II. Việc nói tiên tri và các định chế của Israel

Như đã nói trên đây, ít nhất theo nghĩa cổ điển của từ ngữ, việc nói tiên tri là một hiện tượng đặc sủng. Bởi thế, nếu ta muốn hiểu ý nghĩa lịch sử trong tôn giáo của Israel, thì điều có liên hệ là xét mối tương quan của hiện tượng này với các định chế không có tính đặc sủng của Do Thái.

(I) Lề luật và chức tư tế

Bất chấp sự kiện một số tiên tri (như Giêrêmia, Êdêkien) chắc chắn là tư tế, nhưng có thời, đã có xác tín trong các giới phê bình rằng hai chức vụ tiên tri và tư tế phần nào chống chọi nhau, ít nhất trong thời kỳ tiền lưu đầy. (Điều luôn hiển nhiên là việc nói tiên tri thời lưu đầy và thời hậu lưu đầy quan tâm đến các lề luật tế tự và tư tế, nhưng mối quan tâm này được giải thích bởi việc nhấn mạnh tới các định chế này trong Do Thái Giáo thời hậu lưu đầy.) Có đúng không khi nói rằng truyền thống tiên tri tiền lưu đầy là một địch thủ của truyền thống tư tế, một truyền thống đã được qui điển hóa trong luật thành văn của Môsê trong và sau cuộc lưu đầy?



Ở Israel, các chức năng tư tế và tiên tri luôn được thận trọng phân biệt; tuy nhiên, các chức năng này trùng hợp một phần. Grm 18:18 nói đến “luật” (tôrâ) của tư tế, “lời khuyên” (ʼēṣâ) của hiền nhân, và “lời” (dābār) của tiên tri. Dù các chữ này chuyên chở lời giáo huấn của họ bằng các cách khác nhau, tư tế bằng truyền thống định chế, hiền nhân bằng truyền thống nghề nghiệp, và tư tế bằng các soi sáng đặc sủng, chắc chắn họ cảm thấy mỗi người trong số họ đều đang góp phần theo cách của riêng mình vào một mục tiêu chung. Khi các tiên tri lên án chức tư tế, như họ thường làm, thì không phải vì những điều các tư tế giảng dậy mà đúng hơn vì những điều họ không giảng dậy: họ đã từ bỏ kiến thức và làm ngơ lề luật (tôrâ) của Thiên Chúa (Hs 4:6). Cũng trong tinh thần này, các tiên tri “giả” đã bị lên án, không phải vì bác bỏ ý niệm nói tiên tri mà đúng hơn là nhại lại nó.

Sự chống đối giữa hàng tư tế và hàng tiên tri đã bị cường điệu hóa vì một số nhân tố. Một trong các nhân tố này là xác tín, nay đã được điều chỉnh rất nhiều, rằng lề luật là một khai triển tương đối mới có tại Israel, cho thấy sự chiến thắng của tôn giáo chính thức đối với tôn giáo thiêng liêng. Một nhân tố khác là quan điểm bị bóp méo trong đó tôn giáo của các tiên tri bị nhìn trong tương quan với tôn giáo “chính thức” của Israel. Dĩ nhiên, đúng là có sự khác nhau giữa thái độ và quyền lợi của tôn giáo tư tế và tiên tri, nhưng chỉ là các thái độ khác nhau chứ không phải các tôn giáo khác nhau. Xét cho cùng, thì hàng tư tế cũng làm cùng một công việc, hay một phần của cùng một công việc như hàng tiên tri nghĩa là thông truyền ý chí luân lý của Thiên Chúa. Hàng tư tế làm vậy bằng việc truyền lại luật lệ tôn giáo như đã được bảo quản trong các đền thánh; hàng tiên tri thì chu toàn nhiệm vụ của mình bằng cách thông truyền lời hằng sống. Trên nguyên tắc, hàng ngũ sau không có ý chống đối hàng ngũ trước.

Các việc cho là các tiên tri tiền lưu đầy trích dẫn lề luật thường là đáng hoài nghi và, dù sao, cũng rất ít; điều này dĩ nhiên khiến ta nêu lên câu hỏi về qui mô lề luật hiện hữu thời tiền lưu dầy dưới hình thức viết, và về câu hỏi này, ta không thể bàn ở đây. Các vấn đề này cũng dẫn đến vấn đề bản chất của việc nói tiên tri, như ta đã thảo luận, một điều, để có thế giá, phải tùy thuộc chính việc nó truyền thông lời Chúa, chứ không tùy thuộc một thế giá có trước, kể cả thế giá tiên tri. Dù sao, giáo huấn tiên tri luôn nhất quán với lề luật, ngay cả khi nó được phát biểu theo cách riêng của nó và cách nhấn mạnh của nó.

