Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ La Nuova Bussola Quotidiana, Đức Hồng Y Raymond Burke lên tiếng phê bình Tòa Thánh phản ứng quá yếu ớt trước tin giả rất nghiêm trọng do Eugenio Scalfari tung ra hôm thứ Năm Tuần Thánh theo đó Đức Giáo Hoàng Phanxicô không tin có hoả ngục.
Đây là một chuyện bịa đặt hoàn toàn của Eugenio Scalfari. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về hoả ngục rất thường xuyên. Tiêu biểu là ngài đã cảnh cáo những người theo Mafia tại Ý rằng nếu họ không ăn năn họ sẽ sa hoả ngục. Ngài cũng đã giải thích cho một nữ hướng đạo sinh tại giáo xứ Tor Bella Monaca, nơi Đức Thánh Cha thăm viếng vào năm 2015, rằng bất cứ ai cũng có thể sa hỏa ngục nếu họ bám lấy ảo tưởng cho rằng mình không cần đến ân sủng và Lòng Thương Xót Chúa là những điều Chúa không bao giờ từ chối bất cứ ai kêu cầu Ngài. Đức Thánh Cha cũng mô tả về hoả ngục trong một thánh lễ vào tháng 11 năm 2016 tại nhà nguyện Sanctae Marthae như một nơi trong đó con người thiếu vắng tình yêu của Thiên Chúa.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Scalfari, 93 tuổi, một người vô thần, đồng sáng lập nhật báo La Repubblica, tuyên bố hôm thứ Năm Tuần Thánh rằng hai ngày trước đó Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong một cuộc phỏng vấn dành cho ông ta rằng linh hồn của những kẻ tội lỗi đơn giản là “biến mất” khi chết, và “Không có địa ngục, chỉ có sự biến mất của linh hồn.”
Tin giả này là đầu đề của báo chí trên khắp thế giới và được truyền đi hầu như trên tất cả các phương tiện truyền thông thế giới.
Đức Hồng Y Burke nói với tờ La Nuova Bussola Quotidiana “Điều đã xảy ra trong cuộc đàm thoại mới nhất dành cho Eugenio Scalfari trong Tuần Thánh và được công bố vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh là vượt quá khả năng có thể châm chước được”.
Ngài nhận xét thêm rằng:
“Một kẻ vô thần khét tiếng cho rằng mình đang tuyên bố một cuộc cách mạng trong giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo, nhân danh Đức Giáo Hoàng, phủ nhận sự bất tử của linh hồn con người và sự tồn tại của địa ngục, là một tai hoạ sâu sắc không chỉ cho nhiều người Công Giáo mà còn cho nhiều người lương dân tôn trọng Giáo Hội Công Giáo và các giáo lý của Giáo Hội, ngay cả khi họ không cùng quan điểm như thế.”
Theo Đức Hồng Y ngày mà Scalfari chọn để công bố bài báo - Thứ Năm Tuần Thánh – là đặc biệt xúc phạm vì nó là “một trong những ngày thánh thiêng nhất trong năm”.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Toà Thánh đã đáp lại bài viết của Scalfari bằng cách ra một tuyên bố nói rằng những ý kiến của Scalfari không thể được coi là một phiên bản trung thành các lời của Đức Thánh Cha trao đổi với ông ta. Nguyên văn tuyên bố của Tòa Thánh như sau:
“Đức Thánh Cha gần đây đã tiếp kiến người sáng lập ra nhật báo La Repubblica trong một cuộc tiếp kiến riêng vào dịp lễ Phục sinh, nhưng không có bất kỳ cuộc phỏng vấn nào. Tất cả mọi thứ được báo cáo bởi tác giả trong bài báo hôm Thứ Năm là kết quả của việc tái dựng lại của chính ông ta, trong đó, những lời lẽ nguyên văn do Đức Giáo Hoàng nói ra đã không được trích dẫn. Do đó, không có tường trình trực tiếp về phát biểu nào có thể được coi là bản văn trung thành các lời của Đức Thánh Cha.”
Đức Hồng Y chỉ trích tuyên bố này là “không thích đáng” với tầm mức quá nghiêm trọng của vấn đề .
Đức Hồng Y nói ngài cảm thấy bất bình vì “thay vì nói rõ lại sự thật về sự bất diệt của linh hồn con người và địa ngục, bản tuyên bố chỉ nói rằng một số từ được trích dẫn không phải là của Đức Giáo Hoàng”.
“Bản tuyên bố này không nói rằng các ý tưởng được trình bày là sai lầm, thậm chí là lạc giáo”. Theo Đức Hồng Y, bản tuyên bố lẽ ra phải thẳng thắn nói rằng “Đức Giáo Hoàng không hề đồng ý, và rằng Đức Giáo Hoàng cực lực bác bỏ những ý tưởng như thế vì trái với đức tin Công Giáo.”
Ngài nhận xét rằng không nói mạnh như thế, “trò đùa với đức tin và giáo lý, ở cấp cao nhất của Giáo Hội, đã gây ra một tai tiếng trong các linh mục và người tín hữu.”
