đó, với sự đồng thuận của đa số hữu phái, Luật ngày 11.07.1986 được ban hành để trở lại thể thức bầu cử dân biểu với ‘đa số hai vòng’ khiến, gián tiếp, FN không còn dân biểu tại Quốc hội cho đến năm 2012.

Kết quả, sau khi tái đắc cử, Tổng thống Mitterrand đã giải tán Quốc hội để bầu lại ngày 05 và 12.06.1988. Nhưng không may cho ông, PS và các đảng liên minh không đạt được đa số tuyệt đối vì PCF từ chối tham gia Chính phủ. Do đó, PS cần sự giúp đở, khi của PCF, lúc từ Liên hiệp Trung phái (UDC, Union du Centre với 41 dân biểu). Trong nhiệm kỳ hai 7 năm, ông đã cử 4 Thủ tướng (Rocard, Cresson và Bérégovoy PS) ; với Balladur (RPR) trở thành Cohabitation lần thứ 2.

D. Vài đặc điểm về các ứng cử viên dân biểu năm 2017.

Ngày 23.05.2017, Bộ Nội vụ công bố danh sách 7.882 vị. Xin nhắc lại các kỳ bầu Quốc hội gần đây : 6.603 (cho năm 2012), 7.600 (2007) và 8.400 (2002). Tại sao đông đảo cử tri như vậy, xin mời xem tiếp phần ‘B.- Nguồn trợ cấp từ Ngân sách’.

225 trong 577 dân biểu xuất nhiệm đã không tái ứng cử, tức 39,50%. Con số thật cao so với hai nhiệm kỳ trước : xuất nhiệm năm 2007 chỉ có 98/577 dân biểu không tái cử, tức 17% ; năm 2012, 105/577, tức 18%. Sở dĩ, năm nay có nhiều vị không tái cử vì Luật mới không cho dân biểu kiêm nhiệm các chức Thị trưởng, Chủ tịch các Hội đồng Vùng và các Hội đồng Tỉnh…, không ít các dân biểu thuộc phe đa số xuất nhiệm và những lý do khác. Số còn lại 352 tái ứng cử, chiếm 4,46% tổng số ứng cử viên năm nay.

Với con số 7.882 ứng cử viên cho năm nay, tức trung bình tại mỗi đơn vị bầu cử (circonscription) có gần 14 ứng cử viên tranh nhau một ghế dân biểu. Trong khi Ðơn vị bầu cử ‘Người Pháp ở ngoại quốc thứ 9’ (9e des Francais de l’étranger), thì tại đơn vị Wallis-et-Futuna, chỉ có 3 ứng cử viên ghi danh.

Về tuổi tác, tuổi trung bình của các ứng cử viên là 48,5 năm, so với 50 cho năm 2012 và 51 cho năm 2007. Ứng cử viên trẻ nhất là cô Morgane Guerreau 18 tuổi, ứng cử tại đơn vị Val de Marne-4 và lớn nhất là bà Odette Simonet 89 tuổi, ghi danh tại Ðơn vị bầu cử ‘Người Pháp ở ngoại quốc thứ 9’. Tuổi trung bình của các ứng cử viên thuộc Cộng hòa Tiến Bước (La République En Marche, LREM) là 46 năm, Mặt trận Quốc gia (Front National, FN) là 47, PS là 50 và Những Người Cộng hòa (Les Républicains, LR) là 51.

Về vấn đề giới tính (parité, các đảng bị buộc phải đề cử số ứng cử viên nam và nữ phải ngang nhau). Ðảng Cấp tiến tả phái (PRG, Parti Radical de Gauche và LREM đã giới thiệu số ứng cử viên nữ nhiều hơn số người nam. FN và Phong trào Dân chủ (MoDem, Mouvement Démocratique) tôn trọng nguyên tắc này. Nước Pháp bất khuất (FI, France insoumise) chỉ với 48% ứng cử viên nữ. PS chỉ 44% và LR 38%. Vi phạm nguyên tắc này, các đảng bị phạt bằng giảm trợ cấp tài chính hàng năm.