Amốt 3:2 phát biểu ý tưởng tuyển chọn (election) bằng ý tưởng, chứ không bằng lời chính xác, của Đnl 14:2; Amốt mô tả cuộc xuất hành và việc đi lang thang trong sa mạc và ý nghĩa của chúng (2:10; 3:1; 4:10; 5:25;9:7) nhất quán với Xh 20:2, trong đó, Ai Cập được gọi là “nhà nô lệ”. Kiểu nói này cũng được các tiên tri sử dụng (xem Mk 6:4; Grm 34:13), không điều nào trong số này chứng minh Amốt tùy thuộc Đệ Nhị Luật hay Xuất Hành trong tư cách bản văn viết, cũng như việc ngài nhắc đến tôrâ ở 2:4 là nhất thiết tùy thuộc luật tư tế thành văn. Tuy nhiên, nó chứng tỏ Amốt giảng dạy một truyền thống chứa trong lề luật; và, mặc dù có ý nói bóng nói gió và không chính thức, các câu nói của ông giả thiết một trình thuật đã được kể trong Ngũ Kinh mà ông nhất trí cả trong các chi tiết vụn vặt (xem Am 2:9; Ds 13:32). Hôsê 8:1 minh nhiên nối kết lề luật của Giavê với một giao ước, một điều, dĩ nhiên, là chính điều lề luật tuyên xưng mình là; dù Hôsê không nói đó là giao ước Sinai, ông quả nối kết nó với cuộc xuất hành (8:13; 9:3; 11:5; xem Đnl 28:68). Hơn nữa, tôrâ mà Hôsê liên kết với giao ước ở 8:1 thì ở 4:6, nó được coi là tôrâ tư tế hàm nghĩa luân lý xã hội; căn cứ vào 8:13, rõ ràng có một thứ tôrâ thành văn hay tôrôt. Căn cứ vào bối cảnh, xem ra cuối cùng Hôsê có ý nhắc đến các giới luật tế tự.

Cựu Ước đã được thông truyền qua nhiều dòng truyền thống; các truyền thống này ảnh hưởng lẫn nhau, tuy không tan hòa vào nhau. Truyền thống tiên tri không đòi được tôn vinh mà gây thiệt hại, bằng cách tối thiểu hóa các truyền thống khác vốn cũng phục vụ chân lý theo cách riêng của họ, bổ túc chứ không mâu thuẫn các sự thật của hàng tiên tri.

(II) Việc tế tự

Nối dài vấn đề trên, có việc tương quan giữa các tiên tri và việc tế tự tại Do Thái. Một lần nữa, vấn đề này cũng được đặt ra với các tiên tri tiền lưu đầy: không ai nghi vấn sự can dự sâu xa của một Êdêkien, một Dacaria hay một Malaki vào nghi lễ của cộng đồng hậu lưu đầy.

Cũng có thể rất ít cần bàn đến vấn đề này ngày nay, khi người ta có khuynh hướng cường điệu hóa theo hướng ngược lại bằng cách đồng hóa ngay cả các tiên tri cổ điển của Israel vào khuôn mẫu tiên tri thờ cúng của Cận Đông mà chúng ta đã bàn tới. Tuy nhiên, một số nhà phê bình thánh kinh vẫn chia sẻ nhau ý kiến cho rằng các tiên tri tiền lưu đầy, về nguyên tắc, chống lại tôn giáo tế tự của Israel.



Ta đã thấy có các tiên tri tế tự tại Israel. Các tiên tri cổ điển có thuộc loại này không? Không thể trả lời câu hỏi này với chữ “có” hay “không” dứt khoát được, đơn giản chỉ vì thiếu bằng chứng, nhưng ít nhất, đại đa số họ có lẽ không phải. Có một vài cơ sở cho phép ta xếp Nakhum và Khabacúc của thời tiền lưu đầy và Gioen cùng Dacaria của thời hậu lưu đầy vào loại tiên tri Đền Thờ. Nhưng ngay trong trường hợp này, bằng chứng cũng không nhất thiết có tính cưỡng bách (Dcr 7:1tt); trong phần lớn các trường hợp khác, đơn giản không có khả thể nào ủng hộ giả thuyết “tế tự” cả. Ơn gọi Isaia làm tiên tri gần như chắc chắn diễn ra trong một cử hành tế tự, nhưng không có chứng cớ nào cho thấy Isaia hiện diện trong đền thờ với bất cứ tư cách nào khác hơn là 1 người Do Thái ngoan đạo. Nếu chỉ vì quan tâm tới việc tế tự mà đủ là một tiên tri tế tự thì chắc chắn ta có thể xếp Êdêkien vào loại này. Thế nhưng điều ấy không thể có được, vì không hề có việc tế tự ở Đền Thờ tại Babylonia nơi Êdêkien nói tiên tri, và rõ ràng ông không nói tiên tri ở đâu khác.

