Trong ngày đầu tiên của chuyến tông du Bảo Gia Lợi, sau các cuộc gặp gỡ với tổng thống, thủ tướng, các đại diện xã hội dân sự và đoàn ngoại giao, Đức Thánh Cha đã đến thăm xã giao Ðức Thượng Phụ Neophyte, là Giáo chủ Chính Thống Bảo Gia Lợi, cùng với Thánh Hội Đồng của Giáo Hội này.

Lúc 13g, Đức Thánh Cha đã đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng với các tín hữu tại Quảng trường Thánh Nevsky.

Ban chiều, lúc 16g45, Ðức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ cho các tín hữu Công Giáo tại Quảng trường Knyaz Alexandar I.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:


Anh chị em thân mến,

Chúa Kitô đã sống lại! Christos vozkrese!

Thật tuyệt vời khi biết rằng các Kitô hữu ở đất nước anh chị em dùng những lời này để chào nhau trong niềm vui Chúa sống lại suốt mùa Phục sinh.

Toàn bộ trình thuật chúng ta vừa nghe, rút ra từ những trang cuối cùng của Tin mừng, giúp chúng ta đắm mình trong niềm vui này là điều mà Chúa yêu cầu chúng ta truyền bá, vì nó nhắc nhở chúng ta về ba điều tuyệt vời là một phần trong cuộc sống của chúng ta với tư cách là các môn đệ: đó là Chúa gọi, Chúa gây ngạc nhiên, và Chúa yêu.

Chúa gọi. Mọi thứ diễn ra trên bờ hồ Galilê, nơi đầu tiên Chúa Giêsu gọi Phêrô. Ngài đã kêu gọi ông bỏ lại công việc đánh cá của mình để trở thành một người chài lưới người (x. Lc 5: 4-11). Bây giờ, sau tất cả những gì đã xảy ra với ông, sau kinh nghiệm nhìn thấy Thầy mình chết và nghe tin tức về sự phục sinh của Ngài, Phêrô trở về với nghề cũ. Ông nói với các môn đệ khác, “Tôi đi đánh cá đây”. Và họ đáp: “Chúng tôi sẽ đi với anh” (Ga 21: 3). Họ dường như lùi lại một bước; Phêrô cầm lấy lưới mà ông đã bỏ lại để theo Chúa Giêsu. Sức nặng của sự đau khổ, thất vọng và sự phản bội đã trở thành như một hòn đá đè nặng lên những con tim của các môn đệ. Họ vẫn còn mang nặng trong lòng nỗi đau và cảm giác tội lỗi, và tin mừng phục sinh chưa bén rễ trong lòng họ.

Chúa biết cám dỗ muốn quay lại mọi thứ như trước đây quyến rũ chúng ta mạnh mẽ biết chừng nào. Trong Kinh thánh, những chiếc lưới của Phêrô, giống như những nồi thịt trên đất Ai Cập, là biểu tượng của một nỗi nhớ đầy cám dỗ về quá khứ, của một ao ước lấy lại những gì chúng ta đã quyết định bỏ lại sau lưng. Khi đối mặt với thất bại, tổn thương, hoặc thậm chí với thực tế là đôi khi mọi thứ không diễn ra như chúng ta mong muốn, luôn có một cám dỗ tinh tế và nguy hiểm khiến chúng ta trở nên chán nản và bỏ cuộc. Đây là tâm lý ngôi mộ nhuộm màu mọi thứ với sự thất vọng và khiến chúng ta đắm chìm trong cảm giác dịu dàng tự thương hại, giống như một con sâu bướm, ăn mòn tất cả hy vọng của chúng ta. Sau đó, điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với bất kỳ cộng đồng nào bắt đầu xuất hiện – đó là chủ nghĩa thực dụng nghiệt ngã của một cuộc sống trong đó mọi thứ dường như diễn ra bình thường, trong khi thực tế, đức tin đang suy sụp và suy thoái thành những tư tưởng vụn vặn (x. Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, 83).