Đức Hồng Y Burke cũng lên án sự im lặng của nhiều giám mục và Hồng Y về vấn đề này, và đặc biệt nghiêm trọng là những kẻ dám “loan truyền những hoang tưởng về một Giáo Hội mới, một Giáo hội có hướng đi hoàn toàn khác với quá khứ, chẳng hạn như tưởng tượng ra một ‘mô hình mới’ cho Giáo Hội.”
Đây không phải là lần đầu tiên Eugenio Scalfari gây ra tranh cãi khi báo cáo về các cuộc trò chuyện của mình với Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Năm 2014, ông trích dẫn rằng Đức Giáo Hoàng tuyên bố rằng hai phần trăm các linh mục Công Giáo là những kẻ ấu dâm.
Chiến lược của Eugenio Scalfari là tạo ra các câu chuyện giật gân để kiếm ăn. Ông ta không ngại ngùng thừa nhận rằng các bài tường trình của ông ta về các cuộc trò chuyện với Đức Giáo Hoàng hoàn toàn dựa trên ký ức của mình và ông ta không bao giờ thu âm hoặc ghi chép lại trong lúc trao đổi.
2. Công bố Tông Huấn Gaudete et Exsultate
Tông huấn Gaudete et Exsultate (Mừng rỡ Hân hoan) của Đức Thánh Cha Phanxicô về “ơn gọi thánh thiện trong thế giới hiện đại” đã được công bố vào sáng ngày thứ Hai 9 tháng Tư.
Tài liệu này đã được Đức Tổng Giám Mục Angelo De Donatis, Giám quản Giáo phận Roma trình bày tại một cuộc họp báo tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh.
Tham dự cùng Đức Tổng Giám Mục còn có nhà báo Gianni Valente, một người Ý làm việc cho Fides, cơ quan thông tấn xã Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, và Paola Bignardi, một nhà giáo dục và là cựu Chủ tịch Tổ chức Công Giáo Tiến Hành Italia.
Tựa đề của lời Tông huấn là cụm từ được sử dụng trong Phúc Âm Matthêu chương 5 câu 12, phần cuối của Tám Mối Phúc Thật “Anh em hãy mừng rỡ hân hoan, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.”
Đức Thánh Cha Phanxicô, năm nay 81 tuổi, đã công bố trước đó hai Tông huấn, cả hai đều đưa ra những suy tư từ các cuộc họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục. “Evangelii Gaudium” (Niềm vui Phúc Âm), được công bố vào năm 2013, tập trung vào việc công bố Tin Mừng trong thế giới hiện đại và bao gồm các đề xuất từ Thượng Hội đồng Giám mục 2012 về phúc âm hóa mới. Tông huấn “Amoris Laetitia” (Niềm vui Yêu thương), được công bố năm 2016 và tập trung vào việc mục vụ gia đình. Tông huấn này bao gồm các đề xuất thảo luận trong các phiên họp của Thượng Hội đồng Giám mục vào năm 2014 và 2015.
3. Caritas Rôma tiếp tục được dùng số tiền du khách ném xuống đài phun nước Trevi
Mỗi ngày hàng ngàn du khách ném những đồng tiền xu của họ xuống đài phun nước Trevi của Rôma với hy vọng có ngày quay lại thăm kinh thành vĩnh cửu. Hy vọng này không biết có thành hiện thực hay không. Tuy nhiên, số tiền thu được từ đài phun nước mỗi tuần mang lại những hy vọng rất cụ thể cho người nghèo tại thành phố này.
Hội đồng thành phố Rôma đã thông qua một thỏa thuận vào ngày thứ Năm Tuần Thánh 29 tháng 3 với Caritas Rôma để tiếp tục ủy thác cho cơ quan bác ái này việc sử dụng những đồng tiền của khách du lịch để cung cấp thức ăn và nơi tạm trú cho người nghèo và những ai gặp khó khăn trong thành phố.
Mỗi ngày vô số khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới nheo mắt lại, nguyện ước và ném hàng ngàn đồng Euro xuống dòng nước. Số tiền thu này được các công nhân thành phố sử dụng máy hút chân không áp lực cao hút lên.
Theo Caritas Roma, số tiền thu được tại đài phun nước Trevi trong năm 2016 lên đến 1.4 triệu euro (tức là 1.7 triệu đô la).
Caritas Rôma đã được ủy thác dùng lợi nhuận của đài phun nước này trong 20 năm qua. Tuy nhiên, số lợi nhuận quá lớn này đã khiến hội đồng thành phố Rôma lưỡng lự muốn hủy bỏ hợp đồng này và sử dụng tiền thu được cho các dự án khác nhau trong thành phố đang gặp rắc rối về tài chính.
Tuy nhiên, sau nhiều cuộc họp, hội đồng thành phố đã trì hoãn quyết định của mình và Caritas sẽ tiếp tục nhận được nguồn thu nhập của đài phun nước này ít nhất cho đến ngày 31 tháng 12 năm nay.
