Bài 5 LINH MỤC GIÚP GIÁO DÂN HIỂU VÀ SỐNG THÁNH THỂ

Trong khi Đức Phaolô VI quan tâm đến việc đào sâu thần học về sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể thì Đức Gioan Phaolô II nhằm đến việc triển khai và cổ võ cho một nền thần học và nhất là mục vụ về việc tôn thờ Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể. Vào thứ Năm Tuần Thánh, dịp kỷ niệm việc Chúa Giêsu lậo Phép Thánh Thể; lập bí tích Truyền Chúc Thánh, và cũng là ngày các linh mục tuyên hứa lại lời hứa khinhận lãnh thánh chúc linh mục, Đức Gioan Phaolô II đã gởi cho các linh mục trên khắp thế giới bức thư đề ngày24/2/1980. Với bức thư này, Đức Gioan Phaolô II muốn nhấn mạnh đến việc tôn thờ Phép Thánh Thể trong đời sống linh mục và nhất là trong việc mục vụ của linh mục. Đối với Đức Giáo Hoàng, bí tích Thánh Thể phải có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống và trong công tác mục vụ của các linh mục “Tôi muốn dành bức thư này cho bí tích Thánh Thể, và đặc biệt, cho một vài khía cạnh của mầu nhiệm Thánh Thể, cho ảnh hưởng của mầu nhiệm đó trên đời sống của những ai có thừa tác vụ cử hành mầu nhiệm đó” (số 1).

1/. Linh mục phải dạy Thần Học và các Giáo Huấn của Giáo Hội về bí tích Thánh Thể.

a/. Bí tích Thánh Thể luôn rất cần thiết cho ơn gọi Kitô hữu, giúp họ chu toàn sứ mạng và trọng trách làm chứnh nhân cho Chúa Kitô ở giữa đời. Gắn bó với bí tích Thánh Thể, các Kitô hữu sẽ kín múc được sức mạnh, được ơn trợ lực thiêng liêng để sống yêu thương và đóng góp cho việc xây dựng một thế giới trần thế tốt đẹp “Việc tôn sùng mầu nhiệm Thánh Thể là linh hồn của đời sống mọi Kitô hữu. Thật vậy, nếu đời sống Kitô hữu được diễn tả trong sự hoàn thành lệnh truyền cao cả nhất, nghĩa là trong tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân, tình yêu đó bắt nguồn từ chính bí tích thánh, thường được gọi là bí tích Tình Thương… Chúng ta không những biết tình thương, mà chúng ta còn bắt đầu yêu thương. Có thể nói là chúng ta đi vào con đường của tình thương, và chúng ta thực hiện những bước tiến triển trên con đường đó. Tình thương bắt nguồn từ mầu nhiệm Thánh Thể thành hình trong chúng ta, phát triển, ăn rễ sâu và trở nân vững chắc trong chúng ta nhờ mầu nhiệm đó…Việc tôn sùng mầu nhiệm Thánh Thể như vậy chính là lối diễn tả tình thương đó, là một nét đặc biệt trung thực và sâu thẳm nhất của ơn gọi Kitô hữu. Việc tôn sùng đó xuất phát từ tình thương và phục vụ tình thương, là đối tượng của ơn gọi chúng ta trong Đức Giêsu Kitô”.

Qua đoạn thư trên, Đức Gioan Phaolô II muốn nói với chúng ta rằng : Tình yêu của chúng ta đối với Chúa và đối với nhau, chỉ là sự phản ảnh, chỉ là sự thông dự vào tình yêu của chính Thiên Chúa, Đấng Là Tình Yêu. Tình yêu của Thiên Chúa được mạc khải và được tỏ lộ ra cách rõ ràng và cụ thể trong Hy Tế của Đức Giêsu. Vì thế, khi cử hành Hy lễ Thập Giá trong thánh lễ, chúng ta hiểu được, cảm nhận được tình thương là gì, và chúng ta mới bắt đầu yêu thương. Tình thương đó bắt nguồn từ bí tích Thánh thể và được bí tích Thánh Thể giúp củng cố và giúp triển khai trong cuộc đời. Như thế, khi chúng ta phục vụ cho tình yêu, có nghĩa là phục vụ lẫn cho nhau giữa lòng đời, là chúng ta đang “tôn sùng Thánh Thể”. Bí tích Thánh Thể giúp chúng ta tăng trưởng và kết hiệp với Chúa Kitô ngày càng khắn khít hơn. Sự kết hiệp khắn khít này càng được tỏa sáng bằng những hành động phục vụ của ta đối với tha nhân :”Nếu việc tôn sùng mầu nhiệm Thánh thể có tính cách trung thực, thì việc đó phải làm cho chúng ta ý thức rõ hơn phẩm giá của con người. Ý thức về phẩm giá đó trở thành lý do sâu thẳm nhất của tương quan của chúng ta với tha nhân. Chúng ta cũng phải đặc biệt động lòng trước tất cả các đau khổ và cảnh khốn cùng của con người, tất cả nỗi bất công và sai trái, phải tìm phương tiện sửa sai một cách hữu hiệu. Chúng ta học khám phá và tôn trọng chân lý về con người bên trong, vì chính chiều kích bên trong của con người trở thành nơi cư ngụ của Thiên Chúa hiện diện trong bí tích Thánh Thể. Đức Kitô đến trong các trái tim và thăm viếng các lương tâm của anh chị em chúng ta. Hình ảnh về mọi người và mỗi người sẽ thay đổi biết bao, khi chúng ta ý thức thực tại đó, khi chúng ta lấy thực tại đó làm đề tài để suy niệm ! Ý nghĩa của mầu nhiệm Thánh Thể thúc đẩy chúng ta yêu thương đồng loại, yêu thương mọi người !”(số 6).

b/. Cần lãnh nhận bí tích Thánh thể trong tình trạng xứng đáng. Bí tích Thánh Thể chính là trung tâm đời sống Giáo Hội, trung tâm đời sống của các Kitô hữu, là trọng tâm và mục đích của đời sống bí tích. Tất cả các bí tích khác đều đồng quy về bí tích Thánh thể và từ bí tích Thánh thể, các hồng ân tràn sang các bí tích khác. Tuy nhiên, để nhận được những hiệu quả cách hữu hiệu và tròn đầy, ta cần phải chuẩn bị tâm hồn mình cách xứng và đầy ý thức. Giáo Hội mong muốn rằng, mỗi người, trước khi đến lãnh nhận bí tích Thánh Thể, cần phải tinh luyện tâm hồn mình, ít là phải cố gắng sao cho sạch hết các tội trọng “Tuy nhiên, chúng ta phải luôn luôn chăm chú làm sao cho cuộc gặp gỡ cao siêu này với Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể, không bao giờ trở thành một thói quen máy móc đối với chúng ta, không bao giờ lãnh nhận Đức Kitô cách bất xứng, nghĩa là trong tình trạng tội lỗi. Việc thi hành các việc đền tội và bí tích xám hối là những điều cần thiết để nâng đỡ và làm cho thái độ sùng kính trở nên sâu xa trong chúng ta, thái độ mà con người phải giữ đối với Thiên chúa và đối với tình yêu đã được mạc khải cách kỳ diệu… Việc tôn sùng Thánh Thể không nhằm phụng thờ một Đấng Siêu Việt vô phương đạt thấu, cho bằng phụng thờ một Thiên chúa chiếu cố đến con người. Nhờ việc tôn sùng đó, trong trái tim con người, thế giới được biến đổi nhờ lòng nhân từ và kế hoạch cứu độ của Thiên chúa”.

