Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Trong một quyết định thể hiện rõ lòng thù hận đối với Đức Hồng Y George Pell, tòa án tại Melbourne đã quyết định truyền hình trực tiếp buổi đọc phán quyết kết tội Đức Hồng Y vào ngày thứ Tư 13 tháng Ba, như một hình thức lăng mạ công khai ngài; và đã tuyên án ngài 6 năm tù giam.
Đúng 10 giờ sáng thứ Tư 13 tháng Ba, 2019, giờ địa phương Melboune, chánh án Peter Kidd đã bắt đầu phiên toà lên án Đức Hồng Y Pell với một bài thuyết trình trước khi lên án kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ nhằm biện hộ cho một bản án bất công và phi lý.
Đức Hồng Y bị kêu án “sáu năm tù vì lạm dụng 2 bé trai trong thập niên 1990”. Trong đó, hết 3 năm 8 tháng không được nạp đơn xin ân xá.
Và dù biết có thể ngài không sống đủ thời gian ngồi tù, Kidd vẫn kêu bản án trên. Thực vậy, ông ta bảo: “Tôi ý thức rõ thời gian ngồi tù mà tôi sắp sửa áp đặt lên ông mang theo nó một khả thể có thật, khác hẳn lý thuyết, đó là ông có thể không sống để được thả ra khỏi nhà tù”.
Cuộc trực tiếp truyền hình của Đài Số 7 chủ yếu chiếu chánh án Kidd đọc bài thuyết trình của ông ta, thỉnh thoảng lại chiếu bên cạnh một số hình ảnh “thời sự” liên quan đến Đức Hồng Y Pell, các người biểu tình ở bên ngoài, phần lớn là chống lại Đức Hồng Y. Chỉ có hai người đứng cầu nguyện nghiêm chỉnh, một người cầm tràng hạt. Không thấy chiếu quang cảnh bên trong tòa án, kể cả hình ảnh Đức Hồng Y Pell tại tòa. Rất đông các linh mục hiện diện trong phiên tòa này.
Đức Hồng Y Pell được tường thuật đứng với hai tay để sau lưng khi chánh án đọc to bản án và không phản ứng gì. Một trong những người ủng hộ ngài lấy tay ôm mặt khóc khi bản án được đọc to, trong khi một người đàn bà khác an ủi bà này. Phòng tòa án im lặng suốt buổi lên án, kể cả lúc chánh án Kidd đọc án tù, và hầu như mọi người trong phòng đều quay đầu nhìn Đức Hồng Y trước vành móng ngựa. Ngài dùng gậy rời khỏi phiên tòa dưới sự hộ tống của 4 nhân viên gác nhà tù. Không ai nói gì và ngài cũng không chào hỏi ai.
Chánh án Kidd bào chữa việc cho trực tiếp truyền hình phiên kêu án Đức Hồng Y Pell. Y bác bỏ lập luận của luật sư bênh vực rằng quyết định cho trực tiếp truyền hình các nhận định lúc kêu án tạo thành một hình phạt phụ trội nhằm lăng mạ công khai Đức Hồng Y Pell.
Chúng tôi xin lập lại ở đây nhận định của Đức Hồng Y Gerhard Müller, nguyên tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin. Ngài nói với tờ National Catholic Register rằng việc khởi tố Đức Hồng Y Pell và giam giữ ngài là “một sự chà đạp công lý nghiêm trọng”, xuất phát từ lòng thù hận đức tin, dựa trên những cáo buộc “vô bằng, vô cớ” và “hoàn toàn không thể nào tin được”. Đây là một bản án bất công, vô lý và cần được gọi đích danh là một sự bách hại tôn giáo.
2. Đức Thánh Cha sẽ không tiếp Tập Cận Bình
Giữa các đồn thổi trên các phương tiện truyền thông rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp “Đại Đế” Tập Cận Bình trong chuyến đi sắp tới của ông này tại Ý, hôm thứ Ba 12 tháng Ba, Bộ Ngoại giao Đài Loan, trích dẫn thông tin do Vatican công bố, cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ không tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Các phương tiện truyền thông tại Ý cho rằng Đức Thánh Cha Phanxicô không có bất kỳ sự kiện chính thức nào được dự trù từ ngày 21 đến 23 tháng Ba. Điều này đã dẫn đến suy đoán rằng Đức Thánh Cha có thể sẽ tiếp Đại Đế Tập trong chuyến thăm Ý sắp tới kéo dài từ 21 đến 24 tháng 3.
Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao Vatican đã bác bỏ những suy đoán này, và nói rằng một cuộc gặp gỡ với Tập hiện không có trong lịch trình làm việc của Đức Giáo Hoàng.
Khi được yêu cầu bình luận, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Đài Loan là ông Điều Lệ Li (李憲章) cho biết Tòa Thánh đã bác bỏ bất kỳ triển vọng có một cuộc gặp gỡ như vậy. Ông cũng nói thêm rằng Bộ Ngoại Giao Đài Loan sẽ theo dõi chặt chẽ chuyến đi của ông Tập tới Ý và vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với Vatican.
Vatican và Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các giám mục vào tháng 9 năm 2018.
Một số người tin rằng hiệp ước này sẽ sớm đưa hai bên đến gần hơn về một vấn đề quan trọng, đó là Vatican có thể từ bỏ quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc và công nhận Bắc Kinh.
Ông Điều Lệ Li đã nhắc lại rằng trước đó Tòa Thánh đã minh xác rằng thỏa thuận về việc bổ nhiệm Giám Mục “không có bản chất chính trị hoặc ngoại giao” và sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ của giữa Vatican với Đài Bắc.
3. Mãi đến tháng Sáu, tòa mới xét đơn kháng cáo của Đức Hồng Y George Pell
Một tòa án ở Melbourne cho biết đến ngày 5 tháng Sáu tòa mới xét đơn kháng cáo của Đức Hồng Y George Pell. Như thế, Đức Hồng Y có thể phải bị giam giữ tại Melbourne Assessment Prison cho đến đầu tháng Sáu.
Một nguồn tin thân cận với Đức Hồng Y cho biết trong những ngày này ngài thanh thản, bình an, cầu nguyện nhiều. “Đi tĩnh tâm thôi,” ngài nhắn với những người quen biết.
Luật sư Bret Walker sẽ là trưởng nhóm các luật sư bào chữa cho Đức Hồng Y Pell với sự cộng tác của các luật sư Robert Richter, Paul Galbally và Ruth Shann.
Luật sư Robert Richter cho biết đơn kháng án được xây dựng trên ba điểm: sự phụ thuộc của bồi thẩm đoàn chỉ dựa vào những cáo buộc không bằng chứng của một người, sự bất quy tắc của tòa án không cho Đức Hồng Y có cuộc gặp gỡ với bồi thẩm đoàn để biện hộ về sự vô tội của mình, và các luật sư bào chữa không được trình chiếu với bồi thẩm đoàn các bằng chứng cho thấy sự vô tội của thân chủ mình.
Theo các chuyên gia về pháp lý, tại tòa kháng án, Đức Hồng Y có nhiều cơ hội lật lại được vụ án vì bản án này không hợp lý, không có các chứng cứ thuyết phục, có đến 20 nhân chứng khai trước tòa là các cáo buộc không thể xảy ra, và bồi thẩm đoàn không thể nào đưa ra một phán đoán khách quan khi chỉ dựa vào lời nói của nguyên cáo mà thôi.
Vào tháng 12, 2018, một thẩm phán cũng đã lật lại bản án ngày 22 tháng 5 của Đức Tổng Giám Mục Philip Wilson với cáo buộc cho rằng ngài không báo cáo cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ em.
Thẩm phán, Roy Ellis, nói rằng việc chấp nhận người tố cáo “là một nhân chứng trung thực không tự động có nghĩa là tôi sẽ phải tin một cách mù quáng vượt ngoài sự nghi ngờ hợp lý rằng nguyên cáo đã từng phàn nàn với cha Philip Wilson vào năm 1976 rằng cha James Fletcher đã sờ mó anh ta một cách không đứng đắn.”
4. Đức Hồng Y Barbarin bị kết án sáu tháng tù treo
Một tòa án Pháp hôm thứ Năm đã kết án một Hồng Y người Pháp vì đã không báo cáo với chính quyền tội lỗi lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên của một linh mục.
