Chúa Nhật XIV Thường Niên, năm C
Lc 10,1-12.17-20

Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo. Trước lúc về Trời, Đức Giêsu phục sinh đã truyền lệnh cho các môn đệ :” Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng, ai tin thì các con hãy rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần “.

Hôm nay, Đức Giêsu chỉ thị cho các môn đệ khi đi rao giảng :” Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép “. Chúa muốn các môn đệ lên đường nhẹ nhàng thanh thoát. Bởi vì :” Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít “. Thợ gặt nghĩa là các môn đệ ra đi truyền giáo phải để lòng thanh thản, càng tự do, không bám víu lấy lương thực, của cải, sứ vụ loan truyền sẽ tốt hơn, sẽ đạt được kết quả hơn. Ra đi các môn đệ có thể gặp bất trắc, khó khăn, thử thách, gian nan, những như thế các ông sẽ luôn đặt niềm tin vào sự quan phòng của Chúa. Đức Giêsu muốn các môn đệ, các tông đồ chuyên tâm loan báo Tin Mừng, còn những việc khác như cơm, bánh, gạo tiền vv…hãy cậy dựa vào uy quyền của Thiên Chúa và lòng bác ái, lòng tốt của người khác…

Thực tế, lời truyền và chỉ thị của Đức Giêsu vẫn luôn có giá trị, vẫn luôn vang dội trên khắp thế giới. Tuy nhiên, nhân loại vẫn chưa được nhiều người biết Chúa, tin nhận Chúa, vì trên thế giới có hơn 1/ 7 tỷ người tin nhận Chúa mà thôi. Cánh đồng lúa mênh mông, luôn rất cần nhiều thợ lành nghề để loan truyền ơn cứu độ của Chúa. Thật vậy, từ xưa đến nay theo lệnh truyền và chỉ thị của Chúa đã có biết bao nhiêu sứ giả Tin Mừng, biết bao nhiêu các Đấng các Bậc, các Linh mục, Phó tế, các Nữ tu, các Thiện nguyện viên đã hy sinh,can đảm, ra đi làm chứng cho Chúa, nên Giáo Hội càng lúc càng phát triển mạnh mẽ.

Giáo Hội của Chúa luôn cần những nhà truyền giáo tốt, nhiệt thành, những vị mục tử đạo đức, thánh thiện hăng say với việc truyền giáo. Chúng ta thấy nhiều nước trên thế giới ngày nay ơn gọi bị giảm sút nghiêm trọng, đặc biệt các nước Âu Châu, Mỹ La Tinh và các nước thuộc thế giới thứ ba, một số nước Đông Nam Á, Châu Phi cũng thiếu hụt ơn gọi nghiêm trọng, riêng tại Việt Nam ơn gọi còn đang nhiều, tuy nhiên vài năm gần đây ơn gọi ít hơn vì ngươi ta có khuynh hướng cho con mình đi làm ăn kiếm tiền, làm giầu kinh tế, do đó, ơn gọi bị giảm sút…Đây là thách đố lớn đối với Giáo Hội đứng trước viễn cảnh lúa chín đầy đồng như Chúa Giêsu gợi ý…

Thế giới hôm nay, nhiều nơi vẫn còn thiếu thơ gặt, thiếu các nhà truyền giáo nhiệt thành, quảng đại, không sợ gian lao, thử thách , biết dấn thân mạnh mẽ cho công việc loan báo Tin Mừng cứu độ. Chúa Giêsu đã từng nói “ Nay Ta sai các con đi như chiên con đi giữa sói rừng “ ( Lc 10,3 ). Chúa Giêsu nói điều đó để cảnh tỉnh các môn đệ rằng ra đi truyền giáo không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, không phải lúc nào gió cũng lặng, sóng cũng im vì truyền giáo chắc chắn sẽ gặp khó khăn, thử thách, gian nan, đòi hỏi các môn đệ phải can đảm, dấn thân, chấp nhận mọi rủi ro miễn làm sao Danh của Chúa được cả sáng !

Chúa Giêsu đã làm gương cho mọi Kitô hữu, cho Giáo Hội về sự ra đi rao giảng của Người. Cuộc đời của Chúa là một cuộc lên đường không mệt mỏi, một sự ra đi không ngừng. Người đã bị Pharisêu, Kinh sư, Biệt phái, Đầu mục chống đối, ám hại, nhưng Người vẫn một mực trung tín, quảng đại, can đảm, hy sinh rao giảng Nước Trời. Do đó, những môn đệ của Chúa cũng được mời gọi dấn thân loan báo Tin Mừng dẫu biết mình có thể gặp bất trắc, khó khăn, nguy hiểm. Phó thác, tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa bằng sự can đảm, quảng đại, cầu nguyện là căn tính của người môn đệ Chúa. Thánh Phaolô đã quả quyết :” Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng “ ( 1 Co 9, 16 ).

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con sẵn sàng thực thi lệnh truyền của Chúa và mau mắn dấn thân rao giảng ơn cứu độ của Chúa để nhiều người sớm nhận ra bộ mặt đầy yêu thương của Chúa.Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Bản chất của Giáo Hội là gì ?
2.Chúa Giêsu khi sai các môn đệ đi rao giảng, đã ra chỉ thị gì cho các ông ?
3.Tại sao Chúa Giêsu lại không cho các môn đệ đưa bất cứ thứ gì khi đi truyền giáo ?
4.Tại sao các môn đệ phải thanh thoát ?