(EWTN News/CNA) Giám mục ở miền đất gọi là đặc khu hành chánh của Trung Cộng đã nói với đài EWTN nhân dịp ngài đến Roma để thăm viếng hai mộ Thánh Phê-rô và Phao-lô ( thường gọi là ad limina) rằng Giáo Hội Công Giáo ở Hồng Kông được mời gọi để lên tiếng chống lại những bất công, nhưng không cạnh tranh với nhà cầm quyền.
Giám mục Michael Yeung Ming-cheung đã có chuyến thăm ad limina cùng với các giám mục Macau; hai vùng lãnh thổ là những thuộc địa trước đây của Anh và Bồ Đào Nha và hiện nay một phần thuộc Trung Cộng.
Là một khu vực hành chánh đặc biệt, Hồng Kông có hệ thống chính trị và kinh tế riêng và có quyền tự trị ở mức độ lớn đối với Trung Cộng. Vùng đất này đã là thuộc địa của Anh từ năm 1842 đến 1997.
Các giám mục đã gặp ĐGH Phanxicô vào ngày 23 tháng Sáu, một cuối tuần có nhiều cuộc họp tại Vatican, trong đó có cuộc họp hai giờ với Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.
Giám mục Yeung, người kế vị Giám Mục Hồng Kông vào tháng Tám năm 2017, nói rằng Hồng Kông có tầm ảnh hưởng đối với cách sống của người Trung Hoa vì “ Hồng Kông được kêu gọi tham gia vào việc hiện đại hóa Trung Quốc, không chỉ về quan điểm kinh tế chính trị. Sự phát triển đất nước không thuần túy dựa vào kinh tế.”
Ngài nói rằng Giáo Hội Công Giáo “không tranh dành quyền lực với đảng Cộng Sản và quyền hành nơi thế gian này. Chúa Giê-su không bao giờ dạy các môn đệ của ngài tranh dành với đế quốc Roma.”
Giám mục Yeung nhấn mạnh rằng “Tuy nhiên, Giáo hội giữ một vai trò quan trọng. Giáo hội mời gọi chúng ta có một thái độ đúng đắn để đối thoại, và cùng lúc ấy phải nói lên sự thật, và lên tiếng chống lại bất công xã hội khi nó xảy ra.”
Sự liên hệ với Giáo hội ở lục địa, theo Giám mục Yeung là “một vấn đề khó khăn”.
Ngài giải thích rằng “thông điệp của nhà cầm quyền Trung Quốc là họ không muốn bất cứ một sự can thiệp nào ở nội địa, và dự luật mới đây nhất về NGO (các tổ chức phi chính phủ) của nước ngoài đi theo chiều hướng đó: mọi thứ phải được nhà cầm quyền chập thuận, và nhà cầm quyền có quyền biết tiền đến từ đâu.”
Theo như cái luật đó, thì các tổ chức phi chính phủ phải khai báo với Bộ Công An hay những cơ quan tương đương cấp tỉnh trước khi mở văn phòng ở lục địa Trung Hoa.
Luật này song hành với việc gia tăng những quy định trong nhiều lãnh vực của đời sống công cộng.
Giám mục Yeung nói rằng luật này cũng ảnh hưởng đến việc người Hồng Kông muốn gởi giúp cho lục địa, như là “không ai chắc chắn là tiền gởi sẽ tới tay người nhận, và chỉ một lần gởi tiền thôi thì đã được coi như can thiệp vào nội bộ rồi.”
Nhắc về những lời đồn đoán về giao dịch giữa Tòa Thánh và Trung Cộng, Giám mục Yeung nói rằng “Giáo Hội có một vai trò rất rõ ràng: Giáo hội không cạnh tranh với nhà cầm quyền; giáo hội được mời gọi để liên tiếng khi có bất công.”
Ngài nói thêm rằng “Chúng ta hiểu rằng Tòa Thánh lấy làm vui khi có cuộc đối thoại với nhà cầm quyền Bắc Kinh, và đó cũng là chuyện bình thường khi có người chống lại việc này. Chúng ta phó thác trong tay Thiên Chúa. Cách đây năm mươi năm, cánh cửa giữa Vatican và Bắc kinh đã đóng, và bây giờ chúng ta nổ lực để tìm ra một lối mở hẹp.”
Giám mục Yeung kết luận rằng ngài không biết “thỏa thuận này sẽ dẫn chúng ta tới đâu” nhưng ngài tin rằng “Thiên Chúa sẽ dẫn chúng ta đi đúng đường. Đã có những sai phạm và có lẽ sẽ còn có nữa. Chúng ta là con người. Nhưng Thiên Chúa sẽ dẫn chúng ta đi.”
Giám mục Yeung nói rằng những đề tài thảo luận với các viên chức Tòa Thánh trong cuộc thăm viếng ad limina là một khả năng mở ra một trường đại học Công Giáo ở Hồng Kông.
Vào lúc này, Viện Giáo Dục Cấp Cao Caritas đã được thành lập và có khoảng 2,000 sinh viên. Vào năm 2014, một công bố đã được đưa ra là viện sẽ cố gắng để được các viên chức giáo dục công nhận là một trường đại học trong thời gian năm năm.
Một khi được công nhận là một trường đại học, trường sẽ có tên là “Đại Học Thánh Phanxicô”.
Theo Giám Mục Yeung, nhà cầm quyền Trung Quốc muốn có một trường đại học Công Giáo ở Hồng Kông bởi vì nguyên tắc “một quốc gia, hai hệ thống” thể hiện tính quan hệ tự trị giữa lãnh thổ và lục địa Trung Hoa.
Giám mục giải thích rằng “Chúng tôi có cách làm việc của chúng tôi. Tôi nghĩ Hồng Kông có thể rất quan trọng đối với Trung Cộng vì nó là cửa ngõ mở ra cho thế giới. Nếu nhà cầm quyền trung ương đóng cửa mọi thứ ở Hồng Kông, nó sẽ chứng tỏ rằng cái nguyên tắc “một quốc gia, hai hệ thống” không thể thực hiện được.”
Source: EWTN News Catholics are called to speak out against injustices, Hong Kong bishop says