Điều gì diễn ra trong Thánh Lễ cũ bằng tiếng La Tinh?

Vatican II không chỉ phát động cuộc cải tổ trong ngôn ngữ của Thánh Lễ mà thôi, mà còn trong cấu trúc cũng như một mức độ nào đó trong cả nội dung của nó nữa. Ý tưởng đầu tiên là làm cho Thánh Lễ đơn giản hơn, bắt nguồn nhiều hơn từ Thánh Kinh, và mời gọi sự tham dự nhiều hơn, đến nỗi việc thờ phượng không còn bị đơn thuần hiểu là việc của linh mục làm còn cộng đoàn thì giữ vai trò “xem” (xem Lễ). Một số nhỏ những người gọi là “duy truyền thống” do vị Tổng Giám Mục người Pháp, tên Marcel Lefèbre, lãnh đạo, đã phản đối bằng cách ly khai với Rôma. Tuy nhiên, một số khác, tuy ở lại trong Giáo Hội, nhưng vẫn tiếp tục cử hành nghi thức cũ. Nhiều nhóm xuất hiện trong các năm qua nhằm duy trì cho các truyền thống này sống còn, như Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Phêrô, đã được Vatican hoàn toàn cho phép. Như đã nói trên đây, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, năm 2007, đã ra sắc lệnh định rằng Thánh Lễ cũ bằng tiếng La Tinh, đôi khi gọi là Thánh Lễ Triđentinô vì do Công Đồng Triđentinô ấn định, nay là một “hình thức ngoại thường”.

Ngày nay, hầu hết người Công Giáo nào trên thế giới muốn tham dự một Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh thường không khó khăn chi, và mỗi Chúa Nhật, khoảng 1 tới 2 phần trăm tổng số người Công Giáo tham dự Thánh Lễ kiểu này. Các khác biệt giữa Thánh Lễ cũ và mới, hay giữa Thánh Lễ thông thường và Thánh Lễ ngoại thường, không phải chỉ có vấn đề ngôn ngữ. Thực vậy, trong phần lớn Thánh Lễ La Tinh, linh mục quay cùng hướng với cộng đoàn, nghĩa là cùng cộng đoàn hướng mặt về Thiên Chúa. Các lời nguyện trau chuốt hơn, và có khá nhiều các cử chỉ như cúi đầu, qùy và bái gối, tỏ lòng tôn kính trước Thiên Chúa và các yếu tố đã truyền phép. Đôi lúc, vị linh mục đọc lời cầu nguyện rất nhỏ tiếng, phần lớn người ta nghe không rõ, thành thử, cũng có khá nhiều lúc im lặng. Tín hữu rước lễ phần lớn qùy và dùng lưỡi để tiếp nhận Mình Thánh. Nói chung, Thánh Lễ Triđentinô có vẻ nghiêm trang và cổ điển hơn, với khá nhiều điều người vui tính gọi là “mùi và chuông” (“smells and bells”) tức hay xông hương và rung chuông để đánh dấu những lúc quan trọng trong phụng vụ.

Đối với những người Công Giáo quá gắn bó với hình thức Thánh Lễ trên, đây là một cảm nghiệm đẹp đẽ và mạnh mẽ. Một số người mô tả nó như một tiền vị của cảm nghiệm thiên đàng, nơi các thiên thần không ngừng làm việc thờ phượng và thờ lạy Thiên Chúa.

Phong trào đặc sủng Công Giáo là gì?

