NHƯ VỚI CHÚA GIÊSU,
THÁNH GIUSE LÀ CHA CHÚNG TA

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông huấn Đấng trông nom Chúa Cứu Thế, dạy: “Chúng ta hãy phó thác chính mình để được Thánh Giuse chăm sóc, người mà Thiên Chúa tin tưởng phó thác những kho tàng vĩ đại và quí báu nhất, đồng thời hãy học hỏi nơi Người cách làm đầy tớ phục vụ trong nhiệm cục cứu rỗi. Mong Thánh Giuse trở thành người thầy đặc biệt dạy chúng ta phục vụ sứ mạng cứu rỗi của Chúa Kitô, một sứ mạng mà mỗi người chúng ta và mỗi thành viên của Giáo Hội đều có trách nhiệm: vợ, chồng, cha mẹ, những người sinh sống bằng lao động chân tay hay bất cứ công việc gì, những người được gọi vào đời sống chiêm niệm và những ai làm việc tông đồ” (số 32).

Vâng lời vị Cha chung, chúng ta tìm những lý lẽ thích hợp nhất, giúp chúng ta noi gương đời sống thánh Giuse mà sống đẹp lòng Chúa, xứng danh là người được Chúa Kitô cứu chuộc.

Chúa Giêsu gọi thánh Giuse là Cha.

Một trong các lời kinh dâng kính thánh Giuse được Hội Thánh tuyên xưng: “Dưới dòng họ của Ngài (thánh Giuse), Con Thiên Chúa làm người thuộc hoàng tộc Đavit đã âu yếm gọi Ngài là Cha”.

Ngay trang đầu tiên của Tin Mừng, “Gia phả của Chúa Giêsu”, thánh Mathêô khéo léo cho thấy Chúa Giêsu là “con” của thánh Giuse: “Giacob sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô” (Mt 1, 16).

Bởi thánh Giuse chỉ là người được chỉ định dưỡng nuôi Chúa Giêsu, thánh Mathêô “đành” phải “rẽ ngang” gia phả để nhắc đến Đức Mẹ và gọi Đức Mẹ là “mẹ Đức Giêsu”.

Sự khéo léo này như ám chỉ: Chúa Giêsu không được sinh ra từ thánh Giuse, nhưng vẫn là dưỡng tử của thánh Giuse, mang danh dòng họ thánh Giuse. Ngay từ thuở thiếu thời, Chúa Giêsu đã được thánh Giuse thương yêu như người con của mình.

Ngay cách đặt tên cho phần đầu tiên của Tin Mừng theo thánh Mathêô: “Gia phả Đức Giêsu Kitô”, Hội Thánh cũng đã kín đáo nhìn nhận Chúa Giêsu chọn cho mình một dòng tộc, một người cha, một mái gia đình để sinh ra làm người.

Kể từ đó, Tin Mừng không ngừng nhắc đi nhắc lại vai trò làm con của thánh Giuse, thuộc dòng tộc Đavit, mà Chúa Giêsu đảm nhận: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?” (Mt 13,55; Lc 3,23; 4, 22). “Con vua David” (Mt 9, 27; 21, 9; Mc 12, 35). Chúa Giêsu đã không bao giờ hổ thẹn vì những lời mà người đương thời của Chúa gán cho: Con của bác thợ mộc Giuse.

Truyền thống Hội Thánh vẫn tin rằng, thánh Giuse được Chúa thánh hóa trước khi sinh ra, vì Chúa đã chọn thánh nhân làm cha nuôi của Con Chúa. Bởi: “Khi Thiên Chúa muốn tuyển chọn ai, để nhận lãnh một ơn gọi đặc biệt, hoặc một chức phận cao sang, Chúa luôn ban những ân sủng cần thiết cho người được tuyển chọn để thi hành ơn gọi hay sống chức vụ của mình. Ân sủng của Chúa sẽ tô điểm rất đầy đủ cho người được tuyển chọn ấy” (thánh Bênađô thành Siêna, sách đã dẫn trang 124).

Hội Thánh tin như thế, vì điều đó không đi ngược những gì Thánh Kinh đã cho biết về thánh Giuse. Bởi địa vị của thánh Giuse quá cao trọng: Người được coi là cha của Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Người là bạn của Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu. Từ đời đời, Thiên Chúa đã tuyển chọn thánh Giuse làm dưỡng phụ của Chúa Giêsu. Người là Đấng gìn giữ Con Thiên Chúa và gìn giữ gia đình thánh tại Nagiareth. Chúa Giêsu là cả kho tàng ơn cứu độ loài người, vì thế, hiểu một nghĩa hạn hẹp nào đó, khi gìn giữ Chúa Giêsu, thánh Giuse cũng là Đấng bảo hộ kho tàng ơn cứu rỗi của chúng ta.

Dù quyền cao chức trọng là thế, nhưng thánh Giuse lại sống âm thầm, giản dị, không khoe khoang, nhưng khiêm nhường rất mực. Đặc biệt, thánh nhân đề cao đức vâng lời trong suốt đời mình. Một lòng vâng theo thánh ý Chúa đến cùng.

Qua tất cả những lần Thánh Kinh đề cập như: đón nhận Đức Trinh Nữ làm bạn trăm năm của mình (x.Mt 1, 18-25); đưa con trốn sang Aicập và lại đưa con trở về sau khi nguy hiểm đi qua (x.Mt 2, 13-23); khi con cử hành nghi lễ cắt bì (x.Lc 2, 21); dâng con trong đền thờ (x.Lc 2, 22-38); tìm và gặp con trong đền thờ (x.Lc 2, 41-49)… cho thấy đức vâng lời của thánh Giuse là một nhân đức tuyệt hảo, đáng là chuẩn mực cho sự vâng lời của chúng ta.

Chúng ta không biết ngày qua đời của thánh Giuse. Có lẽ thánh nhân qua đời trước cuộc thương khó của Chúa Giêsu, vì nếu không, thánh Giuse, một người cha đầy từ tâm, lân tuất, chắc chắn đã hiện diện, đã được Tin Mừng nhắc đến trong biến cố đau thương này. Và nếu có thánh Giuse bên cạnh, có lẽ Chúa không trối Đức Maria cho thánh Gioan (?).