Kính thưa cộng đoàn Phụng Vụ ….

Trước hết, trong buổi sáng tinh mơ của ngày Đầu Năm Mới, năm (Mậu Tuất, 2018), tôi xin được kính chúc (Cha sở, cha phó, quý cha, quý thầy, quý tu sĩ nam nữ, quý chức trong HĐMV, quý hội đoàn…), cùng toàn thể ÔBACE, đặc biệt các vị cao niên, các bạn trẻ, các em thiếu nhi và những người ngheo đơn bệnh tật, một Năm Mới đầy tràn bình an và hạnh phúc, một Xuân Mới chan hòa niềm vui và ân lộc của Thiên Chúa. (Cho một tràng pháo tay).

Không biết cái truyền thống mừng Tết Nguyên Đán có tự bao giờ, chắc là xưa lắm. Tuy nhiên, đối với người Á Đông, và đặc biệt với người VN chúng ta, xem ra truyền thống tốt đẹp nầy chưa bao giờ cũ, và chắc sẽ mới mãi không ngừng. Bởi vì, khi nào quả đất còn quay, mùa Xuân còn trở lại thì chúng ta luôn có một Năm Mới để mừng. Hay nói theo ngôn ngữ âm nhạc của cố nhạc sĩ Văn Cao, thì mùa xuân nào cũng là một “Mùa Xuân Đầu Tiên” :

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về

Người mẹ nhìn đàn con nay đã về

Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên

Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh

Niềm vui phút giây như đang long lanh.

Chúng ta tìm thấy ý nghĩa nầy qua trích đoạn Lời Chúa trong sách Sáng Thế mà chúng ta vừa nghe công bố trong Bài đọc 1 : Thời gian, vũ trụ, hay cuộc hành trình miên viễn của cuộc sống chính là công trình sáng tạo tuyệt vời của Thiên Chúa : “Thiên Chúa còn phán: "Hãy có những vật sáng trên vòm trời và hãy phân chia ngày và đêm, và trở thành dấu chỉ thời gian, ngày và năm tháng, để soi sáng trên vòm trời và giãi sáng mặt đất….Thiên Chúa thấy tốt đẹp".

Nếu tất cả mọi người cùng đặt cái nhìn và niềm tin của mình trong viễn tượng sáng tạo và sự quan phòng của Thiên Chúa, thì mùa xuân của đất trời hay cái Tết của ngày “Minh Niên” luôn mang một chiều kích tích cực và đầy hy vọng.

Vì thật ra, có không ít người hình như cuộc đời không gặp được may mắn và gần như không tìm thấy mùa Xuân, không có được một cái Tết :

- Như người nông dân chân lấm tay bùn quanh năm cày sâu cuốc bẳm làm mướn kiếm ăn chẳng thấy chút niềm vui và hạnh phúc nào khi xuân về, tết đến được diễn tả trong câu đối tết sau đây :

Tết với chả xuân, sáng mì gói tối mì gói, sợ vợ buồn ngán mà không bỏ nuốt vội để mà no.

Dậu rồi thì Tuất, xưa kéo cày nay kéo cày, lo chủ đuổi mệt chẳng dám ngưng làm nhanh không mất việc.

- Hoặc như những người buôn gánh bán bưng ve chai, vé số, nhỗ lông gà lông vịt cho các quán ăn…chẳng còn mong tết đến làm gì :

Số lông vịt xác xơ, tiền chỉ mấy xu, sắm nào được gì, nên không mong tết.

Đời ve chai tan nát, tuổi đà dăm bó, cho có ai thèm, mới chẳng tiếc xuân.

Chúng ta không quên, ngày xưa, nhà thi sĩ lừng danh – Chế Lan Viên- trong làng thơ mới đã từng có những câu thơ chán đời, chán Tết, chán xuân :

Tôi có chờ đâu có đợi đâu

Đem chi Xuân đến gợi thêm sầu

Với tôi Xuân đến như vô nghĩa

Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau

Thế nhưng, nơi bàn Tiệc Lời Chúa hôm nay, chúng ta lại được gọi mời đón Xuân mừng Tết trong một ý nghĩa thật tích cực, thật sâu xa, của những người có đức tin, những người con của Chúa và xác tín rằng : Chúa chính là hoan lạc tuổi xuân tôi, Chúa chính là Mùa Xuân vĩnh cửu. Bởi vì : “Ngài cũng làm nên các tinh tú. Thiên Chúa đặt chúng trên vòm trời để soi sáng trên mặt đất và làm chủ ngày đêm, và phân chia ánh sáng với tối tăm. Thiên Chúa thấy tốt đẹp.”

Và khi đã trang bị cho mình một cái nhìn đầy niềm tin và hy vọng đó, thì thái độ sống của con người sẽ diễn ra như thái độ mà tác giả Thánh Vinh 89 đã thuyết minh như chúng ta vừa hát với nhau qua đáp vịnh ca : “Xin dạy chúng tôi biết đếm ngày giờ, để chúng tôi luyện được lòng trí khôn ngoan. ..Xin cho chúng tôi sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng tôi mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng tôi”.

Đây cũng chính là trọng tâm của sứ điệp ngày Tân Niên được chính Chúa Giêsu dạy bảo, là kim chỉ nam cho ngày Đầu Năm để chúng ta biết đặt toàn bộ cuộc sống trong bàn tay và kế hoạch yêu thương của Cha chúng ta, Đấng không ngừng chăm sóc từng con chim sẻ nhỏ bé trên cây, từng bông hoa huệ vô danh tầm thường ngoài đồng nội : “Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư? Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đóa hoa đó. Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin?”

Như vậy, trong cái nhìn và niềm tin cơ bản đó, Năm Mới hay Mùa Xuân đối với mỗi Người Kitô hữu chúng ta đó chính là lên đường hành động, đó chính là cọng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo (Bđ 1), là bước đi trong cuộc đời với niềm phó thác tin yêu và trông cậy vững vàng; từ xuất phát điểm nầy, chúng ta vui tươi dấn thân thực thi những giá trị Tin Mừng như lời của Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Philipphê nhắn gởi : “những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng t ốt, những gì là đức hạnh đáng khen, thì xin anh em hãy để ý” (Bđ 2).

Trong ý nghĩa nầy, chúng ta thầm cảm đội ơn Chúa.

Những người ngoại không biết và không có được niềm tin vào Thiên Chúa nên thường ngày đầu năm họ thực hành đủ thứ mê tín dị đoan : coi bói, xin xăm, chọn hướng xuất hành, chọn người đạp đất…Chúng ta, những người con cái của sự sáng, chúng ta thanh thản bước đi trong cuộc đời với con tim đầy tràn niềm vui và hy vọng, như lời thúc nhắc hôm nay của Thánh Phaolô : “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại : vui lên anh em ! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi…”

Cách riêng, trong định hướng mục vụ của giáo phận Xuân Lộc trong năm 2017-2018 nầy đó là: “Canh tân đời sống Đức Tin và Hiệp Nhất, theo định hướng Lòng Thương Xót để đi ra vùng ngoại biên, tìm kiếm và gặp gỡ Anh Chị Em Đau Khổ, Lương Dân và Di Dân nhằm thông truyền cho họ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.”.

Để tất cả chúng ta cùng nỗ lực thực hiện định hướng mục vụ mang tính truyền giáo nầy, tất cả chúng ta, nhân dịp đầu năm, cùng đặt toàn bộ cuộc sống dưới sự tác động và hướng dẫn của Lời Chúa. Trung thành thực thi Lời Chúa chính là điều kiện cốt yếu làm nên giá trị đích thực của người Kitô hữu, thuộc về Chúa Kitô : “Ai là Mẹ Ta và anh chị em Ta ? Đó là những kẻ nghe và thực thi Lời Chúa”.

Nói tới sự trung thành tôi chợt nhớ tới một huyền thoại liên quan đến Năm Mậu Tuất, năm cầm tinh con chó nầy. Đó là câu chuyện về bức tượng chú chó Hachiko tại nhà ga Shibuya tại thành phố Tokyo Nhật Bản :

Bức tượng chú cho nầy được nhân dân vùng nhà ga Shibuya thiết dựng để ghi nhớ và trân trọng như một biểu tượng của sự trung thành. Đây là chú chó sinh năm 1923 và được vị giáo sư tên là Ueno nuôi và chăm sóc như một người bạn. Mỗi ngày giáo sư và chú chó Hachiko dắt nhau đi tới nhà ga Shibuya và chú chó chờ đợi tại đó cho đến chiều tối cùng với giáo sư trở về nhà. 2 năm sau giáo sư qua đời. Nhưng chú cho Hachiko vẫn ngày nào cũng đến nhà ga đợi chủ và chuyện trung thành đợi chủ của Hachiko đã liên tục diễn ra sau ngày mất của giáo sư Ueno là 9 năm, 9 tháng 15 ngày…Hachiko chết vào ngày 8.3.1935. Một năm trước ngày chết, người ta đã tạc một bức tượng hình chú chó và đặt nhà ga Shibuya…Ngày nay cứ vào ngày 8.4, ngư dân nơi đây tổ chức một buổi lễ long trọng tại nhà ga Shibuya để vinh danh sự tận tâm và trung thành của Hachiko; chuyện của chú cho Hachiko đã trở thành một biểu tượng quốc gia về lòng trung thành của đất nước Nhật Bản…

Chúng ta cũng đừng quên trong chuyện hạnh các Thánh của Giáo Hội Công Giáo, có một giai thoại về Thánh Đa-minh cũng liên quan đến con chó : Mẹ ngài, Bà Aza, khi còn mang thai ngài trong bụng, có lần mơ thấy con mình như một con chó ngậm đuốc chạy khắp cả thế gian…Sau nầy, quả thật, Thánh Đa Minh đã mang đuốc sáng Tin Mừng đốt sáng lên cho cả thế giới.

Hy vọng với năm con chó 4 chân nầy, toàn thể cộng đoàn chúng ta sẽ chạy thật nhanh đến những vùng ngoại vi, đến với anh chị em lương dân, để loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu. Và như thế, năm mới Mậu Tuất nầy, sẽ thực sự là một năm mới hạnh phúc, như lời chúc truyền thống của cả nhân loại, được ban nhạc ABBA Thuỵ Điển dệt thành một ca khúc bất hủ vang lên mỗi dịp xuân về, tết đến : Happy New year.

LM. Giuse Trương Đình Hiền