Bài 4 LINH MỤC VÀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ

Là linh mục, người cố gắng để mỗi ngày trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, cũng phải “cùng tế lễ với Chúa Giêsu, cùng tự trao hiến thân mình cùng với Chúa Giêsu, làm của ăn cho mọi người, bất cứ lúc nào, và trao ban tất cả” (ĐHV 355).

Mỗi khi trao Chúa Giêsu Thánh thể cho giáo dân, con hãy ý thức trao cả đời con, thời giờ của con, sức khỏe, tài năng, tiền của, nghĩa là máu thịt của con cùng với Mình Máu Thánh chúa, làm của nuôi mọi người và mỗi người, không phân biệt ai (ĐHV 376)

Hằng ngày cùng với Chúa Giêsu, con dâng hiến mình con, sẵn sàng từng giây phút, để “bị nộp” vì anh em con, để “đổ máu ra cho nhiều người được tha tội” (ĐHV 377).

1/. Linh mục và việc cử hành bí tích Thánh Thể

Những linh mục thánh thiện luôn là những người rất coi trọng việc cử hành bí tích Thánh Thể, cử hành Thánh Lễ và dâng lễ thật sốt sắng. Điều đó có sức thu hút thật mãnh liệt đối với giáo dân. Kinh nghiệm cho thấy, ai cũng muốn được tham dự thánh lễ được cử hành một cách nghiêm túc và sốt sắng. Ai cũng biết cha Thánh Gioan Vienney là một linh mục có ngoại hình không được bắt mắt cho lắm. Nhà thờ xứ Ars nghèo nàn, cũ kỹ, ghế quỳ thì xiêu vẹo, ngài cũng dâng lễ như mọi linh mục khác. Tuy nhiên, chính việc dâng lễ thật sốt sắng của Cha đã dần dần thu hút các tín hữu ở khắp nơi. Người ta tuôn về ngôi nhà thờ chật hẹp và tồi tàn ở Ars, chen chúc nhau để tham dự thánh lễ của Cha bởi lẽ, ai cũng công nhận : Cha dâng lễ hết sức sốt sắng.

Thường giáo dân thấy vị linh mục nào dâng lễ hơi lâu thì phàn nàn, kêu trách. Vậy mà, Cha Piô dâng thánh lễ lâu đến ba tiếng rưỡi đồng hồ ! Vậy mà các hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, đông đảo giáo dân cứ chen nhau đến dự, thế mới lạ. Không chỉ có người dân bản địa, nhưng còn có cả những kitô hữu từ Mỹ châu, Á châu, Phi châu, Úc châu, cũng tìm đến để dự lễ của Ngài. Dự thánh lễ của Cha Piô, nhiều người cảm nhận như thấy chính Chúa Giêsu đang dâng lễ.

Cha thánh Phêrô Giulianô EYMARD, Đấng sáng lập dòng các Linh Mục Thánh Thể, ngay khi bắt đầu đời sống linh mục, nơi họ đạo, Cha thường dậy rất sớm và đến nhà thờ trước hết mọi người. Một giờ trước khi Cha dâng lễ, cần lắm Cha mới tiếp xúc với người khác. Cha cần được yên tĩnh để dọn mình dâng lễ thật sốt sắng. Sau thánh lễ, Cha dành nhiều thời gian để cám ơn và cầu nguyện với chúa Giêsu. Khi dâng lễ, Cha dâng thánh lễ thật sốt sắng. Những người dự lễ cha dâng đều ca tụng tư cách, điệu bộ sốt sắng và trang nghiêm của Cha. Họ có cảm tưởng như trông thấy một vị thiên thần trên bàn thờ. Ngoài ra, Cha cũng thận trọng, sửa soạn những lời chia sẻ Tin Mừng của thánh lễ bằng cầu nguyện, suy gẫm và những cảm nghiệm sống Lời Chúa hơn là việc gọt giũa câu văn[1].

