Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Kính thưa quý vị và anh chị em
Các vị Hồng Y trong Hồng Y đoàn được chia thành 3 đẳng: Phó tế, Linh mục và Giám Mục. Năm 1586, Đức Thánh Cha Sixtô thứ 5 giới hạn số Hồng Y đẳng Giám Mục là 6 vị.
Sáu vị Hồng Y đẳng Giám Mục hiện nay là các Đức Hồng Y Angelo Sodano, Giovanni Battista Re, Roger Etchegaray, Francis Arinze, Tarcisio Bertone và José Saraiva Martins
Đức Thánh Cha đã quyết định nâng số các Hồng Y đẳng Giám Mục lên thành 10 vị.
Sau đây là tuyên bố của Đức Hồng Y tân cử Angelo Becciu Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh
Đức Thánh Cha luôn có cái nhìn từ ái huynh đệ đối với Hồng Y đoàn. Thật vậy, các vị Hồng Y cung cấp một sự hỗ trợ đặc biệt cho sứ mạng kế nhiệm Thánh Phêrô, mang lại những đóng góp quý báu về kinh nghiệm và sự phục vụ của các ngài cho các Giáo Hội khắp thế giới và làm phong phú thêm mối liên hệ hiệp thông với Giáo Hội Rôma.
Trong những thập kỷ gần đây đã có một sự mở rộng đáng kể Hồng Y Đoàn. Tuy nhiên, trong khi các thành viên thuộc đẳng Linh mục và đẳng Phó tế đã tăng lên đáng kể, số lượng những vị thuộc đẳng Giám mục đã giữ nguyên không thay đổi theo thời gian. Do đó, nhìn thấy sự cần thiết phải mở rộng thành phần hiện tại của đẳng Giám mục, Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi triều yết với Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh vào ngày 12 tháng Sáu, 2018, đã quyết định bỏ qua các khoản giáo luật 350 triệt 1- 2; và 352 triệt 2-3, để thêm vào đẳng Giám mục, và xem là tương đương với tất cả các Hồng Y có hiệu tòa lân cận với Rôma, các Hồng Y sau đây:
Đức Hồng Y Pietro Parolin, nhà thờ hiệu tòa Hai Thánh Simone và Giuda Taddeo tại Torre Angela, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh;
Đức Hồng Y Leonardo Sandri, nhà thờ hiệu tòa Hai Thánh Biagio và Carlo tại Catinari, Tổng trưởng Bộ Các Giáo Hội Đông phương;
Đức Hồng Y Marc Ouellet, nhà thờ hiệu tòa Santa Maria tại Traspontina, Tổng trưởng Bộ Giám mục;
Đức Hồng Y Fernando Filoni, hiệu tòa Nostra Signora di Coromoto e San Giovanni di Dio, Tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc.
Bản tuyên bố này sẽ được công bố trên tờ Quan Sát Viên Rôma, và bắt đầu có hiệu lực vào ngày 28 tháng 6 năm 2018, và sau đó được in lại trong Acta Apostolicae Sedis.
Vatican ngày 26 tháng Sáu, 2018
Đức Tổng Giám Mục Angelo Becciu
Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh
2. Đức Thánh Cha Phanxicô xác định lại chức danh cơ quan Truyền Thông Tòa Thánh
Ngày 29 tháng Sáu, 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô thành lập Quốc Vụ Viện Truyền Thông có thẩm quyền trên tất cả các cơ quan truyền thông của Tòa Thánh và quốc gia thành Vatican, bao gồm Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội, Phòng Báo Chí Tòa Thánh, Dịch vụ Internet Vatican, Đài phát thanh Vatican, Trung tâm truyền hình Vatican, Báo Quan Sát Viên Rôma, Nhà in Vatican, Dịch vụ chụp ảnh, và Nhà xuất bản Vatican.
Vào thời điểm đó, Vụ Truyền Thông Tòa Thánh là một trong 3 Quốc Vụ Viện của Tòa Thánh là Phủ Quốc Vụ Khanh, Vụ Kinh Tế và Vụ Truyền Thông.
Tờ Quan Sát Viên Rôma hôm thứ Bẩy 23 tháng Sáu cho biết: theo đề nghị của Hội Đồng Các Hồng Y Cố Vấn, Đức Thánh Cha đã xác định lại chức danh cơ quan Truyền Thông Tòa Thánh. Từ nay, cơ quan này gọi là Bộ Thông Tin Tòa Thánh.
Trong tuyên bố trên trên tờ Quan Sát Viên Rôma, Đức Hồng Y Tân Cử Angelo Becciu, Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cho biết quyết định này đã được thực hiện trong một buổi tiếp kiến với Đức Thánh Cha và có hiệu lực từ ngày thứ Bảy 23 tháng Sáu.
3. Tòa án Vatican xử cựu nhân viên ngoại giao tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Washington DC 5 năm tù
Tòa án Vatican hôm thứ Bảy 23 tháng 6 đã kết án một cựu nhân viên ngoại giao Tòa Thánh, với bản án 5 năm tù vì “sở hữu và phân phối nội dung khiêu dâm trẻ em với tình tiết gia trọng về số lượng”. Đây là phiên tòa đầu tiên thuộc loại này trong quốc gia thành Vatican.
Đức Ông Carlo Alberto Capella, từng là một nhân viên ngoại giao tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Washington, Hoa Kỳ, thừa nhận đã xem những hình ảnh trong thời gian ông gọi là giai đoạn “yếu đuối” và khủng hoảng nội tâm.
Sau một phiên tòa kéo dài hai ngày, Chánh án Giuseppe Dalla Torre đã tuyên đọc bản án theo đó vị linh mục 50 tuổi này bị phạt năm năm tù và phải đóng số tiền phạt là 5,000 euro.
Sau khi tòa tuyên án, Carlo Alberto Capella bị đưa đi giam giữ tại doanh trại hiến binh Vatican, nơi ông bị giam giữ kể từ khi bị bắt vào ngày 7 tháng Tư vừa qua.
Công tố viên Vatican đã đề nghị mức án nặng hơn là 5 năm và 9 tháng tù giam và mức phạt tiền lên đến 10,000 euro, xét vì số lượng tài liệu khiêu dâm trẻ em được phân tán đi là quá lớn.