c/. Bí tích Thánh Thể là bí tích của tình thương, tình thương tự hiến, tình thương trao ban và tình thương liên kết. Vì yêu thương, Đức Giêsu đã muốn ở lại với chúng ta cho đến tận thế. Bí tích Thánh Thể là dấu chứng của tình yêu thương này. Yêu mến Chúa Giêsu đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể, siêng năng thăm viếng Thánh Thể chính là cách thế đáp trả tình yêu thương của Chúa Giêsu “Sự tôn thờ Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể chính là thái độ đáp lại của những người muốn trọn nghĩa với tình thương đã hy sinh cho đến chết trên Thập Giá : đó là cách chúng ta “Tạ Ơn”. Chúng ta tạ ơn Chúa Giêsu vì chúng ta đã được chuộc lại nhờ cái chết của Người và được trở thành những người tham dự vào đời sống bất tử nhờ cuộc phục sinh của Người… Thái độ tôn sùng này phải hiện rõ mỗi lần chúng ta gặp Mình Thánh Chúa, - khi chúng ta thăm viếng các nhà thờ, - hay khi đem Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân. Sự thờ phượng Đức Kitô trong bí tích tình thương này phải tìm cách diễn tả sau đó trong nhiều hình thức tôn sùng mầu nhiệm Thánh Thể : Cầu nguyện riêng tư trước Mình Thánh Chúa; Trưng bày và tôn thờ Thánh Thể trong thời gian ngắn hoặc dài; Chầu Thánh Thể; các cuộc rước Thánh Thể; các đại hội Thánh Thể…Chính Đức Giêsu đang chờ đợi chúng ta trong mầu nhiệm tình thương đó. Chúng ta đừng tiếc rẽ thời giờ của chúng ta. Hãy đến gặp Người trong thái độ tôn thờ, chiêm niệm trong tinh thần đức tin và luôn sẵn sàng đền bồi những lỗi lầm của thế giới. Chúng ta không bao giờ được ngừng việc thờ phượng Thánh thể !”

2/. Linh mục giúp giáo dân hiểu và sống Thánh Lễ.

Trong tông thư Mane nobiscum Domine, gởi cho hàng giám mục, hàng giáo sĩ và các tín hữu, ban hành tại Vatican ngày 07/10/2004, số 17-18, Đức Gioan Phaolô II đã lưu ý mọi người đặc biệt lưu tâm đến các việc cử hành, thờ lạy và chiêm ngưỡng Thánh Thể một cách đúng đắn và xứng đáng : “Thánh Thể là bí tích trọng đại ! Mầu nhiệm này trước hết cần phải được cử hành cho đúng đắn. Thánh lễ phải giữ vị trí trung tâm của đời sống Kitô hữu và trong mỗi cộng đoàn, phải làm hết sức có thể để Thánh Lễ được cử hành một cách xứng đáng, tôn trọng những quy tắc đã được đưa ra, có người tham dự, cùng với các thừa tác viên khác nhau thi hành những phận vụ đã được trao phó cho họ, và chú ý nghiêm túc đến tính cách thánh thiêng của những bài hát và của âm nhạc phụng vụ”. Đức Thánh Cha còn đề nghị chúng ta, trong suốt năm Thánh Thể này, trong mỗi cộng đoàn giáo xứ, nên đọc lại và học hỏi, nghiên cứu, tìm hiểu Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma. Ngoài ra, Ngài còn căn dặn chúng ta phải trung thành bước theo diễn tiến của Năm Phụng Vụ. Chúng ta nên cùng nhau học hỏi, tìm hiểu và sống ý nghĩa của những cử chỉ và những lời nói của Phụng Vụ. Việc làm đó giúp cho các tín hữu hiểu rõ và sống Phụng Vụ một cách tích cực hơn. (x. MnD số 17).

2a/. Thánh Lễ là nơi Giáo Hội quy tụ.Nhờ Thánh Lễ và trong Thánh Lễ, Giáo Hội quy tụ các con cái của mình, quây quanh Bàn Tiệc Thánh và Tiệc Lời Chúa, nhờ đó, mỗi ngày họ sống gắn bó với Thiên Chúa Ba Ngôi, với Chúa Giêsu và với nhau ngày một hơn “Thánh Lễ xuất hiện ở bất cứ nơi nào và luôn luôn như là hành động căn bản của Giáo Hội quy tụ các tín hữu. Thật vậy, trước khi quy tụ lại quanh bàn tiệc Thánh Thể, các tín hữu này đã gắn bó đức tin vào Chúa Kitô : như thời các thánh Tông Đồ, họ không thể sống mà không đón nhận Lời Người, không cầu nguyện và thực hành chia sẻ này, không làm chứng cho sự hiện diện của Người giữa trần gian. Dù vậy họ biết rằng họ chỉ trở thành Nhiệm Thể của Người khi họ đến để nhận ra Người, đón nhận Người như Người tự mạc khải cho họ và liên kết với họ trong Thánh Thể”.

Việc quy tụ các tín hữu trong Thánh Lễ để hướng mọi người về vương quốc mới, về một thế giới mới, thế giới mới này đã bắt đầu trong cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô; thế giới mới ấy đang hiện diện giữa chúng ta và chúng ta là những chứng nhân “Được Thiên Chúa Cha quy tụ lại quanh Đức Kitô và trong Thánh Thần, nhờ tay thừa tác viên mà Thiên Chúa đã tuyển chọn, Giáo Hội đón nhận mặc khải về một thế giới mới. Khi rời bỏ trần gian này mà về cùng Cha (xem Ga 13,1), trong bước chuyển của tình yêu tuyệt đối, trong đó cuộc khổ nạn và phục sinh là hai thời đoạn không thể tách rời nhau được, Đức Kitô cùng mang với Người cái mới mẻ của cuộc sống vượt quá suy tư của loài người. Trong cuộc vượt qua của Người, nhân loại đạt tới cùng đích của thời gian : nhân loại nhận lãnh lời hứa cho chính việc phục sinh của mình. Vương quốc giao hòa đã dứt khoát khai mở : những người đã được Đức Kitô cứu chuộc, nay cũng được mời gọi hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau. Vì Thiên Chúa đã làm cho con mình thành hoa quả đầu mùa cho thế giới mới, nên chúng ta đã bước vào thế giới này, khi được hiệp thông với Đức Kitô.

