1-Phi lộ:

“Sách Quốc Ngữ

Chữ nước ta

Con cái nhà

Đều phải học...”


Bộ Quốc gia Giáo dục, khi lần đầu cho ra mắt cuốn sách ‘Quốc văn giáo khoa thư’ vào năm 1924, đã long trọng hiểu thị quốc dân như thế.

Lâu nay thường nghe đây đó kháo láo rằng: nhiều bà con Việt tỵ nạn mình, mỗi lần gặp bạn bè gốc Nhật Bản hay Hàn Quốc, đua nhau mà khoe nhắng lên, rằng thì là nước Việt tụi tui cũng từng bị ảnh hưởng nặng nề của Trung Hoa về văn hóa như quý bạn, nhưng lâu nay chúng tôi thoát được cái vết-tích lệ-thuộc chữ viết của các chú Hán; nên chúng tôi ai nấy đã sớm hồ hởi phấn khởi đọc và viết một thứ chữ văn minh cao độ, ngang hàng với các dân tộc Âu Mỹ.

Chúng ta còn nhớ lũ trẻ đi học lớp vỡ lòng, được dạy đánh vần A,B,C...quá đơn giản dễ dàng. Chỉ 24 chữ ‘cái’ đó, cả nhà cùng đi vào thời gian khám phá chữ quốc ngữ một cách mau lẹ thoải mái.

Ấy thế là hầu hết các động đoàn Việt tại hải ngoại đã và đang khích lệ nhau ‘bảo tồn văn hóa’ bằng cách mở những lớp Việt ngữ cho lũ trẻ, mong sao chúng không rơi vào tình trạng ‘mất gốc’. Đánh vần tiếng Anh tiếng Pháp được, thì cũng chẳng khó gì khi ê a vần quốc ngữ. Đâu đến nỗi vất vả như xưa lũ nhóc phải khởi đầu bằng việc học thuộc lòng ‘Tam thiên tự’ lôi thôi thuở nào !

Học giả Nguyễn văn Vĩnh đã một lần tha thiết lên tiếng thế này:”Tiếng nước ta ( quốc ngữ) còn thì quê hương mình sẽ còn”.

Trước thời ‘vàng son quốc ngữ’, dân ta đã một dạo vất vả mò mẫm tìm ra chữ NÔM. Danh nhân Hàn Thuyên đấy, đã phát triển lối chữ viết mới (dựa theo cấu trúc, nhưng lại khác biệt với Hán tự), một thời làm cả nước vui lây. ‘Nôm’ là do đọc trại ra từ chữ Nam: ngôn ngữ dân Nam, khác dân Bắc là Tàu. Tuy dân ta vẫn đồn đại rằng chữ này manh nha từ thời Sỹ Nhiếp, Phùng Hưng..., nhưng thật ta tới thời nhà Trần, các bản văn chữ Nôm mới chính thức ra mắt bà con.

Vua chúa đặt tên cho chữ Nôm là ‘quốc âm’. Nhiều áng thi văn nổi tiếng còn lưu truyền tới ngày nay, như ‘Quốc âm thi tập’ của Nguyễn Trãi, ‘Hồng Đức quốc âm thi tập’ của vua Lê thánh Tôn, nhất là ‘Chinh phụ ngâm khúc’ của Đặng trần Côn...Ngay trong giới văn gia Công giáo, như thày giảng Lữ Y Đoan nổi tiếng với tập ‘Sấm truyền ca’ cắt nghĩa kinh thánh đạo Chúa, cũng dùng một cách rất điệu nghệ lối viết chữ này.Rồi chuyện phải đến đã đến.

2-Thời manh nha quốc ngữ:

Ai cũng biết khởi thủy loại chữ này được thành hình trong đầu của các vị thừa sai ngoại quốc, mà rõ ràng nhất là của các Linh mục Dòng Tên (Jesuit). Mà dụng ý tiên khởi là để dễ tiếp xúc với dân chúng Việt-Nam, qua đó, các ngài rao giảng về giáo lý cho được dễ dàng hiệu quả, cụ thể bằng cách tạo ra một chữ viết mới khác, dựa chính vào âm đọc tiếng Việt. Bên trời Âu lúc đó, hầu hết quốc gia nào cũng hết sức tôn trọng ngôn ngữ ‘mẹ’ là chữ La Tinh (dễ viết và đánh vần nhất). Cho nên, các giáo sĩ rao truyền đạo Công giáo bèn chớp cơ hội đem chữ này cho nhập cuộc vào nền văn học Việt Nam.

