Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha bày tỏ sự bàng hoàng của ngài trước các vụ thảm sát dồn dập tại Hoa Kỳ

Vatican News cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ nỗi buồn và sự bàng hoàng của ngài trước các vụ thảm sát dồn dập tại Hoa Kỳ. Ngài bày tỏ sự gần gũi về mặt tinh thần với các nạn nhân, những người bị thương và các gia đình bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công vô nhân đạo trong các ngày qua ở “Texas, California và Ohio, Hoa Kỳ.”

Ít nhất chín người đã thiệt mạng ở Ohio vào rạng sáng Chúa Nhật trong vụ thảm sát hàng loạt thứ hai ở Hoa Kỳ trong vòng chưa đầy 24 giờ.

16 giờ trước đó, một thanh niên đã nổ súng ở khu vực mua sắm đông đúc ở El Paso, Texas, khiến 22 người chết và ít nhất 26 người bị thương.

Chỉ vài ngày trước đó, một thanh niên 19 tuổi đã bắn chết ba người, trong đó có hai trẻ em, tại Lễ hội Gilroy Garlic của Bắc California.

Vụ nổ súng vào hôm Chúa Nhật tại Dayton, Ohio là vụ giết người hàng loạt lần thứ 22 tại Hoa Kỳ tính từ đầu năm 2019 đến nay. Tính chung, trong 216 ngày của năm 2019 này, 112 người đã bị giết trong các vụ thảm sát hàng loạt.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu các tín hữu tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật tại quảng trường Thánh Phêrô cùng đọc với ngài một kinh Kính Mừng cho các nạn nhân, là những người được Đức Thánh Cha mô tả là “vô phương thế tự vệ”.

Trong bài giảng thánh lễ Chúa Nhật, Đức Cha Mark Seitz của giáo phận El Paso sở tại đã lên án bạo lực vô nghĩa trong vụ thảm sát này. Đặc biệt, ngài lên tiếng ca ngợi tình mẫu tử thật cao cả của cô Jordan Anchondo, 24 tuổi. Cô đã hy sinh lấy thân mình che đạn cho đứa con mới hai tháng tuổi của cô. Cả cô và người chồng đều bị giết. Đứa con đang được cấp cứu trong bệnh viện vì khi bị bắn hạ thân mình của cô đè lên con.

Đức Cha Seitz, cai quản một vùng rộng lớn bao gồm 9 quận của Texas trong đó 80% dân là người Công Giáo. Trong những năm qua, ngài đã đặc biệt lên tiếng trước tình cảnh của hàng ngàn gia đình Trung Mỹ đang cố gắng xin vào Hoa Kỳ.

Ngài đặt câu hỏi “Chúng ta chẩn đoán linh hồn của đất nước chúng ta như thế nào đây? Chúng ta đã thấy một tiêu chuẩn mới được một số người chấp nhận trong đó coi nhiều người không đáng là con người, buộc họ phải cúi mặt nhìn xuống và sợ hãi.”

2. Trong vòng 16 giờ, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ phải ra đến hai bản tuyên bố liên quan đến hai vụ thảm sát hàng loạt

Chỉ 16 giờ sau vụ thảm sát thứ nhất tại El Paso, Texas, lúc 1:05 phút sáng Chúa Nhật Connor Betts, 24 tuổi trang bị một khẩu tiểu liên bắn nhanh đã nổ súng thảm sát bừa bãi trong khu vực các hàng quán bán khuya của thành phố Dayton, tiểu bang Ohio.

Chỉ trong vòng 30 giây sau khi y nổ súng, một cảnh sát viên đang có mặt tại hiện trường đã bắn chết y; nhưng khẩu tiểu liên của y bắn với tốc độ quá nhanh đến mức chỉ trong vòng 30 giây ngắn ngủi ấy, y đã có thể bắn chết 9 người, trong đó có em gái mình Megan Betts, 22 tuổi; và làm bị thương 27 người khác.

Các tiết lộ sơ khởi của FBI cho thấy Connor Betts không có khuynh hướng bài di dân như tên sát thủ gây ra vụ thảm sát tại El Paso Texas. Động cơ bạo lực của tên này xuất phát từ các hình ảnh bạo lực và khiêu dâm.

Kinh hoàng trước các vụ thảm sát diễn ra dồn dập, Đức Hồng Y Daniel DiNardo, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ (USCCB), và Đức Cha Frank J. Dewane của giáo phận Venice, Florida, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Phát triển Nhân văn của USCCB, đã đưa ra tuyên bố sau đây về vụ nổ súng bi thảm này:

Chúng tôi xin gửi lời chia buồn đến gia đình và bạn bè của những người bị sát hại ở Dayton đêm qua. Những sinh mạng bị mất đi cuối tuần này buộc chúng ta phải đối diện với một sự thật khủng khiếp. Chúng ta không bao giờ có thể lầm rằng các vụ xả súng thảm sát hàng loạt là một ngoại lệ biệt lập. Chúng là một dịch bệnh chống lại cuộc sống mà, nói một cách công tâm, chúng ta nhất định phải đương đầu.