Khi quy tụ chúng ta để cử hành bí tích Thánh Thể, Đức Kitô, một khi đã trở thành “trưởng tử giữa các kẻ chết” (Cl 1,18), muốn chiếu tỏa ánh sáng phục sinh của mình và thông chia sức mạnh Thần Khí của Người cho chúng ta đang trầm luân giữa thế giới cũ vì mù quáng và ù lì như các Tông Đồ xưa. Mỗi thánh lễ được giao phó cho Giáo Hội như một hành động ngôn sứ, để Giáo Hội thông hiểu và công bố rằng, thế giới mới, đã bắt đầu trong cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô. Thế giới mới ấy đang hiện diện giữa chúng ta và chúng ta là chứng nhân. Khi cử hành thánh lễ, Giáo Hội được ban cho hy vọng : cùng với Đức kitô, Giáo Hội chia sẻ vào việc hình thành một nhân loại được cứu độ và được quy tụ, để mong chờ ngày Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1Cr 15,28).

Tuy nhiên, để xứng đáng là công dân của một vương quốc mới đó, các Kitô hữu phải tỏ ra xứng đáng bằng cách 1/. Tích cực qua việc trung thành thực thi thánh ý của Thiên Chúa 2/. Tinh thần sám hối, cố gắng mỗi ngày bớt bất xứng nhờ việc năng sám hối về những lỗi lầm và quyết tâm sửa chữa “Cuộc quy tụ thánh lễ không chỉ rút gọn vào một việc gặp gỡ huynh đệ, cũng không chỉ là dịp để tỏ bày tình liên đới nhân loại, cũng không phải là phương tiện siêu nhiên để che đậy các mặt yếu đuối của con người, nhưng là một cuộc triệu tập dựa theo khuôn mẫu của Giao ước : Thánh lễ chính là cách thức Thiên Chúa dìu Giáo hội vào lịch sử Giao ước : khi quy tụ dân, Người đòi buộc họ phải luôn trung thành với ý muốn của Người. Từ giây phút đó, chúng ta phải có những thái độ cá nhân và xã hội rập khuôn thái độ của Thiên chúa và âm vang ngay trong thế giới. Khi chúng ta dấn thân để thực hiện công bằng và bác ái, chúng ta chấp nhận thực hiện cho mọi kẻ khác những gì Thiên Chúa công chính và nhân từ đã làm cho chúng ta nơi Đức Kitô.

Khi giúp chúng ta hưởng ân huệ của Thiên Chúa, Thánh Thể cũng đặt chúng ta trước những bổn phận của mình: cuộc sống và đức tin của chúng ta có đáp lại lời mời gọi của Đấng quy tụ chúng ta không ? Nếu như Thiên Chúa mặc khải và tặng ban cho loài người những điều kiện cho một cuộc hiện sinh mới nhờ vào sự kiện Vượt Qua, thì cũng nhờ việc sám hối của chúng ta mà tính chất mới này càng ngày càng được hiện thựa trong lịch sử hôm nay”.

2b/. Trong Thánh Lễ, Giáo Hội công bố Lời Chúa.Lời Chúa luôn cùng đi với lịch sử cứu độ. Qua lịch sử đó, Thiên Chúa tự mạc khải là Thiên Chúa của Giao Ước, Thiên Chúa trung tín và nhân từ. Người gởi gấm ý định cứu độ của mình cho dân. Qua việc phục vụ Lời Chúa, Giáo Hội cố gắng tìm hiểu ý định của Thiên Chúa, hiệp thông và ứng đáp cách phấn khởi. Lời Chúa được phán ra để Người tự mặc khải cho chúng ta và nói lên điều Người mong chờ nơi chúng ta. Thánh Kinh sẽ không trở thành Lời, sẽ là mặt chữ chết nếu không được dân Chúa chuyển đạt, giải thích và diễn đạt chính thức cho con người ở mọi thời và mọi nơi. Cộng đoàn tín hữu quy tụ quanh Đức Kitô, đón nhận Lời bằng đức tin của mình và sẵn sàng làm chứng cho Lời trong thế giới.

2c/. Trong Thánh lễ, Giáo Hội tạ ơn Thiên Chúa Cha.Việc Tạ Ơn Thiên Chúa trong thánh lễ không được coi như là một phần của mầu nhiệm Thánh Thể, nhưng là hành động trọng tâm. Toàn thể những sinh hoạt trong thánh lễ đều hướng đến việc Tạ Ơn Thiên Chúa, đều thấm nhuần tâm tình Tạ Ơn. Chúng ta phải dâng lời tạ ơn Thiên Chúa :

* Vì vô số những ơn lành Người đã rộng ban : “Thánh lễ chính là hành động Tạ Ơn của con người dâng lên Thiên Chúa, tạ ơn vì mọi ơn lành đã lãnh nhận từ Thiên Chúa. Ơn trọng đại nhất chính là việc Thiên chúa ban tặng Con Yêu Quý của Người cho chúng ta, khi Người thực hiện lời hứa, biến chúng ta thành nghĩa tử.

Cuộc Vượt Qua của Đức Kitô canh tân ý nghĩa lễ Vượt Qua của Do Thái. Giáo Hội không những tạ ơn cho cuộc Xuất Hành ra khỏi Ai Cập, nhưng còn tạ ơn vì cuộc giải thoát khỏi tội lỗi. Không những vì manna trong sa mạc, nhưng còn vì tấm bánh trường sinh. Không những vì Giao Ước Sinai, nhưng còn vì Lề Luật của Thánh Thần. Giáo Hội chúc tụng Thiên Chúa vì Người đã can thiệp dứt khoát cho hạnh phúc chúng ta qua cái chết và sự phục sinh của Thánh Tử Giêsu”.

* Chúng ta còn phải tạ ơn Thiên chúa vì một cuộc hiện sinh Thánh Thể : “Việc cử hành thánh lễ dạy chúng ta biết sống cuộc đời Thánh Thể, tức là cử hành Thánh Thể trong mọi sự, không chỉ trong thời gian ở thánh lễ, nhưng còn xuyên xuốt qua mọi biến cố trong cuộc sống hằng ngày. Cuộc sống của chúng ta, những sản phẩm từ bàn tay lao động của chúng ta như hoa quả từ trái đất, bánh và rượu… đều là ân ban của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ không giữ chúng lại cho riêng chúng ta, nhưng chúng ta dâng lên Người trong một cử chỉ dâng hiến, chứ không phải chiếm hữu. Trong một thế giới chạy theo sản phẩm và tiêu thụ, con người chỉ được giải phóng khi học biết dâng hiến và tạ ơn tất cả mọi hồng ân của Thiên Chúa mà họ khám phá trong lịch sử và trong cuộc sống của anh em mình. Trong một thế giới mà con người thường chạy theo bạo lực và dối trá, khi bóc lột, gian xảo và làm biến dạng đồng loại, con người chỉ được chúc phúc khi tự nhận mình là Con Thiên Chúa theo hình ảnh Thánh Tử, khi sẵn sàng được Cha đón nhận và dâng lên Người “hy tế thiêng liêng” với trọn cuộc sống mình và anh em trong nhân loại, với tâm tình tạ ơn”.