Phiên tòa của Capella là việc thực thi lần đầu tiên một luật của quốc gia thành Vatican được công bố vào năm 2013 theo đó tội sở hữu và phân phối các nội dung khiêu dâm trẻ em sẽ bị trừng phạt tới 5 năm tù và số tiền phạt lên đến 50,000 Euro.
Vị linh mục bị cáo nói rằng ông nhận ra rằng hành động dâm ô của mình là “không đúng”, và xin lỗi vì nỗi đau đã gây ra cho gia đình, giáo phận của ông và Tòa Thánh vì “sự yếu đuối” và “mỏng giòn” của mình.
4. Tuyên bố của Đức Hồng Y Daniel DiNardo Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Giáo Hội tại Hoa Kỳ đang gặp một thử thách rất nghiêm trọng. Chúng tôi loan tin này với nỗi buồn và lời mọi chúng ta cùng cầu nguyện cho Giáo Hội tại quốc gia này trong những giờ phút thật khó khăn.
Chiều thứ Tư 20 tháng Sáu, 2018, Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo của Galveston-Houston, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, đã ra tuyên bố sau đây theo sau thông báo về tình trạng của Hồng Y Theodore McCarrick.
“Là giáo sĩ trong Giáo Hội của Thiên Chúa, chúng tôi đã long trọng tuyên hứa phải bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi mọi tổn hại. Lời hứa thiêng liêng này được áp dụng cho tất cả các thừa tác viên trong Giáo Hội, bất kể vị thế cao trọng hay thời gian phục vụ lâu dài của người ấy. Sáng nay là một nhắc nhở đau thương rằng phải có sự cảnh giác liên tục chúng ta mới có thể giữ được lời hứa ấy. Những lời cầu nguyện của tôi xin được tháp tùng với những ai đã phải trải qua những chấn thương của lạm dụng tình dục. Cầu xin cho họ có thể tìm thấy sự chữa lành trong tình yêu dư dật của Chúa Kitô.
Hiến chương bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên vạch ra một quy trình giải quyết các tố cáo, buộc chúng tôi phải chịu trách nhiệm đối với cam kết bảo vệ và chữa lành của mình.
Tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Hồng Y Dolan, là người đã thực thi với sự minh bạch, và lòng trắc ẩn đối với các nạn nhân, và một ý thức công lý chân thật. Cùng với ngài, tôi bày tỏ nỗi buồn sâu xa, và thay mặt cho Giáo Hội, tôi xin lỗi tất cả những ai đã bị gây hại bởi một trong các thừa tác viên của Giáo Hội.”
Trong tuyên bố được đưa ra vài giờ trước đó, Đức Hồng Y Theodore McCarrick, Tổng Giám mục về hưu của Washington, DC, đã thông báo rằng ngài đã bị buộc tội lạm dụng tình dục và đã chấp nhận quyết định của Tòa Thánh cấm ngài thực hiện bất kỳ thừa tác vụ công khai nào.
Đức Hồng Y McCarrick, hiện nay 87 tuổi, tiết lộ rằng lời tố cáo chống lại ngài liên quan đến “cáo buộc lạm dụng tình dục một thiếu niên gần 50 năm về trước.”
Vào thời điểm đó, ngài là một linh mục của tổng giáo phận New York. Vì thế, trách nhiệm làm rõ sự thật đặt trên vai Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York.
5. Nghi thức chào đón Đức Thánh Cha tại phi trường quốc tế Geneva
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Lúc 8 giờ 30 sáng thứ Năm 21 tháng Sáu, Đức Thánh Cha đã ra phi trường Fiumicino của Rôma để đáp máy bay sang Geneva. Chuyến tông du thứ 23 của Đức Thánh Cha bên ngoài Italia là chuyến tông du ngắn nhất, chỉ có một ngày và là chuyến bay quốc tế ngắn nhất của ngài từ khi lên ngôi Giáo Hoàng. Máy bay của Đức Thánh Cha đã hạ cánh xuống Geneva lúc 10:10 sáng giờ địa phương.
Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là quanh cảnh đón tiếp Đức Thánh Cha tại phi trường quốc tế Geneva.
Ra đón Đức Thánh Cha tại phi trường, chúng tôi nhận thấy có tổng thống Thụy Sĩ Alain Berset, Đức Tổng Giám Mục Thomas Edward Gullickson, người Mỹ, sứ thần Tòa Thánh tại Thụy Sĩ, Đức Cha Charles Morerod của giáo phận Lausanne-Geneva-Fribourg.
Tổng thống Thụy Sĩ đã đón Đức Thánh Cha tại chân thang máy bay. Ông giới thiệu với Đức Thánh Cha các thành viên trong chính phủ.
Đức Thánh Cha và tổng thống đang dự lễ chào quốc kỳ Vatican và Thụy Sĩ.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Sau các nghi thức đón tiếp, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên xe cùng với Đức Tổng Giám Mục sứ thần Tòa Thánh đến phòng khánh tiết sân bay nơi ngài sẽ có cuộc hội kiến với tổng thống Alain Berset.
6. Cuộc tiếp kiến riêng giữa Đức Thánh Cha và tổng thống Alain Berset
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là quang cảnh cuộc tiếp kiến riêng giữa Đức Thánh Cha và tổng thống Alain Berset tại phòng khánh tiết sân bay Geneva. Trong khi đó Đức Hồng Y Pietro Parolin là Quốc vụ khanh Tòa Thánh và các chức sắc cao cấp khác của Tòa Thánh gặp gỡ và trao đổi với ngoại trưởng Liên bang Thụy Sĩ và các thành viên chính phủ.
Trong thế kỷ vừa qua, Thụy Sĩ đã từng 4 lần có các cuộc viếng thăm của các vị Giáo Hoàng,
Đức Phaolô Đệ Lục đã thăm Thụy Sĩ ngày 10/06/1969
Đức Gioan Phaolô II đã thăm Thụy Sĩ 4 lần, 3 lần trong thập niên 1980 và lần cuối vào năm 2004.
Thụy Sĩ, tên chính thức Liên bang Thụy Sĩ, là một nước cộng hòa liên bang tại châu Âu. Quốc gia này gồm có 26 bang, và thành phố Bern là nơi đặt trụ sở chính quyền liên bang.