Nhưng chính vào là lúc thất bại của Phêrô, Chúa Giêsu hiện ra, bắt đầu lại từ đầu, kiên nhẫn đến với ông và gọi ông là “Simon” (câu 15) – đó là tên Phêrô nhận được trong lần đầu tiên được Chúa gọi. Chúa không chờ đợi những tình huống hoàn hảo hay chờ cho tâm trí được định hình: Ngài tạo ra chúng. Ngài không trông đợi có thể gặp được những người không có vấn đề, không thất vọng, không vướng mắc tội lỗi hay những giới hạn. Chính Ngài đã đương đầu với tội lỗi và sự thất vọng để khuyến khích tất cả những người nam nữ hãy bền đỗ. Anh chị em ơi, Chúa không bao giờ mệt mỏi kêu gọi chúng ta. Sức mạnh của Ngài là sức mạnh của một Tình yêu đảo ngược mọi kỳ vọng và luôn sẵn sàng bắt đầu lại. Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa luôn cho chúng ta một cơ hội khác. Ngài mời gọi chúng ta từng ngày để làm sâu sắc thêm tình yêu của chúng ta dành cho Ngài và được hồi sinh bởi sự mới mẻ vĩnh cửu của Người. Mỗi buổi sáng, Ngài đến tìm chúng ta. Ngài triệu tập chúng ta “đứng dậy theo lời của Ngài, tìm kiếm và nhận ra rằng chúng ta đã được tạo ra cho trời, chứ không phải cho đất, cho đỉnh cao của cuộc sống chứ không phải cho chiều sâu của cái chết”, và đừng tìm kiếm “người sống trong những kẻ chết”(Bài giảng Đêm Vọng Phục Sinh, ngày 20 tháng 4 năm 2019). Khi chúng ta chào đón Ngài, chúng ta vươn lên cao hơn và có thể nắm lấy một tương lai tươi sáng hơn, không phải như một khả năng mà là một thực tế. Khi tiếng gọi của Chúa Giêsu hướng dẫn cuộc sống của chúng ta, trái tim của chúng ta trẻ trung hơn lên.

Chúa gây bất ngờ. Ngài là Chúa của những điều bất ngờ. Ngài mời chúng ta không chỉ ngạc nhiên, mà còn tạo ra những điều đáng ngạc nhiên. Chúa gọi các môn đệ và, khi nhìn thấy họ với những tấm lưới trống rỗng, Ngài bảo họ làm một điều kỳ lạ: thả lưới vào ban ngày, một điều gì đó khá lạ thường nơi hồ nước đó. Ngài làm sống lại niềm tin của họ bằng cách thúc giục họ một lần nữa chấp nhận rủi ro, không từ bỏ bất cứ ai hay bất cứ điều gì. Ngài là Chúa của những bất ngờ, là Đấng phá vỡ những rào cản đang làm tê liệt chúng ta bằng cách đong đầy chúng ta với sự can đảm cần thiết để vượt qua sự hoài nghi, bất tín và nỗi sợ thường ẩn nấp đằng sau những suy nghĩ cho rằng “Chúng tôi đã luôn luôn làm những việc này như thế”. Chúa làm chúng ta ngạc nhiên mỗi khi Ngài gọi và yêu cầu chúng ta ra khơi lịch sử không chỉ bằng những chiếc lưới của chúng ta, mà bằng chính bản thân chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta nhìn vào cuộc sống của chúng ta và của những người khác như Ngài, vì “đứng trước tội lỗi, Ngài thấy con trai và con gái Ngài được phục hồi; trước cái chết, anh chị em được tái sinh; trong hoang tàn, các con tim được hồi sinh. Vậy thì đừng sợ: Chúa yêu cuộc sống của anh chị em, ngay cả khi anh chị em sợ phải nhìn vào nó và giữ nó trong tay.” (thượng dẫn)