Tòa án Lyon đã phán quyết Đức Hồng Y Philippe Barbarin, Tổng giám mục Lyon, sáu tháng tù treo vì không báo cáo các trường hợp lạm dụng tính dục trong khoảng thời gian từ tháng 7 năm 2014 đến tháng 6 năm 2015.
Đức Hồng Y 68 tuổi đã không phải hiện diện tại phiên tòa ở Lyon hôm thứ Năm để nghe lời kết tội ngài. Jean-Felix Luciani, luật sư của ngài, cho biết ông sẽ kháng cáo: “Những lý do của tòa án không thuyết phục được tôi. Chúng tôi muốn tranh luận về quyết định này”. Theo luật sư Luciani tòa án đã chịu áp lực do các bộ phim tài liệu và một bộ phim đầy tính hư cấu về vụ án.
Vào cuối phiên tòa vào tháng Giêng, công tố viên đã không tìm cách trừng phạt Đức Hồng Y và năm viên chức khác của Giáo Hội cùng bị cáo buộc chung với ngài.
5. Cáo buộc chống lại Đức Hồng Y Philippe Barbarin
Có chín người nói rằng linh mục Bernard Preynat đã lạm dụng họ, và đã đâm đơn kiện Đức Hồng Y Barbarin ra tòa.
Nhóm chín người này cáo buộc Đức Tổng Giám Mục Lyon, và năm viên chức Giáo Hội khác đã bảo vệ cha Preynat trong nhiều năm. Tuy nhiên, năm viên chức này đều được tha bổng chỉ có mình Đức Hồng Y là gặp rắc rối.
François Devaux, đồng sáng lập hiệp hội các nạn nhân bị lạm dụng tính dục “La Parole libérée”, ca ngợi bản án là “một chiến thắng tuyệt vời cho việc bảo vệ trẻ em”.
Những người xưng là nạn nhân của cha Preynat đã buộc tội Đức Hồng Y và năm viên chức thuộc cấp của ngài đã không đưa cha Preynat ra trước công lý. Là một tuyên úy cho phong trào hướng đạo vào những năm 1970 và 1980 ở ngoại ô Lyon, cha Preynat bị cáo buộc đã lạm dụng hơn 70 người trẻ. Quy mô của vụ tai tiếng này đã làm rung chuyển tổng giáo phận Lyons và Giáo hội tại Pháp.
Những người này nói rằng các nhà lãnh đạo Giáo hội đã biết về hành động của cha Preynat từ năm 1991, nhưng vẫn để cho cha Preynat làm việc mục vụ cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2015.
Cha Preynat đã nhìn nhận tội lỗi lạm dụng tính dục các hướng đạo sinh vào thập niên 1970 và 1980 và sẽ phải ra tòa trong một phiên tòa khác vào năm tới nhưng chưa được xác định cụ thể.
Chỉ có 13 trường hợp trong tổng số 85 đơn kiện sẽ được xét xử, vì thời hiệu đã hết hạn với các trường hợp khác.
Trong lời biện hộ được đọc trước tòa hồi tháng Giêng, Đức Hồng Y Barbarin nói: “Tôi không bao giờ tìm cách che giấu, chứ đừng nói đến chuyện che đậy những hành vi khủng khiếp này”.
Vào ngày 31 tháng 8 năm 2015, Đức Hồng Y đã thu hồi các trách nhiệm mục vụ của cha Preynat, theo hướng dẫn của Tòa thánh. “Tôi đã thực hiện chính xác những yêu cầu Rôma muốn tôi phải làm”.
Ngài thừa nhận “thiếu thận trọng” khi vào năm 2011, ngài đã bổ nhiệm cha Preynat làm việc mục vụ ở một giáo xứ gần Roanne. “Lẽ ra, tôi nên nói với ông ta phải tiếp tục ở trong bóng tối”.
6. Đức Hồng Y Barbarin sẽ nộp đơn từ chức lên Đức Thánh Cha Phanxicô.
Trong một bài phát biểu ngắn với báo chí tại Tòa Giám Mục ở Lyon, Đức Hồng Y Barbarin tuyên bố ngài sẽ đến Rôma trong những ngày tới để trao đơn từ chức lên Đức Thánh Cha Phanxicô.