Thụy Sĩ thuộc Tây-Trung Âu, có biên giới với Ý về phía nam, với Pháp về phía tây, với Đức về phía bắc, và với Áo và Liechtenstein về phía đông. Tổng diện tích 41.285 km².
Trong tổng số 8.2 triệu dân, Thụy Sĩ có khoảng 3 triệu tín hữu Công Giáo chiếm 38.6% dân số, sinh hoạt trong 6 giáo phận và 2 miền trực thuộc 2 dòng tu.
Thụy Sĩ có bốn ngôn ngữ chính thức, xếp theo thứ tự nhiều người dùng nhất là tiếng Đức tiếng Pháp tại miền tây; và tiếng Ý tại miền nam. Bên cạnh đó còn có tiếng Romansh được dùng tại bang Graubünden thuộc miền đông nam.
7. Buổi cầu nguyện đại kết tại Hội Đồng đại kết các Giáo Hội Kitô
Lúc 11:15, Đức Thánh Cha đã đến trụ sở của Hội Đồng đại kết các Giáo Hội Kitô.
Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ 3 đến thăm Hội Đồng này sau chân phước Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục vào ngày 10 tháng 06 năm 1969; và Thánh Gioan Phaolô 2 ngày 12 tháng 6 năm 1982.
Đức Phanxicô được mời đến thăm tổ chức này nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô, một tổ chức đại kết rộng lớn nhất trong phong trào đại kết hiện nay, qui tụ 348 Giáo Hội Kitô thành viên gồm Chính Thống, Tin Lành, Anh giáo cùng nhiều cộng đoàn Giáo Hội độc lập khác, với tổng cộng 500 triệu tín hữu.
Tại đây Đức Thánh Cha được Tổng thư ký Hội đồng đại kết là Mục sư Olav Fykste Tveit, thuộc Giáo Hội Tin Lành Luther Na Uy, cùng với các chức sắc của Hội đồng, nồng nhiệt tiếp đón, trong đó có Nữ Mục Sư Agnes Abuom, thuộc Anh giáo, người Kenya, Điều hợp viên Hội đồng, và Đức Tổng Giám Mục Chính thống Gennadios. Các vị tháp tùng Đức Thánh Cha tiến vào nhà nguyện của Hội đồng Đại kết, nơi có khoảng 230 người, trong đó hơn 100 là thành viên Ủy ban trung ương của Hội đồng này, và các nhân viên chờ đợi sẵn để tham dự buổi cầu nguyện với Đức Thánh Cha.
Sau lời dẫn nhập và kinh nguyện thống hối, có phần cầu nguyện xin ơn hòa giải và hiệp nhất, trước khi mọi người lắng nghe đoạn Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu thành Galát đoạn 5.
8. Bài Suy Niệm của Đức Thánh Cha Phanxicô
Lên tiếng trong dịp này Đức Thánh Cha đã diễn giải lời mời gọi của thánh Phaolô Tông Đồ trong bài đọc trích từ thư gửi tín hữu Galát: “Hãy tiến bước theo Thần Khí” (Gl 5,16.25), ngài nhấn mạnh rằng sau bao nhiêu năm dấn thân đại kết, trong năm kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Đồng đại kết này, chúng ta hãy cầu xin Thánh Linh củng cố bước đường của chúng ta. Khựng lại trước những khác biệt còn tồn đọng, đó là điều quá dễ dàng; quá nhiều khi ta bị chặn lại ngay từ lúc mới khởi hành, vì bị suy nhược do thái độ bi quan. Ước gì những cách biệt không phải là cái cớ để tự bào chữa, và ngay bây giờ chúng ta có thể tiến bước theo Thần Khí: cầu nguyện, loan báo tin Mừng, cùng nhau phục vụ, đó là điều có thể và làm đẹp lòng Chúa! Cùng nhau tiến bước, cầu nguyện, làm việc chung với nhau, đó là con đường tốt nhất của chúng ta.
Buổi cầu nguyện đại kết được tiếp nối với kinh tuyên xưng đức tin, các lời nguyện phổ quát, Kinh Lạy Cha, và lời nguyện cho các tín hữu Kitô được hiệp nhất.
Trước khi từ giã vào lúc quá 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha còn tặng cho nhà nguyện của Hội Đồng Đại kết pho tượng bằng đồng diễn tả Chúa Giêsu chịu đóng đanh do nhà đúc tượng Alberto Ghinzani ở Pavia, miền bắc Italia, sáng tác năm 1990.
9. Diễn từ của Đức Thánh Cha nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Đồng đại kết các Giáo Hội Kitô
Lúc 3:45 chiều cùng ngày, Đức Thánh Cha đã trở lại trụ sở của Hội Đồng đại kết các Giáo Hội Kitô để có cuộc gặp gỡ với phái đoàn các giáo hội thành viên trong Hội Đồng đại kết các Giáo Hội Kitô.
Lan Vy xin lưu ý với quý vị và anh chị em, Giáo Hội Công Giáo không phải là một thành viên trong Hội Đồng đại kết các Giáo Hội Kitô nhưng tham dự với tư cách quan sát viên.
Trong diễn từ của ngài, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến,
Tôi rất vui được gặp các bạn và tôi cảm ơn sự chào đón nồng nhiệt của các bạn. Đặc biệt, tôi bày tỏ lòng biết ơn của tôi với Mục sư Tổng thư ký, Tiến sĩ Olav Fykse Tveit, và Điều Phối Viên, Tiến sĩ Agnes Abuom vì những lời tốt đẹp và lời mời của các vị nhân dịp kỷ niệm bảy mươi năm thành lập Hội Đồng đại kết các Giáo Hội Kitô.
Trong Kinh Thánh, bẩy mươi năm tiêu biểu cho một khoảng thời gian đáng kể, một dấu hiệu của ân sủng Thiên Chúa. Nhưng bẩy mươi cũng là một con số nhắc nhở chúng ta về hai đoạn quan trọng trong Tin Mừng. Trong đoạn thứ nhất, Chúa yêu cầu chúng ta tha thứ cho nhau không chỉ bảy lần mà là bảy mươi lần bảy (Mt 18:22). Con số đó, tất nhiên, không được đưa ra như một giới hạn, nhưng mở ra một chân trời rộng lớn; nó không định lượng công lý nhưng được dùng như thước đo cho một lòng bác ái có khả năng tha thứ vô hạn. Sau nhiều thế kỷ xung đột, lòng bác ái đó giờ đây cho phép chúng ta đến với nhau như anh chị em, trong hòa bình và với lòng biết ơn Chúa Cha chúng ta.
