Mấy lúc gần đây, Hội Đồng Giám Mục Đức, dưới sư hướng dẫn của Đức Hồng Y Marx, gây nhiều xôn xao trong dư luận Giáo Hội hoàn cầu, mà gần đây nhất là đề xuất cho phép các người phối ngẫu Thệ Phản của người Công Giáo được rước lễ.



Nhân đề xuất ấy, nhiều nhận định đã được nêu lên. Chúng tôi xin lược thuật 3 nhận định đáng lưu ý của các ký giả John Allen của Crux và Edward Pentin của National Catholic Register, và của linh mục De Souza của Convivium.

Ba chuyện oái oăm

John Allen cho rằng cuộc họp giữa đại diện Hội Đồng Giám Mục Đức và các giới chức cao cấp nhất của Tòa Thánh ngày 3 tháng 5 vừa qua làm nổi bật ba tầm nhìn thông sáng và cũng là ba nghịch lý lớn sau đây:

o Dù Đức Giáo Hoàng hay giáo triều Rôma thực tâm muốn tản quyền, Giáo Hội hoàn cầu vẫn cần Rôma giải quyết nhiều vấn đề.

o Một số vấn đề trong Giáo Hội chỉ có tính biểu tượng ở một phần nào đó trên thế giới, nhưng lại gây tác động lớn nhất ở những phần khác.

o Đức Phanxicô là vị giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ nam bán cầu, nhưng phần lớn các bi kịch nội bộ trong triều giáo hoàng của ngài lại diễn ra quanh đệ nhất thế giới, đặc biệt tại Giáo Hội Đức giầu có và dễ bùng nổ về thần học.

Theo Allen, thực tình, Đức Phanxicô không thích phải lên tiếng về đề xuất của Hội Đồng Giám Mục Đức. Vì năm 2015, khi thăm cộng đồng Luthêrô của người Đức ở Rôma và trong Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương năm 2106, ngài vốn coi nó là vấn đề của lương tâm cần được xác định trên căn bản từng trường hợp một.

Nói cách khác, Đức Phanxicô, theo Allen, có thể vui lòng để các giám mục địa phương tự quyết định lấy. Thế nhưng ở đây, một số giám mục địa phương lại nhấn mạnh Rôma cần phải cung cấp hướng dẫn.

Điều cũng đáng lưu ý là Vatican không yêu cầu có cuộc họp này và cũng không có định mức đặc biệt nào cho thấy Vatican muốn can dự vào. Thế nhưng, theo Allen, trong thế giới của thế kỷ 21, một thế giới bừa phứa với các phương tiện truyền thông, thì sự phân biệt “địa phương” với “hoàn vũ” hình như đã lỗi thời. Tất cả chúng ta đều biết mọi chuyện xẩy ra bất cứ ở đâu đều tức khắc áp lực Rôma phải phản ứng, bất kể áp lực này phát xuất từ hạ tầng hay từ hàng giáo phẩm... Thành thử điều oái oăm hay nghịch lý đầu tiên là Đức Phanxicô cố gắng trở thành vị giáo hoàng tản quyền trong một thời đại tập quyền cao độ.

Thứ hai, phản ứng của Đức Hồng Y Marx đối với lá thư của 7 đồng nghiệp của ngài cho ta biết khá nhiều điều khi ngài bảo có chi mà rối cả lên vậy, vì việc cho phép các người phối ngẫu Thệ Phản rước lễ khi họ chia sẻ đức tin Công Giáo đối với Phép Thánh Thể và đã nói chuyện với một mục tử vốn là một thực hành đã có ở Đức từ trước, dựa vào luật lệ hiện hành của Giáo Hội và giáo huấn giáo hoàng.

Các giám mục Đức thường trích dẫn văn kiện năm 2003 của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Ecclesia de Eucaristia, là văn kiện nói rằng ngoài việc cho phép rước lễ liên phái trong những trường hợp “khẩn cấp trầm trọng”, như nguy tử, nó cũng có thể xẩy ra khi có “nhu cầu thiêng liêng nghiêm túc”.

Những ai quen thuộc với thực tại của Giáo Hội Đức thường vẫn cho rằng phần lớn người Công Giáo và Thệ Phản trong các cuộc hôn nhân hỗn hợp, dù sao, cũng ít khi tham dự Thánh Lễ, thành thử vấn đề rước lễ liên phái có ai nêu ra đâu. Còn đối với những người nêu vấn đề, và khi người phối ngẫu Thệ Phản khao khát được rước lễ, họ luôn gặp được một mục tử dễ cảm thông và nhờ thế, âm thầm tham dự bí tích một cách êm xuôi.