Lòng thương xót của Thiên Chúa và trí khôn buộc chúng ta phải hướng tới các hành động phòng ngừa. Chúng tôi khuyến khích tất cả người Công Giáo phải tăng cường cầu nguyện và hy sinh để chữa lành và kết thúc những vụ xả súng thảm sát này. Chúng tôi khuyến khích người Công Giáo cầu nguyện và lên tiếng cho những thay đổi cần thiết đối với các chính sách và văn hóa của quốc gia chúng ta.

Chúng tôi kêu gọi tất cả các ủy ban liên quan của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ phác thảo một chương trình nghị sự canh tân các chính sách và các chiến dịch mục vụ nhắm đề cập đến những phương thức chúng ta có thể giúp trong việc chống lại căn bệnh xã hội đã lây lan trong quốc gia chúng ta.

Hội Đồng Giám Mục từ lâu đã ủng hộ luật lệ về súng ống có trách nhiệm và gia tăng các tài nguyên để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bạo lực.

Chúng tôi cũng kêu gọi Tổng thống và Quốc hội gạt sang một bên các lợi ích chính trị đảng phái và tìm cách bảo vệ cuộc sống vô tội tốt hơn.

3. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về vụ thảm sát vừa diễn ra tại El Paso, Texas.

Khoảng hơn 10g sáng thứ Bẩy 3 tháng Tám, Patrick Crusius, 21 tuổi, cư ngụ tại Allen, Texas, là một thanh niên da trắng quá khích, có đầu óc phân biệt chủng tộc, trang bị một khẩu tiểu liên tự động đã nổ súng bắn vào những khách hàng trong siêu thị Walmart trong Trung tâm thương mại Cielo Vista ở El Paso, Texas.

Vụ nổ súng bi thảm này được coi là tai hại nhất trong nhiều năm qua tại Texas. Các phụ huynh tập trung rất đông tại siêu thị Walmart để mua sắm cho mùa tựu trường sắp tới. Ít nhất có 3,000 người trong siêu thị và hàng trăm nhân viên bán hàng.

Cảnh sát cho biết họ nhận được cú điện thoại đầu tiên liên quan đến vụ nổ súng này vào lúc 10:39 và đã đến ngay hiện trường. Dù vậy, vẫn có đến ít nhất 20 người bị thiệt mạng và 26 người khác bị thương. Tổng thống Mễ Tây Cơ Andrés Manuel López Obrador nói rằng ba người Mễ Tây Cơ đã thiệt mạng trong vụ nổ súng ở thành phố biên giới El Paso, Texas. Trong khi, Bộ trưởng Ngoại giao Mễ Tây Cơ Marcelo Ebrard nói rằng sáu người Mễ Tây Cơ đã bị thương trong vụ này.

Đức Hồng Y Daniel DiNardo, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ (USCCB), và Đức Cha Frank J. Dewane của giáo phận Venice, Florida, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Phát triển Nhân văn của USCCB, đã đưa ra tuyên bố sau đây về vụ nổ súng bi thảm này:

Thứ Bảy tuần này, chưa đầy một tuần sau những trường hợp bạo lực liên quan đến súng đạn khủng khiếp ở California, một vụ nổ súng kinh hoàng, vô nghĩa và vô nhân đạo khác đã diễn ra, lần này tại một trung tâm mua sắm ở El Paso, Texas.

Có một cái gì đó thật xấu xa tận căn bản vẫn tại trong xã hội của chúng ta khi các địa điểm nơi mọi người tụ tập tham gia vào các hoạt động hàng ngày của cuộc sống có thể bất thình lình trở thành hiện trường của bạo lực và sự khinh miệt đối với cuộc sống của con người. Bệnh dịch bạo lực súng đạn vẫn tiếp tục vô phương kiểm soát và lan rộng khắp đất nước chúng ta.

Mọi thứ phải thay đổi. Một lần nữa, chúng tôi kêu gọi phải có những luật lệ hiệu quả giải quyết đến nơi đến chốn lý do tại sao những vụ bạo lực súng giết người không thể tưởng tượng như thế này cứ lặp đi lặp lại, và tiếp tục diễn ra trong cộng đồng của chúng ta. Là những người có đức tin, chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân và xin ơn chữa lành cho tất cả các cộng đồng bị ảnh hưởng. Nhưng phải có các hành động cũng là điều cần thiết để chấm dứt những hành động ghê tởm này.