2d/. Trong thánh lễ, Giáo Hội tưởng niệm Đức Kitô tử nạn và Phục Sinh :“Mỗi lần anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền Chúa đã chịu chết, cho đến khi Người lại đến (1Cr 11,26). Lời loan báo này cho thấy, không những chúng ta tưởng niệm một sự kiện quá khứ, nhưng còn tham gia vào hành động cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Chính nhờ Đức Kitô và trong Đức Kitô mà thế giới này được cứu độ và vạn vật đã được canh tân trọn vẹn. Cho nên, khi cử hành thánh lễ, Giáo Hội sống lại cuộc Vượt Qua của Đức Kitô như sự kiện giải phóng dứt khoát của nhân loại. Đức Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm… Trong Người, chúng ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi (Cl 1,13). Khi chết và sống lại, Đức Kitô đã bẻ gẫy xiềng xích trói buộc nhân loại vào tội lỗi. Khi được đưa về trời, Người không ngừng lôi kéo chúng ta lên với Người, để rồi đưa ta về với Chúa Cha. Trong cuộc Vượt Qua, chúng ta được giải thoát để sống như con người tự do, khi phó nộp mạng sống mình cho Chúa và cho anh em.

Khi tưởng niệm những gì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta qua cuộc Vượt Qua của Con của Người, Giáo Hội bị đặt trước trách nhiệm của mình. Nếu như cuôc tưởng niệm giúp chúng ta hiệp thông vào hành động của Thiên Chúa, khi Người cứu chúng ta, thì cũng gây những ảnh hưởng trên hành động con người của chúng ta trong những hoàn cảnh cụ thể hôm nay. Việc chia sẻ ân sủng của Thiên Chúa luôn mang lại cho chúng ta những trách nhiệm cụ thể :

* Trước hết là trách nhiệm giải phóng con người. Vì Đức Kitô đã giải thoát chúng ta từ sâu thẳm của cuộc sống, đến lượt chúng ta, chúng ta có trách nhiệm đối với việc giải phóng anh em, trong Danh Đức Kitô, Đấng cứu chuộc loài người, và trong cách thức của Người : có nghĩa là cùng nhắm một mục đích như Người và sử dụng cùng những phương tiện y như Người đã sử dụng. Cùng một mục đích đó là giải thoát chúng ta khỏi nô lệ tiền bạc, lợi nhuận, bạo động hay quyền lực. Đó là cố gắng giúp chúng ta biến đổi những điều kiện xã hội và kinh tế, ngăn cản con người sống tự do và công bình thực sự. Đó là chống lại những ai sử dụng bạo lực, dối trá, lạm dụng quyền hành như phương tiện thống trị. Chúng ta không phục vụ cho một hệ thống lý tưởng hay chính trị nào. Chúng ta phục vụ cho con người, cho từng người mà phẩm giá của họ là vô giá, phục vụ mọi người, kêu gọi họ nhận ra mình là Con Thiên Chúa và tham gia vào việc xây dựng một thế giới tự do, trong đó sự bình đẳng cơ bản của mọi người trước mặt Thiên Chúa được công nhận hữu hiệu. Cùng một phương tiện, nếu như chúng ta chia sẻ vào thân xác bị phó nộp và máu bị đổ ra của Đức Kitô để trở thành những con người tự do, thì chúng ta cũng được mời gọi trở thành “tấm bánh được bẻ ra cho một thế giới mới”, sẵn sàng phó nộp cuộc sống của mình, thay vì gìn giữ nó, ngay qua những trận chiến mà chúng ta tham dự. Sức lực của chúng ta không đến từ bên ngoài : nó chính là sức lực của tự do trong tình yêu, gắn kết chúng ta vào sức lực của Đức Kitô, duy chỉ mình Người mới có thể giải thoát nhân loại khỏi mọi thứ vong thân. Do đó, việc cử hành thánh lễ sẽ giúp cho trọn cả cuộc sống của Giáo Hội trở thành “Bí Tích Giải Phóng” cho mọi người. Trong mục đích đó, Giáo Hội được luôn kêu gọi tự giải thoát mình khỏi những gì làm cho mình ra nặng nề hay cản trở bước tiến của mình, khỏi những gì ngăn cản mình làm chứng cho sự tự do của Đức Kitô, khi Người đến tìm và cứu chữa những gì đã hư mất (Lc 19,10). Những Kitô hữu còn tù túng trong lấn cấn riêng tư của mình sẽ không thể nào loan báo cho kẻ khác sự tự do đích thực được. Nhưng nếu thánh lễ lôi kéo họ bước theo Đức Kitô, bấy giờ họ sẽ lãnh nhận được sức mạnh để chiến đấu cho chính mình và anh em, để không bao giờ trở thành đối tượng cho người khác thao túng, nhưng họ biết khao khát và xây dựng một thế giới, trong đó quyền lợi và phẩm giá của mọi người được tôn trọng, không những trong lời nói, mà cả trong thực tế.

* Trách nhiệm giao hòa : Nếu Đức Kitô đến để tái lập điều kiện cho một cuộc sống giao hòa với Thiên Chúa và với nhau như những người con của Người, đến phiên chúng ta, chúng ta phải đem cả đời sống chúng ta dấn thân cho một cuộc sống giao hòa, được tỏ lộ cụ thể trong một thế giới còn nhiều chia rẽ. Làm sao chúng ta có thể cử hành lễ tưởng niệm việc giao hòa của chúng ta mà lại đối xử với kẻ khác như thù địch không thể giao hòa, những kẻ thù mà người ta luôn nghi ngờ, mà người ta phải chiến đấu với tất cả sức mạnh của khí giới, tiền bạc và lý tưởng ? Làm sao chúng ta vừa có thể cử hành lễ Giao Ước Mới, vừa xem hận thù như luật sống của cuộc đời được ? Làm sao chúng ta vừa có thể trao cho nhau bình an của Đức Kitô, vừa có những thái độ luôn chống đối Thiên Chúa, thù địch với kẻ khác và khinh khi chính bản thân chúng ta ? Thánh Thể và việc giao hòa giữa nhân loại. “Được quy tụ quanh Đức Kitô, Đấng thông ban ơn tha thứ của Thiên Chúa cho chúng ta, chúng ta học được từ Người cách thế để tiến về Cha như những người con không bao giờ thất vọng vì những vấp ngã của mình và tiến về anh em, khi tin tưởng rằng sự giao hòa là một sức sống mãnh liệt có khả năng khơi mở tương lai cho mọi người và cho mọi dân tộc, khi thắt chặt những mối dây liên kết mà ích kỷ và sự sợ sệt đã phá hủy hay làm căng thẳng. Việc cử hành Thánh lễ theo chân lý Đức Kitô, sẽ giúp cho Giáo Hội trở thành “Bí Tích Giao Hòa” cho mọi người. Trong mục đích đó, Giáo hội được luôn mời gọi để xây dựng những dụ ngôn giao hòa, khi dâng hiến cho những kẻ còn bị chia rẽ, những địa điểm và phương tiện để họ gặp gỡ, trao đổi và cùng nhìn về Đấng đã bị kẻ thù đâm thâu (Ga 19,37; Kh 1,7) nhưng luôn tha thứ và gọi chúng ta đến để tha thứ”.

