Chúa Nhật 19 Thường niên A
Trong cuộc xuất hành của dân Do thái từ Ai cập về Đất Hứa, có một phép lạ lớn lao trên biển. Đó là phép lạ vượt qua Biển đỏ. Khi dân Do thái rời bỏ Ai cập đến Biển Đỏ thì quân Ai cập đuổi theo sát phía sau lưng. Được lệnh Thiên Chúa, ông Môsê giơ tay trên biển làm cuồng phong nổi lên, nước biển liền rẽ ra làm hai để lộ đất khô ráo, dân Do thái đi vào lòng biển khô cạn, quân Ai cập đuổi theo. Đến sáng, khi người Do thái cuối cùng đi sang bờ bên kia. Thiên Chúa ra lệnh cho Môsê giơ tay trên biển, nước trở lại như cũ. Quân Ai cập bị nhấn chìm trong biển, chết không còn một ai sống sót. Ngày đó, Thiên Chúa đã cứu dân Do thái thoát khỏi dân Ai cập. Đó là một phép lạ lớn lao Thiên Chúa đã làm trên biển. Phúc Âm hôm nay kể một phép lạ Chúa Giêsu làm trên biển. Đó là biển hồ Galilê.
Biển hồ Galilê có hình bầu dục dài 21km rộng 12km, còn được gọi là hồ “Giênêzarét” (Lc5,1). Thánh kinh cựu ước gọi là biển “Kinnerét” (Ds 34,11; Gs 12,13) hay còn gọi là “biển Tibêria” (Ga 6,1). Tibêria hiện nay là một thành phố sầm uất ở Galilê, nằm trên bờ tây nam biển hồ. Nằm về hướng bắc Giêrusalem 100Km, biển hồ Galilê là nơi mà dòng sông Jordan đổ vào trước khi chảy qua biển Chết. Thung lũng và sông Jordan mang một sắc thái địa lý rất đặc biệt, duy nhất trên thế giới vì thấp hơn mực nước biển:208 mét tại biển hồ Galilê và 300 mét tại biển Chết. Thực vật ở đây thuộc dạng nhiệt đới, chung quanh biển hồ núi non bao phủ, lẫn vào con sông Jordan, thời tiết bất thường ở miền đất từ miền nam đến biển Chết, đó là những yếu tố hình thành những vùng gió giật và giông bão xảy ra bất ngờ trên biển hồ (Mt 8,23-27; 14,22-23).
Đối với Tân ước, biển hồ Galilê được nói đến nhiều vì là một trong những trung tâm hoạt động của Chúa Giêsu. Rất nhiều biến cố đã xảy ra tại đây: Bão tố ngừng lại (Mt 8,24-26), Mẻ lưới kỳ diệu (Lc 5,4-14), Đức Giêsu rảo trên thuyền (Mc 4,1), đi trên biển (Ga 6,16-21). Những thành ven bờ hồ như Khôrazin, Bếtsaiba, Caphanaum, Magđala là những nơi Chúa Giêsu thường lui tới, qua nhiều thế kỷ, biển hồ Galilê được gọi dưới nhiều tên: Hồ Kinnêzét, hồ Giênêsarét, và biển hồ Tibêria.
Biển hồ và những vùng lân cận, có rất nhiều di tích liên hệ đến cuộc đời của Chúa và các môn đệ Ngài. Galilê là vùng có núi đồi khô cằn, nhưng các thung lũng phì nhiêu trải dài từ biển Địa trung Hải cho đến biển hồ Galilê. Chính trong các thung lũng này đã hình thành nhiều đồn điền trái cây nổi tiếng đem lại nguồn lợi xuất khẩu. Vào năm 1960, biển hồ là điểm xuất phát cho ngày quốc gia tưới tiêu, chính quyền Israel cho đào một con kênh lớn dẫn nước từ tận biển hồ đến sa mạc Negew. Công trình thuỷ lợi mang lại nguồn lợi kinh tế to lớn cho một nước mà địa dư, khí hậu đa phần được xem là không mấy thuận lợi. Nhiều nước trên thế giới đã gởi người tới học tập.