Hiểu như thế, ta sẽ dễ cảm thông với Đức Gioan Phaolô II, và hiểu được những gì Ngài muốn nhắn gởi cách đặc biệt cho các anh em linh mục chúng ta qua hai số 17&18 của tông thư Mane nobiscum Domine : “Thánh Thể là bí tích trọng đại ! Mầu nhiệm này trước hết phải được cử hành cho đúng đắn. Thánh lễ phải giữ vị trí trung tâm của đời sống Kitô hữu và trong mỗi cộng đoàn, phải làm hết sức có thể để Thánh Lễ được cử hành một cách xứng đáng, tôn trọng những quy tắc đã được đưa ra….chú ý nghiêm túc đến tính cách thánh thiêng của những bài hát và của âm nhạc phụng vụ…học hỏi sâu xa Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma…trung thành bước theo diễn tiến của Năm Phụng Vụ (x. Mane nobiscum Domine số 17).

Để có thể cử hành Thánh lễ sốt sắng và tham dự Thánh lễ sốt sắng, cần phải “vun trồng một ý thức sống động về sự hiện diện đích thực của Đức Kitô… được biểu lộ mộc cách cụ thể qua các cung giọng nói năng, cử chỉ, chuyển động đi lại… sao cho nghiêm trang, đầy ý thức và nhất là cần phải để ý vào những lúc phải thinh lặng trong khi cử hành cũng như trong lúc tôn thờ Thánh Thể. Ngoài ra, Đức thánh Cha còn mong mỏi các Kitô hữu, các cộng đoàn giáo xứ, các cộng đoàn tu trì, đặc biệt trong năm Thánh Thể này, thường xuyên tổ chức việc tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh lễ, các buổi chầu phép lành, hoặc việc đặt Mình Thánh Chúa suốt ngày cho các Kitô hữu chia phiên nhau đến kính viếng, cuộc kiệu truyền thống vào dịp lễ trọng kính Mình và Máu Thánh chúa Kitô. Những việc làm như thế sẽ giúp chúng ta có điều kiện và bầu khí thuận lợi để ở lại lâu giờ phủ phục trước Đức Giêsu đang hiện diện trong Thánh Thể, để đem lòng tin và lòng yêu mến của chúng ta, đền bù những lơ là, những quên xót và cả những xúc phạm mà Đấng Cứu Thế của chúng ta đã phải chịu tại nhiều nơi trên thế giới (x. MnD số 18).

2/. Những bóng tối đối với việc tôn thờ Thánh Thể.

Ngày nay, ở nhiều nơi, việc tôn thờ Thánh Thể đã bị tỏ ra lơ là, ít quan tâm; thậm chí có những nơi, việc tôn thờ Thánh Thể gần như bị bỏ rơi hoàn toàn ! Thật đau lòng khi thấy nhiều người đã lạm dụng tặng ân này, qua việc lãnh nhận một cách bất xứng, qua sự nghi ngờ sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu trong Bánh Thánh, hoặc đối xử với bí tích thánh này bằng thái độ lãnh đạm, dửng dưng. Những bóng tối này không chỉ thấy có nơi giáo dân mà có khi cả nơi các linh mục ! Không ít linh mục cử hành Thánh Lễ một cách máy móc, vì thói quen, làm chiếu lệ cho qua, mà không có được một sự chuẩn bị nào. Có không ít vị linh mục nghi ngờ về sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh thể. Nhiều linh mục dâng lễ trong tình trạng bất xứng… Tuần tĩnh tâm này là dịp để mỗi người chúng ta nghiệm xét cách chân thành và thẳng thắn trước Thánh Thể Chúa : Bóng tối nào về bí tích Thánh Thể hiện đang tồn tại, đang có mặt nơi mỗi anh em linh mục chúng ta ? Nơi họ đạo chúng ta ? nơi giáo phận chúng ta?

3/. Bí tích Thánh Thể xây dựng con người Linh mục.

Nếu thánh lễ là “trung tâm của toàn thể đời sống Kitô giáo”[2], là “nguồn mạch tột đỉnh của đời sống Kitô hữu”[3], thì nó càng phải là “trung tâm đời sống và sứ vụ của Linh mục”[4], bởi lẽ, sứ vụ Linh mục phát xuất từ Thánh Thể, cho Thánh Thể và sống nhờ Thánh Thể. Đời sống của Linh mục sẽ thiếu sức năng động và hăng say nếu xa rời Thánh Thể, xa rời nguồn sức sống thần linh nầy. Chính nhờ sống gắn bó, thân mật với Thánh Thể, đời sống của con người linh mục sẽ dần dần được biến đổi, được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, mẫu gương tuyệt hảo của đời Linh mục:

a). Bí tích Thánh Thể giúp Linh mục tái khám phá Chúa Giêsu Kitô.

