Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong khuôn khổ chuyến tông du Thụy Sĩ, lúc 5 giờ rưỡi chiều ngày thứ Năm 21 tháng 6, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ cho cộng đoàn Công Giáo tại khu triển lãm Palexpo gần phi trường Genève. Khu vực này thường được dùng để triển lãm các loại xe hơi.

Thánh lễ tại Palexpo được kể là thánh lễ giáo hoàng đầu tiên được tổ chức tại nước này kể từ sau chuyến viếng thăm vào năm 2004 của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Các bài đọc và lời nguyện đã được cử hành bằng tiếng Pháp và La tinh; và đây là lần đầu tiên Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ bằng tiếng Pháp.

Bài Tin Mừng trong thánh lễ được trích từ Phúc Âm theo Thánh Mátthêu (6:7-15) khi Chúa dạy các môn đệ cách cầu nguyện.

“Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.

Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này:

Lạy Cha chúng con ở trên trời,
chúng con nguyện Danh Cha cả sáng,
nước Cha trị đến,
ý Cha thể hiện dười đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày,
và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con,
xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.

Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”

Trong bài giảng thánh lễ Đức Thánh Cha nói:


Cha, lương thực và sự tha thứ. Đây là ba từ mà Tin Mừng ban cho chúng ta hôm nay. Ba từ này đưa chúng ta đến tận trung tâm của đức tin.

“Cha”. Lời cầu nguyện bắt đầu với từ này. Chúng ta có thể tiếp tục với những từ khác, nhưng chúng ta không thể quên từ đầu tiên này, vì chữ “Cha” là chìa khóa để mở lòng ra cùng Thiên Chúa. Chỉ cần thốt lên từ Cha, chúng ta đã cầu nguyện bằng ngôn ngữ của Kitô Giáo. Là tín hữu Kitô, chúng ta không cầu nguyện với một số thần minh chung chung, nhưng cầu nguyện cùng Thiên Chúa, Đấng trước hết là Cha của chúng ta. Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy nói: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”, chứ không phải “Lạy Đức Chúa Trời, Đấng là Cha”. Trước hết mọi sự, trước cả sự vô thủy vô chung của Ngài, Thiên Chúa là Cha chúng ta.

Thiên Chúa là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất (xem Ê-phê-sô 3:15). Ngài là nguồn mạch của tất cả mọi điều thiện hảo và mọi sự sống. Cụm từ “Cha chúng con” tiết lộ căn tính, và ý nghĩa cuộc sống của chúng ta: chúng ta là con trai và con gái yêu dấu của Thiên Chúa. Những lời này phản bác vấn nạn về sự lẻ loi của chúng ta, và cảm thức chúng ta là những kẻ mồ côi. Những lời ấy cho chúng ta thấy những gì chúng ta phải làm: đó là yêu mến Chúa, là Cha chúng ta, và tha nhân, là anh chị em của chúng ta. “Cha chúng con” là lời cầu nguyện của chúng ta, của Giáo Hội. Nó không nói gì về tôi hay những gì của tôi; mọi thứ đều tập trung vào Thiên Chúa (“danh Cha”, “nước Cha”, “ý Cha”). Nó đề cập đến ngôi thứ nhất số nhiều. “Cha của chúng ta”: hai từ đơn giản này cung cấp cho chúng ta một lộ trình cho đời sống tâm linh.

Mỗi khi chúng ta làm dấu thánh giá bắt đầu một ngày hoặc trước bất kỳ hoạt động quan trọng nào, mỗi lần chúng ta nói “Cha chúng con”, chúng ta tái tuyên xưng căn cội của mình. Chúng ta cần những gốc rễ đó trong những xã hội quá thường khi mất gốc của chúng ta. Cụm từ “Cha chúng con” củng cố nguồn gốc của chúng ta. Nơi Cha hiện diện, không ai bị loại trừ; sự sợ hãi và bất định không thể đạt được thế thượng phong. Đột nhiên, chúng ta nhớ đến tất cả những điều thiện hảo vì trong lòng Chúa Cha, chúng ta không phải là những người xa lạ mà là những đứa con trai và con gái yêu quý của Ngài. Ngài không quy tụ chúng ta lại với nhau trong những câu lạc bộ nhỏ, nhưng ban cho chúng ta một cuộc sống mới và làm cho chúng ta trở thành một đại gia đình.

Chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi thưa lên rằng “Cha chúng con”. Lời ấy sẽ nhắc nhở chúng ta rằng không có con trai hay con gái nếu không có Cha, vì vậy không ai trong chúng ta lại có lúc mồ côi trong thế giới này. Nó cũng sẽ nhắc nhở chúng ta rằng Cha chúng ta có những con trai và con gái, vì vậy không ai trong chúng ta là người con đơn độc. Mỗi người trong chúng ta phải chăm sóc cho anh chị em trong gia đình nhân loại. Khi chúng ta nói “Cha chúng con”, chúng ta nói rằng mỗi người đều là một phần của chúng ta, và khi đối mặt với tất cả những sai trái xúc phạm đến Cha của chúng ta, chúng ta, là những con trai và con gái của Người, được mời gọi phản ứng như những anh chị em với nhau. Chúng ta được mời gọi là những người bảo vệ mạnh mẽ gia đình chúng ta, vượt qua mọi sự thờ ơ đối với tất cả anh chị em mình, cũng như đối với mỗi anh chị em của chúng ta. Điều này bao gồm những thai nhi, những người cao niên không thể nói được nữa, những người mà chúng ta thấy khó có thể tha thứ, người nghèo và những người bị ruồng bỏ. Đây là điều mà Chúa Cha yêu cầu chúng ta, thực ra là ra lệnh cho chúng ta phải làm: đó là yêu thương nhau chân thành, như những con trai và con gái giữa các anh chị em với nhau.

Lương thực. Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha lương thực hàng ngày. Không có gì khác: chỉ lương thực mà thôi, nói cách khác, chỉ điều gì là cần thiết cho cuộc sống. Trước hết, lương thực là thứ chúng ta cần hàng ngày để khỏe mạnh và để có thể làm công việc của chúng ta; nhưng bi kịch ở đây là có quá nhiều anh chị em của chúng ta không có. Ở đây tôi muốn nói: Khốn cho những ai đầu cơ lương thực! Lương thực cơ bản mà mọi người cần cho cuộc sống hàng ngày của họ phải đến được với tất cả mọi người.

Xin Cha cho con lương thực hàng ngày cũng là nói rằng: “Lạy Cha, xin giúp con sống một cuộc sống đơn giản hơn”. Cuộc sống đã trở nên quá phức tạp. Ngày nay nhiều người dường như “được bơm lên”, lao mình vun vút từ rạng đông đến hoàng hôn, giữa vô số các cuộc gọi điện thoại và những lời nhắn tin, đến mức không còn thời gian để nhìn thấy khuôn mặt của những người khác, lúc nào cũng căng thẳng với những vấn đề phức tạp và liên tục thay đổi. Chúng ta cần phải chọn một lối sống tỉnh táo, không có những phức tạp không cần thiết. Một lối sống ngược dòng, như lối sống giống của Thánh Aloysius Gonzaga, mà chúng ta mừng kính ngày hôm nay. Lối sống ấy liên quan đến việc từ bỏ tất cả những thứ lấp đầy cuộc sống của chúng ta nhưng làm lòng trí chúng ta ra trống rỗng. Chúng ta hãy chọn sự đơn giản, sự đơn sơ của cơm bánh và qua đó tái khám phá sự can đảm của im lặng và của lời cầu nguyện, là men của một cuộc sống nhân bản đích thực. Chúng ta hãy chọn con người chứ không phải là những thứ của cải. Như thế các mối quan hệ thân tình, không giả trá, mới có thể phát triển được. Chúng ta hãy học một lần nữa cách yêu mến mùi hương quen thuộc của cuộc sống xung quanh chúng ta. Khi còn là một đứa trẻ trong gia đình, nếu một miếng bánh mì rơi xuống bàn, chúng tôi được dạy để nhặt lên và hôn nó. Chúng ta hãy đánh giá cao những điều đơn sơ của cuộc sống hàng ngày: không sử dụng chúng và ném đi, nhưng đánh giá cao và nâng niu chúng.

“Lương thực hàng ngày” của chúng ta, mà chúng ta không được quên, là chính Chúa Giêsu. Không có Người, chúng ta không thể làm gì cả (xem Ga 15: 5). Người là chế độ ăn kiêng bình thường của chúng ta để sống khỏe mạnh. Tuy nhiên, đôi khi, chúng ta lại xem Chúa Giêsu như một món ăn phụ. Nếu Ngài không phải là lương thực hàng ngày của chúng ta, trung tâm của thời đại chúng ta, không khí chúng ta hít thở, thì mọi thứ khác đều ra vô nghĩa. Chúa phải là trung tâm điểm, mọi thứ khác chỉ là thứ yếu. Mỗi ngày, khi chúng ta cầu nguyện xin lương thực hằng ngày, chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha, và nhắc nhở chính mình về sự đơn giản của cuộc sống, sự chăm sóc cho những gì xung quanh chúng ta, và đừng quên Chúa Giêsu trong mọi thứ và trước mọi sự.