Nếu chúng ta có thể ngồi đây ngày hôm nay với nhau, thì cũng nhờ tất cả những người đã đi trước chúng ta biết chọn con đường tha thứ và không từ bỏ bất cứ nỗ lực nào để đáp lại thánh ý của Chúa để “tất cả có thể nên một” (xem Jn 17:21). Trong tình yêu chân thành đối với Chúa Giêsu, họ không cho phép mình bị kẹt trong những bất đồng, nhưng thay vào đó dám nhìn một cách dũng cảm vào tương lai, tin tưởng nơi sự hiệp nhất và phá vỡ những rào cản của nghi ngờ và sợ hãi. Thánh Grêgôriô thành Nyssa, một người cha trong đức tin thời xa xưa, trong bài giảng về Diễm Tình Ca, đã nhận xét chí lý rằng: “Khi tình yêu đã loại bỏ hoàn toàn nỗi sợ hãi, và nỗi sợ hãi đã được biến thành tình yêu, thì sự hiệp nhất mà Chúa Cứu Thế mang đến cho chúng ta sẽ được thực hiện viên mãn”. Chúng ta là những người thừa kế đức tin, đức cậy, và đức mến của tất cả những người, bởi quyền năng bất bạo động của Tin Mừng, đã tìm thấy can đảm để thay đổi tiến trình lịch sử, một lịch sử đã dẫn chúng ta đến sự nghi ngờ và không tin tưởng lẫn nhau, và do đó góp phần vào vòng xoắn trôn ốc những phân mảnh liên tục. Nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng truyền cảm hứng và hướng dẫn hành trình đại kết, chiều hướng đã thay đổi và một con đường cả cũ lẫn mới đã được mở rộng không thể đảo ngược lại: đó là con đường của một sự hiệp thông hòa giải nhằm thể hiện tình huynh đệ mà ngay cả lúc này đây đã đoàn kết các tín hữu.
Số bảy nhắc nhở chúng ta về một đoạn Tin Mừng khác. Nó nhắc đến những môn đệ mà Chúa Giêsu, khi thi hành sứ vụ công khai của Ngài, đã sai các ông đi truyền giáo (xem Lc 10: 1), và là những vị được kính nhớ đặc biệt trong một số Giáo hội Kitô Đông phương. Số lượng các môn đệ đó phản ánh số lượng các dân tộc trên thế giới được tìm thấy trên các trang đầu tiên của Kinh Thánh (xem Sáng thế Ký 10). Điều này gợi ý cho chúng ta điều gì, nếu không phải là sứ vụ truyền giáo được hướng đến tất cả các quốc gia và rằng mọi môn đệ, để xứng đáng với danh nghĩa này, phải trở thành một tông đồ, một người truyền giáo. Hội Đồng đại kết các Giáo Hội Kitô được sinh ra để phục vụ cho phong trào đại kết, mà chính phong trào này bắt nguồn từ những lời hiệu triệu truyền giáo mạnh mẽ: vì làm sao các Kitô hữu có thể công bố Tin Mừng nếu chính họ lại chia rẽ với nhau? Mối quan tâm bức xúc này vẫn hướng dẫn hành trình của chúng ta và được căn cứ nơi lời cầu nguyện của Chúa để tất cả có thể nên một, “ngõ hầu thế giới có thể tin” (Ga 17:21).
Anh chị em thân mến, cho phép tôi không chỉ cảm ơn sự dấn thân của các bạn đối với sự hiệp nhất, mà còn được bày tỏ một mối ưu tư. Nó xuất phát từ một ấn tượng theo đó chủ nghĩa đại kết và việc truyền giáo không còn gắn bó chặt chẽ với nhau như lúc đầu. Tuy nhiên, nhiệm vụ truyền giáo được ủy thác cho chúng ta, vượt xa việc thiết lập các dịch vụ và thúc đẩy sự phát triển con người, không thể bỏ qua nội dung hay làm trống rỗng nội dung của nó. Sứ vụ rao giảng Tin Mừng quyết định căn tính của chúng ta. Việc rao giảng Tin Mừng đến tận cùng trái đất là một phần của chính chúng ta như các tín hữu Kitô. Tất nhiên, cách thức mà nhiệm vụ này được thực hiện sẽ thay đổi theo thời gian và địa điểm. Khi đối mặt với cám dỗ kinh niên muốn giản lược Tin Mừng thành những cách suy nghĩ trần thế, chúng ta phải liên tục nhắc nhở chính mình rằng Giáo Hội của Chúa Kitô phát triển là nhờ lôi cuốn được người ta.
Nhưng điều gì tạo nên sức lôi cuốn này? Chắc chắn không phải là những ý tưởng, chiến lược hay các chương trình của chúng ta. Niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô không phải là thành quả của một sự đồng thuận, cũng như Dân Thiên Chúa không thể bị giản lược thành một tổ chức phi chính phủ. Không, sức lôi cuốn bao gồm hoàn toàn trong món quà tuyệt vời khiến cho Thánh Phaolô rất ngạc nhiên: “Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người” (Phil 3:10). Niềm tự hào duy nhất của chúng ta là “được biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt Đức Kitô.” (2 Côrintô 4: 6), nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống. Đây là kho báu mà chúng ta, mặc dù chỉ là các bình sành trần thế (xem câu 7), phải mang đến cho thế giới của chúng ta, một thế giới đáng yêu nhưng đầy rẫy những chông gai. Chúng ta sẽ không trung thành với nhiệm vụ được giao phó cho chúng ta, nếu chúng ta giản lược kho báu này thành một chủ nghĩa nhân văn thuần túy, hợp thời trang của thời điểm này. Chúng ta cũng không phải là những người bảo vệ chí cốt cho Tin Mừng nếu chúng ta chỉ cố gắng gìn giữ bằng cách chôn dấu đi vì sợ thế giới này và những thách thức của nó (xem Mt 25:25).