Phải tái khám phá Đức Giêsu để biết rõ Đức Giêsu, vì có biết rõ Người, ta mới có thể yêu mến Người và ước ao trở nên "đồng hình đồng dạng" với Người. (Đồng hình đồng dạng), tức là được hòan tòan biến đổi trong Đức Kitô, bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Sứ giả Tin Mừng, không những là người biết về Đức Giêsu, nhưng còn muốn theo Đức Giêsu, bắt chước Đức Giêsu, sống như Chúa Giêsu và muốn tiếp nối công cuộc của Đức Giêsu, công cuộc loan báo Tin Mừng cho mọi người. Vị sứ giả đó, nhất thiết phải có một tình yêu đặc biệt đối với Đức Giêsu. Chính tình yêu đặc lọai dành riêng cho Đức Giêsu này khiến cho mọi thứ tình cảm chính đáng khác, trở thành thứ yếu : "Ai yêu Cha hay yêu Mẹ hơn Ta thì không xứng với Ta" (Lc 10,37). Chính thứ tình yêu đặc lọai này đã được các vị thánh nhắc đi nhắc lại, từ thế hệ này đến thế hệ khác. Chẳng hạn : Đối với thánh Phaolô, tình yêu đặc lọai đối với Đức Kitô là một điệp khúc được nhắc lại nhiều lần trong các thư của Ngài. Tình yêu đó là lẽ sống, là niềm vui và là tất cả đối với Phaolô. Ông dám bỏ tất cả để được Đức Giêsu (xem Pl 3, 4-14).

"Không quý chuộng điều gì hơn Chúa Kitô" (Thánh Bênêditô).

"Chúa Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con" (Hội Dòng MTG).

Chính vì tình yêu đặc tuyển đối với Đức Giêsu, vị sứ giả Tin Mừng, người môn đệ của Đức Giêsu mới có thể sẵn sàng từ bỏ mọi sự và chấp nhận mọi khổ đau, mọi gian lao, nguy hiểm để bước theo Thầy chí thánh và tiếp tục công việc loan báo Tin Mừng. "Ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không xứng với Ta. Ai giữ lấy mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ tìm thấy được" (Lc 10,38-39).

Tin Mừng không là một sự vật nhưng là một nhân vật: chính là Con Người Đức Giêsu Kitô. Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất của trần gian. Không có một Đấng Trung Gian nào khác giữa Thiên Chúa và loài người, ngòai Đức Giêsu. Chính bản thân Chúa Giêsu là sứ điệp tình yêu lớn lao của Thiên Chúa đối với con người.

Điểm khởi hành của việc Truyền bá Tin Mừng mới của vị linh mục, phải là sự cảm nhận và xác tín về "sự sung mãn khôn lường" (Ep 3, 8), nơi Đức Kitô mà không một nền văn hóa nào làm suy cạn. "Chúng tôi muốn gặp ông Giêsu" (Ga 12,21). Những người nam, nữ của thời đại chúng ta hôm nay cũng xin các Kitô hữu và đặc biệt xin các linh mục chúng ta, không chỉ "nói" về Đức Kitô, nhưng còn "tỏ bày" Đức Kitô cho họ. Lời nói và chứng tá của chúng ta sẽ không thể nào tương xứng, nếu chính chúng ta trước tiên, không hiểu biết và không "cảm nghiệm", không chiêm ngưỡng dung nhan của chính Đức Kitô.

* Dung nhan đó trước hết là dung nhan của Chúa Con, một Thiên Chúa làm người.

