Chương III: Trong nền văn hóa vứt bỏ

41. Nền văn hóa vứt bỏ là một trong những điểm nổi bật của tâm thức đương thời của chúng ta, một tâm thức mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô không ngừng phê phán. Các HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC cảnh báo người trẻ thường ở trong số các nạn nhân của nó ra sao, trong đủ mọi cách. Đồng thời, chúng ta đừng quên rằng người trẻ cũng có thể thấm nhiễm nền văn hóa này và dấn thân vào các tác phong qua đó người khác bị “vứt bỏ” hoặc tạo ra suy thoái môi trường, vì các lựa chọn thiếu trách nhiệm của người tiêu dùng. Cuối cùng, chúng ta phải nhìn nhận rằng một số nhà lãnh đạo Giáo Hội đang giúp đỡ và tiếp tay cho loại tác phong và suy tư này, do đó nuôi dưỡng sự lãnh đạm và loại trừ.

42. Qua Thượng Hội đồng này, Giáo hội cũng được kêu gọi phải đặc biệt chú ý đến các nạn nhân trẻ của bất công và bóc lột, qua việc nhìn nhận trong căn bản rằng việc mở ra các không gian để họ tự phát biểu, và đặc biệt được lắng nghe, là một cách để họ đòi lại phẩm giá của bản thân họ chống lại bất cứ sự bác bỏ nào, và nó mang lại tên tuổi và gương mặt cho những người thường xuyên bị lịch sử tước đoạt những điều này. Việc này sẽ có lợi cho việc nói lên tiềm năng của những người trẻ “bị vứt bỏ”: họ có khả năng trở thành những người chủ động trong việc phát triển chính họ, trong khi quan điểm của họ góp phần quan trọng vào việc xây dựng ích chung, trong một năng động tính không ngừng phát triển và hy vọng, bắt đầu với kinh nghiệm cụ thể, qua đó viên đá của các thợ xây bị vứt bỏ có thể trở thành viên đá góc tường (xem Tv 118: 22; Lc 20:17; Cv 4,11; 1Pr 2: 4).

Vấn đề việc làm

43. Như các HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC đã nhấn mạnh, nạn thất nghiệp của giới trẻ ở nhiều nước đã đạt đến mức, không nói ngoa, có thể được coi là bi thảm. Hiệu quả nghiêm trọng nhất không phải là hiệu quả kinh tế, vì các gia đình, các hệ thống phúc lợi và các dịnh chế từ thiện thường có thể can thiệp và cung cấp các nhu cầu vật chất cho người thất nghiệp. Vấn đề thực sự là «những người trẻ thất nghiệp có một không tưởng bị chuốc thuốc mê, hoặc đang trên bờ vực bị mất nó» (Đức Phanxicô, Diễn văn với các thành viên của Ủy ban Giáo hoàng Châu Mỹ Latinh, 28 tháng 2 năm 2014). Những người trẻ tuổi tại cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG phản ánh quan điểm này trong các tuyên bố của họ: «Kết cục, đôi khi chúng tôi phải vứt bỏ các ước mơ của mình. Chúng tôi quá sợ hãi, và một số trong chúng tôi đã ngừng mơ ước, không ít do nhiều áp lực kinh tế xã hội có thể làm cạn kiệt cảm thức hy vọng nơi giới trẻ. Đôi lúc, thậm chí chúng tôi còn không có cơ hội tiếp tục mơ ước» (GMTHĐ 3).

44. Một tác động tương tự gây ra bởi mọi tình huống trong đó, người ta, kể cả giới trẻ, buộc phải chấp nhận các công việc không tôn trọng phẩm giá của họ: đây là trường hợp các công việc không khai báo và không chính thức - thường đồng nghĩa với bóc lột - buôn bán người và các hình thức muôn mặt của lao động cưỡng bức và chế độ nô lệ đang ảnh hưởng đến hàng triệu người trên khắp thế giới. Giống nhiều người khác trên thế giới, các bạn trẻ tham dự cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG cũng bày tỏ mối quan tâm của họ đối với loại tiến bộ kỹ thuật đã được chứng minh có tính thù địch đối với việc sử dụng lao động và lực lượng lao động: «Sự ra đời của trí thông minh nhân tạo và các kỹ thuật mới như người máy và việc tự động hóa đặt ra nhiều rủi ro đối với cơ hội nhân dụng của nhiều cộng đồng thuộc giai cấp lao động. Kỹ thuật có thể gây hại cho nhân phẩm khi không được sử dụng một cách hợp lương tâm và cẩn trọng và nếu phẩm giá con người không phải là trung tâm của việc sử dụng nó »(GMTHĐ 4).