+ Đức Hồng Y Daniel DiNardo,

Chủ tịch USCCB

+ Đức Cha Frank J. Dewane

Chủ tịch Ủy ban Công lý và Phát triển Nhân văn USCCB

4. Chủ tịch HĐGM Ba Lan lên án nhóm đồng tính cướp áo lễ trong nhà thờ để làm đám cưới đồng tính

Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan đã mạnh mẽ lên án các cuộc tấn công vào hàng giáo sĩ và các nơi thờ phượng ở đất nước có truyền thống Công Giáo; và phản bác các cáo buộc cho rằng Giáo Hội kích động bạo lực chống lại các nhóm đồng tính.

Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Gadecki của tổng giáo phận Poznan nói rằng, những cuộc tấn công thù hận đang xảy ra thường xuyên hơn đối với các tín hữu và hàng giáo sĩ là một mối âu lo đang gia tăng đối với các Giám Mục Ba Lan.

Những lời bình luận của ngài đã được đưa ra sau một cuộc tấn công hôm Chúa Nhật 28 tháng 7 tại nhà thờ Thánh Gioan Tẩy Giả phía bắc thành phố Szczecin.

Cảnh sát thành phố Szczecin nói ba người đồng tính, trong độ tuổi từ 27 đến 53 tuổi, đã tấn công Cha Aleksander Ziejewski, 68 tuổi, là cha sở của nhà thờ, để cướp các áo lễ và các vật dụng dùng trong Phụng Vụ để “làm lễ cưới cho các cặp đồng tính”.

Vụ tấn công đã xảy ra chỉ vài phút trước thánh lễ 6 giờ chiều hôm Chúa Nhật 28 tháng Bẩy tại nhà thờ Thánh Gioan Tiền Hô tại Szczecin.

Cha Ziejewski nói với EWTN Ba Lan rằng cha đang chuẩn bị bàn thờ cho thánh lễ chiều Chúa Nhật thì nghe tiếng hô cầu cứu của ông từ phát ra từ phòng thánh.

Khi ngài đến nơi thì thấy có 3 người lạ mặt đang trong phòng thánh cãi vã với ông từ. Họ đòi lấy các áo lễ trong tủ áo và các vật dụng khác để “đi làm lễ”.

Khi cha Ziejewski yêu cầu họ ra khỏi phòng thánh, họ xúm lại đánh ngài và tuôn ra những lời lẽ báng bổ xúc phạm đến Chúa và Giáo Hội. Một tên dùng một cỗ tràng hạt lấy từ phòng thánh làm vũ khí đấm vào mặt ngài khiến máu me chảy ra đầy mặt.

Ông từ và một người bảo vệ cho nhà thờ cũng bị đánh đấm túi bụi trước khi chúng ung dung bỏ đi.

Vụ việc này là vụ việc mới nhất trong làn sóng các sự kiện bao gồm vụ đâm một linh mục tại một nhà thờ ở Wroclaw và những trò chế giễu các nghi thức Công Giáo và hình ảnh về Đức Mẹ của các những người cổ vũ cho đồng tính tại Czestochowa, Gdansk, Krakow và các thành phố khác.

Đức Tổng Giám Mục Gadecki đã viết một lá thư cho cha Ziejewski bày tỏ tình liên đới và an ủi ngài.

Trong suốt mấy tuần qua, nhiều cuộc diễn hành đồng tính đã nổ ra ở nhiều thành phố lôi cuốn có nơi hàng chục ngàn người.

Đụng độ đã diễn ra tại Białystok sau khi những người đồng tính tụ tập quanh nhà thờ chính tòa với những màn hôn hít nhau và những cử chỉ cợt nhã. Đám đông những người chống đối nói họ muốn bảo vệ nhà thờ chính tòa nên đã ẩu đả với những người đồng tính trước các cử chỉ họ thấy chướng tai gai mắt. Ít nhất 20 người chống đồng tính đã bị bắt.

Nhận định về các cuộc diễn hành rầm rộ ở nhiều thành phố Ba Lan trong tuần qua, Ông Jaroslaw Kaczynski, Chủ tịch Đảng Pháp luật và Công lý là đảng cầm quyền tại Ba Lan, nói rằng sau trào lưu cộng sản, trào lưu đồng tính là thách đố lớn nhất của Giáo Hội Công Giáo tại Ba Lan hiện nay. “Nhiều người trẻ đã rời bỏ Giáo Hội vì sức quyến rũ của các thông điệp đồng tính. Điều này đặt tương lai của xã hội chúng ta vào một tình thế rất nguy hiểm,” ông nói.

5. Các nhà khảo cổ học người Mỹ và Israel tìm được nhà thờ cổ xây trên nền nhà hai thánh Phêrô và Anrê Tông Đồ

Một nhóm các nhà khảo cổ học người Mỹ và Do Thái, đã tìm được Nhà thờ các Thánh Tông đồ, được xây dựng trên nền nhà của các Thánh Tông đồ Phêrô và Anrê, gần bãi biển Galilê.