Trở lại bài Phúc âm, Thánh Matthêu kể chuyện: trên Biển hồ Galilê, khi có trận cuồng phong từ thung lũng Baka thổi vào thì tất cả các ngư phủ vốn quá quen đi thuyền ngang dọc trên biển hồ cũng phải sợ hãi. Các ngài là những ngư phủ trên biển hồ Galilêa này, và có thể nói là đã quen thuộc với những cơn sóng to gió lớn. Vậy mà đêm hôm đó họ đã trải qua một phen hải hùng, sóng to nổi lên, gió lớn thổi ngược, phải chống chèo rất vất vả các ông mới giữ vững được con thuyền. Và rồi đã xảy ra một sự kiện bất ngờ. Chúa Giêsu đi trên mặt nước đến với các môn đệ. Vốn đã khiếp đảm vì biển động sóng gió, các môn đệ nay hoảng sợ la lên vì họ tưởng là gặp ma. Thế nhưng khi nghe tiếng nói quen thuộc trấn an : “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”, các ông mới nhận ra Chúa, lập tức Phêrô xin phép đi trên mặt nước đến gặp Chúa. Chúa bằng lòng. Phêrô bước ra khỏi thuyền đến với Chúa, nhưng đức tin của ông còn yếu kém, ông hồ nghi và lo sợ nên bị chìm dần xuống nên kêu xin Chúa cứu giúp. Chúa đưa tay cầm lấy tay ông và trách nhẹ : “Người đâu mà kém tin vậy, sao lại hoài nghi ?”. Khi Chúa và Phêrô đã lên thuyền, sóng gió liền yên lặng và mọi người tuyên xưng : “Quả thật Thầy là Con Thiên Chúa”.
Tuần vừa rồi, tôi đi thăm các gia đình giáo dân trong giáo xứ. Tôi đi với hai ông trong hội đồng mục vụ. Đến cổng một gia đình, có con chó to sủa lớn xông ra như muốn vồ lấy. Chúng tôi hoảng sợ đứng im. Bé Hoa 6 tuổi từ trong nhà chạy ra, bé nạt con chó: lu lu, đi vô mau. Con chó to hung dữ bỗng ve vẫy đuôi, trở lại hiền lành chạy vào nhà. Con chó to vậy mà nghe lời cô gái nhỏ vì bé Hoa là chủ của nó. Còn tôi và mấy ông tuy to con nhưng không phải chủ nó nên nó chẳng sợ mà còn định nhảy vào cắn. Hôm đó tôi miên man nghĩ về câu chuyện Phúc âm Chúa Nhật này. Các môn đệ sợ hãi trước sóng to gió lớn bão tố sấm sét. Chúa Giêsu ra lệnh: hãy im đi, tức thì sóng yên biển lặng. Chúa Giêsu có quyền trên mọi sức mạnh thiên nhiên vì Người là Thiên Chúa sáng tạo, là chủ muôn loài.
Cả hai phép lạ: vượt qua Biển đỏ, Chúa Giêsu đi trên biển có một điểm giống nhau, đó là quyền năng Thiên Chúa trên mọi sức mạnh thiên nhiên.
Trên biển đời, có biết bao bão tố phong ba bủa vây, tin vào Thiên Chúa toàn năng, Đấng tạo dựng vũ trụ và muôn loài, chúng ta sẽ sống bình an trước mọi giông bão cuộc đời. Hãy vững tin và tín thác nơi Chúa Giêsu.
1. Sự hiện diện của Chúa Giêsu, nguồn bình an
Sau khi Chúa Giêsu lên thuyền, gió bỗng yên lặng. Sự hiện diện của Người đủ sức mang lại yên tĩnh và chế ngự phong ba bão táp. Biển theo nghĩa Kinh thánh tượng trưng cho quyền lực của sự ác. Đi trên biển chứng tỏ quyền năng và sự chiến thắng của Chúa Giêsu trên sự dữ, nguồn gốc của bất an, chia rẽ, đau khổ
.
