Chúa Nhật 4 Thường Niên C

Dịp Tết hằng năm, có nhiều bà con Việt Kiều về thăm thân nhân và ăn Tết ở quê nhà.

Sau những tháng ngày rao giảng Tin Mừng đó đây, hôm nay Chúa Giêsu trở về thăm làng quê Nagiarét. Ngày Sabbat, Chúa vào Hội đường tham dự giờ cầu nguyện và nghe giảng giải Thánh Kinh. Hội đường Do thái không phải là nơi thờ phượng, nhưng là nơi người do thái tập hợp hàng tuần vào các ngày Sabat để nghe đọc Sách Thánh và diễn giải Lời Chúa. Người Do thái chỉ có một nơi duy nhất dành để thờ phượng Thiên Chúa, để dâng lên Người Lễ Toàn Thiêu và lễ Tạ Tội, đó là đền thờ Giêrusalem. Các Hội đường ở các thành phố và làng mạc trong cả nước còn được sử dụng để dạy và đào tạo tàng lớp thanh thiếu niên về Kinh thánh. Trong thời tuổi trẻ, Đức Giêsu từng là một trong các thanh thiếu niên có mặt thưởng xuyên trong các giờ giáo lý Kinh thánh, và còn hơn thế nữa, là một học trò ưu tú bậc nhất và quen thuộc của ông Trưởng Hội đường tại quê nhà Nadarét .

Vì thế, khi Đức Giêsu trở lại Nadarét và đi vào Hội đường vào Ngày Thứ Bảy, ông Trưởng Hội đường tất nhiên đã nhận ra ngay cậu học trò ưu tú năm xưa của mình và đã đưa Sách Thánh cho Ngài đọc. Đây là hành động đầy kính trọng mà các vị Trưởng Hội đường thường dành cho các vị khách quý đặc biệt của họ. Đức Giêsu đọc sách Ngôn sứ Isaia và bắt đầu giảng giải Kinh Thánh.

Vẻ uy nghi trang trọng của Ngài khác thường. Gương mặt Ngài luôn tỏa ra nét dịu hiền, mến yêu, đầy thiện cảm. Giọng nói tự nhiên của Ngài càng hấp dẫn dân chúng hơn. Ý tứ Ngài trình bày đơn sơ trong sáng hợp với tâm trí mọi người. Họ cảm thấy thấm thía sự kỳ diệu của nước Thiên Chúa. Họ cảm nhận lòng nhân ái Chúa Cha trên trời. Họ cảm phục về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Đức Giêsu đòi hỏi mọi người phải sống thương yêu nhau như anh em ruột thịt. Họ ngạc nhiên thì thầm với nhau: “Bởi đâu ông ta được như thế ? Sao ông ta được khôn ngoan như vậy ? Ông ta làm được nhiều phép lạ, như thế nghĩa là gì ?”.

Những người đồng hương ngạc nhiên bởi sự khôn ngoan và những phép lạ Ngài làm ở những nơi khác. Nhưng khi nhớ đến nguồn gốc của Ngài, chỉ là một người thợ mộc, bà con với những dân làng bình thường, họ không tin. Dân làng Nadaret và cả họ hàng Chúa Giêsu không tin Chúa, đó là điều cả bốn sách Tin Mừng cho biết. Riêng Luca cho thấy họ đi tới chỗ muốn giết Chúa bằng cách xô xuống vực. Nhưng Chúa băng qua giữa họ mà đi, tiếp tục rao giảng cho những làng mạc khác.

Dân chúng xì xầm bàn tán chỉ vì ghen tương và đố kỵ nên họ muốn giết Đức Giêsu.

Họ chẳng biết sự khôn ngoan và quyền phép của Đức Giêsu bởi đâu ? Họ xì xầm về nguồn gốc chỉ thấy: “Mẹ ông là bà Maria, anh em họ hàng là Giacôbê, Giosê, Giuđa và Simon”. Tất cả bà con lối xóm đều coi ông như bạn bè từ gần 30 năm nay ở Nagiarét này, một thôn ấp nhỏ bé chỉ có độ 150 gia đình nghèo nàn, tối tăm, mấy ai quan tâm đâu. Ông ấy lại là bác thợ mộc, con nhà lao động, làm thuê làm mướn, lang thang từ nhà này sang nhà khác, đóng bàn sửa ghế, ráp giường ghép tủ, đục đẽo cày bừa, thành phần địa vị thấp kém trong xã hội. Có bao giờ thấy ông ấy nói năng, làm được gì hay lạ đâu ? Ông ta bỏ quê nhà đi lang thang mấy tháng, nay trở về, sao thay đổi nhanh như thế ! Một quá khứ và hiện tại như thế đã khiến họ vấp phạm. Họ không tin Ngài là một Ngôn Sứ, lại càng không thể tin Ngài là Mêsia, và chắc chắn họ chẳng bao giờ dám nghĩ rằng mình là người đồng hương với Ngôi Hai Con Thiên Chúa.