Ngay sau đó, Hội đồng Giám mục Pháp, gọi tắt là CEF đã đưa ra một tuyên bố nói rằng các ngài sẽ không đưa ra lời bình luận nào về Đức Hồng Y. CEF cho biết họ sẽ không bình luận về quyết định từ chức của Đức Hồng Y, nói rằng đó là vấn đề của cá nhân ngài và các Giám Mục tin tưởng Đức Thánh Cha sẽ có quyết định phù hợp.
Đức Hồng Y Barbarin là giám mục người Pháp thứ ba bị kết án trong một phiên tòa liên quan đến lạm dụng tình dục. Năm 2001, Đức Cha Pierre Pican của Bayeux-Lisieux đã bị tuyên án ba tháng tù treo. Gần đây hơn, vào ngày 22 tháng 11 năm 2018, Đức cha André Fort, cựu giám mục của Orleans, đã bị kết án tám tháng tù treo.
7. Lần đầu tiên Lễ Tro được tổ chức tại Quốc Hội Tô Cách Lan
Giữa các tin buồn liên quan đến những va chạm giữa Giáo Hội và chính quyền dân sự, vẫn có một tin tốt lành diễn ra trong ngày Thứ Tư Lễ Tro tại Quốc Hội Tô Cách Lan.
Lần đầu tiên, từ thời Vua Henry VIII, thánh lễ ngày Thứ Tư Lễ Tro đã được tổ chức tại Quốc Hội Tô Cách Lan. Đức Tổng Giám Mục Leo Cushley của St. Andrew và Edinburgh đã chủ tọa thánh lễ.
Giảng trong thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục Cushley đã nhắc nhở các thành viên Quốc Hội rằng cử chỉ nhận tro nhắc nhở chúng ta rằng “chúng ta là tro bụi”.
“Thánh lễ này cũng nhắc nhớ chúng ta về tình trạng tội lỗi của mình, rằng chúng ta cần nhận ra những thiếu sót và cầu xin ơn phù trợ của Chúa. Chúng ta mỏng giòn, chúng ta là phàm nhân, chúng ta đã bất trung và chúng ta phục hồi mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa Toàn Năng.”
Theo thông cáo báo chí từ tổng giáo phận St. Andrew và Edinburgh, thánh lễ đã diễn ra trong một căn phòng tại tòa nhà Queensbury.
Bà Elaine Smith, thành viên Quốc hội Tô Cách Lan, là người đã vận động cho việc tổ chức thánh lễ này nói trong một tuyên bố rằng “thật đáng yêu khi Đức Tổng Giám Mục đến và xức tro cho những người làm việc trong Quốc hội Tô Cách Lan.”
Anthony Horan, nhân viên của Hội Đồng Giám Mục Tô Cách Lan, cho biết ông rất vui khi thấy biểu tưọng thánh giá trên trán các thành viên quốc hội và nhân viên.
“Tôi tin rằng Giáo hội có những điều tốt và tích cực để trao ban cho xã hội”, ông nói trong một tuyên bố của tổng giáo phận, và thêm rằng thật là một vinh dự cho ông khi được mời và được chào đón tại Quốc hội Tô Cách Lan một cách long trọng như vậy.”
Horan cho biết ông hy vọng sẽ có nhiều sự kiện Công Giáo được diễn ra tại Quốc Hội trong tương lai. Năm ngoái, một thánh lễ đã được cử hành lần đầu tiên tại Quốc hội Tô Cách Lan trong Tuần Thánh.
Bà Elaine Smith cũng đã ghi nhận những lời bình luận tích cực sau thánh lễ Thứ Tư Lễ Tro, và nói rằng cô muốn “nếu có thể, tôi cầu mong thánh lễ ngày Thứ Tư Lễ Tro, cũng các Thánh lễ trong Tuần Thánh được lặp lại hàng năm”.
Trong thông cáo báo chí của tổng giáo phận St. Andrew và Edinburgh, Đức Tổng Giám Mục Cushley cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận ra tội lỗi trong cuộc sống của chúng ta và có ước muốn ăn năn và được quay lại với Thiên Chúa.