Đã đành, do di sản Cải Cách và mệnh lệnh Tin Mừng đòi sự hợp nhất, đây là một vấn đề nặng chất văn hóa và thần học, nhưng, theo Allen, bất cứ điều gì xẩy ra hôm thứ Năm đều ít quan trọng xét về mặt thực hành ở Đức.

Có thể nó quan trọng ở những nơi khác trên thế giới, nhất là ở những nơi hôn nhân hỗn hợp là chuyện thông thường hơn. Dĩ nhiên, có sự khác nhau giữa câu “Người Đức làm điều X” và câu “Người Đức nay được phép Đức Giáo Hoàng làm điều X”, khiến cho việc giải thích tại sao các giáo hội địa phương khác không được hưởng cùng sự dễ dãi trở nên khó khăn. Và đây là oái oăm thứ hai: nhượng bộ vì đòi hỏi ở Đức, nếu chấp thuận, có thể gây tác động lớn lao tại các nơi khác.

Thứ ba, thời Đức Phanxicô, một lần nữa, điều đáng lưu ý là Đạo Công Giáo nói tiếng Đức đang hành xử như người đề xuất ý kiến hàng đầu trong các cuộc tranh luận trong nội bộ Giáo Hội.

Nhận định trên đã xuất hiện quanh Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương và vấn đề rước lễ của những người Công Giáo ly dị và tái hôn bên ngoài Giáo Hội, trong đó, Đức Hồng Y người Đức Walter Kasper là kiến trúc sư trí thức của đề xuất và Đức Hồng Y người Áo Christoph Schönborn là một trong các nhà giải tích thông hiểu nhất. Rồi đến văn kiện tháng Chín năm 2017, Magnum Principium, một văn kiện chuyển trách nhiệm lãnh đạo trong việc dịch thuật bản văn phụng vụ cho các giám mục địa phương. Đức Hồng Y Marx là một trong những vị ủng hộ động thái này hăng say hơn cả, sau khi các giám mục Đức và Áo khước từ trong 4 năm, không chấp nhận bản dịch mới của Thánh Lễ do Rôma chấp thuận.

Nay, một lần nữa, nghị trình thần học và mục vụ của Giáo Hội nói tiếng Đức đang soi dẫn ngôn từ tranh luận cho triều giáo hoàng Phanxicô, lần này là việc rước lễ liên phái.

Người ngưỡng mộ sẽ cho rằng một số suy tư thần học tinh tế nhất trong mấy thế kỷ gần đây vốn xuất phát từ khu vực nói tiếng Đức, nên điều hoàn toàn thích đáng là các hoa trái của truyền thống ấy đang được hái lượm. Người chỉ trích thường thắc mắc tại sao ơn kêu gọi và tỷ lệ tham dự Thánh Lễ xuống dốc thê thảm lại khiến cho Đức xứng đáng dạy nhiều bài học cho các phần còn lại của thế giới Công Giáo.

Dù theo quan điểm nào, thì đó vẫn là điều oái oăm thứ ba: cho dù dưới một vị giáo hoàng “đệ tam thế giới”, đệ nhất thế giới vẫn khó có thể trở thành bất liên quan.

2. Một trách vụ tế nhị

Ký giả Edward Pentin thì cho rằng cuộc họp ngày 3 tháng 5 “chủ yếu không những vì thực chất vấn đề, mà có thể còn xác định cả quan điểm của Đức Phanxicô về vấn đề này”.

Theo Pentin, không phải chỉ có Đức Hồng Y Woelki thuộc nhóm 7 giáo phẩm viết thư xin Tòa Thánh can thiệp đã tham dự cuộc họp, mà Đức Cha Rudolf Voderholzer của Regensburg, người được coi là đề xuất chính của lá thư, cũng đã được chính Đức Phanxicô mời tham dự. Ngài vốn là phó chủ tịch của ủy ban tín lý của Hội Đồng Giám Mục Đức và là thành viên duy nhất người Đức của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin.



Cũng theo Pentin, phía Toà Thánh được đại diện bởi các giáo chức tất cả đều có cảm tình với quan điểm của 7 vị giáo phẩm Đức viết thư xin sự chỉ đạo của Tòa Thánh.

Còn về Đức Phanxicô, Pentin cho rằng ngài có cảm tình với đề xuất của Hội Đồng Giám Mục Đức vì ngài từng ủng hộ một điều tương tự khi thăm cộng đồng Luthêrô tại Rôma năm 2015 như trên đã nói.