Ở cuối thể liên tục kia, có một phong trào đang lớn mạnh dần trong Giáo Hội Công Giáo hướng tới một cảm thức cởi mở, tự phát, hân hoan của các Giáo Hội Ngũ Tuần. Những người Công Giáo theo phong trào này được gọi là “những người đặc sủng” (charismatics), do chữ charisma của tiếng Hy Lạp chỉ ơn Chúa Thánh Thần, như nói tiếng lạ, nói tiên tri, và khả năng chữa bệnh. Một số người thuộc một phong trào đặc sủng chính thức, nhưng phần lớn sinh hoạt quanh một vị linh mục và các giáo xứ có biểu hiệu đặc sủng. Đây là một lực lượng đặc biệt mạnh mẽ ở Nam Bán Cầu; một nghiên cứu về Tôn Giáo và Sinh Hoạt Công Cộng của Trung Tâm Pew năm 2006, chẳng hạn, cho thấy 57 phần trăm người Công Giáo Ba Tây tự gọi là người đặc sủng. Ba Tây là nước Công Giáo lớn nhất thế giới, và Giáo Hội Công Giáo ở đây phải đương đầu với một cuộc cạnh tranh gắt gao với các Giáo Hội truyền giáo Ngũ Tuần hết sức tích cực. Ở Hoa Kỳ, người Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha tự nhận mình là đặc sủng 5 lần nhiều hơn người da trắng. Kho Dữ Kiện Kitô Giáo Hoàn Cầu (World Christian Database) ước lượng rằng tổng số người Công Giáo đặc sủng vào khoảng 120 triệu, gần 10 phần trăm dân số Công Giáo hoàn cầu.

Thí dụ, hãy xem Thánh Lễ do Cha Marcelo Rossi cử hành ở Ba Tây. Một người Ba Tây bình thường rất có thể không kể được tên của Đức Hồng Y giáo phận Sao Paolo, nhưng chắc chắn họ biết “Ông Cha” Marcelo cao ráo đẹp trai, một cựu huấn luyện viên thể dục nhịp điệu. Cuốn CD với những bài hát ca ngợi kiểu nhạc “pop” đã bán hàng triệu điã và đoạt được giải Latin Grammy. Ngài cũng thủ một vai trong cuốn phim bình dân về Đức Maria, trong đó, ngài đóng vai một cha xứ kể truyện về Đức Mẹ cho một bé gái. Các Thánh Lễ của ngài thường lôi cuốn hàng chục ngàn tín hữu tới một cơ xướng làm kính trước đây, tọa lạc ở ngoại ô Sao Paolo, và có lần, cha đã cử hành Thánh Lễ cho hai triệu người tại một trường đua “Formula One”.

Lúc bắt đầu Thánh Lễ, Cha Rossi hướng dẫn cộng đoàn bằng một loạt bài ca kích động dân chúng, điểm xuất với những lời tung hô ngợi khen. Nếu có bao giờ bạn dự một buổi trình diễn nhạc của Bon Jovi, lúc ban nhạc trổi bài “Livin’ on a Prayer” thì bạn hẳn hiểu: hàng ngàn người hát cùng một giọng, vừa hát vừa ngả nghiêng, múa tay, một số người khóc, số khác giống như “đang phê”. Về nhiều phương diện, Thánh Lễ ở đấy giống như một thứ cỡi xe tuột dốc (roller coaster) đầy cảm giác, liên tục tạo tuyệt đỉnh, để rồi sau đó, trở lại với những khoảnh khắc cung kính sâu xa. Người ta tôn trọng những khoảnh khắc chủ chốt như lúc công bố Tin Mừng và Kinh Nguyện Thánh Thể, nhưng xem ra họ cũng biết lúc nào có thể bắt đầu câu hò “Hey, hey, hey, Chúa Giêsu là Vua!” và khi nào thì có thể hoan hô vang dội.

Trong bài giảng lễ, Cha Rossi thường xuống dưới mép sân khấu, và kể cho cử tọa một câu truyện đơn giản. Chẳng hạn, có lần cha giải thích tại sao người đặc sủng giơ cánh tay lên trong lúc cầu nguyện; ngài so sánh việc này với việc bé thơ giơ cánh tay của bé lên cho cha mẹ em. Ngài nói: đây là một cử chỉ khiêm nhường, một cử chỉ đơn sơ giống như bé thơ. Cuối Thánh Lễ, Cha Rossi thường đặt Mình Thánh vào chiếc Mặt Nhật lớn và nâng cao nó lên khi hướng dẫn cuộc rước kết thúc. Mọi đèn trong hội trường bao la đều tắt ngúm khi cộng đoàn đốt lên những cây nến nhỏ, tạo ra một biển sáng lung linh.

