May Quá, Mình Thoát Nạn! Hay Mình Xứng Đáng?
Có thể nói một trong những đặc tính của thời đại hôm nay đó là tính thời sự. Nhờ phương tiện thông tin ngày càng hiện đại nên tin tức đó đây tức thời được cập nhật qua các phương tiện nghe nhìn. Chỉ ngồi trước màn ảnh truyền hình một lát thì ta có thể biết khá tường tận nhiều sự việc vừa xảy ra trên thế giới. Chịu khó thống kê một chút, thì chúng ta có thể kết luận rằng nhóm “hung tin” hình như đang chiếm thế thượng phong về tần suất được tường thuật, chẳng hạn như: chiến tranh, dịch bệnh, động đất, sống thần, lũ lụt, khủng bố, hỏa hoạn, bão tuyết…
Trước những tai ương hoạn nạn thì có những phản ứng khác nhau. Có người thì điềm nhiên như sự xảy ra là ở đâu đâu, không liên hệ gì đến mình. Cũng có thể thoặt đầu vẫn có cảm xúc ít nhiều nhưng rồi dần dà nghe thấy quá nhiều tai ương hoạn nạn, nên hóa thành vô cảm. Vô cảm trước hoạn nạn mà tha nhân đang gánh chịu là một thái độ đáng lên án. Thái độ này dễ nhận biết cách nào đó và chẳng ai muốn bị kết án là hạng người vô cảm, vì chính bản thân người vô cảm cũng ít nhiều nhận thấy cái sai trái của mình. Tuy nhiên có một phản ứng thoạt xem ra không đáng trách nhưng thật tai hại. Có thể gọi phản ứng này với câu nói ngoài miệng hay lời thầm trong lòng những người thuộc hạng này: “Hú hồn, may quá, mình vẫn bình yên, mình may mắn hơn! Hay mình đang xứng đáng?”.
“Mình may mắn hơn”. Một câu nói, đúng hơn là một phản ứng rất có thể có nơi nhiều người không bị tai ương hoạn nạn. Trước các biến cố cuộc đời, người ta vốn quen kết luận theo quy luật nhân quả “ở hiền thì gặp lành; làm ác thì chuốc dữ”. Chính vì thế khi một tai ương hay hoạn nạn xảy đến cho người này, người kia, thì người ta dễ quy kết nguyên nhân là do tội, do lỗi của các nạn nhân hay của mẹ cha, ông bà họ trước đây. Chính các tông đồ cũng đã từng hỏi Chúa Giêsu về nguyên nhân khiến cho một người bị mù từ lúc mới sinh mà tin mừng Gioan tường thuật: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến cho người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?”(Ga 9,2).
Cũng vì thói quen nhìn các sự kiện theo mối liên hệ nhân quả nên khi những tai ương hoạn nạn không ảnh hưởng gì đến chúng ta thì chúng ta rất có thể không chỉ nghĩ rằng may quá, mình không vương nạn mà còn có thể tự hào rằng mình đang còn tốt lành, còn đang xứng đáng. Đây quả là một thái độ ít nhiều vừa tắc trách lại vừa đáng trách.
Một tai ương, hoạn nạn xảy ra, có thể là do sự vận động của giới tự nhiên theo quy luật của nó như chuyện hết mưa thì trời lại nắng.., cũng có thể là do tác động của con người như chuyện biến đổi khí hậu bất thường do hiệu ứng nhà kính…, cũng có thể là do lỗi hay tội của người này, tập thể kia gây ra cho chính bản thân họ hay cho tha nhân, chẳng hạn như chiến tranh hoặc nhiều tai nạn giao thông…Là Kitô hữu, chúng ta vốn tin nhận rằng mọi người đều là anh chị em với nhau, có cùng một Cha trên trời thì không thể nào có thái độ vừa tắc trách vừa đáng trách trước các hoạn nạn, tai ương mà tha nhân đáng gánh chịu đó đây. Trái lại, chúng ta cần phải tích cực liên đới với họ và đồng thời phải biết cảnh tỉnh bản thân để hoán cải, đổi thay ngay hôm nay.
