Suy tư nhân Tháng Các Linh Hồn

Sách Sử Biên Niên quyển I ghi lại lời cầu nguyện cảm động của vua Đavid: “Ngày đời của chúng con trên mặt đất như bóng câu cửa sổ, không để lại dấu vết” (29, 15).

Cái chết là sự tàn nhẫn nhất mà con người phải đối diện. Nó quật đổ, nó cướp bóc đến không còn bất cứ cái gì, dẫu con người phải dùng cả một đời để xây đắp. Bởi thế, một đời để sống, cũng là một đời tiến dần về cái chết, dẫu có muốn cưỡng lại cũng không thể cưỡng…

Đời người là sự góp nhặt thời gian. Mỗi một tích tắc là bồi thêm một chút thời gian cho đời người. Càng nhiều những tích tắc trôi qua, đời người cứ thế mà dài thêm. Càng nhiều những tích tắc trôi qua, quỹ thời gian cho một người càng ngắn dần, càng tiến dần đến đích, một cái đích thật bẽ bàng: sự chết!

Dẫu phải góp nhặt thời gian, vậy mà thời gian đi qua đời người cứ vùn vụt trôi, cứ vội vả cuốn vào quá khứ. Thời gian thì phải cặm cụi góp nhặt, vậy mà đời người lại chỉ là “bóng câu” bay vèo qua “cửa sổ”. Một bóng câu chẳng mảy may “để lại dấu vết”.

Cứ mỗi ngày, sau khi mở mắt để thấy mình vừa vượt qua đêm dài, mỗi con người cũng tự hiểu rằng, mình vừa sống thêm một ngày. Điều đó cũng có nghĩa là cuộc đời của mình vừa vơi đi một ngày. Cứ như thế, thời gian cho một cuộc đời cạn dần, cạn dần. Đến lúc thời gian cạn kiệt, đồng nghĩa với việc cuộc đời ấy bị cái chết tấn công.

Điều bi thảm cho con người là chính họ không thể biết quỹ thời gian của mình dài hay ngắn. Con người không thể làm chủ thời gian, cũng không bao giờ được phép làm chủ cuộc đời và sự sống của họ, mặc dù đó là điều họ ao ước.

Thời gian có một chiều dài hay chỉ là khoảng ngắn, đủ để ta gọi đó là cuộc đời. Cuộc đời là một quá trình dài ngắn khác nhau. Thực tế cho thấy, thời gian là cánh cửa mở rộng với cuộc đời người này, nhưng cũng có thể khép chặt nơi cuộc đời người khác. Có những cuộc đời dài đến trăm năm, nhưng không ít mảnh đời chỉ mới thành thai trong lòng dạ một ai đó đã vội tắt.

Và như thế, cái chết vĩnh viễn khép lại tất cả mọi cuộc đời. Chết là kết thúc của một hành trình sống. Chết là không bao giờ hiện diện nữa, là mất hút, là thối rữa, hoặc chỉ còn một chút tro tàn. Nói cho cùng: Nếu chỉ nhìn trên bình diện thể xác và vật chất, con người chẳng khác một con vật: sống để rồi chết; chết để rồi tàn phai.

Nói như thế, có thể bị coi là bi quan. Thực ra, sống hay chết chẳng bi quan với hết mọi người. Chỉ những ai thiếu đức tin, không tin, nếu có lúc bất chợt suy tư, trước mặt họ đúng là đáng sợ, bi quan, là cả một bầu trời vô định và đen tối, một khoảng không vô tận không biết lấy gì lấp đầy.

Nhưng với người có đức tin, lẽ sống họ chọn sống là chính đức tin, sẽ cung cấp cho họ lối sống phù hợp với đức tin. Đức tin ấy nung đốt trong lòng họ niềm mến yêu con người, mến yêu cuộc đời.
Chính vì lẽ sống đức tin và niềm mến yêu ấy, họ sống vị tha, khoan dung, biết khước từ sự sang trọng giả tạo, khước từ đam mê sở hữu, đam mê vật chất một cách tha hóa, biến chất đến độ mất lương tri, chẳng còn nhân phẩm…

Nghĩ như thế, ta thấy thời gian tựa như cán cân đong đếm cuộc đời mỗi người. Chiếc cán cân ấy khắc ghi từng con số. Nếu bạn là người có đức tin, hãy sử dụng cuộc đời mình để khi thời gian càng dài, cán cân thời gian đo cuộc đời càng thêm những chỉ số của sự cộng tác với ơn Chúa, lòng đạo đức, sự thánh thiện, chứ không phải khắc thêm chỉ số của bần tiện, gian dối, giả trá, tội lỗi…

Hơn bất cứ thời điểm nào trong năm phụng vụ, tháng 11 nhắc ta cầu nguyện cho những người đã kết thúc thời gian, thì cũng là thời điểm dạy ta nhìn lại chính thân phận của mình.

Nghĩ về cái chết, nhất là nghĩ về cái chết của chính mình, không hề là điều bi quan, nhưng luôn là sự cần thiết. Chính Lời Chúa rất nhiều lần nhắc ta phải ý thức phận mình.

Xin trích dẫn một số lời mạc khải giúp mọi người suy tư nhằm gia tăng ý thức phận mình:

- Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa và chấm dứt, không một tia hy vọng” (G 7, 6).

- Vì tuổi con người đã được Ngài ấn-định, sống được bao năm tháng là tùy thuộc ở Ngài. Ngài định giới-hạn rồi, sao có thể vượt qua (G 14, 5).

- Lạy Chúa, xin dạy cho con biết đời sống con chung cuộc thế nào, ngày tháng con đếm được mấy mươi, đã hiểu rằng kiếp phù du là thế. Ấy tuổi đời con, Chúa đo cho từng gang tấc, kiếp sống này Chúa kể bằng không, đứng ở đời thật con người chỉ như hơi thở, thấp thoáng trên đường tựa bóng câu. Công vất vả ngược xuôi: làn gió thoảng, ky cóp mà chẳng hay ai sẽ hưởng dùng. Giờ đây con biết đợi trông gì, lạy Chúa, hy vọng của con đặt ở nơi Ngài (Tv 38, 5-8).

- Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua đã qua đi mất rồi, khác nào một trống canh thôi!... Đời chúng con tàn tạ, kiếp sống thoảng qua, một tiếng thở dài. Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khó, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi…Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan (Tv 90, 4.9-10.12).

- Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình (Tv 103, 15-16).

- Tôi có nói: nửa cuộc đời dang dở mà đã phải ra đi, bao tháng năm còn lại, giam tại cửa âm ty. Tôi có nói: chẳng còn được thấy ĐỨC CHÚA ở trên cõi dương gian, hết nhìn thấy con người đang sống nơi trần thế. Nhà tôi ở đã bị giật tung, và đem đi như lều mục tử. Lạy Chúa, con như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ (Is 38, 10-12).

- Người phàm nào cũng đều là cỏ, mọi vẻ đẹp của nó như hoa đồng nội. Cỏ héo, hoa tàn khi thần khí Ðức Chúa thổi qua (Is 40, 6-7).

- Thân phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét (Dt 9, 27).

- Anh em không biết cuộc đời mình ngày mai sẽ ra sao. Thật vậy, anh em chỉ là hơi nước xuất hiện trong giây lát , rồi lại tan biến đi (Gc 4, 14).