Theo Đức Hồng Y Pietro Parolin, sự thù nghịch đối với huấn quyền của Đức Thánh Cha Phanxicô gây nguy hiểm cho sự hiệp nhất của Giáo hội. Thái độ này “gây quan ngại cho nhiều người”, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã nhận định như trên theo một báo cáo của tờ Buongiorno Rimini, một tờ báo địa phương của Ý, vào hôm 16 tháng Bẩy.

Vị Hồng Y người Ý đã nói chuyện tại một nhà thờ của thành phố Viserba trong một buổi hội thảo có tên “Lời ngôn sứ của Đức Phanxicô trong kỷ nguyên toàn cầu hóa sự dửng dưng”.

Những ai theo dõi các hoạt động của Đức Phanxicô đều biết rằng giáo huấn của ngài “xoay chung quanh công việc của ân sủng, ” Đức Hồng Y Parolin nhận xét. Người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo nhận thức rằng sức mạnh của lòng thương xót Chúa Cha có khả năng khơi dậy “lòng khao khát không cưỡng lại được” muốn vươn đến những người khốn cùng, kể cả những người xa xôi nhất.

Đức Giáo Hoàng là trọng tâm sự hiệp nhất hữu hình trong Giáo Hội

Trước câu hỏi tại sao giáo huấn của Đức Đương Kim Giáo Hoàng khơi dậy nhiều chống đối, Đức Hồng Y Parolin cho biết ngài rất âu lo. Sự thù nghịch này “gây nguy hiểm cho sự hiệp nhất của Giáo hội mà Đức Giáo Hoàng chính là trọng tâm của sự hiệp nhất hữu hình này,” Đức Hồng Y cảnh báo. “Có một biên độ trong sự tuân phục, không phải tất cả mọi giáo huấn đều là huấn quyền,” ngài kêu gọi phải biết phân định.

Đức Hồng Y Parolin sau đó đã thổ lộ rằng Đức Phanxicô đã từng trấn an Đức Hồng Y rằng rằng không chống lại các đối thủ của mình nhưng chỉ muốn “đi theo Tin Mừng.”

Tin Mừng luôn là dấu chỉ của mâu thuẫn

Đối với nhân vật thứ hai của Vatican, Tin Mừng luôn là dấu chỉ của mâu thuẫn, bên trong cũng như bên ngoài Giáo hội.

Khi bị chất vấn là Vatican đã không can thiệp đúng mức cho các tín hữu ở Trung Đông, Đức Hồng Y biện hộ rằng: “Khi chúng tôi không đưa tin, không có nghĩa là chúng tôi không hành động. Chúng ta đừng để báo chí lèo lái qua các bản tin tóm tắt.” Đức Hồng Y bảo đảm rằng Tòa Thánh luôn làm việc với các quốc gia để mọi quyền hạn và nghĩa vụ công dân ghi trong hiến pháp được tôn trọng chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi các quyền tự do tôn giáo.


Source:Centre catholique des médias Cath-Info