II. TÀI CHÁNH CHO SINH HOẠT CHÍNH TRỊ.

Để cân bằng ngân quỹ, các chánh đảng có hai nguồn thu chính :

A.- Nguồn thu tư nhân.

Như các Hiêp hội, các chánh đảng được quyền nhận niên liễm của các đảng viên. Tuy nhiên số tiền thu nầy không đáng kể nên các chánh đảng yên cầu những đảng viên giữ một (hay nhiều) chức vụ dân cử đóng một số tiền đáng kể hơn.

Những cá nhân có thể ủng hộ tài chính cho các cuộc tranh cử của một ứng cử viên. Tuy nhiên, một người không thể tặng quá 4.600 euros trong cùng một kỳ bầu cử. Những số tiền tặng trên 150 euros phải trả bằng ngân phiếu (chèque), chuyển trương (virement) hay thẻ tín dụng (carte bancaire).

Các chánh đảng chỉ được phép nhận tiền biếu từ các thể nhân, nhưng cấm từ những pháp nhân (điều 16 luật ngày 19.01.1995. Các số tiền biếu cũng như niên liễm có thể được trừ thuế 66% những số tiền này trong giới hạn 20% lợi tức tính thuế với điều kiện số tiền phải trả qua trương mục ngân hàng, tức bằng chi phiếu, chuyển trương,…

B.- Nguồn trợ cấp từ Ngân sách.

Lá phiếu bầu Dân biểu có giá trị để tính trợ cấp cho đảng chánh trị trong suốt nhiệm kỳ lập pháp và việc hoàn trả chi phí vận động bầu cử dân biểu.

1./ Hoàn trả chi phí vận động và bầu cử Quốc hội.

a. Mức trần chi tiêu được phép.

Mỗi ứng cử viên được quyền chi tối đa với :

- mức cố định : 38.000 euros cho mỗi ứng cử viên ;

- mức tỷ lệ theo dân số trong đơn vị bầu cử (circonscription) được INSEE (Institut national de la statistique et des études économiques, Viện Thống kê) công bố ngày : 0,15 euros cho mỗi cư dân. Sau khi cộng hai mức lại, không trường hợp nào cao hơn 76.000 euro.

Trong trường hợp vượt mức chi tiêu này, ngân sách tranh cử sẽ bị bác bỏ, do đó, sẽ không có bồi hoàn. Ngoài ra, đương sự còn có thể bị cấm ứng cử tối đa là ba năm.

b. Điều kiện.

Ứng cử viên đạt được ít nhất hay bằng 5% số phiếu hợp lệ được hoàn trả 47,50% mức trần chi tiêu được phép nói trên.

2./ Trợ cấp tài chính cho các đảng chánh trị.

Nghị định số 2016-111 ngày 04.02.2016 thực hiện việc áp dụng các Điều 9 và 9-1 của Luật số 88-227 ngày 11.03.1988 đã được sửa đổi, về minh bạch tài chính về đời sống chính trị. Theo đó, số tiền trợ cấp gồm hai phần :

a. Kết quả bầu cử Quốc hội cho những đảng có ứng cử viên tranh cử tại ít nhất 50 đơn vị bầu cử (circonscriptions) theo luật ngày 20.02.1993. Theo đó, ngân sách quốc gia cấp theo số phiếu mà các tập thể chánh trị (đảng, nhóm…) đã giới thiệu ứng cử viên tham gia tuyển cử Quốc hội thu được ít nhất 1% số phiếu hợp lệ và hiện diện tại ít nhất 50 đơn vị bầu cử, nhận được 1,42 euros cho mỗi lá phiếu hàng năm trong trong suốt nhiệm kỳ (thường là 5 năm, nếu Quốc hội không bị giải tán). Trái lại, các đảng không tuân theo luật ngày 06.06.2002 về số ứng cử viên nam nữ phải bằng nhau, số tiền trợ giúp công sẽ bị trừ bớt.