Cho đến nay, Tòa Thánh chưa ra một huấn thị nào về vấn đề rước lễ liên phái trong trường hợp các cuộc hôn nhân hỗn hợp, một tình huống, mà theo Pentin, không có tính “cấp cứu” (emergency) như trong đề xuất của Hội Đồng Giám Mục Đức và là vấn đề tín lý có ảnh hưởng tới Giáo Hội hoàn vũ chứ không phải chỉ liên quan tới một vùng đặc thù.

Đức Giáo Hoàng Hưu Trí Bênêđíctô XVI, theo Pentin, cũng được biết là chống đề xuất này và ủng hộ 7 vị giáo phẩm chống đối.

Thành thử, đồng ý với Giáo Sư thần học tín lý Helmut Hoping khi vị này việt trân tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung rằng Đức Phanxicô đang đối diện với “một trách vụ tế nhị” nhất là vì Đức Hồng Y Marx đã nối kết đề xuất này với Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương, là tông huấn cho phép những người ly dị và tái hôn bên ngoài Giáo Hội được rước lễ.

Giáo Sư Hoping kết luận: Phương pháp “khởi diễn các diễn trình” (initiating processes) của Đức Phanxicô mà không bao giờ ra luật lệ cho chúng “có thể đạt tới đường cùng của nó với cuộc tranh chấp của Đức về việc rước lễ”.

3. Các ưu tiên trần thế của các giám mục Đức

Linh Mục Raymond J. de Souza thì cho rằng một trong các khía cạnh phản trực giác của triều giáo hoàng này là dành cho các quan điểm Đức nhiều nhấn mạnh quá.

Đức Phanxicô vốn có tiếng ưu tiên chọn người nghèo, một người của các khu ngoại vi. Thế nhưng, ở tâm điểm triều giáo hoàng của ngài lại là các ưu tiên và nhân viên của giáo hội địa phương có óc trần thế hơn hết trên trái đất, giầu có nhờ thuế nhà thờ của Đức, đang đóng cửa nhiều giáo xứ, và chỉ loay hoay với các vấn đề nội bộ của Giáo Hội.

Theo cha de Souza, không phải tiền bạc đã khiến Giáo Hội định chế ở Đức trở thành trần thế mà là thái độ của nó đối với tiền bạc.

Thực vậy, năm 2012, các giám mục Đức ra lệnh: bất cứ ai rút chân ra khỏi việc trả thuế nhà thờ sẽ không được lãnh nhận các bí tích kể cả lễ cưới và lễ tang.

Thành thử, thực ra, đề xuất hiện nay của các giám mục Đức có nghĩa như sau, theo Cha de Souza: người vợ Thệ Phản của người chồng Công Giáo có thể rước lễ, nhưng ông chồng này sẽ không được rước lễ, nếu không nộp thuế nhà thờ!

Việc nghiêng về quan điểm Đức của Đức Phanxicô, hơn cả chính Đức Bênêđíctô XVI, một người Đức, đã rõ từ Mật Nghị Hội Bầu Giáo Hoàng năm 2013, khi ngài đọc cuốn sách của Đức Hồng Y Walter Kasper về lòng thương xót, và sau đó, hết lời ca ngợi vị Hồng Y này.
Sau đó, trong Niềm Vui Tin Mừng (tháng 11 năm 2013), ngài đã lấy 4 nguyên tắc của Romano Guardini, một người Đức, làm kim chỉ nam cho triều đại ngài: thời gian lớn hơn không gian; hợp nhất thắng thế tranh chấp; thực tại quan trọng hơn ý niệm; toàn bộ lớn hơn từng phần.

Hội đồng 9 Hồng Y có Đức Hồng Y Marx, người Đức, đại diện cho Châu Âu; Hội Đồng Kinh Tế có Đức Hồng Y Marx làm chủ tọa. Rồi Niềm Vui Yêu Thương với “đề xuất Kasper” đã có từ thập niên 1990, cho phép người ly dị tái hôn dân sự rước lễ. Người giải thích thế giá nhất của nó cũng là một giáo phẩm nói tiếng Đức, Đức Hồng Y Christoph Schönborn của Vienna. Năm 2017, cuộc khủng hoảng lãnh đạo ở Hội Hiệp Sĩ Malta đã được Đức Phanxicô giải quyết bằng cách đặt sự lãnh đạo của nó trong tay người Đức. Rồi vụ phiên dịch bản văn phụng vụ nữa, như trên đã nhắc.

Cha de Souza nhận định rằng: “bốn mươi năm trước đây, nhà báo Pháp André Frossard viết về những ngày đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II rằng ‘Vị giáo hoàng này không xuất thân từ Ba Lan. Ngài xuất thân từ Galilê’. Ta cũng có thể nói, sau 5 năm, rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô, hiển nhiên là người Châu Mỹ Latinh, nhưng đã xuất thân từ nước Đức”.