Các di dân trẻ

45. Một bách phân lớn di dân là người trẻ. Các lý do khiến họ di dân rất đa dạng, như cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG đã nhấn mạnh: «Người trẻ mơ ước một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng nhiều người buộc phải di dân để tìm ra một hoàn cảnh kinh tế và môi trường tốt hơn. Họ hy vọng hòa bình và đặc biệt bị thu hút bởi "huyền thoại phương Tây", như được mô tả qua các phương tiện truyền thông» (GMTHĐ 3); họ cũng “sợ vì có bất ổn xã hội, chính trị và kinh tế ở nhiều nước của chúng tôi» (GMTHĐ 1), và «một giấc mơ chung trên khắp lục địa và đại dương là mong muốn tìm được nơi trong đó người trẻ có thể cảm thấy họ được thuộc về » (GMTHĐ 3).

46. Tình trạng các vị thành niên không đi cùng các thành viên người lớn của gia đình, hoặc những người đến nước ngoài khi đang ở những năm cuối trung học, hết sức nhạy cảm (xem Đức Phanxicô, Thông điệp cho Ngày Di Dân và Người tị nạn Thế giới năm 2017. Các di dân trẻ em, những người dễ bị tổn thương và không có tiếng nói, ngày 8 tháng 9 năm 2016). Nhiều em có nguy cơ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người và một số em, theo nghĩa đen, thực sự biến mất trong làn khí mỏng. Chúng ta phải kể thêm các di dân trẻ thế hệ thứ hai, những người đang trải nghiệm nhiều khó khăn lớn lao về phương diện căn tính và hòa nhập giữa các nền văn hóa mà họ thuộc về, đặc biệt là nếu còn có nhiều khác biệt lớn về văn hóa và xã hội giữa nước xuất xứ và nước đến của họ.

47. Như nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC nhấn mạnh, việc di dân của giới trẻ dẫn đến việc làm nghèo vốn nhân lực năng nổ và dũng cảm ở các nước xuất xứ của họ và đe dọa sự phát triển bền vững của các nước này. Mặt khác, với các xã hội - và các Giáo hội – tiếp nhận họ, họ cung cấp một tiềm năng thay đổi lớn lao, nhưng dĩ nhiên, họ cần được đồng hành bởi các chương trình thỏa đáng và có tầm nhìn xa. Tuy nhiên, ở điểm này, người trẻ tham dự cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG tỏ ra rất thận trọng, khiến chúng ta phải suy nghĩ: “Vẫn chưa có sự đồng thuận có tính ràng buộc về vấn đề chào đón các di dân và người tị nạn, hoặc về những vấn đề gây ra hiện tượng này trước nhất. Điều này bất chấp sự nhìn nhận lời kêu gọi phổ quát phải quan tâm tới nhân phẩm của mỗi con người » (GMTHĐ 2). Cùng với những người trẻ di dân, chúng ta không nên quên những người tiếp tục sống trong các tình thế chiến tranh hay bất ổn chính trị. Những người trẻ tuổi của cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG rất thận trọng chỉ ra rằng «bất chấp nhiều cuộc chiến tranh và liên tục bùng phát bạo lực, người trẻ vẫn tiếp tục hy vọng» (GMTHĐ 3).