Điều thực sự cần thiết là một cách thế vươn ra mới trong việc truyền giảng Tin Mừng. Chúng ta được mời gọi trở thành một dân tộc trải nghiệm và chia sẻ niềm vui của Tin Mừng, ca ngợi Chúa và chăm sóc anh chị em chúng ta với trái tim cháy bỏng ao ước mở ra những chân trời mới của chân, thiện, mỹ không tưởng tượng được với những người chưa được đón nhận hồng ân được biết Chúa Giêsu. Tôi tin rằng một sự gia tăng năng động truyền giáo sẽ dẫn chúng ta đến sự hiệp nhất lớn hơn. Cũng giống như trong những ngày đầu, khi việc rao giảng đã đánh dấu mùa xuân của Giáo Hội, việc truyền giáo ngày nay sẽ đánh dấu sự nở hoa của một mùa xuân đại kết mới. Như trong những ngày đó, chúng ta hãy tụ tập lại với nhau trong tình đồng môn chung quanh Thầy chí thánh, với một chút xấu hổ về những nghi ngại liên tục của chúng ta, và cùng với Phêrô, chúng ta hãy thân thưa với Ngài: “Lạy Chúa, chúng con còn biết theo ai? Chúa có lời ban sự sống đời đời.” (Ga 6:68)
Anh chị em thân mến, tôi muốn đích thân tham dự các lễ kỷ niệm này của Hội đồng Giáo Hội Thế giới, ít nhất là để tái khẳng định cam kết của Giáo Hội Công Giáo với ý hướng của phong trào đại kết và khuyến khích sự hợp tác giữa các giáo hội thành viên với nhau và với các đối tác đại kết của chúng ta. Về vấn đề này, tôi muốn phản ánh một chút về chủ đề được chọn cho ngày này: Tiến bước, cầu nguyện và làm việc cùng nhau.
Tiến bước. Đúng thế, nhưng đi đâu? Từ tất cả những gì đã được nói ở trên, tôi muốn đề xuất một phong trào gồm 2 mặt: hướng nội và hướng ngoại. Hướng nội, để di chuyển liên tục đến trung tâm, để thừa nhận rằng chúng ta là cành ghép tháp nhập vào một cây nho là Chúa Giêsu (xem Ga 15: 1-8). Chúng ta sẽ không sinh hoa trái trừ khi chúng ta giúp đỡ nhau để duy trì sự hiệp nhất với Ngài. Hướng ngoại để hướng tới nhiều vùng ngoại vi hiện sinh của thế giới ngày nay, để tham gia cùng nhau trong việc mang ân sủng chữa lành của Tin Mừng đến cho những anh chị em đau khổ của chúng ta. Chúng ta có thể tự hỏi liệu chúng ta đang đi trong sự thật hay chỉ đơn giản bằng những lời nói đầu môi chót lưỡi, liệu chúng ta có giới thiệu các anh chị em của chúng ta với Chúa vì mối quan tâm thực sự dành cho họ, hay là họ bị loại bỏ khỏi những quan tâm thực sự của chúng ta. Chúng ta cũng có thể tự hỏi bản thân mình, liệu chúng ta tiếp tục đi theo những bước chân của chính mình, hay đang cất bước lên đường với xác tín mang Chúa đến với thế giới của chúng ta.
Cầu nguyện. Cả trong những lời cầu nguyện, giống như khi tiến bước, chúng ta không thể tiến về phía trước bởi chính mình bởi vì ân sủng của Thiên Chúa không được điều chỉnh cho phù hợp với từng cá nhân nhưng lan tỏa một cách hài hòa giữa các tín hữu là những người yêu mến nhau. Khi đọc kinh “Lạy Cha”, chúng ta cảm thấy một tiếng vang trong chúng ta rằng chúng ta không chỉ là con cái của Thiên Chúa, nhưng cũng là những anh chị em với nhau. Cầu nguyện là dưỡng khí của phong trào đại kết. Không cầu nguyện, sự hiệp thông trở nên ngột ngạt và không đem lại tiến bộ, bởi vì chúng ta ngăn cản gió của Thánh Linh đang thúc đẩy chúng ta tiến lên. Chúng ta hãy tự hỏi: Chúng ta cầu nguyện cho nhau như thế nào? Chúa cầu nguyện để chúng ta nên một: chúng ta bắt chước Ngài như thế nào trong vấn đề này?
Làm việc cùng nhau. Ở đây tôi muốn khẳng định lại rằng Giáo Hội Công Giáo thừa nhận tầm quan trọng đặc biệt của công việc được thực hiện bởi Ủy ban Đức tin và Phẩm trật và mong muốn tiếp tục đóng góp cho công việc đó thông qua sự tham gia của các nhà thần học có trình độ cao. Hành trình tìm kiếm một viễn tượng chung của Ủy ban Đức tin và Phẩm trật, cùng với việc nghiên cứu những vấn nạn luân lý và đạo đức, chạm đến các lĩnh vực quan yếu đối với tương lai của phong trào đại kết. Tôi cũng muốn đề cập đến sự hiện diện tích cực của Giáo Hội trong Ủy Ban Truyền Giáo Thế Giới; sự hợp tác với Văn phòng Đối thoại và Hợp tác Liên tôn, gần đây nhất về chủ đề tầm quan trọng của giáo dục vì hòa bình; và sự chuẩn bị chung các bản văn cho Tuần cầu nguyện hiệp nhất Kitô giáo. Những hình thức này và nhiều hình thức làm việc cùng nhau là những yếu tố cơ bản trong một sự hợp tác tốt đẹp được thử thách qua dòng thời gian. Tôi cũng coi trọng vai trò thiết yếu của Viện Đại kết Bossey trong việc đào tạo các nhà lãnh đạo mục vụ và học thuật trong tương lai cho nhiều Giáo hội và hệ phái Kitô trên toàn thế giới. Giáo Hội Công Giáo từ lâu đã tham gia vào dự án giáo dục này thông qua sự hiện diện của một giáo sư Công Giáo tại các phân khoa đại học, và mỗi năm tôi đều có niềm vui chào mừng nhóm sinh viên đến thăm Rome. Tôi cũng đề cập đến, như một dấu chỉ tốt của “tinh thần đại kết đồng đoàn” là sự tham gia ngày càng đông đảo trong Ngày Cầu Nguyện cho Sự Chăm Sóc Sáng Tạo.
