Nhân dịp lễ trọng kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, dựa vào những chứng cứ của sách Công vụ Tông đồ và chính các thư của thánh Phaolô gởi các giáo đoàn, chúng ta nhìn lại cách ngắn gọn những cách thức mà thánh Phaolô đã sử dụng để rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô.

Thánh Phaolô, một nhà truyền giáo đại tài, đã làm cho Nước Thiên Chúa mở mang rộng lớn từ Á sang Âu, với một tâm hồn có sẵn và đầy nhiệt thành, kể từ khi trở nên đồ đệ của Chúa Kitô, thánh nhân bất chấp mọi gian khổ, mọi bất trắc có thể xảy đến cho mình, miễn làm sao Tin Mừng được phát triển, Chúa Kitô được mọi người nhận biết, ơn cứu độ được chạm đến tâm hồn nhân loại…

Ngài đã truyền giáo. Ngài truyền giáo miệt mài, truyền giáo không mệt mỏi, truyền giáo bất cứ môi trường nào, bất cứ nơi đâu ngài đặt chân đến. Chúa Kitô là lẽ sống của thánh nhân, mà truyền giáo là rao truyền Chúa Kitô, vì thế, truyền giáo trở thành sự nghiệp, thành việc làm tất yếu, một đòi buộc ngặt của thánh Phaolô, như thánh nhân đã từng thốt lên: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9, 16).

Hấp lực truyền giáo đã giúp thánh Phaolô có nhiều sáng kiến cho Tin Mừng Chúa Kitô lan tỏa. Một vài sáng kiến trong công tác truyền giáo mà thánh Phaolô thực hiện là:

I. HÌNH THỨC.

1. Những hành trình dài.

Để thực hiện công tác truyền giáo của mình, thánh Phaolô đã nhiều lần ra đi, hết quê hương của mình, rồi lại vượt hải ngoại đến với các miền dân ngoại. Thánh nhân không bằng lòng với việc chỉ giới thiệu Kitô giáo cho người đã “cắt bì”, nhưng Tin Mừng của Chúa phải được mang đến với muôn dân, như chính thánh nhân đã từng khẳng định: “Vì Chúa truyền cho tôi thế này: Ta sẽ đặt người làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất” (Cv 14, 47).

a. Cuộc hành trình truyền giáo lần thứ I.

Năm 45, sau khi thánh Phaolô, từ Antiôchia lền Giêrusalem đem theo số tiền mà giáo đoàn Antiôchia quyên góp để giúp đỡ các Kitô hữu anh em ở Giêrusalem (Cv 11, 27-30) trở về, ngài khở sự chuyến đi truyền giáo lần thứ I của mình từ Antiôchia đến nhiều nơi như Chyprô, Paphylia, Lycaonia rồi lại trở về Antiôchia năm 48. Trong hành trình này có thánh Barnaba cùng sát cánh.

b. Cuộc hành trình truyền giáo lần thứ II.

Khoảng cuối năm 49, thánh Phaolô cùng ông Sila, một nhân vật thuộc giáo đoàn Giêrusalem, đi miền Tiểu Á. Trước tiên, thánh nhân thăm lại các giáo đoàn mà ngài đã thiết lập trong cuộc truyền giáo lần thứ I.

Sau đó, lần lượt thánh Phaolô đã đặt chân đến những miền truyền giáo như: Phrygia, Galatia, Troas, Macêđônia, Philipphê, Bêrê, Hylạp, Thessalônica, Côrinthô. Cuộc hành trình này được coi là kết thúc vào đầu năm 53 khi thánh Phaolô trở về Antiôchia.

c. Cuộc hành trình truyền giáo lần thứ III.

Ngay từ đầu năm 53, thánh Phaolô lại lên đường đến Galatia, Phrygia và Êphêsô. Sau cùng, trước khi kết thúc chuyến hành trình truyền giáo lần thứ III của mình, thánh nhân đã lần lượt thăm lại một số giáo đoàn như: Troas, Macêđônia, Côrinthô, Philipphê, Thiểu Á… Thánh Phaolô kết thúc hành trình truyền giáo lần thứ III năm 58.

