Chúa Nhật 3 Vọng B

Gioan Tẩy Giả, có lẽ, là vị Thánh Công Giáo đi vào hội họa nhiều nhất. Có vô số tranh vẽ về ông với đề tài khá đa dạng, hướng đến những giá trị tư tưởng khác nhau. Gần như hầu hết các họa sĩ nổi tiếng nhất trong lịch sử nghệ thuật Công Giáo, từ Leonardo da Vinci, Titian, Caravaggio đến Rubens...đều tìm thấy trong cuộc đời của ông một chi tiết nào đó làm nguồn cảm hứng sáng tác cho mình. Riêng Caravaggio, đã vẽ đến hàng chục tác phẩm về Gioan Tẩy Giả…

Không chỉ nhiều, Gioan Tẩy Giả có lẽ cũng là vị Thánh đi vào hội họa sớm nhất. Icon thể hiện hình ảnh Thánh lâu đời nhất được tìm thấy, là icon về Gioan Tẩy Giả, được vẽ vào khoảng cuối thế kỷ thứ V đầu thế kỷ thứ VI, có nguồn gốc Palestine.

Bức tranh đã bị hư hại nhiều, không thể nhận biết hai hàng chữ viết hai bên chuyển tải thông điệp gì. Ở trên cùng, dễ nhận biết, bên trái, là hình ảnh Chúa Giêsu, và bên phải, là hình ảnh Đức Mẹ Maria.

Giữa vô số tranh vẽ Thánh Gioan Tẩy Giả, chiếm số lượng nhiều nhất, và có nhiều tác phẩm xuất sắc nhất, là ở mảng chủ đề: "Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết".

Đây là icon thể hiện chủ đề "Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết" được cho là lâu đời nhất được vẽ vào khoảng đầu thế kỷ thứ VII, thuộc truyền thống Byzantium.

Đứng chính giữa, là Thánh Gioan Tẩy Giả. Ông đang nói: "Tôi không phải là ánh sáng, nhưng tôi đến để làm chứng cho ánh sáng".

Phía sau là dòng sông, nơi ông thực hiện phép Rửa cho Chúa Giêsu.

Bên trái, là đầu của ông, đã bị chặt lìa, nhưng vẫn như đang hướng nhìn về phía chúng ta.

Bên phải: ở dưới là con chiên tượng trưng cho dân Chúa như đang suy ngẫm về những gì Thánh Gioan Tẩy Giả nói trong sự tôn kính, và bên trên là cây tượng trưng cho sự sống.

Bức tranh như vậy, theo một số học giả, là sự khái quát trọn vẹn cuộc đời và sứ mệnh của Thánh Gioan Tẩy Giả: “là nhà tiên tri cuối cùng, là người dọn đường cho sự ra đời của Chúa”. (Nguyên Hưng).

1. Chứng nhân ánh sáng trung thực

Khởi đầu Phúc Âm, Thánh Gioan viết: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin.” (Ga 1,6-7).Thánh Gioan là chứng nhân của Đức Kitô ánh sáng. Ngài làm chứng cho Đức Kitô bằng chính cuộc đời trong sáng của mình. Ngài là chứng nhân ánh sáng của sự trung thực.

Chúa Giêsu nói về Gioan: “Ðây còn hơn cả ngôn sứ nữa” (Mt 11, 9). Và Chúa còn nói thêm : “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 11,11).

Nhưng so với Chúa Giêsu, Gioan nhận ra mình thật nhỏ bé. Thấp kém đến nỗi “không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người”. Gioan trung thực nói lên một sự thật. Đó là mình kém xa vì Gioan chỉ là một thụ tạo yếu đuối mỏng dòn.Trong khi đó, Đức Kitô là Thiên Chúa, là Chúa của Gioan và là chủ tể của mọi loài. So sánh với Chúa Giêsu, Gioan chỉ là một giọt nước giữa lòng biển cả mênh mông, chỉ là một cây nhỏ trong đại ngàn trùng điệp, chỉ là một hạt cát giữa sa mạc bao la.