Những người có óc bảo thủ thường nhìn những cuộc cử hành này bằng con mắt ngờ vực, coi chúng như những đại hội ca nhạc rock hơn là những buổi phụng vụ. Ấy thế nhưng, đối với khá nhiều giới Công Giáo tiêu biểu trên thế giới, các trải nghiệm này đang làm cho đức tin của họ trở nên sống động. Họ cũng đang góp phần quan trọng trong việc hãm đà người Công Giáo chạy qua phái Ngũ Tuần ở nhiều nơi, nhất là ở Châu Mỹ La Tinh và Châu Phi.

Có chăng một Thánh Lễ riêng biệt cho Châu Phi?

Từ đầu thập niên 1960, một số giám mục Công Giáo và nhiều nhà lãnh đạo khác ở Châu Phi bắt đầu nhấn mạnh rằng các hình thức ngợi khen và thờ phượng do mẫn cảm Âu Châu tạo khuôn không còn thích hợp với các nhu cầu truyền giáo của Giáo Hội Châu Phi nữa. Không hẳn muốn vứt bỏ các yếu tố cốt lõi của Thánh Lễ, các nhà tiên phong này muốn khai triển một hình thức phụng vụ Công Giáo phản ảnh tốt hơn các thiên hướng và truyền thống Châu Phi. Những cuộc bàn luận này vẫn tiếp diễn tại nhiều nơi ở Phi Châu trong suốt các thập niên 1970 và 1980, tạo ra đủ mọi thứ trải nghiệm khác nhau ở địa phương. Năm 1988, Tòa Thánh chấp thuận một ấn bản đặc biệt cho Sách Lễ Rôma, tức tuyển tập các lời nguyện Thánh Lễ, của các giáo phận Zaire, ngày nay có tên là Cộng Hòa Dân Chủ Congo. Dù Thánh Lễ theo Sách Lễ Zaire không được cử hành nhiều ở bên ngoài nước này, nhưng đây là một điển hình tốt cho thấy việc hội nhập văn hóa, dù nhỏ hay lớn, vẫn đang tiến diễn khắp lục địa này.

Trong nghi thức nhập lễ, trống phách Châu Phi thường được gióng lên từ phía sau trong khi linh mục và các nhà hướng dẫn phụng vụ khác lắc lư và nhẩy múa ở gian giữa nhà thờ. Lời nguyện mở lễ kêu cầu không những Đức Mẹ, các tông đồ và các thánh, mà cả “tổ tiên gần gũi trái tim chúng con” nữa. Việc tôn kính tổ tiên là một nét cổ điển trong tôn giáo của người Châu Phi bản địa, và việc lồng lời cầu nguyện này vào Thánh Lễ đã gây nên nhiều tranh cãi lâu dài; một số người sợ rằng nó có nguy cơ trở thành việc thờ phượng tổ tiên. Cuối cùng, các giám mục biện luận rằng không có gì là bất chính thống cả khi cầu nguyện cho người ta, và việc lồng lời cầu nguyện trên là một cách thế quan trọng trong việc làm cho việc thờ phượng của Công Giáo có dáng vẻ “Châu Phi” thực sự. Trước khi đọc bài Tin Mừng, lại có âm nhạc và nhẩy múa cổ truyền Châu Phi nữa, như biểu thức nói lên niềm vui được nghe Lời Chúa. Thánh Lễ cũng sử dụng một Kinh Nguyện Thánh Thể được chuẩn y đặc biệt, tổng nhập mọi yếu tố thần học, nhưng dùng hình ảnh Châu Phi. Vì nền văn hóa Châu Phi nhấn mạnh tới gia đình, nên cộng đoàn thường tụ họp quanh bàn thờ thành hình bán nguyệt trong khi linh mục đọc Kinh Nguyện Thánh Thể, biểu tượng rằng Chúa Kitô không những hiện diện trong bánh và rượu được truyền phép mà còn trong toàn bộ gia đình Thiên Chúa.