Nhiều người Kitô hữu thờ phượng Thiên Chúa nhưng vẫn còn lo lắng, sợ hãi tà thần ma quỷ, nhiều khi còn mê tín dị đoan nữa. Hãy tin tưởng rằng: quyền lực của bóng tối không có gì đáng sợ khi Chúa đã hiện diện và hoạt động trong đời sống và công việc làm của chúng ta. Nếu biết lắng nghe, trong giông bão cuộc đời, chúng ta sẽ nhận ra tiếng Chúa “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ”. Nếu chúng ta tin tưởng vào lời Chúa hứa thì sự hiện diện của Chúa sẽ làm bão tố êm dịu và khủng hoảng được giải quyết (Pl 4,13).
Nơi đâu có Chúa Giêsu, ở đó có bình an. Cuộc đời người Kitô hữu không thể tránh khỏi những phong ba giông bão của cuộc sống. Cần phải đến với Chúa Giêsu. Nếu biết đặt Người ở trung tâm đời mình thì sẽ tìm kiếm được an bình nội tâm, cho dù có gặp biết bao gian truân thử thách. Chúa Giêsu hiện diện ngay trong cuộc sống của Kitô hữu nếu mọi người biết đến với Người qua việc nghe, thực thi lời Người, đón nhận Mình Máu Thánh Người và siêng năng cầu nguyện với Người.
2. Tín thác cuộc đời trong tay Chúa Giêsu
Các môn đệ vì sợ hãi sóng gió bủa vây nên không nhận ra Chúa Giêsu, ngộ nhận Người là ma. Chúa Giêsu trấn an họ: “Thầy đây, đừng sợ”. Hơn cả một lời trấn an, đây còn là một mạc khải : sự hiện diện của Chúa sẽ xua đi mọi nỗi sợ hãi; hãy tín thác cuộc đời trong tay Người. Khi Người xuất hiện thì gió yên biển lặng ; khi Người có mặt thì có sự bình an. Chính vì thế mà các môn đệ đã thờ lạy Người : Thầy quả thật là Con Thiên Chúa. Lời tuyên xưng này đồng thời cũng là lời biểu lộ một sự tín thác nơi Người. Tất cả mọi người trên thuyền cùng tuyên xưng một đức tin, cùng chung một lòng trông cậy. Một tỉ lệ thuận ngàn năm bất biến: tín thác vào Chúa, bình an tâm hồn.
Trong cuộc sống của mỗi người, niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô cần được thanh luyện và minh chứng qua thử thách gian nan. Nếu biết yêu mến và tín thác vào Chúa, thì càng khó khăn vất vả, càng vươn lên mạnh mẽ trong đức tin, luôn có được bình an nội tâm. Mọi gian nan thử thách đều trở nên tốt đẹp, hữu ích cho những ai yêu mến Chúa.
Lạy Chúa Giêsu,
Con chẳng dám xin đi trên mặt nước như Phêrô, nhưng nhiều khi con cảm thấy sống đức tin
giữa lòng cuộc đời chẳng khác nào đi trên mặt nước.
Có bao thứ sóng gió đẩy đưa và lôi cuốn.
Có bao cám dỗ muốn hút con vô vực sâu.
Cả sự nặng nề của thân xác con cũng kéo ghì con xuống.
Đi trên mặt nước cuộc đời chẳng mấy dễ dàng. Nhiều khi con thấy mình bàng hoàng sợ hãi.
Xin cứu con khi con hầu chìm.
Xin nắm lấy tay con khi con quỵ ngã.
Xin nâng đỡ niềm tin yếu ớt của con, để con trở nên nhẹ tênh mà bước những bước dài hướng
về Chúa. Amen (Mana).