Ông Enrico Feroci, giám đốc Caritas Rôma, hân hoan chào đón diễn biến này và ca ngợi quyết định của hội đồng thành phố đã “thể hiện một cách cụ thể sự liên đới của toàn thành phố Rome đối với những người bị thiệt thòi và khó khăn.”
Ông nói thêm: “Khi tin tưởng vào Caritas Rôma với số tiền thu được từ đài phun nước Trevi, hội đồng thành phố Rome đã công nhận rằng tổ chức từ thiện Công Giáo chúng tôi có một lịch sử đặc biệt và độc đáo trong thành phố để vươn ra và gặp gỡ nhiều hình thái cơ cực trong xã hội, phục vụ người vô gia cư, người già, người di cư và các gia đình đang gặp khó khăn.”
4. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI có thể là vị thánh bảo trợ cho các thai nhi
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI có thể là vị thánh bảo trợ cho việc bảo vệ những thai nhi chưa chào đời khi ngài được tuyên thánh vào cuối năm nay, vị thỉnh nguyện án tuyên thánh cho ngài đã gợi ý như trên.
Cha Antonio Marrazzo nói với CNA rằng, vì các phép lạ của Đức Phaolô VI đều liên quan đến những thai nhi chưa chào đời, “Đức Phaolô VI có thể được gọi như là người bảo vệ những cuộc sống chưa sinh ra.”
Trong cả hai trường hợp, những người mẹ đều không đang trong tình trạng nguy hiểm, không phải là lần mang thai đầu tiên trong đời họ, và có thể đã phá thai vì thai nhi bị dị tật trầm trọng. Các bác sĩ cũng gợi ý nên phá thai ở cả hai trường hợp này. Tuy nhiên, các em đã được sinh ra khỏe mạnh.
Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, trị vì từ năm 1963 đến năm 1978, đã viết trong thông điệp nổi tiếng Humanae Vitae rằng “sự cản trở trực tiếp quá trình sinh sản đã bắt đầu, và trên hết, tất cả đều là phá thai trực tiếp, ngay cả với chiêu bài điều trị, đã bị người ta xem như là một phương thế hợp pháp để điều chỉnh số lượng trẻ em.”
Tài liệu này cũng tái khẳng định giáo huấn Công Giáo chống lại việc kiểm soát sinh sản và vô sinh.
5. Các Đức Giám Mục Đức yêu cầu Vatican can thiệp trước đề nghị cho người Tin Lành Rước Lễ
Bảy giám mục Đức, đứng đầu là Đức Hồng Y Rainer Woelki, Tổng Giám Mục Köln, đã yêu cầu Tòa Thánh can thiệp trước các đề xuất cho phép những người theo đạo Tin Lành là phối ngẫu của người Công Giáo được Rước Lễ.
Theo bản dự thảo được Hội Nghị Khoáng Đại các Giám Mục Đức thông qua vào tháng Hai, những người phối ngẫu Tin Lành có thể được Rước Lễ sau khi “cẩn thận cân nhắc lương tâm” và phải “khẳng định đức tin của Giáo Hội Công Giáo” và có lòng muốn chấm dứt “sự đói khát Thánh Thể”
Mặc dù Đức Hồng Y Cardinal Reinhard Marx, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục khẳng định rằng đây không phải là một cố gắng nhằm thay đổi giáo lý của Giáo hội, đề xuất này đã gây ra chia rẽ sâu sắc trong hàng giáo phẩm Đức.
Đức Hồng Y Brandmüller, một vị Hồng Y người Đức nêu ra câu hỏi là tại sao một người “đáp ứng được những điều kiện đó, và không ở trong trường hợp khẩn cấp, lại không thể đơn giản là xin được nhận vào Giáo Hội Công Giáo”.
Đức Hồng Y Gerhard Müller, nguyên tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, tố cáo hành động này như là một “thủ thuật ngụy biện” và nói rằng các điều kiện được đề cập trong văn kiện dự thảo sẽ không bao giờ có thể được đáp ứng nếu người ta muốn trung thành với giáo huấn của Giáo Hội.
Bây giờ bảy Giám Mục đã yêu cầu người kế nhiệm của Đức Hồng Y Gerhard Müller, là Đức Tổng Giám Mục Luis Ladaria, can thiệp. Trong một bức thư dài ba trang xuất bản trên nhật báo Kölner Stadt-Anzeiger, các Giám Mục Đức nói rằng Hội đồng Giám mục Đức có nguy cơ đi quá xa, vượt quá thẩm quyền của mình, và yêu cầu Vatican phải can thiệp. Bức thư cũng được gửi đến Đức Hồng Y Kurt Koch, chủ tịch Hội đồng Cổ Vũ Đại kết Kitô Giáo.
Ngoài Đức Hồng Y Woelki, bức thư cũng được ký bởi Đức Tổng Giám Mục Ludwig Schick của Bamberg, các Đức Giám Mục Konrad Zdarsa của Augsburg, Gregor Maria Hanke của Eichstätt, Wolfgang Ipolt của Görlitz, Rudolf Voderholzer của Regensburg và Stefan Oster của Passau.