2e/. Trong Thánh Lễ, Giáo Hội kêu cầu Chúa Thánh Thần.Thánh Lễ là Anamnese, là tưởng niệm những gì Chúa đã làm cho chúng ta, nhưng Thánh Lễ cũng là Epiclèse, lời kinh hướng về Thánh Thần, xin Người cho hoa trái của mầu nhiệm Phục Sinh được viên mãn. Các kinh nguyện Thánh Thể cũng cho ta thấy rõ ràng rằng hành động Tạ Ơn và Tưởng Niệm luôn đi kèm theo một lời khẩn cầu, xin Thiên Chúa hoàn tất công trình của Người nhờ tác động của Chúa Thánh Thần.

2f/. Trong Thánh Lễ, Giáo Hội hiệp thông vào Thân Mình Chúa Kitô.Chính Thánh Thể là nguồn mạch nuôi dưỡng và xây dựng Giáo Hội, xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô mà chúng ta là những chi thể, ngày một lớn mạnh hơn. Thánh Thể không chỉ dưỡng nuôi, nhưng còn quy tụ, liên kết các tín hữu ở khắp mọi nơi lại với nhau, giúp cho thân mình mầu nhiệm của Đức Kitô ngày một tăng trưởng hơn lên và cùng hướng về Vương Quốc vĩnh cửu : “Như tấm bánh được bẻ ra này, trước kia là những hạt lúa được gieo rắc trên mọi cánh đồng, được thu nhặt về làm nên một tấm bánh, xin Cha quy tụ Giáo Hội từ bốn phương trời vào trong Vương Quốc của Cha” (Didachè 9,4). Do đó, thật là bất xứng cho những ai đến rước Mình Thánh Chúa, tham dự vào Bàn Tiệc Thánh Thể, dấu chỉ và nguồn gốc của nhiệm thể Giáo Hội, mà không hiệp thông cuộc sống với Cha trên trời và anh chị em của Đức Kitô. Họ chỉ muốn hưởng dùng lương thực tạo thành Giáo Hội, mà vẫn xa lìa Đầu và xa lìa những chi thể khác bằng thái độ dửng dưng, chỉ lo cho cuộc sống của riêng bản thân mình, từ chối hiệp thông với anh em, coi thường lời mời gọi của Giáo hội.

2g/. Trong thánh lễ, Giáo Hội chia sẻ sứ vụ với Đức Kitô.“Đức Kitô đòi buộc chúng ta cụ thể hóa những gì Người đã ban cho chúng ta trong bí tích Thánh Thể, ngay chính trong môi trường sống của chúng ta. Tấm bánh được chia sẻ biến chúng ta thành những kẻ biết chia sẻ. Cộng đoàn Thánh Thể sẽ trở thành sức mạnh để biến đổi thế giới này, theo cách thức men trong bột. Tình liên đới nhân loại có một chiều kích bí tích. Chúng ta không thể kết hợp với Đức Kitô mà lại tách lìa khỏi những con người đang đói khát, những ai xa lạ, tù đày, bệnh hoạn, tứ cố vô thân trước những người bóc lột. Chỉ vì Đức Kitô đã tự đồng hóa với những người này. Tuy nhiên, chúng ta không được phép dùng “bí tích kẻ nghèo” (sacrement du pauvre) để thay thế cho bí tích Thánh Thể. Trong thực tế, bí tích kẻ nghèo bắt nguồn trong bí tích Thánh Thể, diễn tả và là kết quả của bí tích Thánh Thể. Cả hai như hai mặt của một thực tại, đó là thực tại của Đức Kitô, Đấng đến để kết hợp với nhân loại và với từng người một, đó là thực tại của cuộc sống con người được canh tân và phong phú nhờ hồng ân Thiên chúa.

Không thể nào cử hành mầu nhiệm Đức Kitô nghèo khổ, hiền lành và khiêm nhường trong lòng, nhân từ, sứ giả hòa bình và là Đấng bị bách hại vì lẽ công chính, mà đến phiên chúng ta lại không trở thành nghèo khổ, hiền lành, khiêm nhường, nhân từ, hiếu hòa và công chính. Nếu như chính chúng ta không trở thành”tấm bánh được bẻ ra cho thế giới mới” vì mầu nhiệm đức tin đang hoàn tất trong tình yêu và đang biến đổi nhân loại này hằng ngày.

Khi cử hành thánh lễ, các giám mục và linh mục được đặt vào trọng tâm của mầu nhiệm bác ái. Bước theo Đức Kitô, Đấng tiến dần đến từng người, nhất là những ai đói khát điều công chính, và bước theo các Tông Đồ và Tử Đạo, những vị không sợ hiến mạng sống để anh chị em mình được giao hòa, họ đang phục vụ cho một dân tộc không bao giờ được rời bỏ việc thực hành cũng như thực hành của Các Mối Phúc. Chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để trở thành một dân “chứng tá”, tìm nguồn sinh lực từ nơi Đức Kitô chịu đóng đinh và vinh hiển, để chiến đấu và để yêu chính kẻ thù của mình, cũng như cầu nguyện cho họ.

Trong một thế giới ngộp thở vì dối trá, bạo lực hay tầm thường, có lẽ chứng tá được minh chứng cách tập thể trong suốt đời sống và được phong nhiêu nhờ vào bí tích Thánh Thể, là phương tiện duy nhất có hiệu quả thực sự để minh chứng rằng không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, chúa chúng ta” (Rm 8,39).

3/. Linh mục giúp tạo điều kiện để giáo dân siêng năng Chầu Mình Thánh Chúa.

Việc tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, cho đến nay, ở nhiều nơi vẫn còn giữ lấy truyền thống tốt đẹp này. Việc tôn thờ này đã mang lại lợi ích thiêng liêng cho biết bao nhiêu người. Chẳng hạn, vùng Montmartre, thuộc thành phố Paris, nổi danh là nơi ăn chơi, trụy lạc và tội lỗi nhất. Nhưng cũng ngay tại đó, lại mọc lên một ngôi đền thờ rất lớn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và có chầu Thánh Thể liên tục suốt ngày đêm. Mình Thánh Chúa được đặt trong chiếc hào Quang cao ba thước, phải có bậc thang ở phía sau để thay Bánh Thánh. Chính tại nơi đây, luôn có những người tình nguyện, là người Pháp ở khắp nơi trong nước Pháp, cũng như có những người ngoại quốc thuộc nhiều nước trên thế giới, đăng ký đến chầu Thánh Thể, một hoặc hai ngày nhất định trong mỗi năm. Đến ngày hẹn, họ đến nhận phiên chầu tại Monmartre, hết phiên lại trở về nhà. Ngoài ra còn có những người, ngay tại thủ đô Paris, luôn tình nguyện sẵn sàng thay thể đến chầu thay, trong trường hợp những phiên chầu của một ai đó ở xa, không thể đến được vì bị trắc trở. Mỗi lần như thế, ban tổ chức chỉ cần gọi điện thoại là họ sẵn sàng thu xếp công việc để đến ngay cùng Chúa Giêsu Thánh Thể để cầu nguyện và chầu Chúa thay cho những người đang bị kẹt không thể đến được và nhất là cầu thay cho những kẻ tội lỗi đang mãi mê trong tội ngay ở phía dước chân đồi !