Chiến tranh phụng vụ nghĩa là gì?

Như đã nói ở trên, người Công Giáo dành khá nhiều thì giờ để tranh luận các vấn đề phụng vụ. Khi hơn 200 giám mục Hoa Kỳ họp thường niên mỗi năm hai lần, thì thường các ngài dành hẳn một giờ trọn, hay hơn, cho các luận điểm đưa ra về việc phải phiên dịch một câu La Tinh nào đó, thí dụ một phân từ tuyệt đối (absolute participle), chẳng hạn, ra sao sang tiếng Anh. Trong các cuộc họp của hội đồng giáo xứ khắp trên thế giới, người Công Giáo có thể giải quyết nhanh gọn các vấn đề như ngân sách và nhân viên trong vài phút, nhưng thường bị sa lầy hàng giờ về việc phải đặt nhà tạm ở chỗ nào trong nhà thờ (nhà tạm là chiếc hộp lớn có trang trí, thường làm bằng vàng hay qúy kim khác để chứa Bánh Thánh đã truyền phép giữa các Thánh Lễ. Một số người Công Giáo tin chắc rằng nó nên được đặt ngay phía sau bàn thờ, ở một chỗ danh dự, nhiều người khác cho hay phải đặt nó ở một nhà nguyện đặc biệt bên cạnh…và đó mới chỉ là ngọn của một băng sơn mà thôi). Các luận điểm này có thể khiến người ta nản lòng, nhưng chúng cũng là một lời khen nửa đùa nửa thật về tầm quan trọng rất lớn của phụng vụ trong Giáo Hội.

Để hiểu phần nào về chiến tranh phụng vụ, ta hãy phác họa dăm ba cuộc tranh luận sôi nổi. Đối với những người bên ngoài không chia sẻ các niềm tin của Công Giáo về phụng vụ, các cuộc tranh luận này có thể trì độn, nếu không muốn nói là ngớ ngẩn hoàn toàn. Ấy thế nhưng, với những ai xác tín rằng Thánh Lễ nối kết con người với đấng thần linh, nó cung cấp cho con người một mùi vị vĩnh hằng ngay tại đây và lúc này, thì mọi chi tiết đều mang một ý nghĩa vũ trụ sâu rộng.

1. Linh mục nên đứng hướng về đâu?

Như đã nói ở trên, trong Thánh Lễ cũ bằng tiếng La Tinh, linh mục phần lớn đứng quay lưng lại cộng đoàn, hướng các lời cầu nguyện của ngài lên Thiên Chúa. Trong Thánh Lễ sau Vatican II, linh mục thường đứng đối diện với cộng đoàn. Trong các năm gần đây, một số tiếng nói nổi bật trong Giáo Hội đã đề nghị nên trở về với phong tục cũ là linh mục quay mặt lên bàn thờ. Đề nghị này phát sinh ra một cuộc tranh luận sôi nổi mỗi lần có ai nêu lên. Bạn thường có thể nói một ai đó có lập trường nào về việc linh mục có nên quay về phía bàn thờ qua ngôn ngữ họ sử dụng. Nếu một ai đó nói tới việc linh mục gây ấn tượng bằng thế đứng ad orientem, chữ La Tinh có nghĩa “quay về hướng đông”, thì người này thường ủng hộ thế đứng này. Vì hướng đông là hướng mặt trời mọc và hướng mặt về hướng đó được hiểu như một biểu tượng cho tính phổ quát của Thiên Chúa. Phần lớn các nhà thờ Công Giáo được thiết kế hướng về hướng đông hoặc gần như thế theo mức độ có thể của nhà thiết kế (kết quả này thường được gọi là “hướng đông phụng vụ”). Nếu, đàng khác, một ai đó nói rằng linh mục đứng “quay lưng vào giáo dân”, thì những người hiểu chuyện thường cho là người này không thích lối đứng này.