2. Viết thư gởi các giáo đoàn.

Thánh Phaolô không hề bỏ mặc các giáo đoàn mà ngài vừa mới thành lập, đó là kết quả của những năm tháng miệt mài đầy khó nhọc và thử thách. Vì thế, dù không thể hiện diện giữa họ, ngài vẫn viết thư khích lệ và dạy dỗ giáo dân của mình sống đức tin, sống lề luật Chúa.

Nói cách khác, những lá thư có khi thông cảm, có khi trách móc, có khi khen ngợi, nhưng cũng không thiếu những lời sửa lỗi gay gắt…, tất cả đều chứa đựng giáo lý đức tin, và ý nghĩa thần học sâu sắc, là cách thế hiện diện của ngài giữa mọi anh chị em giáo dân trong từng giáo đoàn.

Ngoài thư gởi tín hữu Dothái, càng ngày càng được xác định mạnh mẽ không phải của thánh Phaolô, Hội Thánh còn giữ được 13 lá thư của thánh Phaolô.

Hình như thánh Phaolô còn vài bức thư khác nhưng đã thất lạc. Những lá thư còn giữ được là: Thư gởi các giáo đoàn: Thư Rôma, thư thứ I và II Corintô, thư Galata, thư Êphêsô, thư Philipphê, thư Côlôsê, thư thứ I và II Thessalônica. Và các thư gởi cá nhân các tín hữu: thư thứ I và II Timôthêô, Titô, Philêmon.

II. NỘI DUNG.

1. Phương pháp truyền giáo mà thánh Phaolô vẫn theo đuổi và thành công lớn trong các cuộc truyền giáo là: Thánh nhân sử dụng chính hội đường của người Dothái để rao giảng Lời Chúa. Nội dung mà thánh nhân thường xuyên nói đến là: dùng lời các tiên tri chứng minh Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế (Cv 13, 16-43)
.
2. Dù đề cập nhiều đề tài trong khi rao giảng Lời Chúa và trong từng nội dung của các bức thư, thánh Phaolô đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Chúa Kitô, đến độ, nhiều người coi đó là phản ánh chân lý đã in sâu vào tâm trí của thánh Phaolô từ khi trở lại.

a. Mầu nhiệm Chúa Kitô.

Đối với thánh Phaolô, mạc khải của Ngôi Lời, Con Thiên Chúa, là điểm vừa độc đáo, vừa mới mẽ của Kitô giáo. Đặc biệt, trong thư Côlôssê, thánh nhân nhấn mạnh quyền tối thượng của Chúa Kitô không chỉ trên nhiệm thể, mà còn trên mọi thụ tạo (Cl 1, 15-16). Còn hơn thế, quyền năng của Chúa Kitô nhập thể còn là quyền năng của Đấng tập họp và thu hồi mọi sự trên trời dưới đất (Ep 1, 10).

b. Chúa Kitô, Đấng cứu chuộc nhân loại.

Chỉ một mình Chúa Kitô mới là Đấng cứu chuộc và đền tội nhân loại. Chính Người đã giao hòa thế gian với Thiên Chúa. Nội dung này luôn được nhắc đi nhắc lại và rao giảng bằng những cách diễn tả, giải thích khác nhau.

Chẳng hạn: “Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng từ trời cao đã ban cho chúng ta mọi phúc lành thiêng liêng trong Đức Kitô, Đấng đã chọn chúng ta trong Người trước khi dựng nên thế gian để ta được nên thánh thiện và thanh sạch trước mặt Ngài trong tình yêu thương, Đấng đã tiền định cho ta được trở nên con cái Ngài nhờ Chúa Giêsu Kitô, theo như lòng yêu thương của thánh ý Ngài để vang lên lời ca ngợi vinh quang của ân sủng mà Ngài đã khấng ban cho ta trong Con Chí Ái của Ngài, trong Người, ta được ơn cứu chuộc nhờ máu Người, ơn tha thứ tội lỗi theo sự phong phú của ân sủng… Trong Người, chúng ta đã được trở nên người thừa tự…” (Ep 1, 13-14).

c. Chúa Kitô là đầu nhiệm thể.