Nhật báo Kölner Stadt-Anzeiger nói Đức Hồng Y Marx đã trả lời lá thư của bẩy vị Giám Mục Đức và bác bỏ những lo ngại của các ngài, đồng thời nhấn mạnh rằng đề nghị này chỉ là một dự thảo và không có thay đổi nào về mặt giáo lý.
6. Đức Tổng Giám Mục Hilarion của Chính Thống Giáo Nga nói những kẻ khủng bố Hồi Giáo chỉ là tôi tớ của Satan
Một cuộc họp thường kỳ của Hội đồng Liên tôn Nga đã diễn ra tại trụ sở của Học viện thần học hai thánh Cyrilô và Methođiô tại Mạc Tư Khoa vào ngày 27 tháng 3 năm 2018.
Tất cả những người tham dự đã dành một phút im lặng để tưởng nhớ đến các nạn nhân của vụ khủng bố mới đây tại siêu thị Kemerovo.
Đức Tổng Giám Mục Hilarion cũng nhắc nhở các cử tọa về cuộc tấn công khủng bố ở Kizlyar, Dagestan và nói rằng:
“Chúng ta phải nói mạnh hơn và rõ ràng hơn rằng tất cả những kẻ khủng bố gây ra những cái chết thảm khốc này đều chỉ là những tôi tớ của Satan ngay cả khi chúng kêu tên Đức Chúa Trời khi hành động như thế ... Trách nhiệm tập thể của chúng ta đã trở nên lớn hơn, và chúng ta phải cảnh giác và giúp đỡ lẫn nhau trong việc bảo vệ đàn chiên của chúng ta khỏi nạn khủng bố.”
7. Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho đứa trẻ người Anh Alfie Evans và gia đình
Trong một Tweet đăng trên tài khoản chính thức @Pontifex vào tối thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho đứa trẻ người Anh Alfie Evans. Cuộc đấu tranh pháp lý của bố mẹ đứa bé để giữ lại mạng sống con mình với hy vọng có thể tìm được một phương cách điều trị khác đã không thành công.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tweet những lời cầu nguyện của ngài cho Alfie Evans, một đứa trẻ người Anh 23 tháng tuổi đang ở trong tình trạng bán thực vật ở bệnh viện Liverpool.
Người ta tin rằng Alfie bị một dạng thần kinh suy thoái hiếm, nhưng các bác sĩ vẫn chưa đưa ra kết luận chẩn đoán chung cuộc về tình trạng của đứa bé.
Trong Tweet của mình, Đức Thánh Cha nói, “Tôi hy vọng chân thành rằng mọi thứ cần thiết đều có thể được thực hiện để tiếp tục đồng hành với cháu Alfie Evans, và nỗi đau sâu thẳm của cha mẹ em có thể được lắng nghe.”
Đức Giáo Hoàng nói thêm ngài “đang cầu nguyện cho Alfie, cho gia đình và cho tất cả những ai tham gia.”
Cháu Alfie đã phải dùng đến các phương tiện hỗ trợ hô hấp tại bệnh viện trẻ em Alder Hey từ tháng 12 năm 2016 sau khi bị nhiễm trùng ngực gây ra một cơn động kinh. Alfie đã vượt qua được tình trạng nhiễm trùng này và bắt đầu tự thở được. Nhưng một lần nữa cháu lại bị nhiễm trùng ngực dẫn đến nhiều cơn động kinh kéo dài, và phải quay trở lại dùng máy thở. Các bác sĩ tại Alder Hey nói rằng Alfie nên được cho chết đi thì hơn.
Cha mẹ của Alfie, là anh chị Kate James và Tom Evans, đã đấu tranh cho quyền sống của đứa bé, đưa vụ việc của họ ra tòa. Một Tòa án tối cao Anh đã phán quyết vào ngày 6 tháng 3 rằng cháu chỉ nên nhận được những chăm sóc làm giảm đau trong khi chờ chết và bác bỏ việc đưa ra nước ngoài điều trị. Tòa án Tối cao đã duy trì quyết định đó, và Toà án Nhân quyền châu Âu từ chối xem xét vụ việc này. Hai anh chị đã cạn kiệt mọi biện pháp hợp pháp để ngăn bệnh viện rút các máy trợ giúp sự sống khỏi Alfie. Báo chí Anh nói điều này có thể xảy ra trong vài ngày tới.
Kate và Tom muốn chuyển Alfie đến bệnh viện khác ngay tại Anh để thử các liệu pháp thực nghiệm với số tiền thu được từ nỗ lực tài trợ của những người hảo tâm. Tòa án cũng đã bác bỏ yêu cầu này.
Cha mẹ Alfie đã cầu xin Đức Giáo Hoàng giúp đỡ. Với Tweet của mình, Đức Giáo Hoàng đã đưa sự chú ý trên toàn thế giới vào cuộc chiến của Alfie.