Khi thấy Gioan xuất hiện, rao giảng phép rửa thống hối, dân chúng tự hỏi xem có phải ông là Ðấng Cứu Thế không? Gioan phủ nhận địa vị mà họ gán cho ông (Ga 1,20; Cv 13,25). Gioan tự xóa mình trước Đức Kitô. Ông chẳng sợ mất uy tín trước bao nhiêu người ngưỡng mộ. Ông nhìn nhận phép rửa của ông chỉ nhằm chuẩn bị cho một phép rửa lớn hơn trong Thánh Thần. Gioan trung thực trong những lời nói về chính mình. Ngài không dám nhận những vinh quang người đời tưởng lầm ngài có. Gioan chỉ nhận những sự thực rất khiêm nhường, rất bé nhỏ của mình mà thôi.

Trung thực với lòng mình, nên Gioan sống một cuộc sống khổ hạnh, không phô trương, không giả dối. Trung thực trong sứ vụ nên Gioan chẳng nể vì kiêng cữ ai. Những luật sĩ thông thái phái Pharisiêu, những bậc vị vọng có nhiều ảnh hưởng lớn trong xã hội thuộc phái Sađucêô, những thầy cả tư tế đạo cao chức trọng, tất cả đều bị Gioan cảnh cáo nặng lời. Gioan gọi họ là loài “rắn độc” (Mt 3,7). Ngay cả vua Hêrôđê, Gioan cũng thẳng thắn cảnh cáo vì vua muốn chiếm vợ của anh mình (Mt 14, 3-12). Vua Hêrôđê vẫn nể sợ Gioan vì biết ông là người công chính, thánh thiện (Mc 6,20). Chính vì trung thực trong sứ mạng ngôn sứ mà Gioan phải trả giá bằng ngục tù và bị chém đầu. Nhưng sự trung thực ấy đã làm sáng lên cuộc đời chứng nhân. Ánh sáng trung thực khiến cho lời chứng của Gioan càng có sức thuyết phục.

Thánh Gioan đã làm chứng nhân ánh sáng trung thực nên ngài đã sống một cuộc đời thật đẹp và đã chết hào hùng.

2. Thánh Gioan sống rất đẹp

Gioan sống đẹp vì dám từ bỏ đời sống dễ dãi tiện nghi của gia đình và xã hội, rút vào trong sa mạc hoang vắng để sống gắn bó với Thiên Chúa, lắng nghe và thực hiện ý Ngài.

Gioan sống đẹp khi có được một số môn đệ theo mình, nhưng ngài cũng không ngần ngại giới thiệu Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa cho họ (Ga 1,36) để họ trở thành môn đệ Chúa Giêsu, một bậc Thầy cao cả hơn.

Gioan sống đẹp khi ngài thu phục được đám đông, được dân chúng ngưỡng mộ, họ xem ngài như một tiên tri cao cả, nhưng Gioan lại chỉ cho họ biết có Đấng cao cả hơn đang đến, Đấng mà ngài không đáng cởi quai dép cho Người (Ga 1,27) để cho dân chúng thôi ngưỡng mộ mình mà quay sang ngưỡng mộ Chúa Giêsu.

Gioan sống đẹp khi chủ trương rằng: “Chúa Giêsu phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi”(Ga 3,30)

3. Thánh Gioan chết cũng rất đẹp, rất hào hùng.

Là một ngôn sứ trong một đất nước đang thời nhiễu nhương,bị đế quốc Roma cai trị hà khắc, nhiều phe nhóm trong dân nổi loạn, dân chúng lầm than. Gioan mang nặng những ưu tư, những trăn trở yêu nước thương dân.

Vua Hêrôđê, một hôn quân bạo chúa, sống loạn luân. Lương tâm ngôn sứ thúc đẩy, Gioan lên tiếng can ngăn và tố cáo những hành vi sai trái của nhà vua, kêu gọi vua trở về nẻo chính đường ngay.Vì thế, Gioan đã bị vua chém đầu. Cái đầu vị ngôn sứ đổi bằng bữa tiệc và điệu múa vũ nữ. Hêrôđê tàn bạo, Hêrôđiađê lăng loàn và thủ đoạn. Cái chết của Gioan cao đẹp và hào hùng vô cùng.