Để cảnh tỉnh họ, Đức Giêsu chỉ cho họ thấy chỉ vì tổ tiên họ ngày trước đã không đón nhận các ngôn sứ Thiên Chúa gửi đến nên đã đánh mất những ân huệ lớn lao. Cụ thể là vào thời ngôn sứ Êlia, khi trời hạn hạn suốt ba năm sáu tháng, dân Itraen phải lâm vào cơn đói khát trầm trọng, vậy mà ngôn sứ Êlia được sai đến, không phải để cứu giúp các bà goá trong dân Ítraen thời đó, mà là để cứu đói cho hai mẹ con bà goá ngoại giáo nghèo khổ thành Xarépta, miền Xiđôn. Một sự kiện khác tương tự là vào thời ngôn sứ Êlisa, đang khi có nhiều người phong cùi trong dân Itraen cần được cứu chữa, thế mà không ai trong bọn họ được vị ngôn sứ chữa lành, ngoại trừ tướng Naaman ngoại giáo, người nước Syri.Thế nhưng, những lời cảnh tỉnh của Đức Giêsu không làm cho họ tỉnh ngộ, trái lại càng khiến họ oán ghét Ngài. Họ nhất tề đứng dậy, xông vào túm lấy Ngài, lôi ra khỏi hội đường rồi kéo ra khỏi thành, kéo lên tận đỉnh núi, để xô xuống vực cho nát thịt tan xương.Lòng đố kỵ ganh ghét thật khủng khiếp! Đức Giêsu trở thành nạn nhân của “chủ nghĩa lý lịch”. Mc. Kenzie nói : Người có tình yêu nhìn bằng viễn vọng kính, còn người định kiến hẹp hòi nhìn bằng kính hiển vi. Sự kiện này là khởi điểm những thử thách gian nan và cái chết đang chờ đợi Đức Giêsu trong những tháng ngày sắp tới.

Còn Đức Giêsu thì luôn âm thầm, kiên nhẫn, nhỏ nhẹ nói với họ bằng câu ngạn ngữ: “Không ai là tiên tri cho xứ sở mình”. Một câu chuyện quen thuộc nhưng đáng buồn “Ngôn sứ không được quê hương mình chấp nhận”. Đức Giêsu thật ngạc nhiên vì thấy họ không tin. Ngài rất muốn giúp đỡ họ nhưng cũng đành phải bó tay. Họ chỉ biết nhìn Ngài theo lối nhìn bên ngoài đầy thành kiến, chẳng thấy được những điều sâu lắng bên trong, những cái tinh thần cao thượng, những mầu nhiệm thiêng liêng chân thật. Chính những điều sâu xa bí ẩn mới làm ích rất lớn cho con người. Chính những chất màu mỡ nằm ẩn trong đất mới làm cho cây trái, hoa mầu trổ sinh tươi tốt, đâm chồi nẩy lộc, nuôi sống muôn người, muôn vật. Chính những kho tàng nằm sâu trong lòng đất, như mỏ dầu, mỏ vàng, mỏ bạc, đồng, sắt, kim cương, đá quý mới là nguồn tài nguyên phong phú giúp phát triển nền văn minh nhân loại. Chính những tài năng thượng đẳng, thiêng liêng trong con người như: tinh thần tự do, trí khôn sáng suốt, ý chí mạnh mẽ, tình cảm nhân từ mới có sức thăng tiến con người hơn chân tay, mắt mũi. Thế nhưng loài người vẫn thích thờ bò vàng óng ánh hơn thờ Thiên Chúa siêu việt.

Chuyện ngày xưa cũng như chuyện ngày nay. Rất nhiều khi chúng ta phán đoán giá trị lời nói của một người dựa trên bằng cấp, sự giàu có, uy tín của họ nhiều hơn là dựa vào sự hợp lý, tính chính xác của câu nói ấy. Hễ ai có chức có quyền, có địa vị, có của cải, có học vấn mà nói thì ta cho rằng họ nói đúng. Còn ai nghèo nàn, rách rưới, thấp cổ bé miệng, ít học mà nói thì ta cho rằng họ nói sai hoặc chẳng có giá trị gì. Chính vì tâm lý sai lạc này mà các ngôn sứ giả thường được người đời ưu đãi, còn ngôn sứ thật thì thường bị bạc đãi (x. Lc 6,23.26). Lối hành xử như vậy là coi trọng của cải, tiền bạc, chức quyền, địa vị chứ không phải là người coi trọng chân lý, công lý và tình thương. Thực ra, một điều sai trái, dù kẻ nói ra có quyền thế, học vấn hay giàu sang tới đâu thì cũng vẫn là sai trái. Còn một điều đúng, thì dù người nói ra một đứa trẻ, một người nghèo thì cũng vẫn là đúng. Lời nói sai đâu thể biến thành đúng, hay lời nói đúng đâu thể biến thành sai vì thế giá hay trình độ học vấn của người nói ra câu nói đó.