Tha thứ. Thật không dễ dàng để tha thứ. Chúng ta luôn giữ trong lòng một chút cay đắng hay oán giận, và bất cứ khi nào những người chúng ta đã từng tha thứ lại làm phiền chúng ta, nó lại dâng lên một lần nữa. Tuy nhiên, Chúa muốn sự tha thứ của chúng ta là một món quà. Những lời bình luận của chính Chúa Giêsu về kinh Lạy Cha thật là quan trọng. Ngài nói với chúng ta một cách thẳng thừng rằng: “Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.” (Mt 6: 14-15). Đó là lời bình luận duy nhất Chúa đã đưa ra! Tha thứ là trọng tâm của kinh Lạy Cha. Thiên Chúa giải phóng trái tim của chúng ta khỏi mọi tội lỗi, Ngài tha thứ đến tận cùng. Tuy nhiên, Ngài chỉ yêu cầu nơi chúng ta một điều duy nhất: rằng chúng ta đến lượt mình cũng không mệt mỏi trong việc tha thứ. Ngài muốn mỗi người chúng ta ban một ân đại xá cho những tội lỗi của người khác. Chúng ta nên chụp x-quang rõ rệt trái tim mình, để tìm hiểu xem có gì tắc nghẽn trong chúng ta không, có chướng ngại vật nào khiến chúng ta không thể tha thứ, có những tảng đá nào cần phải được loại bỏ hay không. Sau đó chúng ta có thể nói với Chúa Cha: “Con thấy hòn đá này? Con trao nó cho Chúa và con cầu nguyện cho con người này, cho tình huống đó ngay cả khi con phải vất vả lắm mới tha thứ được, con cầu xin Chúa ban cho con sức mạnh để làm điều đó.”

Sự tha thứ canh tân, và tạo ra những điều kỳ diệu. Thánh Phêrô trải nghiệm sự tha thứ của Chúa Giêsu và trở thành mục tử cho đàn chiên của Ngài. Saulô trở thành Phaolô sau sự tha thứ mà thánh nhân nhận được từ thánh Stêphanô. Được thứ tha bởi Cha chúng ta, mỗi người chúng ta được tái sinh như một sáng tạo mới khi chúng ta yêu mến anh chị em của chúng ta. Chỉ khi đó chúng ta mới mang lại sự mới mẻ cho thế giới của chúng ta, vì không có sự mới lạ nào lớn hơn sự tha thứ, chính sự thứ tha biến được cái ác thành tốt. Chúng ta thấy điều đó trong lịch sử của Kitô giáo. Tha thứ cho nhau giúp chúng ta tái khám phá mình là anh chị em với nhau sau bao nhiêu thế kỷ bất đồng và mâu thuẫn, điều này đã và tiếp tục mang đến cho chúng ta cơ man những điều tốt đẹp! Cha chúng ta vui mừng khi chúng ta yêu mến nhau và chân thành tha thứ cho nhau (xem Mt 18:35). Khi đó, Ngài ban cho chúng ta Thánh Linh của Ngài. Chúng ta hãy cầu xin ân sủng đừng cố chấp và cứng lòng, đừng liên tục đòi hỏi mọi thứ nơi người khác. Thay vào đó, chúng ta hãy đi bước trước, trong lời cầu nguyện, trong cuộc gặp gỡ huynh đệ, trong các cử chỉ bác ái cụ thể. Như thế, chúng ta sẽ nên giống Chúa Cha hơn, Đấng yêu thương bất kể giá phải trả. Và Ngài sẽ tuôn đổ trên chúng ta Thần khí hiệp nhất.

Cuối thánh lễ, Đức Thánh Cha đã cám ơn Đức Cha Morerod và giáo phận Lausanne-Geneva-Fribourg. Ngài nói:

Tôi hết lòng cảm ơn Đức Cha Morerod và cộng đồng giáo phận Lausanne-Geneva-Fribourg. Tôi cảm ơn các bạn về sự chào đón, sự chuẩn bị và những lời cầu nguyện của các bạn. Xin các bạn vui lòng tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Tôi cũng sẽ cầu nguyện cho các bạn, xin Chúa đồng hành cùng bạn trong mọi bước đi, đặc biệt là trên hành trình đại kết. Tôi cũng chào mừng với lòng biết ơn các giám mục Thụy Sĩ và tất cả các giám mục khác hiện diện nơi đây, cũng như các tín hữu đến từ nhiều miền khác nhau của Thụy Sĩ và Pháp, và từ các nước khác nữa.

Tôi cũng chào đón các công dân của thành phố đáng yêu này, nơi đúng sáu trăm năm trước Đức Giáo Hoàng Martin Đệ Ngũ đã lưu trú nơi đây; thành phố này cũng là trụ sở của các tổ chức quốc tế quan trọng, bao gồm Tổ chức Lao động Quốc tế, hiện đang kỷ niệm 100 năm thành lập.

Tôi rất biết ơn Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ vì lời mời thân thiện, sự giúp đỡ và hợp tác không ngừng nghỉ của các vị. Cảm ơn quý vị!

Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Hẹn gặp lại!


Source: Libreria Editrice Vaticana - ECUMENICAL PILGRIMAGE OF HIS HOLINESS FRANCIS TO GENEVATO MARK THE 70th ANNIVERSARY OF THE FOUNDATION OF THE WORLD COUNCIL OF CHURCHESHOLY MASSHOMILY OF HIS HOLINESS Palexpo (Geneva)Thursday, 21 June 2018