Trước mặt người đời, Gioan là kẻ thất bại. Sứ mạng của ngài không hoàn thành,bị những kẻ gian ác ghen ghét hãm hại, cuối cùng chịu chết chém trong tù. Ngôn sứ, chứng nhân của sự thật thời nào cũng phải trả giá. Điều quan trọng trước mặt Thiên Chúa chẳng phải là danh giá hay thành tích mà là thái độ sống.Thái độ sống của Gioan là bất khuất trước bạo lực, dám nói sự thật bảo vệ công lý, cho dù sự thật đó dẫn đến tù đày và cái chết.

Người theo Ðạo Hồi giáo Islam sùng kính Thánh Gioan Tiền Hô ở giáo đường bên Syria. Theo sự tin tưởng và tương truyền, trong ngôi đền thờ Hồi giáo Omajjden bên Syria có nấm mộ chôn đầu bị chém của Thánh Gioan Tiền Hô. Người Hồi giáo Syria gọi thánh nhân bằng tên Yaya Ben Zakariyah. Năm 2001, Thánh Gioan Phaolô II đã đến hành hương kính viếng cầu nguyện trước ngôi mộ Thánh nhân tại ngôi đền thờ này với mọi người Hồi giáo tại đó. Một vị Thánh sống tôn trọng và rao giảng sự trung thực, sự ăn năn sám hối. Từ đó cho tới nay, người Hồi giáo vẫn luôn luôn sùng kính mộ mến thủ cấp của vị ngôn sứ chứng nhân sự thật.

4. Theo gương Thánh Gioan, sống chứng nhân trung thực

Nói sự thật có thể bất lợi cho mình hoặc cho người khác. Gioan đã dám nói sự thật, dù phải chết. Gioan không sợ quyền lực, không hùa theo kẻ có quyền lực. Trước điều sai trái, ngài không im lặng để được an toàn bản thân, để được xã hội ưu đãi. Gioan lên tiếng làm chứng cho lẽ phải, ngài không thể nói ngược lại lương tâm mình. Không thể nói điều sai trái là đúng, hay nói điều đúng là sai trái.

Có lẽ chưa bao giờ người dân Việt Nam lại ngao ngán trước những tiêu cực, tệ nạn, bất công, gian dối đầy dẫy trong xã hội như ngày hôm nay. Người dân phải chấp nhận sống chung với gian dối, tiêu cực, tệ nạn như người miền Tây, miền Trung được khuyên tập sống chung với lũ vậy.Ông Trần Quốc Thuận, văn phòng Quốc Hội Việt Nam tuyên bố: “Chúng ta sống trong một xã hội mà chúng ta phải tự nói dối với nhau để sống. Nói dối hằng ngày nên thành thói quen. Thói quen đó lập lại nhiều lần thành ‘đạo đức’, mà cái ‘đạo đức’ đó là mất đạo đức.”. Gian dối trở thành tập quán xã hội, một bản tính thứ hai, một nền “đạo đức” của con người, như vậy thì tương lai của dân tộc Việt Nam sẽ đi về đâu?

Giáo sư Hoàng Tụy nhận định: Sự giả dối hiện nay đang có nguy cơ trở thành nỗi nhục trong khi truyền thống dân tộc Việt Nam không phải là dân tộc giả dối. Ngành giáo dục càng không thể là ngành giả dối. Thế nhưng, đã có hơn một nhà khoa học nước ngoài nói thẳng với tôi rằng, điều thất vọng lớn nhất mà ông ta cảm thấy là sự giả dối đang bao trùm lên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội ở các tầng nấc... Trung thực thế nào được khi mà người ta hàng ngày phải sống trong một môi trường giả dối mà minh chứng rõ nhất là tiền lương công chức. Chẳng ai sống nổi bằng lương nhưng rồi ai cũng sống đàng hoàng, dư giả. (x.Báo Khuyến học & Dân trí, Thứ sáu, 28/11/2008).

Tác giả Đỗ Duy Ngọc viết bài: “Chúng ta đang ở thời đại nói láo toàn tập !”. Ông than thở: Không biết lịch sử ghi lại các triều đại phong kiến đúng sai như thế nào, cũng chẳng có cách nào để kiểm chứng. Thế nhưng, thời đại ta đang sống hoá ra toàn láo cả. Rồi lịch sử thời hiện đại sẽ viết sao đây?