Sống tình liên đới: Thiên Chúa chúng ta tôn thờ không phải là một ông chủ vô tình hay một vị thần bàng quan với con dân. Khi mạc khải cho Môsê biết mình là “Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaác, Thiên Chúa của Giacóp”, thì Người muốn khẳng định rằng Người mãi đồng hành thiết thân với dân Người tuyển chọn và Người không bao giờ bỏ rơi dân Người. “Đức Chúa phán: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai Cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập…”(Xh 3,7-10). Sự liên đới của Thiên Chúa đã nên phổ quát và trọn hảo khi trao ban chính Người Con Một vì nhân loại chúng ta. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời…” (Ga 3, 16-17).
Sống tình liên đới với tha nhân, đặc biệt trong những hoàn cảnh hoạn nạn, tai ương mà tha nhân đang gánh chịu, thì trước hết cần ý thức rằng có thể do sự thiếu sót hay do tội lỗi của chính chúng ta đã làm cho tha nhân phải gánh chịu các cảnh bỉ cực ấy. Thứ đến, nếu giả như chúng ta “vô can” trong các hoạn nạn, tai ương ấy thì chuyện “máu chảy, ruột mềm” hay chuyện “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” là chuyện tự nhiên, đương nhiên phải có trong nghĩa tình anh em một nhà, cùng một Cha trên trời. Hơn nữa, trong niềm tin, chính tội lỗi mới là tai ương, hoạn nạn đáng sợ nhất. Noi gương Chúa Kitô, vâng lệnh Chúa Kitô, chúng ta “phải làm việc này mà nhớ đến Người”: đó là dùng chính con người của mình, xác thân mình, máu huyết, sự sống của mình để gánh tội của nhau, để làm cho nhau nên thanh sạch, được sống và sống dồi dào (x.1Cr 11,23-25).
Biết cảnh giác và tỉnh thức để hoán cải: Thánh Tông Đồ dân ngoại lưu ý: “Ai tưởng mình đứng vững, thì hãy coi chừng, kéo ngã” (1Cr 10,12). Trước chuyện một số người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu họ đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng hoặc chuyện mười tám người bị tháp Silôê đổ xuống đè chết, Chúa Giêsu đã cảnh báo người đương thời rằng chớ vội quy kết rằng họ có tội hoặc cho rằng mình vô tội hay đang xứng đáng, nhưng phải biết tỉnh thức mà sám hối ăn năn.
“Chưa tận thế đâu”. Một câu nói rất có thể có ích khi nhắc nhớ chúng ta chớ hấp tấp, nóng vội mà quên đi quy luật của thời gian. Tuy nhiên câu nói trên cũng có thể tố cáo sự thiếu cảnh giác và tỉnh thức của chúng ta. Nhiều tổ chức, nhiều chương trình, kế hoạch hay công việc đòi hỏi có thời gian tính. “Dục tốc bất đạt” vốn là kinh nghiệm có từ ngàn xưa. Thế nhưng, trong chuyện sửa sai, nhiều khi không thể để đến ngày mai, vì sẽ không còn có cơ hội hoặc vì hậu quả xấu đã ra trầm trọng, thành tình trạng di căn, khó có thể khắc phục. Đặc biệt trong việc hoán cải tâm hồn thì luôn cần phải làm ngay trong hôm nay, giờ phút này. Xin đừng quên rằng không phải một ngày, không phải một giờ, nhưng có thể chỉ một phút, một giây sẽ quyết định số phận, quyết định hạnh phúc đời đời của bạn, của chính tôi.
Một trong những thái độ sống cần thay đổi đó là sự bàng quang, vô cảm, an phận trước cảnh bỉ cực của tha nhân hoặc tự nhủ: may quá, mình không vương nạn, mình đang xứng đáng!