Việc giúp cho giáo dân siêng năng chầu Thánh Thể ngòai Thánh Lễ là một việc làm hết sức cần thiết và hữu ích. Đức Giám mục Ruben J. Drofugo, giám mục giáo phận Lucena cho chúng ta một kinh nghiệm quý báu về lợi ích của việc giúp cho giáo dân năng chầu Thánh Thể. Ngài nói : "...Nhờ chầu Thánh Thể liên tục mà giáo phận tôi đã tránh được tình trạng bạo lực và bạo hành, trước đó có nguy cơ chia rẻ nghiêm trọng trong giáo phận. Các linh mục và giáo dân của giáo phận chúng tôi đều tin rằng việc chầu Thánh Thể liên tục đã giúp bảo vệ giáo phận có được sự bình an và trật tự. Chúng tôi đặt tất cả niềm xác tín và lòng tin tưởng của mình vào tình yêu và vào quyền năng của Chúa Giêsu ngự thật trong bí tích Thánh Thể, và Ngài đã không làm cho chúng tôi thất vọng....

Một điều tôi muốn lưu ý là Chúa Giêsu không hiện diện trong bí tích Thánh Thể một cách "thụ động", nhưng rất tích cục và linh họat. Ngài chính là vị mục tử nhân lành. Ngài không kéo dân chúng ra xa các bí tích. Ngài không làm cho dân chúng phải mệt mỏi và chán ngán trong các giờ chầu, nhưng giúp họ thêm tươi tỉnh, khỏe mạnh. Ngài đúng là Chúa các chúa, Vua các vua. Như thế, việc chầu Thánh Thể liên tục không hề là mối nguy hiểm hay điều vô ích, bởi lẽ Chúa là Đấng duy nhất có thể đứng ra bảo vệ, khôi phục, chữa lành và hợp nhất chúng ta lại thành một".

Mẹ Têrêsa Calcutta cũng có nhiều kinh nghiệm đối với việc chầu Thánh Thể : "Mỗi ngày tôi chầu Chúa Giêsu Thánh Thể một giờ. Mọi chị em trong Dòng Thừa Sai Bác Ái cũng đều có một giờ chầu mỗi ngày, vì chúng tôi nhận thấy rằng xuyên qua giờ chầu ấy, tình yêu của chúng tôi dành cho Chúa Giêsu ngày càng mật thiết hơn; tình yêu giữa các chị em chúng tôi trở nên cảm thông hơn và tình yêu của chúng tôi đối với người nghèo càng đượm tình thương xót hơn...Nhờ chầu Thánh Thể thường xuyên mà số ơn gọi của chúng tôi đã không ngừng gia tăng...

Khi nhìn lên Thánh Giá, bạn hiểu được Chúa Giêsu đã yêu thương bạn dường nào. Khi nhìn vào Bánh Thánh, bạn sẽ cảm nghiệm được Chúa Giêsu hằng yêu thương bạn vô cùng. Chính vì thế, bạn nên xin Cha sở của bạn mở Phong trào Chầu Thánh Thể liên tục trong giáo xứ của bạn đi. Nếu chưa thể bắt đầu chầu Thánh Thể liên tục mỗi ngày 24 giờ ngay, thì ít ra hãy khởi sự một giờ chầu mỗi tuần. Tôi nài xin Mẹ Chí Thánh khơi động tâm hồn các cha sở để các Ngài tổ chức giờ chầu Thánh Thể liên tục trong giáo xứ và quảng bá việc tôn sùng này trên khắp thế giới".

4/. Linh mục giúp giáo dân cảm nghiệm được sự cần thiết của bí tích Thánh Thể.

Đối với các kitô hữu, việc lãnh nhận Bí Tích Thánh thể rất cần thiết cho ơn cứu độ. Điều này đã được chính Đức Kitô khẳng định : “Thật, tôi bảo thật các ông, nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con người, các ông không có sự sống đời đời” (Ga 6,53). Chính vì sự cần thiết cho ơn cứu độ của các tín hữu mà Giáo Hội đã định ra luật buộc các tín hữu trong năm phải xưng tội rước lễ, ít nhất là một lần, trong mùa Phục Sinh[1]. Muốn rước lễ, trước tiên cần phải thanh luyện tâm hồn mình cho tinh sạch, nhất là phải sạch các tội trọng. Ngoài ra, còn cần phải tham dự Thánh Lễ. Mỗi lần tham dự Thánh Lễ là một lần chính mỗi người chúng ta được thông dự vào giao ước mới. Chúng ta được thông dự, được tham gia, được đóng góp vào đó chứ không đi coi ông cha làm lễ hoặc đi “xem” lễ một cách bàng quang, như người ngoại cuộc. Ngoài ra, mỗi lần hiệp lễ, được tham dự vào bữa tiệc hiệp thông, chúng ta được hiệp thông thực sự với Thiên Chúa Ba Ngôi và với nhau. Sự hiệp thông đó gắn kết sự sống của chúng ta vào với sự sống của chính Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh và cuộc đời của chúng ta dần dần sẽ được biến đổi, cũng như thánh Phaolô đã được biến đổi :”Tôi sống nhưng không còn phải là tôi sống mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi” (…….).

4a/. Hiệu quả của Bí Tích Thánh Thể.Hiệu quả của Bí Tích Thánh Thể nằm trong chính lời hứa của Đức giêsu : “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở trong tôi và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy…Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,54-58).

4a1/. Hiệu quả chính yếu và trước tiên là được kết hiệp với Đức Kitô.Trong bữa tiệc hiệp thông của Chúa, khi lãnh nhận bí tích Thánh Thể, chúng ta được rước chính mình và máu Chúa, được kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô. “Hy tế Thánh Thể tự nó hướng tới việc hiệp nhất thâm sâu của chúng ta là những tín hữu với Chúa Kitô qua việc rước lễ : chúng ta nhận lấy chính Ngài, Đấng đã tự hiến cho chúng ta, chúng ta nhận lấy thân mình Ngài, thân mình mà Ngài đã nộp vì chúng ta trên thập giá, máu mà ngài đổ ra cho nhiều người được tha tội…”[2]. Việc rước mình và máu Chúa cho ta được kết hiệp mật thiết với Ngài. Sự kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu nhờ việc rước lễ, mang đến cho các Kitô hữu những ân huệ thật lớn lao, và một cuộc sống đầy những kết quả thật tốt đẹp, như chính Đức Giêsu đã tuyên bố : “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,1-6). Nhờ bí tích Thánh Thể, chúng ta được sống trong Chúa, và nguồn sinh lực dồi dào sẽ từ Người tràn lan xuống cho chúng ta, đó chính là đời sống siêu nhiên trong ân sủng.

Các Kitô hữu được kết hiệp với Đức Giêsu theo mẫu kết hiệp của Chúa Con với Chúa Cha : “Lạy Cha, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17,21). Nhờ kết hiệp với Chúa Kitô, các Kitô hữu được kết hiệp với Chúa Cha nhờ Chúa Thánh Thần. Nói cách khác, nhờ kết hiệp với Chúa Kitô, chúng ta được kết hiệp với Chúa Ba Ngôi.