Tôi cũng lưu ý rằng công việc của các cộng đồng Kitô hữu của chúng ta được định nghĩa đúng đắn bởi từ diakonia (tác vụ). Đó là cách chúng ta theo Thầy chí thánh là Đấng đến “không phải là để được phục vụ nhưng để phục vụ” (Mc 10:45). Các gam màu rộng lớn của các dịch vụ được cung cấp bởi các giáo hội thành viên của Hội Đồng đại kết các Giáo Hội Kitô tìm thấy biểu hiện đặc trưng trong cuộc hành hương của Công lý và Hòa bình. Tính khả tín của Tin Mừng được thử thách qua cách thế các Kitô hữu đáp lại tiếng kêu của tất cả những người, ở mọi nơi trên thế giới, đang bị đối xử bất công từ một sự lây lan đáng lo ngại của não trạng loại trừ, mà khi tạo ra tình cảnh nghèo đói, nó đang nuôi dưỡng các xung đột. Càng dễ bị tổn thương người dân càng dễ bị thiệt thòi, thiếu lương thực, việc làm và một tương lai, trong khi số người giàu thì ít đi, và những kẻ giàu thì giàu sụ. Chúng ta hãy để mình bị thách thức để có lòng bác ái trước những tiếng kêu của những người đau khổ: “chương trình của Kitô hữu là một trái tim không mù loà” (Benedict XVI, Deus Caritas Est, 31). Chúng ta hãy xem những gì chúng ta có thể làm cụ thể, thay vì tỏ ra nản lòng hơn vì những gì chúng ta không thể làm được. Chúng ta cũng hãy tìm đến nhiều anh chị em của chúng ta ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Trung Đông, là những người phải đau khổ chỉ vì họ là những Kitô hữu. Chúng ta hãy đến gần họ. Xin cho chúng ta đừng bao giờ quên rằng hành trình đại kết của chúng ta được đi trước và được đồng hành bởi một phong trào đại kết đã được hiện thực hóa, là phong trào đại kết bằng máu, là điều thúc giục chúng ta tiến lên phía trước.
Chúng ta hãy khuyến khích lẫn nhau để vượt qua cám dỗ muốn hoàn thiện một số mô hình văn hóa nhất định và bị cuốn hút trong các lợi ích phe phái. Chúng ta hãy giúp những người nam nữ thiện chí quan tâm nhiều hơn đến các sự kiện và tình huống có ảnh hưởng đến một phần lớn nhân loại nhưng hiếm khi được đưa lên trang nhất các tờ báo. Chúng ta không thể nhìn theo cách khác. Thật là một vấn nạn nghiêm trọng khi các Kitô hữu tỏ ra thờ ơ với những người đang quẫn bách. Thậm chí còn nghiêm trọng hơn khi một số người tin rằng những phúc lành họ nhận được là dấu chỉ rõ ràng sự ưu ái Chúa dành riêng cho họ, chứ không phải là một lời hiệu triệu kêu gọi trách nhiệm của họ đối với gia đình nhân loại và đối với việc bảo vệ thiên nhiên. Chúa, Đấng là người Samaritan nhân lành của nhân loại (x Lc 10: 29-37), sẽ chất vấn chúng ta về tình yêu thương dành cho những người hàng xóm của chúng ta, và cho mỗi người hàng xóm của chúng ta (xem Mt 25: 31-46). Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi: Chúng ta có thể làm gì cùng nhau? Nếu một hình thức phục vụ cụ thể là có thể được, tại sao lại không lên kế hoạch và mang ra thực hiện với nhau, và do đó bắt đầu trải nghiệm một tình huynh đệ mạnh mẽ hơn trong việc thực thi cùng nhau các cử chỉ bác ái cụ thể?
Anh chị em thân mến,
Tôi xin gửi lời cảm ơn thân mật đến các bạn. Chúng ta hãy giúp đỡ lẫn nhau bước đi, cầu nguyện và làm việc cùng nhau, để với sự giúp đỡ của Chúa, sự hiệp nhất có thể phát triển và thế giới có thể tin. Cảm ơn các bạn.
10. Thánh lễ dành cho cộng đoàn Công Giáo Thụy Sĩ
Lúc 5 giờ rưỡi chiều ngày thứ Năm 21 tháng 6, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ cho cộng đoàn Công Giáo tại khu triển lãm Palexpo gần phi trường Geneva. Khu vực này thường được dùng để triển lãm các loại xe hơi.
Thánh lễ tại Palexpo được kể là thánh lễ giáo hoàng đầu tiên được tổ chức tại nước này kể từ sau chuyến viếng thăm vào năm 2004 của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Các bài đọc và lời nguyện đã được cử hành bằng tiếng Pháp và La tinh; và đây là lần đầu tiên Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ bằng tiếng Pháp.
11. Người Công Giáo Việt Nam tại Thụy Sĩ
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Tham dự trong thánh lễ tại Palexpo, có khá đông anh chị em tín hữu Công Giáo Việt Nam. Nhân đây, Thảo Ly xin được trình bày vài nét về sự hình thành cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Thụy Sĩ.
Sau năm 1975, Thụy Sĩ đón nhận một số rất giới hạn người tị nạn Việt Nam. Cho đến khi chính quyền Thụy Sĩ bắt đầu nhận người tị nạn Việt Nam, tại đây chỉ có gần 1,000 người Việt. Họ là những sinh viên du học các trường đại học nói tiếng Pháp, cùng với khoảng 20 tu sĩ, chủng sinh, linh mục đang tu học ở phân khoa Thần học tại Fribourg.
Sau sự kiện người Malaysia cho kéo thuyền nhân trở ra biển, ngược đãi những người xin tạm dung từ 1977-1978, Thụy Sĩ mở rộng tiêu chuẩn chấp nhận người nhập cư Việt Nam. Có khoảng 8,000 di dân Việt Nam được nhập cư vào Thụy Sĩ, trong đó có từ 2.500-3.000 tín hữu Công Giáo. Các di dân đều được phân tán cư ngụ trong các bang khác nhau. (Năm 2000 có khoảng 4,200 người Việt Công Giáo tại Thụy Sĩ).
