NÀO ĐÂU NÉT VĂN HÓA VIỆT - BÀI 3 : ĐỐ AI QUÉT SẠCH LÁ RỪNG

Đó là giọng hát được vang lên trong phim Ba Mùa, một phim khá nổi tiếng do hãng Mỹ thực hiện diễn tả nét đẹp văn hóa Việt, do một người Mỹ gốc Việt là Tony Bùi làm đạo diễn.

Bốn câu truyện trong phim đan dệt với nhau thật tài tình, được gắn lại bằng một chất keo mầu nhiệm qua bài ca dao như cái hồn ẩn mật của dân tộc làm nền:

Đố ai biết lúa mấy cây

Biết sông mấy khúc, biết mây mấy từng.

Đố ai quét sạch lá rừng

Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây.

Bốn câu truyện với sáu bảy nhân vật đều là những cảnh rung cây, như bốn truyện điển hình của cuộc đời Việt nam trong suốt một thế kỷ qua, trong suốt dọc dài lịch sử bi đát của dân mình. Cây cứ bị gió rung hoài, lá cứ rụng mà chẳng ai còn đủ sức quét sạch được lá rừng!

Ông Đào vốn là một nhà thơ có hồn, đẹp trai, nhà giầu. Vậy mà lại bị bệnh phong cùi phải ẩn tránh mọi người, sống đóng kín thầm lặng trong ngôi nhà ngói giữa một hồ sen lớn. Ông cho thuê nhiều nhân công hái hoa sen đưa lên Sài Gòn bán, trong đó có một cô gái nhà quê rất chơn chất mộc mạc tên là Kiến An. Cô gái quê này có nước da ngăm ngăm, thường mặc áo bà ba với dáng vẻ nghèo túng. Cô lam lũ vất vả như những người đàn bà khác cùng hái sen trong hồ để kiếm sống. Nhưng nét hồn nhiên qua đôi mắt trong sáng diễn tả một tâm hồn thật dễ thương như một đóa sen, cũng là nét đẹp và giầu có của trái tim Việt Nam nhẫn nhục giữa bùn lầy qua bao thời đại. Trong những cần cù mồ hôi nhễ nhãi, bài hát ca dao khác lại vang lên:

Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng.

Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Cây đời ông Đào bị rung quá mạnh phải quị xuống, ngón tay ông bị rụng dần không còn viết thơ được nữa. Vậy mà bỗng một ngày ông thấy yêu đời, cánh thơ mọc lại cho ông vượt ra khỏi bốn bức tường giam hãm mà thênh thang bay lên cõi trời cao, nhờ nghe được giọng hát ca dao của Kiến An từ hồ sen vẳng vào. Thì ra độ rung cây đã bắt gặp được độ rung tim, một thứ tình thương tinh ròng mở cánh sen tỏa hương nhè nhẹ ít gặp được trong xã hội này, với một niềm cảm thông sâu thẳm vượt qua ngôn ngữ. Chất ca dao qua giọng hát Kiến An được mẹ thổi vào hồn, chuyển vào mạch máu qua tiếng ru ngọt mềm từ lúc còn trong nôi, nay bỗng chạm tới độ rung mầu nhiệm cho chất thơ sống lại: mùa rung cây đã trở thành mùa rung tim, khiến cho nhà thơ mong ước được thả hoa sen xuống dòng sông làm đẹp dòng sông cuộc đời.

Cũng một thứ hoa sen và giọng hát ca dao đó, anh chàng Hải đạp xích lô đã mang được trong tim mình. Anh có thể là một nhà giáo lỡ thời phải làm cái nghề kỳ dị này trong một thành phố ngột ngạt chen sống. Lúc ngồi chờ khách thì anh đọc sách. Suốt ngày phải dầm mưa giãi nắng, anh đúng là hiện thân của hai mùa nóng cháy khô và mùa mưa sũng nước. Cây đời anh cũng bị rung mạnh lắm. Vậy mà tim anh có chất hương sen, đi đeo đuổi một bông hoa dại mọc ven đường là cô gái ăn sương vấy bùn tên Lan với loại tình yêu cũng rất khác lạ: loại tình yêu hoa sen với bông trắng nhị vàng. Thứ tình này đã khiến cho cây Lan đang độ rung bật gốc tìm lại dáng nét tình hoa phượng nở hồi còn làm nữ sinh áo trắng thơ ngây.

Trong lúc lam lũ đạp xích lô, Hải thường bắt gặp một anh chàng người Mỹ ngồi thơ thẩn trước khách sạn như tìm kiếm một điều gì. Thì ra anh ta trước đây đã từng là lính GI ở Việt Nam, nay trở lại tìm đứa con gái lai bị bỏ rơi lại. Mãi rồi anh ta cũng tìm thấy. Anh ta mua một bó hoa sen của Kiến An đưa tặng cho đứa con gái với lời tạ tội. Tim anh ta cũng mang được chất tình hoa sen còn biết rung động.

Chen giữa những câu truyện gắn bó với nhau là hình ảnh một đứa bé thường lầm lũi lội dưới mưa. Nó có tên trong phim là Woody, có thể vì tên nó là Mộc, cũng là một loại cây dại mọc bên đường, là đứa con tượng trưng của cả một dân tộc. Nó tội tình gì mà bị xã hội vất ra ngoài đường, sống nghèo khổ với cái thùng đồ bán diêm quẹt và xâu móc chìa khóa? Vậy mà nó vẫn sống hồn nhiên với cặp mắt thật sáng, vẫn ham mê giấc mộng bình thường thả con thuyền giấy trên dòng nước mưa.

TIẾNG HÁT TỰ LÒNG ĐẤT

Truyện "Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến" của Doãn Quốc Sỹ ở chương bảy đã diễn tả được cái nét ẩn mật của tộc Việt, vẫn lầm lũi sống còn một cách an nhiên dù biết bao đọa đầy bầm dập.

Kha từ Hà Nội về quê giỗ mẹ, ngủ lại nhà chú thím, ban đêm chợt thức giấc nghe được tiếng sáo diều kêu u u như chung kết lại tất cả những mối sầu của tình quê kẻ còn cũng như người khuất, nghe được tiếng chày mau và đều giã gạo ban đêm của người nhà nghèo lối xóm; và nhịp theo tiếng chày đó, một giọng hát cất lên, giọng hát êm tưởng như theo gió từ xa... xa lắm vẳng lại.

"Bước xuống sân ngẩng nhìn trăng hạ tuần giữa cảnh vắng lặng của cảnh vật, Kha đứng lặng như bị chôn chân xuống đất vì chàng chợt nhớ rằng tiếng hát đó, cũng như tiếng sáo diều kia chàng đã được nghe từ lâu lắm, từ ngày chàng còn nhỏ xíu luôn luôn đòi mẹ ẵm lên lòng. Rồi từ đấy vì được nghe luôn nên chàng không hề lưu ý tới những âm thanh và âm điệu đó, cho đến nay bặt một thời gian sáu bảy năm xa cách, tiếng hát đột nhiên xuất hiện vào giờ này để tự tô đậm nét trường cửu của nó. Tiếng hát giọng đò đưa buồn buồn, chơi vơi, xa vắng. Lời không rõ nhưng cảm giác thì như vậy. Tự như thuở nào đến giờ cứ vào giờ thanh vắng đó là tiếng hát nổi lên, tiếng hát như thoát lên tự lòng đất, kể lể nỗi niềm để vừa xoa dịu vừa làm cho thấm thía thêm những sầu hận của những kẻ chợt thức giấc đón nghe nó... Hình như chàng mỉm cười vì trong cái vô cùng cô đơn ấy chàng thấy rõ chiến tranh tàn phá gây biết bao cảnh đổi đời, nhưng có một cái gì đó mà không gì tàn phá nổi là tiếng sáo diều và nhất là tiếng hát kia, Tiếng Hát Tự Lòng Đất, tiếng hát sầu dằng dặc, nhưng là tiếng hát của bất tuyệt vỗ về an ủi sự sống làm cho sự sống càng phì nhiêu và bất tuyệt như nó."

Đúng vậy. Tiếng hát tự lòng đất cũng chính là giọng hát ca dao của Kiến An trên đầm sen. Nó quyện vào tim ông Đào mang theo linh dược chữa lành. Nó chợt lay động hồn người xa xứ trong một buổi chiều chơi vơi. Cùng diễn tả một niềm tin, vọng lên từ linh hồn Việt tộc vẫn sinh tồn dai dẳng, vẫn lầm lì gan bướng. Nó có sức bật lên tia sáng trong những chao đảo mịt mù. Đó cũng chính là tiếng hát từ trời cao, khi người mình cứ nhất định tin vào một an bài mầu nhiệm từ Trời vượt qua mọi tính toán và nỗ lực thế nhân, nhất định không phải là duy vật biện chứng rồi, như ca dao vẫn thường tuyên dương:

Non kia ai đắp nên cao

Sông kia ai bới ai đào mà sâu.

(Còn tiếp)