Về phương diện chính trị, thế đứng hướng về bàn thờ thường lôi cuốn các người bảo thủ hơn về phụng vụ. Họ cho rằng phụng vụ là qui hướng về Thiên Chúa, và linh mục thay mặt toàn thể cộng đoàn trong việc hướng lời cầu nguyện và việc thờ lạy lên Thiên Chúa. Quả thế, một số người ủng hộ thế đứng ad orientem lý luận rằng để linh mục quay mặt về hướng cộng đoàn, trên thực tế, là để ngài quay lưng đối với Thiên Chúa! Hơn nữa, họ còn cho rằng thế đứng như thế khiến linh mục trở thành ngôi sao của màn trình diễn chứ không phải Thiên Chúa.

Mặt khác, các người tiến bộ về phụng vụ, thường nhấn mạnh rằng một trong các thiếu sót của Thánh Lễ cũ bằng tiếng La Tinh là nó giống như việc riêng của linh mục, với cộng đoàn căn bản chỉ là các khán giả. (Ngày xưa, giáo dân thường đọc kinh Mân Côi trong lúc tham dự Thánh Lễ, chỉ lưu ý tới những khoảnh khắc hiếm hoi khi họ thực sự nghe được những điều đang diễn ra). Theo luận lý học này, việc để linh mục quay mặt về phía giáo dân tượng trưng cho điều này: phụng vụ, thay vào đó, là việc chung của toàn thể gia đình Thiên Chúa.

Đức Bênêđíctô XVI đã thả nổi một ý tưởng có tính thỏa hiệp. Khi ngài cử hành một Thánh Lễ công cộng, ngài quay mặt về phía giáo dân nhưng để một tượng chịu nạn lớn ở trên bàn thờ, để cố gắng bảo đảm rằng giáo dân không tập chú vào ngài và các vị cử hành khác mà tập chú vào Thiên Chúa. Tuy nhiên, cho tới nay, chưa có nhiều bằng chứng cho thấy ý tưởng này được ưa chuộng.

2. Ngôn ngữ bao gồm

Vì Thánh Lễ hiện nay được cử hành phần lớn bằng ngôn ngữ bình dân, nên bản văn nền tảng bằng tiếng La Tinh phải được dịch sang tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, và nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới. Phải làm việc này ra sao cho đúng đã nẩy sinh nhiều đau đầu bất tận. Trong tiếng Anh, bản dịch đầu tiên ngay sau Công Đồng Vatican II dựa phần lớn vào nguyên tắc dịch gọi là “tương đương năng động” (dynamic equivalence) trong đó, trọng điểm không hẳn là dịch từ ngữ mà dịch ý tưởng, dựa trên cơ sở cho rằng dịch quá lệ thuộc từ ngữ chỉ tội làm giáo dân rối trí, mâu thuẫn với lời kêu gọi của Vatican II muốn họ “tham dự trọn vẹn, có ý thức và tích cực” vào phụng vụ. Thành thử, một số cấu trúc La Tinh được rút ngắn, một số phối hợp chữ được sửa lại, v.v… Các quyết định này luôn gây tranh cãi, nhất là nơi các nhà phê bình vốn chủ trương rằng ngôn ngữ phụng vụ không nên trở thành ngôn ngữ đường phố. Nó phải là “ngôn từ thánh thiêng”, long trọng và tôn kính hơn. Nếu việc này đôi lúc khó hiểu đối với giáo dân, thì phải chịu thôi, vì nó nhắc cho họ nhớ rằng họ đang tham dự một việc đặc biệt.

