Chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô tại Peru dường như mỗi ngày một ít được báo chí thế tục lưu ý. Bởi thế, ngày đầy đủ thứ hai của ngài tại Peru chỉ được tường thuật rất qua loa. A.P. chỉ đánh đi 5 mẩu tin của họ cho ngày 20 tháng 1, 2018, theo giờ địa phương như sau:

10:00 giờ sáng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đến miền bắc Peru để an ủi các cư dân vẫn đang quay cuồng vì các trận lũ lụt tàn phá cách đây gần một năm, làm sụp đổ hàng trăm ngàn ngôi nhà, để lại những con phố ngập đầy lớp bùn dày và thậm chí còn cuốn đi nhiều ngôi mộ ra khỏi nghĩa địa cao hơn mặt đất.

Đức Phanxicô đang cử hành Thánh Lễ bên bờ biển gần Trujillo, một thị trấn du lịch nổi tiếng. Sau đó, ngài đi qua một khu phố bị ảnh hưởng nặng nề mang tên Buenos Aires y hệt như thành phố quê hương của ngài, nơi hàng ngàn người vẫn đang sống trong các lều trại sau khi những cơn mưa của El Nino giết chết hơn 150 người và khiến hàng ngàn người lên mái nhà mong được cứu nạn.

Vào ngày gần cuối cùng của ngài ở Peru, Đức Phanxicô cũng đã gặp các linh mục địa phương và sau đó cử hành một buổi cầu nguyện Thánh Mẫu tại quảng trường trung tâm. Lòng sùng kính bình dân đối với Đức Mẹ rất quan trọng đối với người Công Giáo Peru và vị giáo hoàng đầu tiên của Châu Mỹ Latinh.



10:20 giờ sáng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang an ủi những người Peru bị mất nhà cửa và sinh kế trong những trận lụt tàn phá; ngài nói với họ rằng họ có thể vượt qua tất cả các "cơn bão" của đời sống bằng cách đến với nhau như một cộng đồng.

Hôm thứ Bẩy, Đức Phanxicô đã đến khu vực phía Bắc Peru, nơi thường bị ảnh hưởng bởi các trận bão El Nino, và, năm ngoái, bị một trận lụt gây tử vong cho hơn 150 người và phá hủy hàng trăm ngàn ngôi nhà. Một số cư dân vẫn còn sống trong lều.

Đức Phanxicô cho biết ngài muốn đến Trujillo để cầu nguyện với những người mất tất cả và phải tranh đấu với "những cơn bão khác có thể tràn vào bờ biển, với những hậu quả tàn phá đối với đời sống của con cái lãnh thổ này."

Ngài cũng đề cập đến bạo lực có tổ chức và những vụ giết người theo hợp đồng, một vấn đề đặc biệt nặng nề ở miền bắc Peru.

Ngài nói: người Peru từng cho thấy rằng những vấn đề lớn nhất của đời sống có thể được đương đầu khi cộng đồng đến với nhau để "giúp đỡ lẫn nhau như anh chị em thật sự".

12:10 giờ trưa

Cố vấn cao nhất về lạm dụng tình dục của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mặc nhiên phê phán ngài về các lời ngài cáo buộc các nạn nhân bị lạm dụng ở Chile là vu khống; vị này nói rằng lời nói của ngài là "một nguồn gây đau đớn lớn lo cho các người sống sót nạn lạm dụng tình dục."

Hôm thứ Bẩy, trong một bản tuyên bố, Đức Hồng Y Sean O'Malley nói rằng ngài không thể giải thích tại sao Đức Phanxicô "đã chọn những chữ đặc biệt như thế để sử dụng."

Vị Hồng Y trên nhấn mạnh rằng Đức Phanxicô "thừa nhận trọn vẹn các thất bại lớn lao của Giáo Hội và các giáo sĩ lạm dụng trẻ em và ảnh hưởng tác hại mà các tội ác này đã gây ra cho những người sống sót và người thân của họ".

Hôm thứ Sáu, Đức Phanxicô đã làm rộ lên cả một cơn thịnh nộ toàn quốc khi rời khỏi Chile hôm thứ Năm khi cáo buộc các nạn nhân của vị linh mục ấu dâm khét tiếng nhất nước này vì tội vu khống một giám mục nữa bằng cách nói vị này biết việc lạm dụng nhưng không làm gì cả.