Đức Giêsu buồn phiền nhưng không cay cú, thất vọng chứ không tức giận. Ngài quyết định đem ánh sáng và quà tặng thần linh đi đến nơi khác.Những người ở làng quê Nagiarét đã để lỡ cơ hội đón tiếp Đấng Cứu Thế. Con Thiên Chúa làm một thường dân đến sống giữa họ mà họ không biết. Họ chỉ biết đó là con ông thợ mộc Giuse. Họ chỉ biết gia đình Ngài rất nghèo, chẳng có danh giá gì trong làng. Họ coi thường Ngài. Họ không tin Ngài. Họ hất hủi Ngài. Họ đã để lỡ cơ hội nghìn năm một thuở. Đức Giêsu không làm một phép lạ nào ở đó. Ngài bỏ Nadarét đi đến các làng chung quanh. Và Ngài sẽ chẳng bao giờ trở lại Nadarét nữa. Một cơ hội vàng đã không được đón nhận nên dân làng Nagiarét đánh mất hồng ân vô giá.

Hằng ngày chúng ta cũng đã bỏ lỡ biết bao nhiêu cơ hội như thế. Ta đã bỏ lỡ không tiếp đón Chúa đến thăm khi ta bịt mắt không nhìn thấy những cảnh khổ chung quanh; khi ta bưng tai không nghe những tiếng kêu than khóc lóc; khi ta làm ngơ trước những cảnh ngộ nghiệt ngã, khi ta ngoảnh mặt quay lưng trước những nạn nhân của thiên tai hoạn nạn. Nhất là ta bỏ lỡ không nghe thấy tiếng Chúa cảnh báo để ăn năn sám hối. Chúa đã nhắc nhở ta nhiều lần nhiều cách: qua các vị bề trên; qua các tai nạn; qua lời khuyên của những người thân; qua lời phê phán của những người thù ghét ta… Hôm nay, Chúa còn tiếp tục nhắc nhở. Nếu ta không nghe, biết đâu hôm nay sẽ là lần cuối cùng. Chúa sẽ không bao giờ nhắc nhở nữa. Chúa sẽ bỏ ta mà đi như đã bỏ làng Nagiarét và không bao giờ trở lại. Như thế thì thật nguy hiểm cho linh hồn ta. Để nhận biết Chúa, ta phải rèn luyện cho mình một đức tin mạnh mẽ. Ánh mắt đức tin giống như ngọn đèn soi chiếu vào đêm đen giúp ta nhận ra Chúa trong anh em, trong những biến cố Chúa gửi đến. (Đức TGM Ngô Quang Kiệt).

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ: “Tôi đã suy nghĩ và tự phản tỉnh nhiều về những điều này khi cầu nguyện. Tôi nhận thấy mình được mời gọi và chắc chắn mọi người cũng được mời gọi phải nhận ra những gì là ghen ghét, đố kỵ trong tâm hồn hình, vì chúng luôn dẫn tới đau khổ và chết chóc, không làm cho người ta vui mừng, hạnh phúc được. Người có lòng ghen ghét, đố kỵ luôn nghĩ rằng những điều tốt lành mà người khác có chống lại họ. Và đó là khởi đầu của bao nhiêu tội lỗi, gian ác khác. Chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa giúp chúng ta đừng bao giờ mở con tim mình ra cho những ghen ghét, đố kỵ đi vào, vì chúng chỉ dẫn tới đau khổ và chết chóc mà thôi”. (Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nguyện đường thánh Marta, sáng thứ năm, ngày 21.01.2016, lễ kính thánh Anê, trinh nữ tử đạo. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã giảng về sự ghen ghét và đố kỵ. Người ta có thể dùng lời nói mà giết hại lẫn nhau. Nhưng Thiên Chúa sẽ bảo vệ chúng ta khỏi những tội lỗi xấu xa này).

Cuộc sống sẽ hạnh phúc biết bao khi người ta biết tôn trọng, cảm thông, tha thứ và nâng đỡ nhau. Thay cho lời kết án, ghen tỵ là lời chúc mừng khuyến khích. Thay cho những cái nhìn thiển cẩn hẹp hòi là những cái nhìn nhân ái bao dung. Cuộc sống thật đẹp khi người ta biết nhìn cái tốt nơi nhau, để khen ngợi, để khuyến khích nhau, thay vì nhìn điểm yếu của nhau để kết án, xem thường nhau.
Xin Chúa cho chúng con có một trái tim luôn rộng mở để yêu thương mọi người. Amen.