Hiện nay ước chừng có 15,000 người Việt tại Thụy Sĩ
12. Bài giảng của Đức Thánh Cha
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã phân tích bài Phúc Âm trong ngày trong đó Chúa dạy các môn đệ ngài cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha.
Ba từ mà Đức Thánh Cha muốn làm nổi bật là “Cha, lương thực và sự tha thứ”. Ngài nhấn mạnh rằng ba từ này đưa chúng ta đến tận trung tâm của đức tin.
Cuối thánh lễ, Đức Thánh Cha đã cám ơn Đức Cha Morerod và giáo phận Lausanne-Geneva-Fribourg. Ngài nói:
Tôi hết lòng cảm ơn Đức Cha Morerod và cộng đồng giáo phận Lausanne-Geneva-Fribourg. Tôi cảm ơn các bạn về sự chào đón, sự chuẩn bị và những lời cầu nguyện của các bạn. Xin các bạn vui lòng tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Tôi cũng sẽ cầu nguyện cho các bạn, xin Chúa đồng hành cùng bạn trong mọi bước đi, đặc biệt là trên hành trình đại kết. Tôi cũng chào mừng với lòng biết ơn các giám mục Thụy Sĩ và tất cả các giám mục khác hiện diện nơi đây, cũng như các tín hữu đến từ nhiều miền khác nhau của Thụy Sĩ và Pháp, và từ các nước khác nữa.
Tôi cũng chào đón các công dân của thành phố đáng yêu này, nơi đúng sáu trăm năm trước Đức Giáo Hoàng Martin Đệ Ngũ đã lưu trú nơi đây; thành phố này cũng là trụ sở của các tổ chức quốc tế quan trọng, bao gồm Tổ chức Lao động Quốc tế, hiện đang kỷ niệm 100 năm thành lập.
Tôi rất biết ơn Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ vì lời mời thân thiện, sự giúp đỡ và hợp tác không ngừng nghỉ của các vị. Cảm ơn quý vị!
Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Hẹn gặp lại!
13. Giã từ Thụy Sĩ
Lúc 8h tối, Đức Thánh Cha ra phi trường Geneva để đáp máy bay về lại Rôma.
Trên chuyến bay dài 1 tiếng 40 phút từ Geneva về Roma, Ðức Thánh Cha đã có cuộc họp báo và trả lời một số câu hỏi của các ký giả cùng đi trên chuyến bay. Ðức Thánh Cha cho biết “Hôm nay là một ngày khá mệt đối với tôi, nhưng tôi hài lòng, vì nhiều điều chúng ta đã làm, cầu nguyện, đối thoại trong bữa ăn trưa, thật là điều rất đẹp, rồi cuộc gặp gỡ đại kết, và thánh lễ, tất cả làm cho tôi rất hài lòng”
Trả lời câu hỏi của một ký giả, Ðức Thánh Cha nhận xét rằng đây là một ngày có những cuộc gặp gỡ khác nhau, danh từ đúng để chỉ ngày này là “gặp gỡ”. Khi một người gặp người khác, cuộc gặp gỡ này đánh động tâm hồn và làm hài lòng.. Ðó là những cuộc gặp gỡ rất tích cực, rất đẹp. Bắt đầu bằng cuộc đối thoại với tổng thống Thụy Sĩ, đây không phải là một cuộc đối thoại xã giao, nhưng sâu sắc, về những đề tài quan trọng của thế giới, và với một sự thông minh làm cho tôi ngạc nhiên. Rồi những cuộc gặp gỡ các như quí vị đã thấy. Ðiều mà quí vị không thấy là cuộc gặp gỡ trong bữa ăn trưa (ở học viện Bossey), cuộc gặp gỡ sâu xa đề cập đến nhiều vấn đề, đề tài được nói đến nhiều là giới trẻ, vì tất cả các hệ phái Kitô đều quan tâm về giới trẻ. Và Tiền thượng Hội Đồng Giám Mục ở Roma hồi tháng 3 năm nay đã thu hút nhiều chú ý, có 315 người trẻ, cả những người trẻ không tín ngưỡng.. Ðiều này có lẽ đã khơi sự chú ý đặc biệt. Tóm lại đó là một cuộc gặp gỡ nhân bản, không phải là xã giao, hình thức”.
14. Vấn đề cho người Tin Lành rước lễ
Trả lời câu hỏi về việc Hội Ðồng Giám Mục Ðức soạn chỉ nam về việc cho các tín hữu Tin Lành rước lễ Công Giáo nhưng Ðức Tổng Giám Mục Ladaria Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin đã viết một thư cho các Giám Mục Ðức như hãm lại khẩn cấp. Trong cuộc gặp gỡ của các Giám Mục Ðức ngày 3 tháng 5 năm 2018, các vị ấy được yêu cầu tìm một giải pháp đồng thuận. Vậy tại sao cần có sự can thiệp của Vatican về vấn đề này?
Ðức Thánh Cha đáp:
“Ðây không phải là một điều mới mẻ, vì trong bộ giáo luật có dự trù điều mà các Giám Mục Ðức đã nói, việc cho tín hữu Kitô khác được rước lễ Công Giáo trong những trường hợp đặc biệt, liên quan đến vấn đề hôn phối hỗn hợp giữa một người Công Giáo và một Kitô hữu khác. Bộ giáo luật nói rằng Giám Mục giáo phận phải lo về vấn đề này. Các Giám Mục Ðức, vì thấy không rõ ràng, một số Linh Mục hành động không hợp với Giám Mục, nên các Giám Mục Ðức muốn nghiên cứu vấn đề này, và đã cho thực hiện cuộc nghiên cứu ấy, tôi không muốn nói là thái quá, và cuộc nghiên cứu dài hơn 1 năm, kỹ lưỡng.