8. Tổng thống Armenia đến Vatican dự lễ khánh thành tượng thánh Grêgôriô thành Narek
Sáng thứ Năm 5 tháng 4, Tổng thống Cộng hòa Armenia, là ông Serzh Sargsaan, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp. Sau đó ông đã gặp Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cùng với Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh.
Trong các cuộc thảo luận thân mật, hai bên đã bày tỏ sự hài lòng trước mối quan hệ tốt đẹp giữa Toà Thánh và Armenia.
Tổng thống Serzh Sargsaan đã đến Vatican nhân dịp Đức Thánh Cha khánh thành tượng thánh Grêgoriô thành Narek, Tiến sĩ Hội Thánh. Đây là cơ hội tốt để thúc đẩy hơn nữa các mối quan hệ giữa Vatican và Armenia, cũng như giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Armenia Tông Truyền.
Hai bên cũng đã đề cập đến bối cảnh chính trị khu vực, với hy vọng giải quyết các tình huống xung đột và các vấn đề quốc tế hiện tại khác cũng như tình trạng của các Kitô hữu và các nhóm tôn giáo thiểu số, đặc biệt là trong các khu vực chiến tranh trên thế giới.
9. Sau đại họa cộng sản, dân số Chính Thống Giáo tăng gấp đôi
Theo lịch sử, sự hiện diện của Chính Thống Giáo tại Trung và Đông Âu đã bắt đầu vào thế kỷ thứ 9, nhờ các nỗ lực truyền giáo cuả các thừa sai đến từ thủ đô Constantinople của đế chế Byzantine (nay là Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ). Chính Thống Giáo được truyền đầu tiên đến Bảo Gia Lợi, Serbia và Moravia (nay là một phần của Cộng hòa Tiệp), và sau đó, bắt đầu từ thế kỷ thứ 10, được truyền sang Nga.
Sau cuộc Đại Ly Giáo vào năm 1054, hoạt động truyền giáo của các thừa sai Chính Thống Giáo được mở rộng khắp Đế chế Nga từ những năm 1300 đến những năm 1800.
Chẳng may là trong thế kỷ qua, nhiều vùng rộng lớn tại và Đông Âu và toàn bộ nước Nga rơi vào sự thống trị của cộng sản. Dân số Chính Thống Giáo sụt giảm đáng kể. Tuy nhiên, từ sau khi cộng sản sụp đổ tại Đông Âu và tại Nga dân số Chính Thống Giáo trên toàn thế giới đã tăng hơn gấp đôi và bây giờ đứng ở mức gần 260 triệu người. Riêng ở Nga, đã có hơn 100 triệu người xưng mình là tín hữu Chính Thống Giáo, một sự hồi sinh rất mạnh sau sự sụp đổ của Liên Xô.
Mặc dù có sự gia tăng số lượng tuyệt đối, tỷ lệ tương đối các Kitô hữu Chính thống so với Công Giáo và các hệ phái Kitô đã giảm mạnh do sự tăng trưởng nhanh hơn rất nhiều trong số những người theo đạo Tin Lành, và người Công Giáo. Ngày nay, chỉ có 12% Kitô hữu trên toàn thế giới là Chính thống, so với 20% cách đây một thế kỷ. Và 4% tổng dân số toàn cầu là Chính thống, so với ước tính 7% vào trước khi xảy ra cuộc Cách Mạng Bolshevik tại Nga.
Sự phân bố địa lý của Chính thống giáo cũng khác với các truyền thống Kitô giáo khác trong thế kỷ 21. Năm 1910 - ngay trước khi xảy ra các sự kiện gây ra Chiến tranh thế giới thứ nhất, cuộc cách mạng Bolshevik ở Nga, và sự tan rã của một số đế quốc châu Âu - tất cả ba chi nhánh chủ yếu của Kitô giáo (Chính thống, Công Giáo và Tin Lành) đều chủ yếu tập trung ở châu Âu. Nhưng sau đó, người Công Giáo và Tin lành đã mở rộng ra bên ngoài lục địa này, trong khi Chính Thống Giáo vẫn tập trung chủ yếu ở châu Âu. Ngày nay, 77% các tín hữu Chính Thống sống ở châu Âu. Ngược lại, chỉ có 24% người Công Giáo và 12% người Tin lành hiện đang sống ở châu Âu.
Trong khi Chính thống giáo lan truyền trên khắp lục địa Á-Âu, các nhà truyền giáo Tin Lành và Công Giáo từ Tây Âu đi ra các châu lục khác, qua Địa Trung Hải và Đại Tây Dương. Các đế quốc Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan và Anh, và những nước khác nữa, mang Kitô giáo phương Tây (Công Giáo và đạo Tin Lành) đến vùng cận Sahara Châu Phi, Đông Á và Châu Mỹ - những vùng mà trong thế kỷ 20 có sự tăng dân số nhanh hơn nhiều so với châu Âu.
Ngày nay, cộng đoàn Chính Thống Giáo lớn nhất bên ngoài Đông Âu là ở Ethiopia với khoảng 36 triệu tín hữu, chiếm gần 14% tổng dân số Chính thống trên toàn thế giới.