* Dung nhan đó còn là dung nhan của một người "Tôi Tớ đau khổ". Việc nhập thể của Chúa Con tự nó đã là một Kénosis, một "sự tự hủy". Khi làm người, Ngài đã từ bỏ vinh quang mà Ngài đã có từ thuở đời đời, để đem con người trở về với Chúa Cha. Qua mầu nhiệm nhập thể, Đức Giêsu không chỉ mặc lấy khuôn mặt của con người, nhưng còn phải mang lấy khuôn mặt của các tội nhân. Trên thánh giá, Ngài đã hiến tặng mạng sống cho Chúa Cha trong tình yêu, để cho nhân lọai được sống.

* Dung nhan đó còn là dung nhan của Đấng Phục Sinh. Sự Phục Sinh của Đức Kitô chính là lời đáp trả của Chúa Cha đối với sự vâng phục của Đức Kitô. Chúa Cha đã cho người sống lại để trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho mọi người.

b). Bí tích Thánh Thể giúp Linh mục trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô.

Nơi Đức Kitô, mầu nhiệm nhập thể và cứu chuộc dẫn Đức Giêsu đến một cuộc sống hoàn toàn như một con người (chỉ trừ tội lỗi), sống gắn bó và thực hiện chương trình cứu độ của Chúa Cha một cách triệt để. Đó chính là mầu nhiệm tự hủy do tình yêu và vì tình yêu.

Đời sống Linh Mục và sứ mạng truyền giáo của Linh Mục cũng dõi bước theo con đường này, con đường từ bỏ, con đường tự hủy, con đường hy sinh gian khổ, con đường dẫn tới chân thập giá. Sứ mạng này đòi hỏi linh mục phải "từ bỏ chính mình và từ bỏ những gì gây cản trở cho sứ vụ loan báo Tin Mừng, để trở nên mọi sự cho mọi người". Sự từ bỏ được thể hiện qua nếp sống nghèo khó trong sự thanh thóat của nội tâm. Đời sống khó nghèo giúp cho linh mục được tự do, được thanh thóat để loan báo Tin Mừng (gương của Davit khi chiến đấu chống Goliat. Xem 1V 7,1...), tự do để trở nên người anh em của tất cả mọi người mà ngài được sai đến để đem Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ đến cho họ.

Ước muốn và cố gắng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, sống gắn bó với Đức Giêsu và lòng nhiệt thành muốn nối tiếp công cuộc của Đức Kitô, và vì được sai đi, linh mục luôn cảm nghiệm được sự hiện diện đầy an ủi và đầy khích lệ của Đức Kitô, Đấng đang đồng hành với mình trong mọi giây phút, trong mọi hòan cảnh và nhất là trong những khi phải đương đầu với gian nan, thử thách, sợ hãi hoặc chán nản trong khi thi hành sứ vụ linh mục : "Đừng sợ ! Cứ nói đi, đừng làm thinh, vì Thầy ở với con" (Cv 18,9-10).

c). Bí tích Thánh Thể giúp linh mục yêu Giáo Hội và yêu mến con người.

Lòng nhiệt thành yêu mến Đức Kitô hướng linh mục đến một tình yêu đặc biệt dành cho Giáo Hội của Đức Kitô và cho con người. Noi gương Đức Kitô, vị Mục Tử tốt lành, luôn biết chiên của mình, tìm kiếm chiên của mình và hy sinh mạng sống vì đàn chiên, vị linh mục cũng phải dám sống và dám cống hiến đời mình cho Giáo Hội và cho các tâm hồn. Linh mục luôn được thúc bách nhờ lòng nhiệt thành đối với các linh hồn, một khi được tình yêu của chính Đức Kitô soi chiếu, sẽ biết chú tâm, nhẹ nhàng, thương cảm, đón tiếp, một con tim luôn rộng mở, biết lưu tâm đến những vấn đề của người khác. Cũng giống như Đức Kitô, linh mục, tiên vàn phải là con người của tình thương, làm chứng về tình thương đối với mọi người bằng cách hy sinh mạng sống mình vì kẻ khác. Linh mục phải là người anh em của tất cả, ngài mang trong mình tinh thần của giáo hội, một giáo hội phổ quát hướng mở đến mọi người, đến với mọi dân tộc, đến với tòan thể nhân lọai và đặc biệt đối với những người bé nhỏ nhất và nghèo khổ nhất. Linh mục phải là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa trong thế giới, nghĩa là một tình yêu không lọai trừ ai cũng không thiên vị người nào.