Chính trong nội dung của thuật ngữ “thu hồi lại trong một đầu mối” có chứa đựng ý niệm nhiệm thể. Thiên Chúa “đã bắt mọi sự hàng phục dưới chân Người, và đã đặt Người làm đầu Hội Thánh…”. Kiểu nói này, ta gặp rất thường xuyên trong thư gởi tín hữu Êphêsô và Côlôssê.

Khi nói “Đức Kitô là Đầu”, thánh Phaolô đặc biệt nhấn mạnh vai trò cao cả, quan trọng không thể thiếu của Chúa Kitô trong Hội Thánh. Đầu là nguyên ủy sự sống của toàn thân. Là Đầu, Chúa Kitô còn là nguồn mạch mọi ân phúc của toàn thân (Ep 4, 16; Cl 2, 19).

d. Chúa Kitô, trung tâm của lịch sử.

Chúa Kitô là trung tâm lịch sử từ khởi thủy, là nguyên ủy và cứu cánh của mọi thụ tạo qua mọi thế hệ đến ngày tận thế (2Cr 5, 10). Tất cả mọi hiệu quả của việc nên thánh, việc đến cùng Thiên Chúa, đều phải nhờ đến công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô. Bởi Người là trung tâm, là tất cả lẽ sống, nguồn ơn cứu độ, cho nên mọi loài, mọi vật đều trông đợi Người (Rm 8, 19-22).

e. Một vài đề tài khác.

Ngoài Chúa Kitô, trong giáo huấn của mình, thánh Phaolô còn nhấn mạnh đến các nội dung nổi bậc khác như:

- Thiên Chúa hiện hữu: “…Từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Ngài” (Rm 1, 20).

- Thiên Chúa Ba Ngôi: tuy không dùng thuật ngữ “Ba Ngôi” để nói về Thiên Chúa, nhưng trong giáo huấn của mình, rất nhiều lần thánh Phaolô nói đến vai trò của Ba Ngôi rất rõ, rất thiết thực.

Nhiều lần thánh nhân nói đến tương quan giữa Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần: “…Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó, chúng ta được kêu lên ‘Abba! Cha ơi!’. Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng, chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô…” (Rm 8, 14-17).

- Chúa Thánh Thần: “Có nhiều đặc sủng khác nhau nhưng chỉ có một thần khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau nhưng chỉ có một Chúa… Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách là vì ích chung…” (1Cr 12, 4-11).

- Đời sống người Kitô hữu: Trong hai lá thư gởi hai giáo đoàn Rôma và Galata, thánh Phaolô đòi người tín hữu phải giữ lề luật của Chúa Kitô. Hay Chúa Kitô chính là mẫu gương cho đời sống, là chính lề luật của Thiên Chúa mà chúng ta cần phải noi theo.

Chỉ trong Chúa Kitô, nhờ Chúa Kitô và sự vâng phục trong đức tin của chúng ta, mới có thể cứu chúng ta, cho chúng ta tham dự vào sự sống của Chúa Kitô. Sự sống ấy, chính Người ban cho chúng ta.

- Thánh Phaolô cũng nhắc đến các bí tích: Thánh nhân gọi bí tích rửa tội là dấu chỉ cùng chết và cùng sống lại với Chúa Kitô (Rm 6, 3-5).
Thánh nhân cũng nói rất nhiều về bí tích Thánh Thể. Ngài đòi người ta phải sống thanh sạch để xứng đáng kết hợp với bí tích cực trọng này: “Ai ăn bánh hoặc uống chén của Chúa cách bất xứng sẽ mắc tội đối với Mình và Máu của Chúa…” (1Cr 2, 27-32).