Ngoài ra, khi hiệp lễ, chúng ta được kết hiệp với Chúa Kitô như là Đầu của Nhiệm Thể nhiệm mầu là Giáo Hội, thì chúng ta cũng được kết hiệp vào Nhiệm Thể này và trở nên một với tất cả mọi người. Thánh Phaolô đã cảm nhận cách sâu xa chân lý này khi đặt nền tảng cho sự hiệp nhất của Giáo Hội trên việc hiệp lễ của các Kitô hữu : “Bởi vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cor 10,17).

4a2/. Bí Tích Thánh Thể là lương thực nuôi sống và giúp phát triển đời sống siêu nhiên.* Bí tích Thánh Thể nâng đỡ đời sống siêu nhiên nhờ trao ban cho người lãnh nhận sức mạnh siêu nhiên, giúp làm suy yếu những đam mê vô trật tự bằng cách – củng cố đức ái, - củng cố ý chí để có thể chống lại các cơn cám dỗ, can đảm tránh xa những dịp tội, tránh xa những dịp hiểm nghèo. Công đồng Tridentino gọi bí tích Thánh Thể là “phương thuốc bảo vệ chúng ta chống lại các tội nặng”: “Việc rước lễ giúp chúng ta xa lánh tội lỗi. Chúng ta rước lấy Mình Chúa Kitô đã phó nộp vì chúng ta và máu đã đổ ra cho mọi người được tha tội. Vì thế bí tích Thánh Thể không thể kết hiệp chúng ta với Chúa Kitô, nếu không thanh tẩy chúng ta khỏi tội đã phạm và giúp chúng ta xa lánh tội lỗi” (CCCC 1393). Mỗi lần chúng ta đón nhận Người, chúng ta loan truyền Người đã chịu chết, thì đồng thời cũng loan truyền ơn tha tội. Máu Người đổ ra là để cho ta được ơn tha thứ, tôi phải rước lấy để tội tôi được tha. Tôi luôn cảm thấy mình yếu đuối, luôn dễ dàng sa ngã, dễ dàng phạm tội, nên tôi cũng luôn cần một phương dược để được tha thứ, để được cứu độ.

* Bí tích Thánh Thể gia tăng đời sống ân sủng hiện có bằng cách củng cố tình trạng siêu nhiên của ân sủng. “ Như của ăn vật chất mang lại sự sống cho thân xác thế nào, việc rước lễ cũng đem lại sự sống kỳ diệu cho đời sống thiêng liêng như vậy. Khi các tín hữu rước lấy Mình của Đấng Phục Sinh, Mình đã được sống động nhờ Thánh Thần và làm cho người ta được sống, đời sống ân sủng đã lãnh nhận trong bí tích Thánh Tẩy được gìn giữ, phát triển và canh tân. Để đời sống ân sủng tăng triển, các Kitô hữu phải được bí tích Thánh Thể là Bánh dành cho kẻ lữ hành trần thế dưỡng nuôi cho đến giờ lâm tử; lúc ấy họ sẽ đón nhận như của ăn đàng” (CCCC 1392). Là bí tích của kẻ sống, bí tích Thánh Thể đòi buộc người lãnh nhận phải ở trong tình trạng ân sủng.

* Bí tích Thánh Thể chữa lành các bệnh tật của linh hồn, khi tha thứ các tội nhẹ và các hình phạt tạm của tội. Công đồng Tridentino gọi bí tích Thánh Thể là “phương thuốc giúp chúng ta thoát khỏi các tội nhẹ thường phạm hằng ngày”. Việc tha thứ các tội nhẹ và hình phạt tạm được thực hiện cách gián tiếp qua hành động của tình yêu thiện hảo nhờ việc lãnh nhận bí tích Thánh Thể gợi dậy và tùy theo mức độ của tình yêu. Ngoài ra, việc năng rước lễ còn giúp chúng ta xa lánh được tội trọng hiểm nghèo : “Nhờ tình yêu mà bí tích Thánh Thể khơi dậy trong tâm hồn, chúng ta được gìn giữ khỏi phạm tội trọng. Càng tham dự vào sự sống Chúa Kitô, chúng ta càng sống mật thiết với Người; nhờ đó, giảm bớt nguy cơ phạm tội trọng xa lìa Chúa. Nhưng bí tích Thánh Thể không được thiết lập để tha các tội trọng, đó là chức năng của bí tích giao hòa. Bí tích Thánh Thể dành cho những người hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội” (CCCC 1395).

* Bí tích Thánh Thể đem lại niềm vui tinh thần khi người lãnh nhận sẵn sàng phục vụ cho Đức Kitô và sung sướng dấn thân vào trách nhiệm và hy sinh của đời sống Kitô hữu, sống bác ái yêu thương và tận tâm phục vụ mọi người, nhất là những người nghèo hèn, khốn khổ “Bí tích Thánh Thể đòi buộc chúng ta phải chăm sóc người nghèo. Để thực sự lãnh nhận mình và Máu Đức Kitô đã phó nộp vì chúng ta, chúng ta phải nhận ra Người trong những người nghèo nàn nhất, những anh em của Người”[3] (CCCC 1397).

Thánh Gioan Kim Khẩu, trong một bài giảng về 1Cr 27,4 đã nói : “Anh đã rước Máu Thánh Chúa, thế mà anh đã không nhận ra người anh em của mình. Anh đã hạ giá Bàn Tiệc Thánh, khi những người được Thiên Chúa coi là xứng đáng tham dự Tiệc Thánh, lại bị anh coi là không xứng đáng chia sẻ cơm áo với anh. Thiên Chúa đã giải thoát anh khỏi mọi tội lỗi và mời anh vào bàn tiệc, thế mà anh đã không tỏ ra nhân từ hơn chút nào”.

4a3/. Bí tích Thánh thể là bảo chứng cho diễm phúc thiên đàng và việc sống lại trong tương lai. Chính Đức Giêsu đã hứa :”Ai ăn thịt và uống máu tôi, sẽ được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,54). Công đồng Tridentino gọi bí tích Thánh Thể là “bảo chứng cho vinh quang tương lai và đời sống diễm phúc bất tận” (DS 1638).

Trong bữa Tiệc Ly, Chúa hướng các môn đệ đến tiệc Vượt Qua viên mãn trong Nước Trời : “Thầy bảo cho anh em biết : từ nay, Thầy sẽ không còn uống rượu nho nầy nữa, cho đến ngày được cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy” (Mt 26,29; Lc 22,18; Mc 14,25). Mỗi lần cử hành bí tích Thánh Thể, Giáo Hội nhớ lại lời hứa này và hướng về Đấng đang đến… (CCCC 1403).

Giáo Hội biết rằng, trong bí tích Thánh Thể, Chúa đã đến và đang hiện diện giữa chúng ta, nhưng Người vẫn còn ẩn mình, vì thế, khi cử hành bí tích Thánh Thể, chúng ta đợi chờ ngày hồng phúc, ngày Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta ngự đến… (CCCC 1404).

Bí tích Thánh Thể chính là bảo chứng chắc chắn và là dấu chỉ tỏ tường về hy vọng một trời mới, đất mới, nơi đó công lý ngự trị (x. 2Pr 3,13). Mỗi khi cử hành mầu nhiệm này, công trình cứu độ chúng ta sẽ được thực hiện và chúng ta chia sẻ cùng một tấm bánh là phương dược trường sinh bất tử và của ăn đem lại sự sống muôn đời, trong Đức Kitô[4].