Trong cuộc xuất hành của dân Do thái từ Ai cập về Đất Hứa, có một phép lạ lớn lao trên biển. Đó là phép lạ vượt qua Biển đỏ. Khi dân Do thái rời bỏ Ai cập đến Biển Đỏ thì quân Ai cập đuổi theo sát phía sau lưng. Được lệnh Thiên Chúa, ông Môsê giơ tay trên biển làm cuồng phong nổi lên, nước biển liền rẽ ra làm hai để lộ đất khô ráo, dân Do thái đi vào lòng biển khô cạn, quân Ai cập đuổi theo. Đến sáng, khi người Do thái cuối cùng đi sang bờ bên kia. Thiên Chúa ra lệnh cho Môsê giơ tay trên biển, nước trở lại như cũ. Quân Ai cập bị nhấn chìm trong biển, chết không còn một ai sống sót. Ngày đó, Thiên Chúa đã cứu dân Do thái thoát khỏi dân Ai cập. Đó là một phép lạ lớn lao Thiên Chúa đã làm trên biển. Phúc Âm hôm nay kể một phép lạ Chúa Giêsu làm trên biển. Đó là biển hồ Galilê.
Biển hồ Galilê có hình bầu dục dài 21km rộng 12km, còn được gọi là hồ “Giênêzarét” (Lc5,1). Thánh kinh cựu ước gọi là biển “Kinnerét” (Ds 34,11; Gs 12,13) hay còn gọi là “biển Tibêria” (Ga 6,1). Tibêria hiện nay là một thành phố sầm uất ở Galilê, nằm trên bờ tây nam biển hồ. Nằm về hướng bắc Giêrusalem 100Km, biển hồ Galilê là nơi mà dòng sông Jordan đổ vào trước khi chảy qua biển Chết. Thung lũng và sông Jordan mang một sắc thái địa lý rất đặc biệt, duy nhất trên thế giới vì thấp hơn mực nước biển:208 mét tại biển hồ Galilê và 300 mét tại biển Chết. Thực vật ở đây thuộc dạng nhiệt đới, chung quanh biển hồ núi non bao phủ, lẫn vào con sông Jordan, thời tiết bất thường ở miền đất từ miền nam đến biển Chết, đó là những yếu tố hình thành những vùng gió giật và giông bão xảy ra bất ngờ trên biển hồ (Mt 8,23-27; 14,22-23).
Đối với Tân ước, biển hồ Galilê được nói đến nhiều vì là một trong những trung tâm hoạt động của Chúa Giêsu. Rất nhiều biến cố đã xảy ra tại đây: Bão tố ngừng lại (Mt 8,24-26), Mẻ lưới kỳ diệu (Lc 5,4-14), Đức Giêsu rảo trên thuyền (Mc 4,1), đi trên biển (Ga 6,16-21). Những thành ven bờ hồ như Khôrazin, Bếtsaiba, Caphanaum, Magđala là những nơi Chúa Giêsu thường lui tới, qua nhiều thế kỷ, biển hồ Galilê được gọi dưới nhiều tên: Hồ Kinnêzét, hồ Giênêsarét, và biển hồ Tibêria.
Biển hồ và những vùng lân cận, có rất nhiều di tích liên hệ đến cuộc đời của Chúa và các môn đệ Ngài. Galilê là vùng có núi đồi khô cằn, nhưng các thung lũng phì nhiêu trải dài từ biển Địa trung Hải cho đến biển hồ Galilê. Chính trong các thung lũng này đã hình thành nhiều đồn điền trái cây nổi tiếng đem lại nguồn lợi xuất khẩu. Vào năm 1960, biển hồ là điểm xuất phát cho ngày quốc gia tưới tiêu, chính quyền Israel cho đào một con kênh lớn dẫn nước từ tận biển hồ đến sa mạc Negew. Công trình thuỷ lợi mang lại nguồn lợi kinh tế to lớn cho một nước mà địa dư, khí hậu đa phần được xem là không mấy thuận lợi. Nhiều nước trên thế giới đã gởi người tới học tập.