Tuy nhiên, dù không phải là các tiên tri tế tự, các tiên tri tiền lưu đầy quả có can dự vào việc tế tự. Họ can dự vào nó như Isaia, như các tiên tri khác coi việc tế tự là phương thế duy nhất để thờ phượng Thiên Chúa, được họ coi là đương nhiên giống như truyền thống Do Thái, một truyền thống họ vẫn nại tới để đồng hóa Giavê với Đấng Thiên Chúa luân lý đã tự mạc khải với họ. Họ coi việc tế tự là việc đương nhiên theo cách ấy, thế nhưng, lẽ dĩ nhiên, họ không coi nó là chuyện đương nhiên chút nào, giống như họ không coi điều gì là đương nhiên cả dưới ánh sáng viễn kiến tiên tri của họ. Đây là một trong các định chế của Israel mà trước đây họ từng được cử nhiệm làm phán quan, và quả họ đóng vai phán quan thật. Tuy nhiên, khi làm thế, họ không loại bỏ nó cũng như không loại bỏ chức tư tế, giao ước, lý thuyết tuyển chọn hay chính việc nói tiên tri, họ làm phán quan cho tất cả các việc này.

Có một số lời quả quyết của các tiên tri tiền lưu đầy vốn được giải thích như đã nói lên việc chống đối chuyện lấy con vật làm hy lễ trên nguyên tắc, như một cách thờ phượng Giavê kém xứng đáng hay đơn giản chỉ là bất xứng, có thể vì nó đã được du nhập từ Canaan, và chắc chắn vì nó là hiện thân của ý niệm hạ cấp về tôn giáo ngược với lời kêu gọi liên lỉ của các tiên tri phải dùng hy lễ thiêng liêng là việc phục vụ và liêm khiết bản thân. Một số đoạn chủ chốt có liên hệ là Am 5:21-27; Hs 6:6; Grm 7:21-23; Is 1:12-17; đây có lẽ là những đoạn mạnh mẽ nhất thuộc loại này, và chúng tiêu biểu cho các đoạn khác.



Khi các đoạn trên được đọc trong bối cảnh chứ không phải như thành phần của một lý thuyết tiên niệm về nguyên lai của tôn giáo Do Thái hay của điều lý tưởng tiên tri về tôn giáo nên là, chúng rất có ý nghĩa và hoàn toàn nhất quán với những gì còn lại trong học lý tiên tri. Các tiên tri đều duy hiện sinh trong cách tiếp cận của họ đối với khía cạnh này của sinh hoạt Do Thái giống như bất cứ sinh hoạt nào khác. Họ không quan tâm tới vấn đề dùng súc vật làm hy lễ hay bất cứ hình thức hy tế bề ngoài nào làm lý tưởng hay làm một ý tưởng trừu tượng. Điều trở thành vấn đề là các hy lễ được tiến hành tại các đền thánh đương thời bởi những người chỉ thực hành chủ nghĩa duy biểu hiệu (sacramentalism) mà không có bất cứ một ý nghĩa nào. Amốt và Giêrêmia đều quả quyết rằng Giavê không truyền lệnh các thứ hy lễ ấy. Hôsê nói rằng tình yêu, chứ không phải hy lễ, là ý muốn của Thiên Chúa; hay như ta có thể phát biểu lại, không thể có hy lễ đích thực nếu không có tình yêu. Những lời tuyệt đối loại này là điều thông thường trong ngôn ngữ Thánh Kinh, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước (xem Lc 14:26 [nên lưu ý Mt 14:26]; 1Cr 1:17 [nên lưu ý các câu 14-16]; v.v...); thông thường, chúng không tạo nên phiền phức gì, miễn là ta lưu ý tới bối cảnh. Lời tố cáo của Isaia, có lẽ là lời tố cáo mạnh mẽ nhất thuộc loại này, nếu giải thích từ tình trạng hiện sinh của nó, dẫn tới câu kết luận này: Gia vê bác bỏ chính việc cầu nguyện (xem câu 5) cùng với các hy lễ, hương liệu, lễ lạc, và ngày lễ.

Người ta không nên tránh một cực đoan bằng cách lấy một cực đoan khác. Chúng ta có thể thành thực nhận rằng đọc các ngài, một số các tiên tri quả có lưu ý tối thiểu tới phụng vụ Do Thái; điều này không nhất thiết có nghĩa: các ngài không biến thành một vật thần (fetish) việc chống lại các nghi thức mà việc giữ chúng đã trở thành một vật thần đối với những người khác. Giêrêmia năng lui tới Đền Thờ bị ông tố cáo, như Isaia trước ông từng làm. Mặt khác, Êdêkien, người có điều hoàn toàn chắc chắn là đối với ông, việc trùng tu Đền Thờ Giêrusalem là điều cần thiết mà không có nó Giavê sẽ không được thờ phượng cách xứng đáng bởi dân tộc mà Người đã chọn làm của riêng, tuy nhiên ông biết hoàn toàn rõ ràng rằng Giavê mới là đền thánh đích thực, chỉ mình Người mới ban một ý nghĩa nào đó cho Đền Thờ do tay con người xây dựng (xem 11:16). Thái độ tiên tri đối với việc tế tự giống như thái độ tiên tri đối với mọi sự, một thái độ trong đó, các hình thức chỉ là phụ thuộc các thực tại chúng biểu tượng mà thôi. Chỉ khi nào các hình thức không còn biểu tượng cho bất cứ điều gì nữa thì chúng mới cần bị lên án.

Kỳ sau: (III) Nền quân chủ