Bây giờ chúng ta có thể chuyển sang điều tuyệt vời thứ ba: Chúa mời gọi và Chúa gây ngạc nhiên, vì Chúa yêu. Tình yêu là ngôn ngữ của Người. Đó là lý do tại sao Ngài yêu cầu Phêrô và chúng ta học ngôn ngữ đó. Ngài hỏi Phêrô: “Anh có yêu mến Thầy không? “Và Phêrô nói có; sau khi dành quá nhiều thời gian với Chúa Giêsu, giờ đây ông hiểu rằng yêu thương đồng nghĩa với việc ngừng đặt mình vào vị trí trung tâm. Giờ đây ông đặt Chúa Giêsu, chứ không phải chính mình, là điểm khởi đầu: “Thầy biết tất cả mọi sự” (Ga 21:18), ông nói. Phêrô nhận ra yếu điểm của mình; ông nhận ra rằng ông không thể tự mình tạo ra tiến bộ. Và ông dựa vào Chúa và sức mạnh của tình yêu của Người, cho đến tận cùng.

Chúa yêu thương chúng ta: đây là nguồn sức mạnh của chúng ta và chúng ta được yêu cầu tái khẳng định điều đó mỗi ngày. Trở thành Kitô hữu là một lời hiệu triệu để nhận ra rằng tình yêu của Thiên Chúa lớn hơn tất cả những thiếu sót và tội lỗi của chúng ta. Một trong những thất vọng và khó khăn lớn của chúng ta ngày nay không bắt nguồn từ nhận thức rằng Thiên Chúa là tình yêu, mà là từ cách thế chúng ta tuyên xưng và làm chứng cho Người khiến cho nhiều người nghĩ rằng đó không phải là danh của Người. Thiên Chúa là tình yêu, một tình yêu ban tặng chính mình, mời gọi và gây ra những bất ngờ.

Ở đây chúng ta thấy phép lạ của Thiên Chúa, Đấng biến cuộc sống của chúng ta thành những tác phẩm nghệ thuật, nếu chúng ta để mình được dẫn dắt bởi tình yêu của Người. Nhiều nhân chứng của lễ Phục sinh ở vùng đất được chúc phúc này đã tạo ra những kiệt tác tuyệt vời, khi được linh hứng từ đức tin đơn sơ và tình yêu vĩ đại. Trao ban cuộc sống của mình, họ trở thành những dấu chỉ sống động của Chúa, vượt qua sự thờ ơ với lòng can đảm và đưa ra một đáp trả Kitô đối với những mối quan tâm mà họ gặp phải (x. Christus Vivit, 174). Hôm nay chúng ta được mời gọi để ngước mắt lên và thừa nhận những gì Chúa đã làm trong quá khứ, và cùng Người bước đi trong tương lai, biết rằng, dù chúng ta thành công hay thất bại, Ngài sẽ luôn ở đó tiếp tục bảo chúng ta hãy thả lưới.

Ở đây tôi muốn nhắc lại những gì tôi đã nói với những người trẻ trong Tông huấn gần đây của tôi. Một Giáo hội trẻ, không trẻ về mặt tuổi tác nhưng trẻ trung trong ân sủng của Thánh Linh, đang mời gọi chúng ta làm chứng cho tình yêu của Chúa Kitô, một tình yêu truyền cảm hứng và hướng dẫn chúng ta gắng sức vì thiện ích chung. Tình yêu này cho phép chúng ta phục vụ người nghèo và trở thành nhân vật chính của cuộc cách mạng bác ái và phục vụ, có khả năng chống lại các bệnh lý của chủ nghĩa tiêu dùng và chủ nghĩa cá nhân hời hợt. Tràn ngập tình yêu của Chúa Kitô, anh chị em hãy là những chứng nhân sống động của Tin Mừng ở mọi góc của thành phố này (x. Christus Vivit, 174-175). Đừng sợ trở thành những vị thánh mà vùng đất này đang rất cần. Đừng sợ sự thánh thiện. Nó sẽ không lấy đi năng lượng của anh chị em, nó sẽ không lấy đi sức sống hay niềm vui của anh chị em. Trái lại, anh chị em và tất cả con trai và con gái của vùng đất này sẽ trở thành những gì mà Chúa Cha có trong tâm trí khi Người tạo ra anh chị em (x. Tông huấn Mừng rỡ Hân hoan, 32).

Hãy là những người được mời gọi, bỡ ngỡ và được sai đi cho tình yêu!


Source:Libreria Editrice Vaticana