Trở lại bài Phúc âm, Thánh Matthêu kể chuyện: trên Biển hồ Galilê, khi có trận cuồng phong từ thung lũng Baka thổi vào thì tất cả các ngư phủ vốn quá quen đi thuyền ngang dọc trên biển hồ cũng phải sợ hãi. Các ngài là những ngư phủ trên biển hồ Galilêa này, và có thể nói là đã quen thuộc với những cơn sóng to gió lớn. Vậy mà đêm hôm đó họ đã trải qua một phen hải hùng, sóng to nổi lên, gió lớn thổi ngược, phải chống chèo rất vất vả các ông mới giữ vững được con thuyền. Và rồi đã xảy ra một sự kiện bất ngờ. Chúa Giêsu đi trên mặt nước đến với các môn đệ. Vốn đã khiếp đảm vì biển động sóng gió, các môn đệ nay hoảng sợ la lên vì họ tưởng là gặp ma. Thế nhưng khi nghe tiếng nói quen thuộc trấn an : “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”, các ông mới nhận ra Chúa, lập tức Phêrô xin phép đi trên mặt nước đến gặp Chúa. Chúa bằng lòng. Phêrô bước ra khỏi thuyền đến với Chúa, nhưng đức tin của ông còn yếu kém, ông hồ nghi và lo sợ nên bị chìm dần xuống nên kêu xin Chúa cứu giúp. Chúa đưa tay cầm lấy tay ông và trách nhẹ : “Người đâu mà kém tin vậy, sao lại hoài nghi ?”. Khi Chúa và Phêrô đã lên thuyền, sóng gió liền yên lặng và mọi người tuyên xưng : “Quả thật Thầy là Con Thiên Chúa”.
Tuần vừa rồi, tôi đi thăm các gia đình giáo dân trong giáo xứ. Tôi đi với hai ông trong hội đồng mục vụ. Đến cổng một gia đình, có con chó to sủa lớn xông ra như muốn vồ lấy. Chúng tôi hoảng sợ đứng im. Bé Hoa 6 tuổi từ trong nhà chạy ra, bé nạt con chó: lu lu, đi vô mau. Con chó to hung dữ bỗng ve vẫy đuôi, trở lại hiền lành chạy vào nhà. Con chó to vậy mà nghe lời cô gái nhỏ vì bé Hoa là chủ của nó. Còn tôi và mấy ông tuy to con nhưng không phải chủ nó nên nó chẳng sợ mà còn định nhảy vào cắn. Hôm đó tôi miên man nghĩ về câu chuyện Phúc âm Chúa Nhật này. Các môn đệ sợ hãi trước sóng to gió lớn bão tố sấm sét. Chúa Giêsu ra lệnh: hãy im đi, tức thì sóng yên biển lặng. Chúa Giêsu có quyền trên mọi sức mạnh thiên nhiên vì Người là Thiên Chúa sáng tạo, là chủ muôn loài.
Cả hai phép lạ: vượt qua Biển đỏ, Chúa Giêsu đi trên biển có một điểm giống nhau, đó là quyền năng Thiên Chúa trên mọi sức mạnh thiên nhiên.
Trên biển đời, có biết bao bão tố phong ba bủa vây, tin vào Thiên Chúa toàn năng, Đấng tạo dựng vũ trụ và muôn loài, chúng ta sẽ sống bình an trước mọi giông bão cuộc đời. Hãy vững tin và tín thác nơi Chúa Giêsu.
1. Sự hiện diện của Chúa Giêsu, nguồn bình an
Sau khi Chúa Giêsu lên thuyền, gió bỗng yên lặng. Sự hiện diện của Người đủ sức mang lại yên tĩnh và chế ngự phong ba bão táp. Biển theo nghĩa Kinh thánh tượng trưng cho quyền lực của sự ác. Đi trên biển chứng tỏ quyền năng và sự chiến thắng của Chúa Giêsu trên sự dữ, nguồn gốc của bất an, chia rẽ, đau khổ
.