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Có thể nói một trong những đặc tính của thời đại hôm nay đó là tính thời sự. Nhờ phương tiện thông tin ngày càng hiện đại nên tin tức đó đây tức thời được cập nhật qua các phương tiện nghe nhìn. Chỉ ngồi trước màn ảnh truyền hình một lát thì ta có thể biết khá tường tận nhiều sự việc vừa xảy ra trên thế giới. Chịu khó thống kê một chút, thì chúng ta có thể kết luận rằng nhóm “hung tin” hình như đang chiếm thế thượng phong về tần suất được tường thuật, chẳng hạn như: chiến tranh, dịch bệnh, động đất, sống thần, lũ lụt, khủng bố, hỏa hoạn, bão tuyết…
Trước những tai ương hoạn nạn thì có những phản ứng khác nhau. Có người thì điềm nhiên như sự xảy ra là ở đâu đâu, không liên hệ gì đến mình. Cũng có thể thoặt đầu vẫn có cảm xúc ít nhiều nhưng rồi dần dà nghe thấy quá nhiều tai ương hoạn nạn, nên hóa thành vô cảm. Vô cảm trước hoạn nạn mà tha nhân đang gánh chịu là một thái độ đáng lên án. Thái độ này dễ nhận biết cách nào đó và chẳng ai muốn bị kết án là hạng người vô cảm, vì chính bản thân người vô cảm cũng ít nhiều nhận thấy cái sai trái của mình. Tuy nhiên có một phản ứng thoạt xem ra không đáng trách nhưng thật tai hại. Có thể gọi phản ứng này với câu nói ngoài miệng hay lời thầm trong lòng những người thuộc hạng này: “Hú hồn, may quá, mình vẫn bình yên, mình may mắn hơn! Hay mình đang xứng đáng?”.
“Mình may mắn hơn”. Một câu nói, đúng hơn là một phản ứng rất có thể có nơi nhiều người không bị tai ương hoạn nạn. Trước các biến cố cuộc đời, người ta vốn quen kết luận theo quy luật nhân quả “ở hiền thì gặp lành; làm ác thì chuốc dữ”. Chính vì thế khi một tai ương hay hoạn nạn xảy đến cho người này, người kia, thì người ta dễ quy kết nguyên nhân là do tội, do lỗi của các nạn nhân hay của mẹ cha, ông bà họ trước đây. Chính các tông đồ cũng đã từng hỏi Chúa Giêsu về nguyên nhân khiến cho một người bị mù từ lúc mới sinh mà tin mừng Gioan tường thuật: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến cho người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?”(Ga 9,2).
Cũng vì thói quen nhìn các sự kiện theo mối liên hệ nhân quả nên khi những tai ương hoạn nạn không ảnh hưởng gì đến chúng ta thì chúng ta rất có thể không chỉ nghĩ rằng may quá, mình không vương nạn mà còn có thể tự hào rằng mình đang còn tốt lành, còn đang xứng đáng. Đây quả là một thái độ ít nhiều vừa tắc trách lại vừa đáng trách.
Một tai ương, hoạn nạn xảy ra, có thể là do sự vận động của giới tự nhiên theo quy luật của nó như chuyện hết mưa thì trời lại nắng.., cũng có thể là do tác động của con người như chuyện biến đổi khí hậu bất thường do hiệu ứng nhà kính…, cũng có thể là do lỗi hay tội của người này, tập thể kia gây ra cho chính bản thân họ hay cho tha nhân, chẳng hạn như chiến tranh hoặc nhiều tai nạn giao thông…Là Kitô hữu, chúng ta vốn tin nhận rằng mọi người đều là anh chị em với nhau, có cùng một Cha trên trời thì không thể nào có thái độ vừa tắc trách vừa đáng trách trước các hoạn nạn, tai ương mà tha nhân đáng gánh chịu đó đây. Trái lại, chúng ta cần phải tích cực liên đới với họ và đồng thời phải biết cảnh tỉnh bản thân để hoán cải, đổi thay ngay hôm nay.