Các hình thức kỳ thị đa dạng

48. Nghiên cứu quốc tế cho thấy nhiều người trẻ đang phải đối diện với sự bất bình đẳng và kỳ thị vì giới tính, giai cấp xã hội, thành viên tôn giáo, khuynh hướng tình dục, vị trí địa dư, khuyết tật hoặc sắc tộc. Đây là một vấn đề được giới trẻ quan tâm sâu sắc và trên đó, cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG hiểu rất rõ ràng: «Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở các cấp độ khác nhau ảnh hưởng đến người trẻ ở các nơi khác nhau trên thế giới» (GMTHĐ 2). Cùng một tình trạng y hệt đã được phúc trình bởi rất nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC. Cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG đã đặc biệt lưu ý đến các hình thức kỳ thị ảnh hưởng đến các phụ nữ trẻ, cả ở trong lãnh vực giáo hội: “Ngày nay, có một vấn đề chung trong xã hội là phụ nữ vẫn không được dành cho một chỗ bình đẳng. Điều này cũng đúng trong Giáo Hội » (GMTHĐ 5). Vì vậy, những người trẻ tự hỏi mình "đâu là những nơi người phụ nữ có thể triển nở trong Giáo hội và xã hội?» (GMTHĐ 5), vì biết rằng «Giáo hội có thể tiếp cận các vấn đề này bằng một cuộc thảo luận có thực chất và cởi mở đối với những ý nghĩ và kinh nghiệm khác nhau» (GMTHĐ 5). Cuối cùng, người trẻ cảnh báo về hiện tượng tiếp tục kỳ thị dựa trên tôn giáo, đặc biệt chống các Kitô hữu. Điều này đúng đối với cả các bối cảnh, trong đó, họ là thiểu số và bị phơi lưng cho bạo lực và áp lực từ khối đa số vốn đòi họ phải trở lại đạo, lẫn những tình huống duy thế tục hóa cao độ (xem GMTHĐ 2).

Bệnh hoạn, đau khổ và bị loại trừ

49. Một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC và cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG nhận xét rằng nhiều người trẻ phải đương đầu với các hậu quả của đủ loại biến cố chấn thương khác nhau, hoặc các hình thức khác nhau của bệnh hoạn, đau khổ và khuyết tật. Họ dựa vào vòng tay chào đón và sự hỗ trợ của Giáo Hội, điều mà các gia đình của họ cũng cần. Đặc biệt, ở các nước có tiêu chuẩn sống cao hơn, các hình thức bất ổn tâm lý, trầm cảm, bệnh tâm thần và rối loạn ăn uống ngày càng trở nên phổ biến hơn nơi giới trẻ, do các hoàn cảnh bất hạnh sâu xa hoặc không có khả năng tìm được chỗ đứng trong xã hội. Ở một số quốc gia, tự tử là nguyên nhân số một gây tử vong trong nhóm tuổi từ 15 đến 44.

50. Nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC, thuộc các khu vực khác nhau, quan tâm nhiều tới việc lan tràn các loại lạm dụng dược chất và nghiện ngập trong giới trẻ - và thậm chí rất trẻ - (các thuốc truyền thống và tổng hợp, rượu chè, cờ bạc và ghiền Internet, văn hóa khiêu dâm, v.v.) , cũng như các dạng tác phong sai lầm khác nhau (bắt nạt, bạo lực, lạm dụng tình dục). Theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô, điều rõ ràng là, trong nhiều trường hợp, các hình thức nghiện ngập này không phải là hậu quả của việc người ta chiều theo thói hư, mà đúng hơn là hiệu quả của động lực loại trừ: «Có một thứ trang bị ma túy hoàn cầu đang phá hủy thế hệ người trẻ, những người vốn được coi là để vứt đi! » (Diễn văn cho các thành viên của Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh, 28 tháng 2 năm 2014). Tất cả điều này cho thấy rõ không những các cá nhân tham gia các hành động này mỏng manh xiết bao, mà cả các nạn nhân, gia đình và xã hội của họ nữa. Y hệt các phản ứng bạo lực và lầm lạc khi đối diện với các mâu thuẫn của xã hội, lạm dụng và nghiện ngập nằm trong số các lý do chính tại sao người trẻ, kể cả các vị thành niên, kết cục đã ngồi tù. Xét vì hệ thống tư pháp hình sự khó tạo cơ hội cho việc phục hồi xã hội, nên có nguy cơ lớn là việc giam giữ những người trẻ ít gây nguy hiểm cho xã hội sẽ cột họ vào một vòng lao lý mà họ khó có thể thoát ly, như tỷ lệ tái phạm cao chứng tỏ. Một sự kiện không kém nổi tiếng là việc giam giữ đã ảnh hưởng một cách không tương xứng đến các thành viên của các nhóm sắc tộc và xã hội chuyên biệt, cũng do thiên vị và kỳ thị mà ra.

Kỳ sau: Chương IV: Các thách thức nhân học và văn hóa