Đương nhiên ban đầu chữ viết mới này chỉ thịnh hành trong giới nhà đạo, qua các buổi giảng giải đạo mới cho dân chúng. Có thể nói rằng từ tiền bán thế kỷ 17 tới đầu thế kỷ 19, lối chữ viết này chưa phổ thông cho lắm. Không chỉ người Pháp thích thay văn học Hán Nôm bằng chữ quốc ngữ để tạo ảnh hưởng ‘Tây học’, nhưng chính các sĩ phu yêu nước Việt Nam cũng muốn chữ ngày được phổ thông hóa, giúp truyền bá tư tưởng ‘ái quốc’ mau lẹ và hiệu quả. Cụ thể nhất là 2 phong trào ‘Đông kinh nghĩa thục’ và ‘Duy Tân’.

cha Francisco de Pina
Nối tiếp các giáo sĩ dòng Phan-xi-cô và Âu-cu-ti-nô, các cha dòng Tên có mặt tại nước ta từ đầu thế kỷ 17. Chính xác là năm 1615, có mặt ở Đàng Trong, và tới năm 1627 thì ra Đàng Ngoài. Nhân vật xuất sắc về ngoại ngữ lúc đó là cha Francisco de Pina, gốc Bồ đào Nha, đã biết nói tiếng Việt và đọc cả chữ Nôm thông thạo. Sau một thời gian, ngài thấy chữ Nôm quá rắc rối, nên cứ lấy ‘kinh nghiệm dân Bồ của mình’ mượn chữ La Tinh (tiếng mẹ đẻ của người La Mã cổ) để tạo chữ viết. Có tài liệu nói rằng ngài đã nghe ngóng và tìm hiểu về sự kiện trước đó đã có mấy giáo sĩ mò mẫm tìm phương pháp tạo một lối viết chữ giản dị (khác hẳn chữ Nôm) cho dân Việt. Năm 1622, sau những ngày tháng tự học hỏi truy tầm, ngài đã cố soạn ra một cuốn văn phạm hướng dẫn cho việc học (đọc và viết) chữ mới. Thế là thiên hạ bắt đầu chú ý.

Năm 1624, cha Pina mở trường dạy chữ mới này. Trong số các học trò ngoại quốc xuất sắc có Linh mục Alexandre de Rhodes người Pháp (dân mình theo cách phiên âm người Tàu kêu là ĐẮC LỘ). Chẳng may ông thày yêu quý của ngài bị đắm thuyền chết năm 1625, tuổi mới được 40. Dù muốn dù không, sự nghiệp to lớn tương lai được phó cho cha Đắc Lộ.

Sau hơn 20 năm hăng say truyền giáo, cả ở đàng trong lẫn đàng ngoài, cha Đắc Lộ bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Việt Nam năm 1645, sau 6 lần bị trục xuất tạm. Dĩ nhiên vừa truyền giáo vừa hăng hái học nói tiếng Việt, để rồi có căn bản để phát triển lối chữ viết mới được học nơi thày de Pina. Năm 1651, ngài cho ra cuốn tự điển quý giá tiên khởi ‘Việt-Bồ-La’ (in chung với một tập văn phạm mới, rất rõ ràng chi tiết, vô cùng giá trị) từ Âu Châu, kèm theo cuốn sách giáo lý ‘Phép giảng 8 ngày’.

Ngài mất năm 1660 sau những ngày truyền giáo cuối đời tại nước Iran, thọ 69 tuổi.

Tuy cha Pina là kẻ có công đầu, nhưng những cố gắng to lớn nối tiếp của người học trò yêu quý đã khiến thiên hạ coi Đắc Lộ như người sáng lập ra chữ quốc ngữ nước ta, kể cả vào năm 1924, khi Việt Nam chính thức ra tuyên ngôn ‘dân ta phải học chữ nước ta này’, thì bá tánh tôn ngài như vị ân nhân số một. Cha Đắc Lộ đã miệt mài rút kinh nghiệm, tổng hợp và hoàn chỉnh các thành quả từ các vị đi trước, để rồi hệ thống hóa lối ký âm bằng tiếng Việt. Nhất là ấn định rõ về 5 dấu sắc, huyền, hỏi ngã và nặng, cũng như các nguyên âm cũng như phụ âm đơn và kép.

Cha Alexandre de Rhodes
Nói cho đúng, các giáo sĩ dòng Tên đã từng cố gắng công việc này tại 2 nước quan trọng là Trung Hoa và Nhật Bản, nhưng nó quá phức tạp khó khăn. Khi qua Việt Nam, các ngài thử một lần nữa, may mắn đã thành công mỹ mãn, và cảm thấy rất vui, vì chẳng những giúp cho việc truyền đạo, mà còn giúp cho con dân Việt Nam luôn hiếu học có cơ hội phát triển về văn hóa dài lâu. Tất cả là do tình thương mến chân thành, chứ tuyệt nhiên không phải vì lý do chính trị hay kinh tế, như một số người hồ đồ xuyên tạc này nọ. Thêm vào đó, các cha dòng Tên đã chính thức rời Việt Nam từ năm 1666, nào đã có ẩn ý dùng chữ này mong giúp đưa Pháp vào thực dân hóa nước ta ở mãi cuối thế kỷ 19 !

Khi Tòa thánh cử 2 giám mục tiên khởi cho Việt Nam (đàng ngoài là Francois Pallu và đàng trong là Lambert de la Motte) vào năm 1659, tuy 2 ngài và các giám mục kế tiếp đa số đều thuộc hội truyền giáo Ba lê, nhưng chữ quốc ngữ cũng được hết sức trọng dụng. Tới thời Giám mục Bá đa Lộc (Pigneau de Béhaine, có biệt hiệu là Giám mục Adran và ‘cha cả’) thì chữ này càng tiến mạnh, khá hơn cả thời cha Đắc Lộ: ngài soạn tự điển ‘Annam-Latinh’ rất giá trị vào năm 1773. Tới năm 1838, giám mục Tabert lại soạn bộ tự điển mới, có tới 4843 từ (mỗi từ đều có dịch ra chữ Nôm và La Tinh), cũng in chung với 36 trang văn phạm công phu, mô tả cấu trúc lời nói, và chỉ dẫn viết văn làm thơ tiếng Việt vô cùng rõ ràng. Công việc này được sự cộng tác rất nhiệt tình của một linh mục người Việt là cha Phi-líp Minh (sau này được phong thánh tử đạo). Người ta còn xác nhận vào cuối thề kỷ 18, có một linh mục người Việt khác là cha Phi-líp Bỉnh đã qua tu nghiệp ở Bồ đào Nha lâu năm, cũng tha thiết với loại chữ mới này, rồi viết ra 1 tập thơ vào năm 1794, trong có có đoạn rất ‘tân tiến’ như sau:

Tôi đang gửi gắm chốn Ma Cao

Hai chữ thanh nhàn xiết kể bao

Hôm sớm phần hồn lo mặc sức

Tháng ngày việc xác chẳng tơ hào

Xoay vần bát tiết hằng no ấm

Thay đổi bốn mùa chẳng khát khao
.

3-Chữ quốc ngữ đi vào văn học nước ta:

Với đà tiến hăng say, chữ mới này đã hiện diện trên hàng loạt báo chí sách vở, mở ra một phong trào văn chương mới đầy hào hứng.

Người Pháp đã nhìn ra cái thực dụng và hữu hiệu của lối chữ viết này trong công tác khai hóa và chỉ đạo dân Việt. Thống đốc Nam kỳ là Lafont đã ký sắc lệnh ngày 6 tháng 4 năm 1878, buộc dân chúng dùng chữ mới này để giao dịch thường ngày. Người Pháp nói rõ rằng khi theo lối học quốc ngữ, dân Việt Nam sẽ thoát khỏi cái lối học từ chương quan liêu theo Hán học cũ. Trước đó vào năm 1861, người Pháp đã cho mở trường dạy chữ quốc ngữ đầu tiên tại Saigon, lấy tên là trường Adran (tưởng nhớ giám mục de Béhaine), rồi được nâng cấp thành trường cao đẳng, và sau này là đất của trường nữ trung học Trưng vương. Tới năm 1906, trên toàn quốc đã có 120 trường như thế.

Rất tiếc vào thời vua quan nhà Nguyễn cấm đạo, nhiều người đã ác cảm với ‘bạch quỷ’ là người Pháp, ghét luôn đạo Thiên Chúa, không ưa luôn chữ viết mới ‘ngoại lai’, vẫn tiếp tục sùng bái văn minh cổ hủ Trung Hoa, khư khư bế quan tỏa cảng, dị ứng với văn minh trời Tây, thành ra việc phát triển chữ quốc ngữ đã bị trì trệ khá nhiều. Dĩ nhiên thái độ này cũng làm cho nhiều tầng lớp dân chúng chùn chân dè dặt đáng kể.

Rất may, thời đó có một số nhân sĩ mang đầu óc cởi mở thức thời, nhất là danh nhân Nguyễn trường Tộ từng dâng vua kế hoạch canh tân nước nhà, theo dấu chân Minh trị thiên hoàng bên Nhật. Và rồi nối gót ông, xuất hiện nhiều sĩ phu khác sớm giác ngộ về tình thế cần đổi mới của nước nhà. Họ kiên trì nhẫn nại qua thời gian, dần dà góp phần vào chuyện chuyển hóa dòng sinh mệnh quốc gia, đặc biệt qua lãnh vực chữ viết văn thơ.

Nói cho đúng, học giả người Việt Nguyễn văn Vĩnh phải được kể là người tiên phong, ghi công hàng đầu trong việc phổ biến chữ quốc ngữ trong dân gian, bằng cách xuất bản một tờ báo với chữ viết mới này, lấy tên là ‘Đăng cổ tùng báo’ ở Hà Nội năm 1907. Kế đến là tờ ‘Đông dương tạp chí’ vào mùa xuân năm 1913. Ông đã để công dịch toàn bộ truyện Kiều của Nguyễn Du ra quốc ngữ một cách tài tình vào năm sau đó.

Kế tiếp là các nhân vật Trương vĩnh Ký (nổi tiếng với 5 tập ‘Truyện đời xưa’ năm 1866) và Huỳnh tịnh Của (đặc biệt với tập ‘Đại nam quốc âm tự vị’, vào năm 1896), tiếp tay nhau chủ trương các báo như ‘Nam Phong tạp chí’ và ‘Gia Định báo’. Kế là vào mấy thập niên đầu thế kỷ 20, các hội ‘Khai trí tiến đức’ và nhóm ‘Tự lực văn đoàn’ (đặc biệt với 2 nhà văn gạo cội: Nhất Linh xuất sắc qua ‘Lạnh lùng’ và ‘Đoạn tuyệt’, rồi Khái Hưng tuyệt vời qua ‘Nửa chừng xuân’ và ‘Hồn bướm mơ tiên’), đã đem chữ quốc ngữ đến mọi hang cùng ngõ hẻm nước ta.

Ta cũng cần ghi nhớ là vào năm 1917, vua Khải Định đã yêu cầu sớm chấm dứt chương trình giáo dục chữ Hán, và tới năm 1932, vua Bảo Đại chính thức ra sắc lệnh phải dạy chữ quốc ngữ trong các học đường.

4-Tâm tình tri ân:

Một học giả đã tuyên bố một cách chính xác rằng cha de Pina và cha de Rhodes, cùng các đồng nghiệp dòng Tên, quả thật đã giúp nền văn học Việt Nam bước một bước xa cả ngàn dặm, tính ra giá trị bằng 3 thế kỷ tìm kiếm vất vả của các học giả nước Việt. Cho tới hôm nay, cả dân Tầu, Nhật, Hàn, Phi, Ấn khi ghe nói tới chữ quốc ngữ của người Việt Nam, đều tỏ dấu thòm thèm không ít.

Với sự kiện đa số dân Việt nghĩ cha Alexander de Rhodes đã chính thức khai sinh chữ quốc ngữ vào năm 1651, chính phủ miền Nam của tổng thống Ngô đình Diệm đã công khai nhắc đến công ơn ngài, long trọng mừng sinh nhật ngài vào ngày 15 tháng 3 hàng năm, cũng như nhắc tới niên hiệu 1651 lịch sử cần được ghi nhớ, đồng thời chính thức lấy tên ngài đặt cho một con đường cận kề dinh độc lập.

Trong nước hiện nay, tuy có một số người đầu óc quá thiển cận, nhưng đa số đều đồng thanh lên tiếng rằng xứ sở Việt Nam vẫn mãi mãi mắc nợ quý cha dòng tên, nhất là cha Đắc Lộ, một món nợ ân nghĩa, cần đáp đền bằng những lời tri ân xứng đáng và chân thành.

Chữ quốc ngữ đã và đang đi vào tâm tư, thấm nhuần đầu óc dân tộc Việt Nam, mang theo niềm tự hào hãnh diện cao độ, vượt lên trên nhiều dân tộc trên thế giới, nhất là những nước lân bang vùng đông nam Á Châu. Lý do đơn giản là vì nó đã giúp mọi người học đọc và viết dễ dàng thoải mái, lại rõ ràng kết hợp hòa hài ngôn ngữ và văn tự. Loại chữ này đã cho phép nền văn hóa giáo dục Việt Nam khai triển mạnh, để có đà tiếp tục tiến hóa, ngõ hầu mở cho dân ta một con đường tương lai đầy sáng lạn.

Nói cách khác, chữ quốc ngữ đã và đang trở thành tinh thần và linh hồn của toàn thể dân tộc Việt, một khi chữ này đã trở thành ngôn ngữ chính thức của tòan cõi nước Việt.

Địa vị ổn định và chỗ đứng độc tôn của chữ này đã tạo nên tính linh hoạt và tiềm năng bảo tồn văn hóa lâu dài cho chúng ta.

LM Giuse Nguyễn Văn Thư