Sống tình liên đới: Thiên Chúa chúng ta tôn thờ không phải là một ông chủ vô tình hay một vị thần bàng quan với con dân. Khi mạc khải cho Môsê biết mình là “Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaác, Thiên Chúa của Giacóp”, thì Người muốn khẳng định rằng Người mãi đồng hành thiết thân với dân Người tuyển chọn và Người không bao giờ bỏ rơi dân Người. “Đức Chúa phán: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai Cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập…”(Xh 3,7-10). Sự liên đới của Thiên Chúa đã nên phổ quát và trọn hảo khi trao ban chính Người Con Một vì nhân loại chúng ta. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời…” (Ga 3, 16-17).
Sống tình liên đới với tha nhân, đặc biệt trong những hoàn cảnh hoạn nạn, tai ương mà tha nhân đang gánh chịu, thì trước hết cần ý thức rằng có thể do sự thiếu sót hay do tội lỗi của chính chúng ta đã làm cho tha nhân phải gánh chịu các cảnh bỉ cực ấy. Thứ đến, nếu giả như chúng ta “vô can” trong các hoạn nạn, tai ương ấy thì chuyện “máu chảy, ruột mềm” hay chuyện “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” là chuyện tự nhiên, đương nhiên phải có trong nghĩa tình anh em một nhà, cùng một Cha trên trời. Hơn nữa, trong niềm tin, chính tội lỗi mới là tai ương, hoạn nạn đáng sợ nhất. Noi gương Chúa Kitô, vâng lệnh Chúa Kitô, chúng ta “phải làm việc này mà nhớ đến Người”: đó là dùng chính con người của mình, xác thân mình, máu huyết, sự sống của mình để gánh tội của nhau, để làm cho nhau nên thanh sạch, được sống và sống dồi dào (x.1Cr 11,23-25).
Biết cảnh giác và tỉnh thức để hoán cải: Thánh Tông Đồ dân ngoại lưu ý: “Ai tưởng mình đứng vững, thì hãy coi chừng, kéo ngã” (1Cr 10,12). Trước chuyện một số người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu họ đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng hoặc chuyện mười tám người bị tháp Silôê đổ xuống đè chết, Chúa Giêsu đã cảnh báo người đương thời rằng chớ vội quy kết rằng họ có tội hoặc cho rằng mình vô tội hay đang xứng đáng, nhưng phải biết tỉnh thức mà sám hối ăn năn.
“Chưa tận thế đâu”. Một câu nói rất có thể có ích khi nhắc nhớ chúng ta chớ hấp tấp, nóng vội mà quên đi quy luật của thời gian. Tuy nhiên câu nói trên cũng có thể tố cáo sự thiếu cảnh giác và tỉnh thức của chúng ta. Nhiều tổ chức, nhiều chương trình, kế hoạch hay công việc đòi hỏi có thời gian tính. “Dục tốc bất đạt” vốn là kinh nghiệm có từ ngàn xưa. Thế nhưng, trong chuyện sửa sai, nhiều khi không thể để đến ngày mai, vì sẽ không còn có cơ hội hoặc vì hậu quả xấu đã ra trầm trọng, thành tình trạng di căn, khó có thể khắc phục. Đặc biệt trong việc hoán cải tâm hồn thì luôn cần phải làm ngay trong hôm nay, giờ phút này. Xin đừng quên rằng không phải một ngày, không phải một giờ, nhưng có thể chỉ một phút, một giây sẽ quyết định số phận, quyết định hạnh phúc đời đời của bạn, của chính tôi.
Một trong những thái độ sống cần thay đổi đó là sự bàng quang, vô cảm, an phận trước cảnh bỉ cực của tha nhân hoặc tự nhủ: may quá, mình không vương nạn, mình đang xứng đáng!
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột