Hôm về Tòa giám mục Hưng Hóa chúc tết, Đức cha Gioan Vũ Tất bảo tôi: Nhà báo nên đi Sơn La một chuyến, có nhiều chuyện Công Giáo hay để viết đấy. Tôi nói: Năm 2003, Đức Giám Mục giáo phận Hưng Hóa lúc đó là Đức cha Antôn Vũ Huy Chương có làm đơn gửi ba tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên muốn đến thăm giáo dân ở đây để đáp ứng nhu cầu tôn giáo của họ. Cả ba tỉnh đều trả lời: Địa phương không có người Công Giáo và cũng không có nhu cầu tôn giáo. Vậy người Công Giáo ở đâu ra? Đức cha Gioan cười nói: Không những có giáo dân mà có nhiều là đằng khác. Thậm chí hơn cả số giáo dân ở giáo phận Lạng Sơn- Cao Bằng. Tôi đáp: giáo dân Lạng Sơn- Cao Bằng hơn 6.000 người? Vậy Sơn La có bao nhiêu người Công Giáo? Đức cha đáp: 7.000 người. Tôi tròn mắt ngạc nhiên và rất muốn có dịp đi Sơn La. May quá, có 2 nhóm từ thiện của giáo phận Hưng Hóa và Hà Nội đi Sơn La mời tôi đi cùng vào dịp giáp tết. Vậy là chúng tôi lên đường.

Đi qua Đền thánh Lòng Thương xót Hòa Bình, chúng tôi ghé thăm chúc Tết cha Giuse Nguyễn Trung Thoại- hạt trưởng hạt Hòa Bình- Sơn La. Dù đang có khách nhà quê lên chúc tết, cha Giuse vẫn đưa chúng tôi ra trước tượng đài Đức Mẹ Hòa bình mới khánh thành. Nhà thờ Hòa Bình xây theo kiến trúc nhà thờ Đức Bà Sài Gòn nhưng trước mặt tiền đã có tượng đài Chúa Thương xót khi nâng nhà thờ thành đền thánh Lòng Thương xót của giáo phận Hưng Hóa năm 2015 nên tượng Đức Mẹ Hòa bình được dựng ở bên trái quảng trường. Cha Giuse cùng chúng tôi cầu nguyện rồi cha ban phép lành cho đoàn đi đường bình an và giục chúng tôi khởi hành sớm vì quãng đường khá xa phải mất 6 giờ xe chạy sau khi đã chụp ảnh kỷ niệm với đoàn. Tôi biết các đoàn từ thiện lên đây cũng là theo lời mời gọi của cha Giuse. Sơn La cần lắm những tấm lòng từ thiện để làm ấm lòng những người nghèo nhất là đồng bào dân tộc. Cha Giuse còn dặn thêm : cố đến trại phong Sông Mã nhé.

Đường đi Sơn La bây giờ đã trải nhựa ngon lành nhưng qua mấy con dốc dựng đứng từ Mai Châu đi Sơn La hay từ thành phố Sơn La đi Sông Mã cũng thấy sợ vì dưới bánh xe là vực sâu thăm thẳm, nhiều người không dám nhìn xuống. Dù còn cả tuần lễ nữa mới đến tết Mậu Tuất nhưng hai bên đường đã đậm đặc sắc xuân. Đào rừng dựng hai bên đường đủ các cỡ to nhỏ, dài cả cây số rất đẹp. Tiết trời khá lạnh. Ven đường chỗ nào cũng thấy dân đốt củi để sưởi.

Ông Giuse Nguyễn Khắc Lộc là sĩ quan quân đội phục viên và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng giáo xứ Tình Lam (Hưng Hóa) cho tôi biết, cha Thoại đã đặt vấn đề giúp đỡ đồng bào Sơn La từ đầu năm nhưng mãi cuối năm mới thực hiện được vì ông cũng còn có các chương trình từ thiện ở phía Bắc. Đoàn của ông cũng vừa đưa một xe hàng từ thiện lên Yên Bái. Cùng đi có chị Maria Nguyễn Thị Minh Nguyệt ở xứ Cổ Nhuế (Hà Nội). Cả nhà chị cùng có mặt tromg đoàn hôm nay. Gia đình chị tham gia làm từ thiện từ 30 năm nay. Lúc đầu là đi xin các thai nhi ở các bệnh viện về chôn táng theo nghi thức Công Giáo rồi dần dần đi cứu trợ các hoàn cảnh khó khăn, các trại phong, các trung tâm chăm sóc trẻ em mồ côi, cụ già neo đơn. Chị lôi cuốn được nhiều chị em, bè bạn cùng tham gia nên nhóm của chị đã có những chuyến hàng từ thiện “ra tấm, ra miếng”. Năm 2017, tôi cũng được mời tham gia cùng chị đến trại phong Xuân Mai (Hà Tây) ủng hộ với số quà trị giá 50 triệu đồng. Bây giờ xứ Cổ Nhuế thành địa chỉ cung cấp bánh chưng từ thiện lớn, mỗi năm tới vài nghìn chiếc cho khắp miền Bắc và cả Huế nữa. Để quên đi những dốc cao, vực thẳm và thời gian, chúng tôi cùng lần hạt với nhau trên xe.

Đến xứ Mai Sơn, chúng tôi dừng xe, bốc những thùng quà xuống, chỉ để một số đủ cho trại phong Sông Mã. Đường đến trại phong chỉ hơn 130 km nhưng rất khó đi. Chúng tôi cố gắng đến nơi khi trời tối để còn quay về. Tới nơi, y sĩ Lò Văn Hoa- Trưởng khoa điều trị đã tập hợp bệnh nhân ở nhà văn hóa. Đây là một khoa của Bệnh viện da liễu Sơn La có hơn 40 bệnh nhân nhưng chỉ 30 người tới được vì có một số bệnh nhân nặng phải ở nhà. Chúng tôi nói vắn tắt mấy lời chúc các bệnh nhân cũng như các thày thuốc trong khoa một năm mới tốt lành rồi trao quà. Những bệnh nhân nặng không tới được, chúng tôi nhờ anh Hoa chuyển giúp. Các bệnh nhân là người dân tộc H’Mông nên ít nói được tiếng phổ thông. Họ chỉ lặp lại câu đơn giản: Cái Công Giáo tốt lắm à. Nó hay cho quà chúng tao lắm.

Lúc quay về, qua cửa khẩu Việt Lào thấy đèn điện sáng trưng nhưng chẳng ai còn tâm trí đâu mà dừng lại chụp ảnh nữa. Trên xe, ông Giuse Nguyễn Xuân Chính là trùm phó xứ Mai Sơn vốn gốc Hưng Yên lên đây khai hoang từ những năm 1970. Ông nói, lúc đó cũng có một số người Công Giáo nhưng vì mưu sinh, chẳng ai nghĩ đến nhu cầu có nhà nguyện chứ nếu đặt vấn đề chắc sẽ được đáp ứng chứ không phải khó như bây giờ. Ông cho biết, Sơn La vốn là vùng đất truyền giáo của dòng Chúa Cứu thế những năm 1980. Các cha Phêrô Nguyễn Văn Khải, Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong… thì không bản nào ở Sơn La không có dấu chân. Rất nhiều người đã được gia nhập đạo giai đoạn này. Nhưng về sau, chính quyền cấm không cho các linh mục dòng hiện diện ở đây nên đời sống đạo cũng bị gián đoạn. Một số người Công Giáo lâu ngày không sinh hoạt đạo, lại dễ bị anh em Tin Lành cuốn hút nên gia nhập Tin Lành vì Tin Lành là người dân sở tại, xã hội cũng khó cấm đoán họ. Trong khi Công Giáo không có nhân sự và dù có cũng khó vào các bản người dân tộc. Nhưng dấu ấn của dòng Chúa Cứu thế còn rất đậm không chỉ số lượng tín đồ mà trên bàn thờ hầu như nhà nào cũng có ảnh Đức Mẹ hằng cứu giúp và khi đọc kinh hiệp lễ người ta vẫn đọc: “Giêsu lạy Chúa uy linh/ Chúa thương nhân loại giáng sinh làm Người. Trước ngày chịu chết cứu đời/ Chúa ban Mình Thánh dưỡng nuôi linh hồn…”. Đây là bài kinh vần do cha Giuse Vũ Ngọc Bích- người giữ đền Đức Mẹ hằng cứu giúp Hà Nội soạn, bây giờ vẫn đọc hàng ngày ở Thái Hà.

Ông Chính cho biết, năm 2006, khi Đức cha Antôn Vũ Huy Chương thông báo là sẽ đi làm mục vụ cho giáo dân ở Sơn La, chính quyền yêu cầu phải có danh sách từng giáo dân. Các ông phải bí mật đến từng bản ghi chép. Lúc đầu chỉ ghi được chừng 400 người Kinh có đạo, rồi dần dần phát hiện ra có tới 5.000 người dân tộc H’ Mông có đạo nữa. Nhưng tìm địa điểm để làm lễ rất khó. Có một vài giáo dân cho mượn nhà nhưng sử dụng không dễ dàng gì vì chính quyền không cho. Ông Phanxicô Phan Tiến Quy ở Mai Sơn đã dùng chiếc nhà kho chứa ngô của gia đình để làm nơi dâng lễ tới 7 năm trời. Có nơi địa điểm làm lễ là nhà làm nấm của người dân. Khổ nỗi, người Công Giáo ở các bản xa Mai Sơn 70-80 km. Họ đi xe máy nhưng không có bằng lái. Vậy là bị cảnh sát phạt nặng 1-2 triệu đồng. Để dân khỏi bị phạt, linh mục phải đi xa làm lễ ở các bản và cũng gặp nhiều khó khăn, không chỉ đường xá xa xôi mà vì các địa điểm dâng lễ đều chưa hợp pháp vì không được chính quyền thừa nhận. Tôi ngạc nhiên, không hiểu vì sao chính quyền Sơn La không thừa nhận thực tế đó. Vì theo Luật tín ngưỡng, tôn giáo, nhà dân cũng là cơ sở hợp pháp để tổ chức sinh hoạt tôn giáo tập trung. Theo ông Chính, nhu cầu về tôn giáo ở đây rất lớn. Chỉ nói việc các gia đình xin bỏ “bàn thờ ma”, lập bàn thờ Chúa trên địa bàn cũng không sao đáp ứng được vì không có kinh phí cũng như nhân sự. Lập một bàn thờ Chúa phải có tượng, ảnh thánh. Rồi tiền xăng xe, công xá cho các tình nguyện viên. Mỗi gia đình cũng tốn vài ba triệu. Tòa giám mục Hưng Hóa cũng hỗ trợ nhưng chỉ như muối bỏ biển thôi.

Về đến xứ Mai Sơn đã 22 giờ đêm. Cha xứ Giuse Nguyễn Tiến Liên (ảnh giữa) cùng với mấy sơ dòng Mến Thánh giá Hưng Hóa đã dọn sẵn những nồi lẩu gà thơm phức để đón chúng tôi. Cha Liên nói, chiều thứ bảy cha dâng 3 lễ và Chúa Nhật 4 lễ. Như vậy, mỗi Chúa Nhật cha phải đi chừng 2-300 km. Nhà thờ Mai Sơn- gọi cho sang trọng thế nhưng cũng chỉ là kho chứa ngô của ông Quy mở rộng ra nhưng cũng có thể chứa 5-600 người dự lễ. Nhưng sáng sớm, cha còn phải đi dâng một lễ nữa rồi mới về dâng lễ ở Mai Sơn lúc 9 giờ cho người ở xa kịp đến. Cha nói với chúng tôi chuẩn bị khoảng 200 xuất quà. Mỗi túi quà gồm bánh chưng, đường, muối, mì chính, dầu ăn, kẹo bánh, thuốc đánh răng, ủng, dép và cả quần áo ấm nữa trị giá khoảng 400 ngàn/túi. Danh sách các hộ nghèo đã được các bản thống kê và Ban hành giáo báo cho các bản lên nhận. Quần áo đã qua sử dụng thì đổ cả đống, ai lựa cái gì dùng được thì lấy, không hạn chế. Lúc lễ, người ngồi chật nhà thờ và còn ngồi cả ngoài sân và tôi rất ngạc nhiên, người lên chịu lễ khá đông nhất là số lên nhận chúc lành tới mấy trăm người. Cha Liên bảo tôi, cha mới về 3 tháng cũng rửa tội cho được 150 người và hiện còn khoảng 350 người nữa vừa lên nhận chúc lành sẽ tiếp tục được học giáo lý để nhập đạo vào lễ Phục sinh năm nay. Còn ông Chính nói: nhu cầu về tượng ảnh, tràng hạt cũng nhiều. Mỗi lễ Chúa Nhật cũng phải cấp hàng trăm cỗ tràng hạt cho người xin. Rồi cứ sáng Chúa Nhật lại lo cho người đến lễ ăn sáng, ăn trưa và quà cho họ mang về nhà nữa. Nhà xứ hiện cũng đang nuôi 10 em ăn học văn hóa cũng như đức tin Công Giáo để các em sau này có thể truyền giáo cho chính đồng bào mình. Song nhà xứ thì quá chật chội. Cha xứ vẫn phải nghỉ trong “buồng áo” cùng với một chủng sinh về giúp xứ.

Lễ xong, sau khi cảm ơn đoàn từ thiện, cha Liên yêu cầu mỗi gia đình khó khăn cử một người ra sắp hàng ở cuối nhà thờ để nhận quà tết. Nhưng số người xếp hàng đông quá (ảnh dưới). Chúng tôi sợ không đủ, muốn chia bớt ra nhưng cha nói tạm vay của các bản rồi Chúa lo liệu. Rất may, vừa lúc đó, nhóm từ thiện Têrêsa Cancutta của Hà Nội vừa đưa một xe tải đến với hàng trăm chiếc chăn, màn, áo ấm, ủng lao động và quà bánh tới. Vậy là vẫn đủ chia mà còn dư dật nữa.

Bữa cơm tất niên được dọn ra. Cha Liên thay mặt giáo xứ cảm ơn các đoàn từ thiện. Còn tôi thay mặt anh chị em trong đoàn chúc Tết cha xứ, Ban hành giáo và bà con giáo dân luôn được Chúa ban cho nhiều hồng ân trong việc loan báo Tin mừng cho bà con các dân tộc thiểu số ở tỉnh Sơn La.

Cha xứ mời chúng tôi đi thăm một bản nơi cha dâng lễ lúc 12 giờ trưa, nơi như cha nói có rất nhiều đào đẹp và ông trưởng bản cũng hứa chặt tặng chúng tôi mỗi người một cành đào tết nhưng vì đường xa, chúng tôi xin tạm biệt .

Trên đường về Hà Nội, không thấy mấy xe không chở đào tết. Những nụ đào chúm chím sẽ nở xòe đúng dịp tết để đón xuân sang. Dù vất vả trải qua cả ngàn cây số nhưng chúng tôi thấy rất vui vì thấy cả một tương lai rộng mở cho cánh đồng truyền giáo ở Sơn La.