12:20 giờ trưa

Đức Giáo Hoàng Phanxicô có lẽ không trở về quê hương Argentina từ khi trở thành giáo hoàng, nhưng ngài đang du hành qua một thị trấn Peru có tên y hệt nơi sinh của ngài.

Hôm thứ Bẩy, người ta đứng dọc các đường phố ở Buenos Aires, Peru để nghinh đón Đức Phanxicô khi ngài đi băng qua trên chiếc giáo hoàng xa của ngài. Một số người vẫy cờ Argentina.

Giống thủ đô của Argentina, Buenos Aires của Peru nằm trên mặt nước. Tuy nhiên, sự so sánh có thể chỉ ở điểm đó mà thôi.

Thị trấn có khoảng 20,000 người gồm phần lớn những ngôi nhà một tầng đơn giản, mà nhiều căn đã bị hư hỏng trong các trận bão El Nino năm ngoái khi mưa lớn do việc hâm nóng nước Thái Bình Dương đã làm hơn 150 người thiệt mạng trên toàn quốc.

Vị giáo hoàng đầu tiên từ Mỹ Latinh đã đi khắp vùng kể từ khi trở thành giáo hoàng năm năm trước đây nhưng không trở về Argentina.



1:55 giờ chiều

Các nhà chức trách ở Chile đang điều tra một vụ cháy nhà thờ mới xảy ra sau hàng loạt vụ hỏa hoạn tại các tòa nhà tôn giáo tiếp sau chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại nước này.

Nhà thờ Trinh Nữ Candelaria nằm khoảng 60 dặm (100 km) về phía nam của thủ đô Santiago. Các viên chức nói rằng nó bị thiêu rụi trong một vụ hỏa hoạn vào đêm qua.

Chỉ huy trưởng Rodolfo Zuniga của đội cứu hỏa khu vực nói với đài phát thanh Bio Bio hôm thứ Bảy rằng các nhà điều tra đang khảo sát khả thể một người nào đó gây ra trận cháy. Ông này không đưa ra chi tiết về những người có thể chịu trách nhiệm.

Một số nhà thờ đã bị phá hủy bởi các bom lửa trong chuyến thăm viếng của Đức Giáo Hoàng ở Chile vào đầu tuần này. Đức Phanxicô rời đất nước vào hôm thứ Năm và hiện đang ở Peru lân cận.

Tin thêm về nhận định của Đức Hồng Y O’Malley

Khi loan tin Đức Hồng Y O’Malley lên tiếng phê phán việc Đức Phanxicô gọi những người buộc tội Đức Cha Barros mà không nêu được bằng chứng nào là vu khống, hãng A.P. không nêu một sự kiện phụ nhưng có ý nghĩa là người buộc tội Đức Cha Barros “hăng say” hơn cả chính là Peter Saunders, cựu thành viên Ủy Ban Giáo Hoàng Bảo Vệ Vị Thành Niên mà Đức Hồng Y là chủ tịch.

Cựu thành viên trên đã bị Ủy Ban cho nghỉ phép “dài hạn”, sau đó đã từ chức trước khi mãn nhiệm kỳ, lý do đã chỉ quan tâm tới các trường hợp cụ thể “ăn khách” mà không lo giúp Đức Giáo Hoàng các đường hướng tổng quát để đưa ra chính sách giải quyết nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục vị thanh niên như nguyên tắc chỉ đạo của Ủy Ban. Một trong các trường hợp cụ thể này chính là vụ liên quan đến Đức Cha Barros của Chile, một vụ mà dù “nạn nhân” (đúng là nạn nhân) Barros xác nhận là không có và được thẩm quyền tối cao là Đức Phanxicô xác nhận, nhưng Saunders vẫn không tin và “thề” sẽ qua Chile trong dịp Đức Phanxicô ở đó để “quậy”.

Sở dĩ chúng tôi cho Đức Hồng Y O’Malley nghiêng về phía Saunders là vì theo anh ta, chính ngài “hứa hẹn” sẽ xem xét các đề nghị của một “panel” độc lập do Saunders thiết lập, làm việc song hành với Ủy Ban của Đức Hồng Y O’Malley.

Phải chăng, như lời cha Peter Kwak, vị quản nhiệm của giáo xứ Regina Coeli ở Sydney nói sáng nay: các nạn nhân lúc này đã trở thành những người nhất quyết bắt mọi người khác thành nạn nhân của họ hay sao, bất kể là hợp công lý hay không?