Cuối bài, ông viết nghe thật buồn: Láo từ trung ương đến địa phương, láo từ tập đoàn cho đến công ty, láo từ một tổ chức cho đến cá nhân. Láo mọi ngành nghề, láo toàn xã hội. Tất cả đều bị đồng tiền sai khiến, bị danh lợi bám quanh.Hơn nữa vì sự thật bi đát quá, đành láo để khoả lấp, hi vọng sẽ an dân. Nhưng thời đại bùng nổ thông tin, dân biết hết nên chuyện láo trở thành trơ trẽn.Nghe láo quen, chúng ta lại tự láo với nhau và chuyện láo trở thành bình thường, láo để tồn tại, để phấn đấu, để thêm lợi thêm danh, và rồi láo đã trở thành một nếp sống.Trẻ con học người lớn nói láo rồi tiếp tục những thế hệ nói láo: Ở nhà trường nghe cô thày nói láo, ra đời nghe thiên hạ nói láo, về nhà lại được nghe nói láo từ cha mẹ, mở máy nghe, nhìn cũng rặt điều láo. Một nền văn hoá láo đã nẩy sinh và phát triển. Hỏi sao trẻ con không láo và tương lai lại tiếp tục láo. Nghĩ cũng buồn! Những ngày cuối tháng 10/2017 (x.baotiengdan.com).

Lm Nguyễn Hồng Giáo nhận định: Xã hội ta thì xưa nay đã quá quen với việc làm dối, nói dối, báo cáo láo đến nỗi dường như không còn coi đó là một điều xấu nữa. Chúng ta còn nhớ một khẩu hiệu được tung ra thời đầu đổi mới là "Nói thẳng, nói thật". Có chủ trương như thế là vì có tình trạng quanh co, gian dối. Một bài thơ châm biếm đăng trên Sài Gòn Giải phóng ngày 18. 5. 1990 có nhan đề đáng để ý.

Thôi xài chữ giả
Chữ nghĩa du di chả mấy hồi
Đói không nói đói, "thiếu ăn" thôi!
Học hành "hạn chế": y chang dốt
Báo cáo "tuy nhiên": ắt hẳn... tồi.
"Vượt mức chỉ tiêu"? Nên bớt nửa,
"Có phần sơ sót"? Hãy nhân đôi...
Mực đen gấy trắng đòi trung thực
Chữ giả xài lâu hỏng lắm rồi.
(Long Vân)

Các nhà nghiên cứu đã phân tích và nêu lên nhiều nguyên nhân của tình trạng thiếu trung thực tràn lan. Nhưng tôi thiển nghĩ rằng, ta còn có thể nghĩ tới một nguyên nhân sâu xa mà hình như chưa ai đề cập tới cách thẳng thắn. Đó là liệu tình trạng này có liên quan cách nào đó chăng tới nhân sinh quan chính thức của xã hội ta hay ít nhất là tới một cách làm, cách nghĩ lâu đời đã ăn quá sâu vào trong tâm thức của giới cầm quyền và nhân dân? Tôi không dám khẳng định mà chỉ nêu câu hỏi như một "giả thuyết làm việc", như người ta quen nói trong phạm vi nghiên cứu khoa học (hypothèse de travail)… Tôi thiển nghĩ, muốn cải tổ giáo dục theo chiều hướng trung thực, cần phải có một sự cải tổ sâu hơn về não trạng và về quan niệm đạo đức, tựu trung là về nhân sinh quan. (x. Giả dối lan tràn, tại sao? Lm Nguyễn Hồng Giáo, OFM).

Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa Trung Tín (1 Tx 5,24). Ngài là “đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Ngài đã tin tưởng và gọi chúng ta là môn đệ của Ngài (Mt 25,22), và trao cho chúng ta những trách nhiệm lớn (Mt 25,21; Mt 28,19). Vì thế, chúng ta phải là chứng nhân trung thực của sự thật và trung tín giữa một xã hội mà sự gian dối đã trở thành “đạo đức”.

Thiết nghĩ, bài học về lòng trung thực phải là bài học đầu đời cho các bộ óc trẻ trung đang còn trong trắng tuổi học sinh.

Theo gương Thánh Gioan chứng nhân ánh sáng trung thực, với tư cách ngôn sứ, chúng ta cần sống chứng nhân cho chân lý và tình yêu. Sống chân chính ngay thẳng theo lương tâm Kitô giáo, chúng ta góp phần mở đường dọn lối cho Chúa đến.