Hơn 20 năm qua hoặc gần như thế, Đạo Công Giáo ở các khu vực nói tiếng Anh đã trải qua một diễn trình gây nhiều đau đầu trong việc tái phiên dịch Sách Lễ Rôma và các bí tích khác. Cuối cùng bản dịch này cũng đã được đem ra sử dụng ở Hoa Kỳ vào cuối năm 2011 và các thay đổi quen thuộc nhất của nó liên quan tới “phần của người ta” nghĩa là những lời không phải chỉ do linh mục đọc mà còn do cả cộng đoàn cùng đọc nữa. Đây là điển hình rõ ràng hơn cả: khi linh mục đọc “Chúa ở cùng anh chị em”, trước đây cộng đoàn quen thưa “Và cũng ở cùng Cha!” Nay họ phải thưa “và ở cùng tinh thần cha!”. Đây là lối dịch từng chữ của câu nguyên thủy bằng tiếng La Tinh “et cum spiritu tuo”.

Trong một phiên họp năm 2012 tại Vatican, một giám mục Nam Dương đưa ra một thí dụ khá khôi hài về nguy cơ của lối dịch quá từng chữ mà không lưu ý gì tới các dị biệt văn hóa. Ngài bảo: trong ngôn ngữ địa phương, chữ dùng để dịch chữ La Tinh spiritu nghe giống như thần dữ, đến nỗi dịch câu Et cum spiritu tuo từng chữ sẽ buộc giáo dân thưa lại với linh mục của họ là “và ở với thần dữ của cha!”

Một trong các cuộc tranh luận hăng say nhất về việc phiên dịch xoay quanh “ngôn ngữ bao gồm” (inclusive language) nghĩa là sử dụng các từ ngữ không chỉ phái tính chuyên biệt. Ngôn ngữ bao gồm “theo chiều ngang” (horizontal) là tránh dùng các từ ngữ giống đực để chỉ mọi người, như nói “person” (người nói chung) hơn là “man” (người đàn ông). Ngôn ngữ bao gồm “theo chiều dọc” (vertical) là giảm thiểu hình ảnh giống đực cho Thiên Chúa, như tránh việc lặp đi lặp lại các chữ “Him” và “His” (Người, giống đực) khi nói về Thiên Chúa. Tuy cả hai đều gây tranh cãi, nhưng gây tranh cãi hơn hết chính là ngôn ngữ bao gồm “theo chiều dọc” vì ai cũng biết ngôn ngữ Thánh Kinh nhắc đến Thiên Chúa là Cha và Chúa Kitô là Con Trai của Người.

Đến một mức nào đó, luận điểm ủng hộ ngôn ngữ bao gồm chỉ là vấn đề chính xác. Những người ủng hộ việc này cho rằng nó chính xác khi chỉ toàn thể dân Chúa, nghĩa là bao gồm cả nam giới lẫn nữ giới. (Nữ giới có khuynh hướng đông hơn trong phần lớn các cộng đoàn). Họ cho rằng, nó cũng chính xác, ngay cả khi ta nói về Thiên Chúa, vì truyền thống Công Giáo vẫn chủ trương rằng Thiên Chúa “vượt trên phái tính”. Họ thường trích dẫn nhận xét của Đức Gioan Phaolô II khi ngài nói rằng theo một nghĩa nào đó, Thiên Chúa vừa là cha vừa là mẹ. Tuy nhiên, luận điểm cốt lõi bênh vực ngôn ngữ bao gồm là sự bình đẳng phái tính, quyền phụ nữ, và thắng vượt xu hướng bị coi là “tộc trưởng” trong Giáo Hội. Mặt khác, các người phản đối thường nhấn mạnh rằng Giáo Hội của thế kỷ 21 không có quyền hiệu đính ngôn ngữ của Thánh Kinh và 2,000 năm truyền thống Công Giáo để phù hợp với các làn sóng đang thay đổi trong thời thượng của một thời kỳ nhất định nào đó. Hơn nữa, theo họ, biệt ngữ tẻ nhạt chuộng chính xác về chính trị thường đánh mất nét thơ hết sức cụ thể của phụng vụ.

Các tác giả của bản dịch tiếng Anh nói rằng họ theo lối bao gồm “ôn hòa”, đặc biệt ở bình diện chiều ngang. Các nhà phê bình, đương nhiên, cho rằng các bản dịch mới không đi xa đủ.

Còn tiếp