Đức Thánh Cha nói thêm
Cuộc nghiên cứu có tính chất thu hẹp: điều mà các Giám Mục muốn là nói rõ điều ấy vốn có trong bộ giáo luật. Tôi đã đọc dự thảo chỉ nam ấy, đó là điều thu hẹp chứ không phải là mở cho tất cả mọi người. Các Giám Mục muốn thực hiện điều đó cho Giáo Hội địa phương ở Ðức. Ðiều không đúng đối với Hội Ðồng Giám Mục Ðức, đó là Giáo luật không trù định điều đó, bộ giáo luật không nói Hội Ðồng Giám Mục có quyền làm điều ấy, vì một điều được một Hội Ðồng Giám Mục phê chuẩn thì trở thành điều hoàn vũ ngay. Ðó là điều khó khăn, chứ không phải là nội dung. Các Giám Mục đã gửi văn bản, rồi có hai ba cuộc gặp gỡ, Ðức Tổng Giám Mục Ladaria đã gửi một thư với phép của tôi, chứ Ðức Tổng Giám Mục không tự ý làm. Tôi nói là đồng ý, nhưng tốt hơn đên nói rằng văn kiện của Hội Ðồng Giám Mục Ðức chưa chín mùi, và cần phải được nghiên cứu hơn nữa. Rối đã có một cuộc họp khác và sau cùng sẽ nghiên cứu sự việc. Tôi tin rằng đó sẽ là một văn kiện hướng dẫn, vì mỗi Giám Mục giáo phận có thể điều hành điều mà bộ giáo luật đã cho phép. Không có sự hãm lại. Khi tôi trả lời trong cuộc viếng thăm nhà thờ Tin Lành Luther ở Roma câu hỏi về vấn đề này, tôi đã trả lời theo tinh thna của bộ giáo luật, điều mà ngày nay họ đang tìm kiếm. Có lẽ đó không phải là một thông tin đúng. Bộ giáo luật cho phép Giáo phận chứ không cho Hội Ðồng Giám Mục. Nhưng Hội Ðồng Giám Mục có thể nghiên cứu và đưa ra những đường hướng chỉ dẫn.
Về vấn đề di dân và tị nạn, Ðức Thánh Cha cho biết ngài đã nói nhiều về vấn đề này và ngài trả lời rằng mỗi người phải hành động vấn đề tiếp nhận ngừơi tị nạn theo nhân đức riêng của chính quyền nghĩa là với sự thận trọng. Mỗi nước phải tiếp nhận theo khả năng của mình, nhận những người mình có thể hội nhập. Italia và Hy Lạp đã rất quảng đại trong việc đón tiếp. Có vấn đề là nạn buôn ngừơi di dân. Tôi đã thấy hình ảnh những kẻ buôn người ở Libia. Có một trường hợp mà tôi biết, những nhà tù của những kẻ buôn người thật là kinh khủng giống như các trại tập trung thời thế chiến thứ hai trong đó có những vụ cắt chặt thi thể và tra tấn. Thế giới quan tâm làm sao để những ngừơi di dân khỏi rơi vào tay những kẻ buôn người. Tôi biết các chính phủ nói về điều đó và muốn duyệt lại hiệp định Dublin. Tại Tây Ban Nha quí vị đã thấy trường hợp tàu Aquarius chở người di dân cập bến Valencia.
Tất cả vấn đề ở đây là sự xáo trộn, vấn đề đói ở Phi châu người ta có thể giải quyết. Bao nhiêu chính phủ Âu Châu đang nghĩ đến việc đầu tư tại các nước ấy..
Ðức Thánh Cha nói thêm rằng:
Trong trí tưởng tượng tập thể có một tư tưởng xấu: đó là cần phải khai thác Phi châu. Họ vẫn luôn là những người nô lệ. Cần phải thay đổi kế hoạch ấy. Cả tại Hoa Kỳ cũng có vấn đề di trú. Mỹ châu la tinh dân chúng bỏ đồng quê tới các thành phố lớn, nhưng cũng có cuộc di cư ra nước ngoài, tới những người có công ăn việc làm, và về điểm này tôi đồng thuận với điều mà các nước ấy nói..
Một ký giả khác hỏi Ðức Thánh Cha xem Giáo Hội Công Giáo có hiệp với các Giáo Hội khác gọi là Giáo Hội hòa bình để loại bỏ ý tưởng về cuộc chiến tranh chính đáng hay không?
Ðức Thánh Cha nhận xét: “Bạn đã đặt ngón tay vào đúng vết thương. Hôm nay, trong bữa ăn trưa ở Học viện đại kết Bossey, một mục sư nói với tôi: “Có lẽ nhân quyền đầu tiên phải là quyền được hy vọng” và chúng tôi đã nói về cuộc khủng hoảng các nhân quyền ngày nay. Cuộc khủng hoảng này ta thấy rõ khi nói về điểm này, nhưng bao nhiêu là nhóm, và một số nước không đồng ý, không có sự xác tín như cách đây 20 năm, và đây là điều trầm trọng vì chúng ta phải xem các nguyên nhân. Ngày nay các quyền con người là tương đối, kể cả quyền được hòa bình, cũng là tương đối trong một cuộc khủng hoảng về các nhân quyền. Tôi nghĩ rằng tất cả các Giáo Hội có tinh thần hòa bình phải cùng nhau làm việc và như chúng tôi đã nói trong các diễn văn ngày hôm nay, tôi cũng như các vị khác. Hòa bình là một đòi hỏi vì có nguy cơ chiến tranh.
“Có người nói: thế chiến thứ ba này nếu xảy ra, thì người ta không biết nó sẽ diễn ra với khí giới nào, và nếu có thế chiến thứ tư thì ngừơi ta đã chiến đấu với nhau bằng gậy, vì nhân loại đã bị hủy diệt rồi. Khi người ta nghĩ đến tiền bạc mà họ chi dụng cho các võ khí, thì hòa bình, tình huynh đệ, tất cả các xung đột không được giải quyết như kiểu Cain, nhưng bằng thương thuyết, đối thoại và trung gian. Chúng ta ở trong khủng hoảng về thương thuyết, khủng hoảng về hy vọng, các quyền con ngừơi và khủng hoảng về hòa bình. Và phải chăng có những tôn giáo ủng hộ chiến tranh? Thật là khó hiểu điều này, nhưng chắc chắn là có những nhóm nhỏ, cực đoan, đang tìm kiếm chiến tranh, cả các tín hữu Công Giáo chúng ta cũng có vài người, đây là điều quan trọng cần để ý.