Các đảng nhỏ ở các phần đất ở hải ngoại (outre-mer) chỉ cần đạt được ít nhất 1% số phiếu hợp lệ trong tất cả các đơn vị bầu cử mà đảng có ứng cử viên tham gia tranh cử.

b. Tỉ lệ theo số dân biểu và nghị sĩ thuộc từng chính đảng. Ngoài ra, ngân sách quốc gia cũng chi trả 37.290 euros/năm/người để tài trợ việc đào tạo các chính trị gia mới theo số Dân biểu và Nghị sĩ mang đảng tịch những chính đảng hiện diện tại Quốc hội và Thượng nghị viện.

III. KHẢO SÁT DÂN Ý (SONDAGE).

Theo Viện Thống kê Ipsos/Sopras/Steria cho France Télévisions va Radio France công bố hôm 30.05.2017 thì LREM và MODEM về đầu với 29,50% số người được phỏng vấn cho vòng một ngày 11.06.2017. Tiếp đến, LR-UDI được 22%, FN 18%, FI 11,5%, PS-RDG 9%, Âu châu Môi trường Ðảng Xanh (EELV, Europe Ecologie les Verts) 3%, Ðứng dậy nước Pháp (Debout la France) 2,5%, PCF 2%,… Cho tới ngày 11.06.2017, những tỷ số này có thể thay đổi vì 34% số người được hỏi cho biết có thể đổi ý.

(Cuộc khảo sát dân ý được thực hiện trong thời gian từ 26 đến 28.05.2017 với 2.138 người có ghi tên trên danh sách cử tri. Trong đó, 1.127 chắc chắn sẽ đi bầu và bầu hợp lệ cho một ứng cử viên).

Về số ghế, Viện Ipsos ước lượng LREM có thể đạt được từ 395 đến 425 ghế tại Quốc hội : một đa số áp đảo. Kết quả đó giải thích sự cách biệt quan trọng về số phiếu toàn quốc giữa đảng của Tổng thống và LR-UDI. Liên đảng LR-UDI, theo giới quan sát, nếu chiếm được trên 150 ghế thì tốt ; nếu từ 100 đến 149 thì vừa phải ; nếu ít hơn 100 ghế thì thất bại.

Cũng trong cuộc khảo sát này, 45% số người được phỏng vấn cho biết không muốn thấy ông Emmanuel Macron có đa số tuyệt đối (289 dân biểu) tại Quốc hội và 28% muốn thấy điều ấy.

Tại 10 trên 11 đơn vị bầu cử Người Pháp ở ngoại quốc, nơi các ứng cử viên LREM đã về đầu ở vòng một được tổ chức ngày Chúa Nhật 04.06.2017. Trừ tại đơn vị 9 (Ý, Chypre, Hy lạp và Thổ nhĩ kỳ), ứng cử viên F. Drory (PS) với 35,50% số phiếu hợp lệ trước dân biểu xuất nhiệm M. Habib (LR-UDI) với 35,30%.

Các Tổng, Bộ trưởng: Richard Ferrand, Bruno Le Maire, Annick Girardin, Marielle de Sarnez, Christophe Castaner, Mounir Mahjoubi tham gia tuyển cử để hy vọng chiếm một ghế tại Quốc hội. Trong phiên họp Hội đồng Nội các đầu tiên ngày 18.05.2017, mọi thành viên dự họp đều đồng ý ủng hộ các ứng cử viên LREM (đảng của Tổng thống) và ai trong họ ứng cử dân biểu, nếu thất cử thì phải từ chức Tổng, Bộ trưởng. Như vậy, thật đúng là ‘được ăn cả, ngã về không’. Nếu thắng cử, thật hạnh phúc, viên chức Hành pháp này có thêm một ghế ở Viện Lập pháp mà vị này sẽ nhường ghế này cho người dự khuyết (suppléant) vì Tổng hay Bộ trưởng có nhiều quyền hơn (nhiều quyền cũng có nghĩa là nhiều tiền) và, nhờ đó, tạo thêm một việc làm cho người quen… cho đến khi mất chức Tổng hay Bộ trưởng sẽ nhận lại chiếc ghế dân biểu này. Nếu thất cử kỳ bầu Quốc hội này thì vừa mất chức ở Hành pháp vừa không chiếm được ghế tại Viện Lập pháp.

Số cử tri vắng mặt cũng được dự trù ở mức 45% cho vòng một ngày 11.06.2017.

Hà Minh Thảo