Giao Ước được ký kết giữa Chúa Yahve và toàn thể nhân loại. Giao Ước mới này cũng được ký kết theo đúng nghi thức của bất cứ một cuộc ký kết giao ước nào. Đài cao, chính là đồi Calvê, bàn thờ chính là cây thập tự. Người chủ lễ là chính Đức Giêsu. Sinh tế là chính Đức Giêsu. Chính lúc Đức Giêsu đổ máu trên thập giá là lúc Giao Ước Mới được ký kết và bắt đầu có hiệu lực. Thịt của Đức Giêsu trở thành tiệc hiệp thông : Hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa Ba Ngôi và hiệp thông giữa những con người với nhau.

Có hiểu rõ ý nghĩa của Giao ước, chúng ta mới có thể hiểu được những gì Đức Giêsu đã muốn mạc khải cho những người Do Thái sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi nhiều ngàn người ăn : “Thật, tôi bảo thật các ông : nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời… Vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống…” (Gio 6, 53-55), và những gì Đức Giêsu đã làm và đã nói trong phòng tiệc ly. (xem Lc 22, 19-20; Mt 26, 26-28; Mc 14, 22-24; 1Cor 11, 23-25). Trong bất cứ giao ước nào, không có máu thì không thành giao ước; không có thịt thì cũng không có tiệc hiệp thông. Trong giao ước mới, hai yếu tố thịt và máu cũng không thể thiếu được và trong giao ước mới này, thịt và máu không còn là thịt và máu bò hay của bất cứ một con vật hiến tế nào khác mà chính là Thịt và Máu của chính Đức Giêsu. Lễ Hy Tế này của Đức Giêsu chỉ diễn ra trên thập giá, nên khi báo trước sự cố này, người Do Thái và cả một số môn đệ của Đức Giêsu đã lấy làm chói tai và nhiều người chống đối, bỏ Đức Giêsu ra đi. Sự việc đó không làm cho Đức Giêsu ngạc nhiên và chúng ta cũng không mấy ngạc nhiên, bởi lẽ trong thực tế lúc đó, sự việc chưa thực sự xảy ra, làm sao họ có thể hiểu nổi. Tuy nhiên, điều Đức Giêsu nói với những người Do Thái là điều sẽ được thực hiện. Máu của Đức Giêsu sẽ đổ ra trên thập giá chính là Máu Giao Ước, Máu của một Giao Ước Mới ký kết giữa Thiên Chúa và toàn thể nhân loại. Chính ngay lúc Đức Giêsu chết trên thập giá là lúc giao ước phát sinh hiệu lực : là lúc ơn cứu độ được trao ban và là lúc cửa thiên đàng lại được mở ra. Cửa này đã khép lại, không một ai được vào sau khi nguyên tổ phạm tội. Cửa đó, giờ đây lại được rộng mở và kêu gọi mọi người bước vào. Người đầu tiên được diễm phúc vào đó chính là kẻ được gọi là “Trộm lành” (Lc 23,43).

4b/. Bí Tích Thánh Thể và thảm kịch tội lỗi. Sự bất tuân phục của Ađam, tổ tiên của loài người, đã khiến cho tất cả những điều xấu xa, những sự dữ đủ loại, đủ hình thức tội lỗi nở rộ trong thế gian. Hậu quả khốc hại của nó là dẫn đưa con người đến cái chết trầm luân muôn kiếp. Tội lỗi, một khi đã xâm nhập vào trong thế gian, nó đã cắt đứt mọi tương quan của con người; tương quan Cha- Con (Stk 3,8-10); tương quan Huynh- Đệ (Stk 4,8); tương quan con người- vạn vật; và ngay cả đến tương quan của chính con người. Một khi đã chối bỏ Thiên Chúa là Cha, con người không còn coi những người đồng loại với mình như là anh em, nhưng như những kẻ thù, nên luôn tìm cách loại trừ nhau và làm khổ cho nhau.

Tội lỗi xuất hiện đã làm biến đổi toàn bộ số phận con người. Nếu không được Thiên Chúa thương và đưa tay cứu vớt, không biết rồi ra số phận của con người sẽ đi về đâu? Thiên Chúa Cha đã tỏ ra lòng thương xót vô biên đối với nhân loại dại khờ. Chính lúc đó, Ngài đã hứa ban ơn cứu độ. Tuy nhiên, chương trình cứu độ chỉ sẽ được thực hiện khi thời gian viên mãn. Khi việc chuẩn bị đã hoàn tất, “Con Thiên Chúa đã làm người để hoàn lại toàn thể thụ tạo cho Đấng đã kéo nó ra từ hư vô, trong một hành động chúc tụng tuyệt vời. Chính vì thế mà Ngài, linh mục Thượng Phẩm đời đời, khi bước vào cung thánh vĩnh cửu nhờ máu đổ ra trên thập giá, Ngài đã hoàn lại cho Đấng Tạo Thành và là Cha toàn thể thụ tạo được cứu chuộc. Ngài thực hiện điều đó nhờ tác vụ linh mục của Giáo hội, để tôn vinh Chúa Ba Ngôi chí thánh. Chính sự thực đó mới là mầu nhiệm đức tin (mysterium fidei) được thực hiện trong Bí Tích Thánh Thể : thế gian thoát thai từ tay Thiên Chúa tạo thành, trở về với Ngài sau khi đã được Chúa Kitô chuộc lại”[5].

Chính vì thế, đối với Giáo Hội, Bí Tích Thánh Thể, sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cộng đoàn các tín hữu và lương thực thiêng liêng cho các kitô hữu, chính là những gì quý giá nhất mà Giáo Hội có thể có được trong cuộc lữ hành theo dòng thời gian. Do đó, qua mọi thời, giáo Hội luôn ân cần chú tâm và luôn nhắc nhở các Kitô hữu quý trọng và siêng năng tôn sùng Mầu Nhiệm Thánh Thể. Những thông điệp : Mirae Caritatis của Đức Lêô XIII (28-5-1902), Mediator Dei của Đức Piô XII (20-11-1947), Mysterium Fidei của Đức Phaolô VI (3-9-1965) và mới đây, thông điệp Ecclesia de Eucharistia của Đức Gioan Phaolô II (17-4-2003), cùng với tông thư Mane Nobiscum Domine của Đức Gioan Phaolô II, luôn động viên và nhắc nhở các kitô hữu luôn quý trọng và coi Bí Tích Thánh Thể như nguồn sống, nguồn sức mạnh để nuôi dưỡng đức tin, đức cậy, lòng mến và lòng nhiệt thành, hăng say của mình.

1 Xem Sách Giáo Lý Công Giáo, số 1389.

2 Gioan Phaolô II, Ecclesia de Eucharistia, số 16.

3 X. Mt 25,40.

4 X. Thánh Inhaxiô Antiôkia, thư gửi giáo đoàn Eâphêsô số 20,2.

5 Gioan Phaolô II, Thông điệp Giáo Hội từ Bí Tích Thánh Thể, số 8.