10. Chính Thống Giáo cử hành Tuần Thánh và Lễ Phục sinh
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Những hình ảnh mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là Phụng Vụ Thứ Năm Tuần Thánh tại nhà thờ chính tòa Chúa Kitô Đấng Cứu Độ tại thủ đô Mạc Tư Khoa hôm thứ Năm 5 tháng Tư vừa qua.
Năm nay, khi người Công Giáo mừng lễ Phục sinh, các tín hữu Chính Thống Giáo cử hành Chúa Nhật Lễ Lá. Như thế, Chúa Nhật Phục sinh Chính Thống Giáo (gọi là Pascha thay vì Easter), rơi vào ngày 8 tháng Tư.
Các tín hữu Chính Thống đã bắt đầu Mùa Chay với Ngày Thứ Hai Lễ Tro vào ngày 12 tháng Hai năm nay. Lễ Tro của Chính Thống Giáo được cử hành vào ngày thứ Hai chứ không phải là ngày thứ Tư như chúng ta. Trong suốt Mùa Chay họ giữ chay mọi ngày chứ không chỉ trong hai ngày Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh.
Giống như Easter của Giáo Hội Công Giáo, Pascha, là sự kiện quan trọng nhất trong lịch Phụng Vụ.
Tuần Thánh trong Giáo Hội Chính Thống đầy ắp các nghi lễ tưởng niệm cuộc thương khó Đức Kitô. Các linh mục mặc phẩm phục màu đen cho đến tối thứ Bẩy thì mới mặc phẩm phục màu vàng kim của ngày đại lễ.
Vào ngày Thứ Tư Tuần Thánh, các tín hữu Chính Thống cử hành Phụng Vụ xức dầu, trong đó các giáo dân được xức dầu thánh để mang lại ơn chữa lành cho cơ thể và linh hồn.
Ngày hôm sau, thứ Năm Tuần Thánh, cũng có nghi lễ rửa chân cho 12 thành viên của giáo đoàn. Phụng Vụ được tiếp nối với 12 bài Phúc Âm kể lại các khía cạnh khác nhau trong cuộc thương khó Chúa từ việc phản bội của Giuđa cho đến khi Chúa chịu đóng đinh trên thánh giá. Khi đọc hết bài Phúc Âm thứ sáu, vị linh mục “xuất hiện như ông Simôn thành Kyrynê và vác thánh giá đi xung quanh nhà thờ 3 vòng trong khi cộng đoàn hát bài hát ‘Đấng tạo thành trời đất hôm nay bị đóng đinh trên thập giá.’
Vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, các tín hữu cử hành đám tang Chúa Giêsu. Họ đặt một hình tượng Chúa Giêsu trên một chiếc cáng, và đi quanh nhà thờ. Đoàn rước sau đó dừng lại trước ngôi mộ trống và than khóc Chúa trước khi đặt Ngài trong huyệt đá.
Các tín hữu được khuyến khích canh thức suốt đêm, và đọc các sách Phúc Âm. Tại Ethiopia, từ 3 giờ sáng ngày thứ Bẩy các linh mục liên tục cử hành các thánh lễ xen lẫn với những giờ canh thức.
Trưa ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh là Lễ Lửa Thánh của Chính Thống Giáo tại nhà thờ Mộ Chúa ở Giêrusalem.
Lễ Lửa Thánh được truyền hình trực tiếp đến Hy Lạp, và các nước Đông Âu. Tại Nga, lễ này được truyền trực tiếp trên đài truyền hình quốc gia Rossiya 1 và cả các đài khác.
Truyền thống Chính Thống Giáo tin rằng hiện tượng Lửa Thánh là một phép lạ xảy ra hàng năm vào ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh. Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Hy Lạp tại Giêrusalem được tin tưởng là nhận được lửa từ trời xuống bên trong ngôi mộ Chúa.
Nghi thức bắt đầu lúc 12 giờ trưa với kinh cầu Các Thánh. Đức Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp và các Giám Mục đến trước Edicule. Ngài cởi bỏ phẩm phục bên ngoài và chịu sự khám xét nghiêm ngặt của một tiểu đội cảnh sát Do Thái để chứng minh rằng ngài không hề mang theo bất cứ vật dụng nào có thể tạo ra lửa. Sau đó, chỉ một mình ngài được vào trong Edicule, hai tay cầm hai bó nến, mỗi bó 33 cây tượng trưng cho 33 năm Chúa Kitô sống trên trần gian này.
Đức Thượng Phụ qùy cầu nguyện trước tấm đá cẩm thạch bao bọc chiếc giường bằng đá nơi thi thể Chúa được an táng. Bên ngoài một sự im lặng căng thẳng chụp xuống trên đám đông các tín hữu.
Một lúc sau, một ánh sáng xanh phát ra từ bên trong ngôi mộ của Chúa Kitô có thể kèm theo một tiếng nổ lớn. Ánh sáng này từ từ biến thành một lưỡi lửa thắp các ngọn nến của ngài, và thoát ra ngoài lượn trên các tín hữu. Họ giơ cao các cây nến để đón ánh sáng này.