“Sự trưởng thành đích thực của con người chỉ có thể được thực hiện một cách chân thành nơi mong muốn cải thiện bản thân để nên xứng đáng là con cái Chúa.”
8. Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma đi tĩnh tâm
Trưa Chúa Nhật 10 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền tin với các tín hữu tại quảng trường Thánh Phêrô. Sau đó, Đức Thánh Cha và các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh đã rời Vatican đi tĩnh tâm mùa chay cho đến sáng thứ Sáu, 15 tháng Ba.
Giống như các năm trước, các vị dùng xe bus để tới trung tâm “Nhà Thầy Chí Thánh” (Casa Divin Maestro) của tu đoàn thánh Phaolo ở Ariccia, cách Roma khoảng 30 cây số về hướng nam.
Vị giảng thuyết cho tuần tĩnh tâm Mùa Chay năm nay là cha Bernardo Francesco Maria Giann, dòng Biển đức, viện phụ của đan viện San Miniato al Monte ở Florence. Chủ đề của các bài suy niệm là “Thành phố của những khát khao mãnh liệt. Để có những ánh nhìn và cử chỉ phục sinh trong đời sống của thế giới.”
Tuần tĩnh tâm bắt đầu lúc 16 giờ chiều Chúa Nhật với buổi Chầu Mình Thánh Chúa và kinh chiều. Những ngày sau đó có kinh sáng lúc 7 giờ rưỡi, tiếp đến là bài suy niệm thứ I lúc 9 giờ rưỡi, rồi thánh lễ đồng tế.
Ban chiều lúc 6 giờ có bài suy niệm thứ II, tiếp đến là Chầu Thánh Thể và kinh chiều.
Sáng thứ Sáu 15 tháng Ba, sẽ có thánh lễ lúc 7 giờ rưỡi và một bài kết thúc lúc 9 giờ rưỡi.
Tổng cộng có 10 bài suy niệm với các chủ đề lần lượt là: “Chúng ta ở đây là vì điều này”, “Giấc mơ của La Pira”, “Chúng ta ở đây để đốt cháy lại các hòn than bằng hơi thở của chúng ta”, “Sự hiện diện của tai tiếng, của máu, và của sự thờ ơ”, “Anh em có nhớ không?”, “Những khao khát mãnh liệt”, “Những lá cờ hòa bình và tình huynh đệ”, “Chúng ta hãy nắm tay nhau”, “Đêm đầy sao”, và cuối cùng là “Thành phố được đặt trên núi”.
Tuần tĩnh tâm của giáo triều Rôma đã được khởi xướng từ năm 1929 dưới triều Đức Giáo Hoàng Piô XI. Trong thời gian đầu giáo triều dự tĩnh tâm vào Mùa Vọng. Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã đổi sang tĩnh tâm vào tuần thứ nhất Mùa Chay.
Trong tuần tĩnh tâm, Đức Thánh Cha sẽ ngưng tất cả các cuộc tiếp kiến, bao gồm cả buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 13 tháng Ba, là ngày kỷ niệm 6 năm ngài được bầu làm Giáo hoàng.
9. Thông điệp Mùa Chay của các Giám Mục Venezuela mô tả đất nước như đang bước qua sa mạc
Các Giám mục Venezuela đã đưa ra một thông điệp Mùa Chay, trong đó các ngài mô tả thời gian khó khăn mà quốc gia đang trải qua như thời gian dân tộc đang băng qua “một sa mạc” để chuyển hóa.
“Mùa Chay tiêu biểu cho chúng ta, người dân Venezuela, đang sống một thời kỳ khó khăn, một khoảnh khắc trong đó chúng ta băng qua sa mạc của cuộc đời mình”, thông điệp viết.
Thông điệp Mùa Chay của các Giám Mục Venezuela đã được ký bởi Đức Cha Jose Trinidad Fernandez, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Venezuela. Ngài mô tả dân tộc Venezuela như dân Do Thái xưa đang đi qua sa mạc khi họ trốn khỏi Ai Cập, để được Chúa giải phóng.
Sau khi đã nhắc lại các diễn biến thê thảm trong những năm gần đây, Đức Cha Fernandez bày tỏ hy vọng rằng dân tộc của ngài sẽ sớm có thể bỏ lại tình trạng nô lệ và đau khổ phía sau.