- Cánh chung: Thánh Phaolô nói nhiều về tận thế, phán xét, sự sống đời sau.

Sự Phục sinh của Chúa Kitô có liên quan mật thiết đến sự phục sinh của người công chính, vì sự sống lại của Chúa Kitô là nguyên nhân và nền tảng của sự sống lại của người công chính.

*** Thánh Phaolô còn được mọi người yêu mến tặng cho danh hiệu “Tông đồ dân ngoại”. Ơn gọi mà Chúa dành cho thánh nhân một ơn gọi hiếm hoi và thật đẹp. Chính ơn gọi lạ thường ấy giúp thánh Phaolô vươn ra khỏi thế giới “cắt bì”, để khuấy động thế giới ngoại giáo. Ngang qua ơn gọi ấy, ngài trở thành nhà truyền giáo tiên phong mang ơn thánh hóa đi khắp cùng thế giới.

Luôn mang trong hồn tâm niệm: “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi" (2Cr 5, 15), thánh Phaolô bất chấp đau khổ, lao tù, chết chóc để chỉ một mực trung thành với sứ mạng. Nguy hiểm càng dồn dập, lòng người càng nham hiểm, thánh nhân càng yêu mến các linh hồn. Lòng yêu mến tột bậc ấy không thể có bất cứ cái gì, hoàn cảnh nào, con người nào có thể cản bước thánh nhân.

Theo gương Thánh Phaolô, ta cần ý thức, đời ta chỉ sống “nhờ Đức Kitô”, “với Đức Kitô” và “trong Đức Kitô”. Hãy luôn say mến Chúa Kitô đến nỗi danh hiệu “Giêsu Kitô” không ngớt trên môi miệng, chi phối mọi suy nghĩ, mọi hành động của đời ta, nhờ đó, ta cũng thực sự “trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô” để trở nên “mọi sự cho mọi người” (Pl 3,10; 1Cr 9, 22).

Chúng ta vui bước vào dưới mái trường thánh Phaolô, để ngài dạy chúng ta về Chúa Kitô, Đấng là con đường, là sự thật và là sự sống (Ga 14,6). Hãy yêu mến và nỗ lực học hỏi giáo huấn của thánh Phaolô, không phải để có một mớ kiến thức, nhưng để yêu, để đi vào mầu nhiệm đức tin, để được Đấng Phục sinh biến đổi trong mọi tư tưởng, mọi hành động, mọi lời nói. Nhờ đó, chúng ta họa lại nếp sống của Chúa Kitô tùy theo ơn gọi đặc thù của mình.

Hãy ghi khắc lời của thánh Phaolô: “Vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12,1), để như ngài, chúng ta hiến dâng mình vì sự nghiệp Nước Trời, vì sự sống muôn đời của từng người và của cả nhân loại.

Ước gì mỗi chúng ta, dù trong lứa tuổi nào, hoàn cảnh nào, đều tín thác vào Chúa, biết luôn sống trong tinh thần đức tin quật khởi như thánh Phaolô:

“Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?… trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.. Vì đối với tôi, sống là Đức Giêsu Kitô” (Rm. 8:35.39; Gl 2,20).

Cuối cùng, như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đề nghị, “Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì Người đã gọi thánh Phaolô, làm cho thánh nhân thành ánh sáng các dân và thầy của tất cả chúng ta”.

Nơi thánh nhân đã ứng nghiệm lời sách Khôn ngoan: “Tôi đã không cất giấu sự khôn ngoan, nhưng đem chia sẻ cho người khác. Ai sống khôn ngoan thì được rèn luyện nên con người tài đức. Họ đẹp lòng Thiên Chúa và trở thành bạn hữu của mọi người” (Kn 7,13-14 - Giáo hoàng Bênêdictô XVI).