Ngay cả trước khi Đức Thượng Phụ tiến ra với hai bó nến được thắp sáng, đền thờ Thánh Mộ đã được thắp sáng với những ánh nến huy hoàng.
Những người hành hương và hàng giáo phẩm Chính Thống Giáo cho biết trong 33 phút đầu tiên lửa này không hề làm phỏng họ nếu họ giơ tay trên ngọn lửa.
Buổi tối thứ Bẩy là đêm canh thức Phục sinh với các nghi lễ dài nhất trong năm. Tại nhà thờ chính tòa Chúa Kitô Đấng Cứu Độ tại thủ đô Mạc Tư Khoa, Đức Thượng Phụ Kirill cử hành đêm canh thức trong khoảng bốn tiếng đồng hồ liên tục.
Cũng như người Công Giáo, những nghi lễ Phụng Vụ sáng Chúa Nhật Phục sinh tương đối ngắn hơn. Sau đó, các linh mục Chính Thống Giáo làm phép các loại trứng và cả các loại nông sản khác.
11. Sau 500 năm người Công Giáo có thể cử hành thánh lễ tại nhà thờ chính tòa Lund
Một thỏa thuận đã đạt được giữa Giáo Hội Công Giáo tại Thụy Điển và Giáo Hội Lutheran tại quốc gia này. Thánh lễ Công Giáo sẽ được cử hành trong nhà thờ có từ thời Trung Cổ này tại thành phố Lund của Thụy Điển lần đầu tiên kể từ thời Cải cách.
Giáo Hội Lutheran của Thụy Điển đã đồng ý cho giáo xứ Công Giáo Thánh Thomas được cử hành thánh lễ hàng tuần tại đây từ ngày 21 tháng 10 tới, khi ngôi nhà thờ Công Giáo phải đóng cửa để trùng tu từ mùa thu này cho đến mùa xuân năm tới.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã viếng thăm thành phố miền nam Thụy Điển vào tháng 10 năm 2016 nhân 500 năm cuộc Cải cách Tin lành. Đức Thánh Cha và các nhà lãnh đạo Lutheran đã cầu nguyện cùng nhau tại nhà thờ này và cam kết hợp tác cả về mặt tinh thần lẫn thực tiễn trong “cuộc hành trình hoà giải chung”. Kể từ đó, hai cộng đồng đã tổ chức những cầu nguyện chung trong các nhà thờ của nhau.
Linh mục Lena Sjöstrand, chánh xứ của nhà thờ Lutheran, cho hay cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng tại Lund và thành phố Malmö gần đó “đã gây xúc động cho rất nhiều người”. Qua các buổi lễ tiếp tục sau đó, mọi người thấy rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha không chỉ là một sự kiện một lần mà thôi mà còn là một cách cụ thể để tăng cường mối quan hệ giữa hai cộng đồng Kitô hữu.
Việc chia sẻ các dịch vụ, và bây giờ là việc chia sẻ thánh đường cho các Thánh lễ, phản ánh tinh thần của tài liệu chung “Từ Mâu thuẫn đến Sự hiệp thông” được công bố vào năm 2013, tập trung vào kết quả của 50 năm đối thoại kể từ Công Đồng Vatican II.
12. Khủng bố Hồi Giáo IS tàn sát một gia đình Công Giáo Pakistan
Bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã tuyên bố chịu trách nhiệm về một vụ tấn công khủng bố vào một gia đình Công Giáo ở Quetta, Pakistan, làm bốn người chết vào ngày thứ Hai sau lễ Phục Sinh.
Các thành viên trong gia đình đang ngồi trên một chiếc xe kéo khi hai tay súng bắn nhiều loạt đạn vào họ. Ba người đàn ông và một phụ nữ đã bị giết và một cô gái 10 tuổi được đưa tới bệnh viện.
Vụ giết người này đã xảy ra tại một thị trấn, nơi một tuần trước lễ Giáng sinh năm ngoái, hai tên nổ bom tự sát đã tấn công vào một nhà thờ Kitô Giáo, giết chết 9 người và làm bị thương 56 người. Quân khủng bố Hồi Giáo IS cũng tuyên bố chịu trách nhiệm về cuộc tấn công đó.
Theo báo cáo của Ucanews.com, Pervaiz Masih, một trong những thành viên trong gia đình bị giết, là một người lái xe kéo. Anh đang đưa những người thân của mình đi ăn kem thì họ bị tấn công ngay bên ngoài ngôi nhà của anh.
“Pervaiz Masih đã sống ở Quetta trong 10 năm qua. Vào ngày 29 tháng 3, người thân của anh đến từ Lahore và Dubai lần đầu tiên để ăn mừng Lễ Phục sinh với anh” một người hàng xóm cho biết.