“Mùa Chay là thời thuận tiện để thoát ra khỏi tình trạng nô lệ, và những bất hạnh, để chúng ta gặp gỡ Chúa như một dân tộc trung tín của Người, một dân tộc có khả năng chia sẻ những ân sủng Chúa Kitô ban cho, vì khi sống trong công lý và hòa bình, chúng ta xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”.
Trong một diễn biến mới nhất, tên độc tài Nicolás Maduro đã ra lệnh trục xuất Đại Sứ Daniel Kriener về nước vì tội “can thiệp vào chuyện nội bộ” của Venezuela.
Ông Juan Guaidó, người được đông đảo các quốc gia trên thế giới công nhận là tổng thống hợp pháp của Venezuela đã ra nước ngoài bất chấp lệnh cấm xuất cảnh của tên độc tài Maduro.
Ông đã về nước vào hôm thứ Hai và người ta lo ngại là ông sẽ bị bắt tại sân bay.
Nhưng khi đáp xuống sân bay Simón Bolivar ở Caracas, ông đã được nhập cảnh và được chào đón bởi một nhóm các nhà ngoại giao, bao gồm cả ông Kriener, là người đã hộ tống ông Juan Guaidó ra khỏi sân bay.
Ra đón ông Juan Guaidó còn có các nhà ngoại giao từ Á Căn Đình, Brazil, Canada, Chí Lợi, Ecuador, Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Rumani, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ - nhưng đến nay chỉ có Đại Sứ Kriener của Đức là bị tên độc tài Maduro “chiếu cố”.
10. Nhà thờ cháy rụi nhưng Kinh Thánh và Thánh Giá còn nguyên
Ngôi nhà thờ ‘Freedom Ministries Church’ ở Grandview, West Virginia đã bị cháy gần hết hôm Chúa Nhật 3 tháng Ba vừa qua, nhưng bộ Kinh Thánh và những cây Thánh Giá hầu như không bị hề hấn gì.
Sở cứu hoả cuả thành phố Coal City đã đưa hình ảnh lên Facebook để chia sẻ sự khám phá này cho mọi người biết.
“Mặc dù rủi ro đã đập vào chúng tôi, nhưng không chạm đến Chúa” trang Facebook viết. “Hãy tưởng tượng mà xem, căn nhà nóng đến độ các nhân viên cứu hoả đã phải lùi bước. Vậy thì mọi sự phải tàn ruị hết, thành tro bụi hết, phải không? Nhưng mà, không hề có một cuốn Kinh Thánh nào bị cháy cả và không hề có một cây Thánh Giá nào bị hư hại cả!! Không hề có một nhân viên cứu hoả nào bị thương tích cả!”
Bài viết cuả sở cứu hoả đã được truyền bá thêm 36 ngàn lần với 33 ngàn ý kiến kinh ngạc, đã được nhiều người xem như là một thông điệp hy vọng trước một thảm cảnh.
CBS News cho biết nguyên do cuả vụ cháy vẫn còn trong vòng điều tra.
11. Thống kê về hiện tình Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới
Hôm 6 tháng Ba, Phòng Báo Chí Tòa Thánh, đã ra một thông báo về các con số thống kê nói lên hiện tình Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới. Dưới đây là bản dịch sang Việt ngữ.
Niên giám Tòa Thánh 2019 và Niên giám Thống kê của Giáo Hội năm 2017, do Văn phòng Thống kê Trung ương của Tòa Thánh biên soạn, do nhà xuất bản Vatican xuất bản, hiện đang được phân phối trong các nhà sách.
Từ dữ liệu được báo cáo trong Niên giám Tòa Thánh, chúng ta có thể rút ra những thông tin sau về cuộc sống của Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới, bắt đầu từ năm 2018.
Trong thời kỳ này, bốn tòa giám mục mới đã được thiết lập, cùng với một giáo phận được nâng lên hàng tổng giáo phận, bốn miền Giám Quản Tông Tòa của Công Giáo Đông phương (apostolic exarchates) được nâng lên hàng giáo phận Công Giáo Đông phương (eparchy), và một miền Giám Quản Tông Tòa nghi lễ Latinh được nâng lên hàng giáo phận.