Sứ mạng loan báo Tin Mừng đòi hỏi linh mục phải có một tình yêu thương ngày càng lớn hơn mãi đối với anh chị em mà mình được sai đến, để nói với họ về Thiên Chúa Tình yêu, về Tin Mừng Cứu Độ : "Chúng tôi đã thương yêu anh em thắm thiết đến nỗi muốn giao phó cho anh em không những Tin Mừng của Thiên Chúa mà còn chính mạng sống của chúng tôi nữa, bởi chưng anh em đã trở nên chí thân, chí thiết với chúng tôi" (1Tx 2,8).

Riêng trên lục địa Á Châu, một lục địa mà đại đa số là người nghèo, thì ơn gọi đặc thù của Giáo Hội tại Châu Á cách chung và của linh mục cách riêng, là quan tâm cách riêng và phục vụ đầy tình yêu thương đối với các người nghèo và người cô thế cô thân (xem GHAC số 7). Tinh thần khó nghèo, đơn sơ, giản dị, theo gương Đức Kitô, sự đơn sơ trong cách sống, cộng với một đức tin sâu xa và tình yêu không giả dối đối với mọi người, nhất là đối với những người nghèo và những người bị lọai trừ, bị bỏ rơi, của các Kitô hữu, sẽ tạo được mối dây hiệp thông, tạo được tình liên đới với người nghèo. Đó là những dấu chỉ rất tích cực của Tin Mừng trong hành động.

d). Lòng sùng kính Thánh Thể giúp Linh Mục sống thánh thiện theo gương Chúa Kitô.

Ơn gọi linh mục, tự bản chất, là lời mời gọi nên thánh. Linh mục chỉ thực sự là linh mục khi ngài dấn thân trên con đường thánh thiện. Ơn gọi phổ quát của tất cả mọi người luôn hướng tới việc nên thánh, liên hệ mật thiết với ơn gọi phổ quát hướng tới việc nên thánh là sứ mạng truyền giáo; bởi lẽ, mọi tín hữu đều được mời gọi nên thánh và mời gọi truyền giáo. "Thật không đủ khi chúng ta chỉ nghĩ tới việc đổi mới các phương pháp mục vụ, cũng như làm thế nào để tổ chức nhân sự và tài lực tốt hơn hay đào sâu nền tảng Thánh Kinh và thần học của đức tin. Phải gợi lên một sức năng động mới về sự thánh thiện nơi các nhà truyền giáo và trong từng cộng đòan Kitô hữu, đặc biệt nơi những người cộng tác gần gũi nhất của các nhà truyền giáo" (SVDCT số 90).

Sự thánh thiện không chỉ là lời mời gọi của Chúa, nó còn là sự chờ đợi của thế giới hôm nay : "Thế giới đòi hỏi và chờ đợi ở chúng ta đời sống giản dị, tinh thần cầu nguyện, lòng yêu thương đối với mọi người, nhất là đối với những kẻ bé mọn và nghèo khó, đức vâng phục và khiêm tốn, sự siêu thóat và từ bỏ chính mình và từ bỏ mọi sự. Không có được sự thánh thiện như thế, lời chúng ta rao giảng sẽ khó đi vào lòng của con người thời nay. Nó có thể thành vô ích và vô hiệu" (LBTM số 76).

Trong mọi trường hợp, rõ ràng là không thể có sự rao giảng Tin Mừng đích thực nếu các Kitô hữu không sống chứng tá phù hợp với sứ vụ rao giảng: "Hình thức chứng tá thứ nhất là chính đời sống của vị thừa sai, của các gia đình Kitô hữu và của cộng đồng Giáo Hội, một cộng đồng bày tỏ một nếp sống mới... Mỗi người trong Giáo Hội, khi cố gắng bắt chước Đức Kitô, thì có thể và phải làm chứng theo kiểu này. trong nhiều trường hợp, đó là phương cách duy nhất có thể được để trở thành nhà truyền giáo" (SVDCT số 42).

Linh mục phải là một nhà "chiêm niệm trong hành động". Nếu không phải là nhà chiêm niệm, thì linh mục không thể loan báo Chúa Kitô một cách khả tín được. Bởi lẽ, để là chứng nhân cho Thiên Chúa, linh mục cần phải có kinh nghiệm về Thiên Chúa : "Điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng...về Lời hằng sống...chúng tôi đã loan báo" (1Ga 1,1-3). "Việc công bình, bác ái và thương xót phải gắn bó mật thiết với đời sống cầu nguyện và chiêm niệm đích thực..." (GHAC số 23).

e). Bí tích Thánh Thể đòi Linh mục phải là một con người cầu nguyện.

Trong đời sống của Giáo Hội, số giáo dân chuyên cần cầu nguyện trong đời sống mỗi ngày, hoặc đi vào những đan viện để cầu nguyện hoặc tĩnh tâm có định kỳ hoặc không định kỳ, ngày một gia tăng đáng kể. Là Linh mục, hơn ai hết, chúng ta cần phải học với Đức Giêsu, phải canh tân và phát huy đời sống thiêng liêng mà cốt yếu là việc cầu nguyện.

Để có thể hòan thành sứ vụ Linh mục một cách trung tín, các Linh mục phải chuyên tâm trò chuyện mỗi ngày với Chúa, với Chúa Giêsu Kitô trong việc thăm viếng và tôn sùng Thánh Thể. Các Ngài phải yêu thích thời gian tĩnh tâm và tuân giữ việc linh hướng...(xem PO 18).

"Người rao giảng... phải biết lắng nghe Thiên Chúa và trở nên dễ dạy đối với Chúa Thánh Thần. Như thế, việc chiêm niệm bao gồm lắng nghe và cầu nguyện là một công việc phải được coi là chính yếu. Nếu người giảng dạy không cầu nguyện, họ sẽ bị cho là rao giảng chính mình, và lời của họ chỉ là những chuyện nhảm nhí, trống rỗng" (Gioan Phaolô II, Giáo lý về năm thánh 2000, ngày 1/7/1998, trg 5).

"Cách riêng, đời sống cầu nguyện phải được cải tổ liên lỉ nơi Linh mục. Kinh nghiệm dạy rằng, trong lãnh vực nguyện ngắm, không thể cậy dựa vào những gì mình đã đắc thủ. Chẳng những hằng ngày phải chinh phục lại sự trung thành bề ngòai đối với những giờ khắc cầu nguyện, nhất là những lúc đọc Kinh Phụng Vụ...phải đặc biệt kiên trì tìm kiếm một cuộc gặp gỡ thực sự với Đức Kitô, một cuộc đối thọai tín thác với Chúa Cha và một kinh nghiệm thẳm sâu về Chúa Thánh Thần" (PDV 72).

Việc cầu nguyện giúp cho linh mục luôn ý thức và quan tâm đến việc "tìm kiếm Vinh Quang Thiên Chúa" : "Bởi chúng tôi không rao giảng chính mình, mà chỉ rao giảng Đức Giêsu Kitô là Chúa; còn chúng tôi, chúng tôi chỉ là tôi tớ của anh em, vì Đức Giêsu" (2Cr 4,5). Một linh mục yêu mến Thiên Chúa nồng nàn sẽ không quá yêu chính mình, không tìm kiếm vinh quang cho riêng mình, nhưng chỉ lo tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa.

Cầu nguyện giúp linh mục cảm nghiệm cách sâu xa và trực tiếp rằng TC đang hiện hữu và mình đang hiện diện trước nhan thánh Chúa. Việc cầu nguyện giúp cho con người kết hợp khắng khít, nhiệt thành và cá nhân với TC. Tuy nhiên, việc cầu nguyện thâm sâu trên đây không thể có được nếu không có được sự yên tĩnh và thinh lặng bên trong. Một phần của sự yên tĩnh đó phát xuất từ việc hạn chế họat động trí óc, hạn chế óc tưởng tượng, hạn chế những lo toan quá đáng... và nhẫn nại chờ đợi trong niềm tin vững vàng rằng TC đang hiện diện sẽ phán dạy cho tôi, Ngài sẽ soi sáng cho tôi biết Ngài muốn gì nơi tôi và muốn tôi phải làm gì cho hợp với thánh ý của Ngài, như Đức Mẹ Maria : "Này tôi là tớ nữ của TC; xin hãy thực hiện nơi tôi như lời Ngài".

f). Bí tích Thánh Thể thôi thúc Linh Mục dám cất bước ra đi.

Để tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa, linh mục phải là người dám cất bước ra đi, theo tiếng gọi của Đức Giêsu : "Duc in altum" : Chèo ra chỗ sâu để thả lưới (Lc 5,6). Lời mời gọi đó của Đức Giêsu đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tha thiết nhắc lại cho tòan thể Hội Thánh và đặc biệt cho các linh mục chúng ta trong tông thư Novo Millennio Ineunte : "Một thiên niên kỷ mới đang mở mở ra trước mắt Hội Thánh như là một biển cả mà chúng ta sẽ mạo hiểm trong đó, cậy dựa vào Đức Kitô, Con Thiên Chúa" (số 58). Chỗ nước sâu mà chúng ta được mời gọi phải dấn thân, phải mạo hiểm chèo ra chính là thiên niên kỷ mới và mẻ cá chúng ta bắt được chính là kết quả của công cuộc Phúc Âm Hóa mới.

Muốn bắt được cá, phải chèo ra chỗ sâu, tức phải mạo hiểm, phải dám cất bước ra đi. Ra đi để thấy mình phải làm gì; để biết mình phải làm thế nào và cần phải làm tới mức độ nào. Đức Giêsu đã đi và đi không ngừng. Thánh Phaolô cũng thế. Là linh mục, là nhà truyền giáo, chúng ta có thể đi bằng phương tiện truyền thông xã hội; nhưng đi bằng chính thân xác của mình, bằng sự hiện diện tích cực của mình giữa mọi người, vẫn luôn là cách đi hòan hảo nhất. Mặt đối mặt, lời trao lời mới nảy sinh tình yêu. (câu chuyện đến với một gia đình nghèo ở Cái Răng). Có đi, có rời khỏi khung trời thân thương, quen thuộc để đến với mọi người, muốn đi truyền giáo, chúng ta mới thật sự cảm nghiệm được rằng : truyền giáo quả là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm không luôn dễ dàng và lắm khi đầy chông gai, trở ngại (xem Cvtd 20,22-24).

g). Bí tích Thánh Thể giúp Linh mục tái khám phá Chúa Thánh Thần.

Trong công cuộc truyền giáo, trong đời sống mục vụ, linh mục luôn phải tâm niệm và ý thức rằng : "Chúa Thánh Thần còn là tác nhân chính yếu của công cuộc phúc âm hóa mới cho thời đại chúng ta. Do đó cần phải khám phá lại Chúa Thánh Thần như Đấng xây dựng Vương Quốc Thiên Chúa trong dòng lịch sử và chuẩn bị tỏ mình một cách trọn vẹn trong Đức Giêsu Kitô, bằng cách khơi động con người từ bên trong và làm phát triển trong cuộc sống những mầm giống ơn cứu độ thật sẽ đến vào thời sau hết" (T.Thư Tertio Millennio Adveniente, 1994, 46).

h). Bí tích Thánh Thể giúp linh mục trở thành hy tế

Linh mục, người muốn triệt để trở thành người môn đệ của Đức Kitô, muốn chia sẻ số phận với Đức Kitô, số phận của người tôi tớ Yahve, phục vụ cho đến chết. Đời linh mục, một cuộc đời nếu luôn sống gắn bó, mật thiết với Thánh Thể, cũng sẽ dần dần trở thành một hiến tế. Thật vậy, “Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là Hy Tế. Nơi Chúa Giêsu, mọi sự đều là của lễ, từ lời giảng dạy đến các phép lạ, từ những cử chỉ và lời nói thông thường cho đến sự hy sinh lớn lao nhất là hy sinh mạng sống. Mọi sự đều biểu lộ tình yêu dâng hiến trọn vẹn cho Chúa Cha. Sự dâng hiến của Chúa Giêsu được hòan tất bằng cái chết và trong cái chết tự nguyện trên thập giá”[5].Của lễ mà Chúa Giêsu đã dâng lên cho Thiên Chúa Cha chính là Hy Tế tình yêu, là chính bản thân mình Ngài, và là của lễ làm đẹp lòng Chúa Cha nhất và có giá trị cứu rỗi : “Giáo Hội coi cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một hy tế. Hy tế ấy khác với hy tế Cựu Ước, vì hoàn toàn là hy tế tình yêu, là sự dâng hiến bản thân. Chúa Giêsu không dâng hiến cho Chúa Cha điều gì bên ngoài, nhưng là chính bản thân mình”[6].

Đức Giêsu chính là Sacerdos-victima. Nếu nơi Đức Giêsu, mọi sự đều là của lễ, từ lời nói đến cử chỉ, thì đời linh mục lẽ ra cũng phải như thế. Mỗi Thánh Lễ được dâng lên là một lần mời gọi linh mục dâng lễ ý thức sống đời hy tế và cùng dâng lên cho thiên Chúa Cha những lo toan, những vui buồn, sướng khổ, sức khỏe, bệnh tật, những thành công, những thất bại, những hiểu lầm không biết tỏ cùng ai, những dằn vặt nội tâm, những phấn đấu để giữ được lòng trung thành với Chúa và sống xứng đáng với ơn gọi đã lãnh nhận, và cả sự vâng phục đối với bề trên của mình. Những của lễ ấy, hằng ngày phải được kết hợp với những “công lao của con người”, để cùng với Chúa Giêsu dâng lên Thiên Chúa Cha[7].

i). Bí tích Thánh Thể giúp Linh mục sống niềm hy vọng Phục Sinh.

Nếu cùng chết với Thầy, cùng chịu khổ với Thầy, cùng trở nên hy tế như Thầy mình, linh mục tin rằng mình cũng sẽ được hiệp thông với Thầy trong cuộc Phục Sinh vinh quang. Mầu nhiệm phục sinh phải được “tuyên xưng”, không chỉ ngoài môi miệng, nhưng nơi cuộc sống của chính linh mục. Tin Mừng phục sinh phải là niềm hy vọng vô biên nơi cuộc đời linh mục. Chấp nhận hy sinh, chấp nhận chết cho con người cũ là để được sống lại với con người mới. Chết để được sống, và được sống dồi dào chính là niềm hy vọng và còn là nguồn trợ lực mạnh mẽ cho đời linh mục.

Nhờ kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, cuộc sống linh mục sẽ dần dần được biến đổi và trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Hiểu được điều này, nhiều cộng đoàn, nhiều dòng tu, nhiều tu hội…sau những giờ làm việc hoặc sau những công tác truyền giáo, mục vụ, đều dành riêng, ít là một giờ mỗi ngày, đặt mình trước Thánh Thể Chúa. Ước gì năm Thánh Thể này, nhắc nhở cho chúng ta rằng, sức mạnh của đời sống tận hiến, đời sống tông đồ, múc lấy từ Thánh Thể Chúa. Tuy dù rất bận bịu với trăm công nghìn việc, chúng ta cũng hãy dành thời giờ cho việc viếng Thánh Thể và cầu nguyện trước Thánh Thể mỗi ngày. Không chỉ riêng cho linh mục, các tu sĩ nam nữ, chúng ta còn cần phải cổ võ và tạo điều kiện để mời gọi giáo dân năng đến với bí tích thánh Thể, năng cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể. Ước mong mỗi họ đạo có được một nơi riêng để suốt ngày giáo dân có thể đến cầu nguyện với Thánh thể.

1 X. Lm Phêrô Nguyễn Châu hải SSS, Cuộc đời thánh P.G.Eymard, Sáng lập dòng các linh mục thánh Thể, Tủ sách Thánh thể, trg. 50-52.

2 Quy chế tổng quát Sách Lễ Rôma, số 16.

3 Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, Lumen Gentium, số 11.

4 Thông điệp Giáo Hội từ Thánh Thể, EdE, số 31.

5 Thư chung 2004, số 3.

6 Nt số 3.

7 X. Lm Phêrô Trần Đình, Thánh Thể, nguồn và đỉnh cao của đời sống và sứ mạng của Giáo Hội, Tài liệu thường huấn Linh mục Giáo Phận Đàlạt, 2004, trg. 178-181.