13. Chuyện không tin cũng xảy ra: Người già ở Nhật đi ở tù cho vui!
Mọi xã hội lão hóa đều phải đối mặt với những thách thức riêng. Nhưng Nhật Bản, với dân số những người cao niên đông nhất trên thế giới (27,3% người dân ở độ tuổi 65 trở lên, gần gấp hai lần ở Hoa Kỳ), đã phải đối phó với một trong những điều mà họ không đã lường trước được: đó là tội phạm ở những người cao niên. Các khiếu tố và những vụ bắt giữ liên quan đến những người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ, đang diễn ra ở mức cao hơn các nhóm nhân khẩu học khác. Theo tổ chức truyền giáo OMF International, nguyên nhân rất đơn giản: nhiều người cao niên chưa từng phạm pháp bao giờ ngày nay đang cố gắng làm mọi cách để bị bắt và như thế có thể đi ở tù cho vui!
Chăm sóc cho người cao niên Nhật Bản trước đây là nghĩa vụ thiêng liêng của các gia đình và cộng đồng, nhưng điều đó đang thay đổi. Từ năm 1980 đến năm 2015, số người cao niên sống một mình tăng gấp sáu lần, đến gần 6 triệu người. Và cuộc điều tra năm 2017 của chính phủ Tokyo cho thấy hơn một nửa số người cao niên bị bắt vì phạm pháp là những người sống cô đơn một mình; 40 phần trăm hoặc là không có gia đình hoặc hiếm khi được nói chuyện với người thân. Những người này thường nói rằng họ không có ai để nói chuyện khi họ cần giúp đỡ.
Ngay cả những phụ nữ sống chung với con cái cũng cảm thấy cô đơn. “Họ có thể có một mái nhà. Họ có thể có một gia đình. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ có một nơi mà họ cảm thấy như ở nhà”, Yumi Muranaka, một cai ngục tại nhà tù phụ nữ Iwakuni, cách Hiroshima 30 dặm, nói. “Họ cảm thấy họ không được ai thông cảm. Họ cảm thấy họ chỉ được công nhận như những người làm việc nhà”
Chính phủ cũng như khu vực tư nhân không thiết lập một chương trình phục hồi hiệu quả cho người cao niên, và chi phí để giữ họ trong tù đang gia tăng nhanh. Chi phí liên quan đến việc chăm sóc cho người cao tuổi bị giam đã đẩy chi phí y tế hàng năm tại các cơ sở cải huấn lên tới 6 tỷ yen (hơn 50 triệu đô la) vào năm 2015, tăng 80 phần trăm so với một thập kỷ trước đó. Các nhân viên chuyên biệt đã được thuê để giúp các tù nhân lớn tuổi tắm rửa và đi vệ sinh trong ngày, nhưng vào ban đêm những công việc này được thực hiện bởi những người bảo vệ. Tại một số cơ sở, các nhân viên cải huấn đang dần dà trở thành những người chăm sóc cho người già tại nhà dưỡng lão. Hơn một phần ba nữ cán bộ cải huấn đã xin thôi việc trong vòng ba năm qua vì cực quá.
Một phụ nữ ở tù lần này là lần thứ hai nói với OMF International:
“Mỗi ngày tôi lặng lẽ một mình như một chiếc bóng và cảm thấy rất cô đơn. Chồng tôi cho tôi rất nhiều tiền, và mọi người luôn nói với tôi rằng tôi thật là may mắn, nhưng tiền không phải là điều tôi muốn. Nó không đem lại hạnh phúc cho tôi.
Lần đầu tiên tôi ăn cắp ở một hiệu sách cách đây khoảng 13 năm. Tôi lang thang vào một tiệm sách trong thị trấn và lấy trộm một cuốn tiểu thuyết bìa mềm không đáng bao nhiêu tiền trong khi tôi có cả đống tiền trong bóp. Tôi bị bắt, bị đưa đến đồn cảnh sát, và một người cảnh sát hỏi cung tôi với giọng nói thật ngọt ngào. Anh ấy thật tử tế. Anh ấy lắng nghe mọi thứ tôi muốn nói. Tôi cảm thấy tôi đã được lắng nghe lần đầu tiên trong cuộc đời tôi. Cuối cùng, anh nhẹ nhàng nắm lấy vai tôi và nói, ‘Tôi hiểu bà rồi. Bà cô đơn chứ gì, nhưng đừng làm thế nữa nhé. Thôi về đi’
Sau lần đó, tôi quyết tâm ăn cắp nữa để được hỏi cung và đi tù thì càng hay. Tôi không biết phải nói làm sao để bạn hiểu là tôi thích làm việc trong nhà tù như thế nào. Tôi luôn có người ở bên cạnh mình để chuyện vãn. Một ngày kia, khi tôi được khen ngợi về hiệu quả và công việc tỉ mỉ của tôi, tôi hoàn toàn tràn ngập niềm vui được làm việc. Tôi rất tiếc vì tôi chưa bao giờ làm việc trong đời mình. Tôi thích cuộc sống của tôi trong tù hơn. Luôn luôn có người xung quanh, và tôi không cảm thấy cô đơn ở đây. Khi tôi ra ngoài lần thứ nhất, tôi đã hứa rằng tôi sẽ không quay trở lại. Nhưng khi tôi ra ngoài rồi, tôi không thể không cảm thấy nuối tiếc nơi này.”