Nhiều người Kitô hữu thờ phượng Thiên Chúa nhưng vẫn còn lo lắng, sợ hãi tà thần ma quỷ, nhiều khi còn mê tín dị đoan nữa. Hãy tin tưởng rằng: quyền lực của bóng tối không có gì đáng sợ khi Chúa đã hiện diện và hoạt động trong đời sống và công việc làm của chúng ta. Nếu biết lắng nghe, trong giông bão cuộc đời, chúng ta sẽ nhận ra tiếng Chúa “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ”. Nếu chúng ta tin tưởng vào lời Chúa hứa thì sự hiện diện của Chúa sẽ làm bão tố êm dịu và khủng hoảng được giải quyết (Pl 4,13).
Nơi đâu có Chúa Giêsu, ở đó có bình an. Cuộc đời người Kitô hữu không thể tránh khỏi những phong ba giông bão của cuộc sống. Cần phải đến với Chúa Giêsu. Nếu biết đặt Người ở trung tâm đời mình thì sẽ tìm kiếm được an bình nội tâm, cho dù có gặp biết bao gian truân thử thách. Chúa Giêsu hiện diện ngay trong cuộc sống của Kitô hữu nếu mọi người biết đến với Người qua việc nghe, thực thi lời Người, đón nhận Mình Máu Thánh Người và siêng năng cầu nguyện với Người.
2. Tín thác cuộc đời trong tay Chúa Giêsu
Các môn đệ vì sợ hãi sóng gió bủa vây nên không nhận ra Chúa Giêsu, ngộ nhận Người là ma. Chúa Giêsu trấn an họ: “Thầy đây, đừng sợ”. Hơn cả một lời trấn an, đây còn là một mạc khải : sự hiện diện của Chúa sẽ xua đi mọi nỗi sợ hãi; hãy tín thác cuộc đời trong tay Người. Khi Người xuất hiện thì gió yên biển lặng ; khi Người có mặt thì có sự bình an. Chính vì thế mà các môn đệ đã thờ lạy Người : Thầy quả thật là Con Thiên Chúa. Lời tuyên xưng này đồng thời cũng là lời biểu lộ một sự tín thác nơi Người. Tất cả mọi người trên thuyền cùng tuyên xưng một đức tin, cùng chung một lòng trông cậy. Một tỉ lệ thuận ngàn năm bất biến: tín thác vào Chúa, bình an tâm hồn.
Trong cuộc sống của mỗi người, niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô cần được thanh luyện và minh chứng qua thử thách gian nan. Nếu biết yêu mến và tín thác vào Chúa, thì càng khó khăn vất vả, càng vươn lên mạnh mẽ trong đức tin, luôn có được bình an nội tâm. Mọi gian nan thử thách đều trở nên tốt đẹp, hữu ích cho những ai yêu mến Chúa.
Lạy Chúa Giêsu,
Con chẳng dám xin đi trên mặt nước như Phêrô, nhưng nhiều khi con cảm thấy sống đức tin
giữa lòng cuộc đời chẳng khác nào đi trên mặt nước.
Có bao thứ sóng gió đẩy đưa và lôi cuốn.
Có bao cám dỗ muốn hút con vô vực sâu.
Cả sự nặng nề của thân xác con cũng kéo ghì con xuống.
Đi trên mặt nước cuộc đời chẳng mấy dễ dàng. Nhiều khi con thấy mình bàng hoàng sợ hãi.
Xin cứu con khi con hầu chìm.
Xin nắm lấy tay con khi con quỵ ngã.
Xin nâng đỡ niềm tin yếu ớt của con, để con trở nên nhẹ tênh mà bước những bước dài hướng
về Chúa. Amen (Mana).