12. Niên giám Thống kê của Giáo Hội
Dữ liệu thống kê trong Niên giám Thống kê của Giáo Hội năm 2017 cho phép chúng ta có một cái nhìn chi tiết hơn về Giáo Hội Công Giáo trong bối cảnh toàn cầu.
Trong tổng dân số thế giới là 7 tỷ 408 triệu người, có 1 tỷ 313 triệu người Công Giáo được rửa tội chiếm 17.7 phần trăm dân số thế giới. Phân chia theo từng châu lục, có 48.5% sống ở Mỹ Châu, 21.8% ở Âu Châu. Kế đó, 17.8% sống ở Phi Châu, 11.1% ở Á Châu và 0.8% ở Đại Dương Châu.
So sánh với năm trước đó, tức là so với năm 2016, số người Công Giáo trên thế giới đã tăng 1.1% trên toàn cầu. Trên bình diện lục địa, dân số Công Giáo đã tăng 2.5% ở Phi Châu và 1.5% ở Á Châu. Ở Mỹ Châu có sự gia tăng 0.96%, tức là dưới mức tăng trưởng trung bình của dân số Công Giáo. Âu Châu là lục địa duy nhất mà sự tăng trưởng gần như không có với chỉ 0.1%.
Về mặt tỷ lệ so với tổng dân số, tại Mỹ Châu người Công Giáo chiếm 63.8% dân số, con số này là 39.7% ở Âu Châu, 19.2% ở Phi Châu, và chỉ có 3.3% ở Á Châu. Điều đáng lưu ý là tỷ lệ 63.8% trong tổng dân số ở Mỹ Châu, không phải là đồng đều ở các phần khác nhau tại lục địa này. Ở Bắc Mỹ, tỷ lệ người Công Giáo chỉ có 24.7%, ở Trung Mỹ và vùng Antilles là 84.6% và ở Nam Mỹ là 86.6%. Như thế, càng dần về phía Nam, người Công Giáo càng chiếm tỷ lệ cao hơn.
13. Thống kê về các linh mục và các nhân viên mục vụ khác
Vào cuối năm 2017, tổng số hiệp hội tông đồ [apostolate, nghĩa là các tổ chức dấn thân rao giảng Tin Mừng. Chữ apostolate là từ tiếng Hy Lạp apostello, có nghĩa là “sai đi”. Hiệp hội tông đồ có thể là một tổ chức giáo dân hay một dòng tu – chú thích của người dịch] đã lên đến 4,666,073 đơn vị, nghĩa là tăng 0.5% so với năm 2016. Tỷ lệ bách phân của hàng giáo sĩ trong tổng số các nhân viên mục vụ là 10.4% vào cuối năm 2017, và thay đổi theo từng lục địa. Thấp nhất là ở Phi Châu (6.4%) và Mỹ Châu (8.4%). Trong khi đó ở các miền khác tỷ lệ này cao hơn. Tỷ lệ phần trăm giữa tổng số giáo sĩ và tổng số nhân viên mục vụ là 19.3% Âu Châu, 18.2% ở Đại Dương Châu. Ở Á Châu, tỷ lệ này gần với mức trung bình của thế giới là 10.4%. So sánh với các con số thống kê vào năm 2016, số linh mục đã giảm từ 414,969 vào năm 2016 xuống còn 414,582 vào năm 2017. Thay vào đó, số các giám mục, phó tế vĩnh viễn, các thừa sai giáo dân và giáo lý viên đã tăng lên.
Số lượng ứng viên cho chức linh mục trên toàn thế giới đã giảm từ 116,160 trong năm 2016 xuống còn 115,328 trong năm 2017, tức là giảm 0.7 phần trăm. Theo từng lục địa, tình hình là thuận lợi hơn tại Phi Châu và Á Châu, trong khi đáng lo ngại ở Âu Châu và Mỹ Châu. Sự phân phối của các đại chủng sinh theo lục địa vẫn ổn định trong hai năm qua. Âu Châu đóng góp 14.9% trên toàn thế giới, Mỹ Châu 27.3%, Á Châu 29.8% và Phi Châu 27.1%.