Các chuyên gia của Viện Khảo cổ Galilê của trường Đại học Kinneret, Israel và trường Đại học Nyack ở New York, đã khai quật một địa điểm tại el-Araj trên bờ phía bắc của Biển hồ Galilê. Các nhà khảo cổ tin rằng el-Araj là địa điểm của làng chài cổ Bethsaida của người Do Thái, sau này trở thành thành phố Julias dưới thời La Mã.

Giáo sư Steven Notley của Đại học Nyack nói với Fox News rằng các cuộc khai quật đã được bắt đầu hàng năm trước đó của nhóm tại địa điểm này, và đã phát hiện ra những bằng chứng về sự tồn tại của ngôi nhà thờ này, chẳng hạn như những mảnh đá cẩm thạch và các khối thủy tinh gọi là tesserae được sử dụng để trang trí một cách công phu các bức tường nhà thờ. “Những khám phá này đã thông báo cho chúng tôi rằng nhà thờ đang chờ được tìm thấy ở đâu đó gần đây,” Giáo sư Steven Notley nói với Fox News.

Lần theo manh mối, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra sàn nhà thờ. “Thật ngoạn mục khi đưa được những sàn nhà được trang trí đẹp mắt này ra ánh sáng sau khi bị chôn vùi hàng mấy ngàn năm, Giáo sư Notley giải thích.”

Nhà thờ các Thánh Tông đồ đã được đề cập đến bởi những người hành hương Kitô giáo trong những thế kỷ đầu tiên, đáng chú ý là vị Giám Mục người Bavaria, và cũng là Thánh Willibald vào năm 725 sau Chúa Giáng Sinh. “Thánh Willibald nói rằng nhà thờ ở Bethsaida được xây dựng trên ngôi nhà của hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Anrê, là các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu,” Giáo sư Steven Notley giải thích với Fox News.

Giáo sư nói thêm rằng việc khám phá ngôi nhà thờ này rất có ý nghĩa vì ít nhất là hai lý do. Trước tiên, cho đến khi phát hiện ra nó, nhiều học giả đã đặt nghi vấn về sự tồn tại của ngôi nhà thờ này, mặc dù, ngôi nhà thờ được đề cập đến trong hầu hết các ký sự hành hương. Một tầm mức quan trọng không kém ngôi nhà thờ này cho thấy đã tồn tại một ký ức sống động trong các cộng đồng Kitô giáo về vị trí của Bethsaida, quê hương của các Thánh Tông Đồ Phêrô, Anrê và Philípphê như đã được đề cập đến trong Phúc Âm Thánh Gioan (Ga 1:44).

6. Đức Hồng Y Malcolm Ranjith từ chối gặp bất kỳ ứng cử viên Tổng thống nào cho đến khi vụ khủng bố hôm Chúa Nhật Phục sinh được làm sáng tỏ

Trong cuộc họp báo hôm mùng tháng Tám, Đức Hồng Y Malcolm Ranjith, Tổng Giám mục của Colombo, cho biết ngài đã từ chối gặp bất kỳ ứng cử viên Tổng thống nào cho đến khi các báo cáo điều tra liên quan đến các cuộc tấn công khủng bố vào hôm Chúa Nhật Phục sinh được công bố.

Ngài nói rằng có một nỗ lực rõ ràng nhằm che giấu sự thật vì tất cả những người có trách nhiệm vẫn chưa bị đưa ra ánh sáng.

“Chúng tôi không muốn chính phủ hoặc các chính trị gia sử dụng biến cố bi thảm này để giành lợi thế trong cuộc bầu cử, nhưng chúng tôi muốn thấy một quốc gia đoàn kết và có hành động thích hợp để ngăn chặn những việc như thế có thể xảy ra trong tương lai. Đó là những gì chúng tôi mong đợi,” ngài nói.

Đức Hồng Y than phiền rằng không chỉ chính phủ mà ngay cả phe đối lập cũng không thể hiện sự quan tâm đến vấn đề này.

Đặc biệt, Đức Hồng Y lưu ý rằng các báo cáo dựa trên các cuộc điều tra đã được thực hiện về các cuộc tấn công khủng bố cho đến nay vẫn chưa được công khai.

Ngài âu lo rằng các cuộc bầu cử sắp tới đang được sử dụng để chuyển hướng sự chú ý khỏi các cuộc tấn công vào hôm Chúa Nhật Phục sinh.

Theo Đức Hồng Y, công chúng muốn công lý chứ không phải là bầu cử.

Gần đây, Đức Hồng Y Malcolm Ranjith cũng đã cáo buộc chính phủ “không có xương sống”, và yêu cầu chính phủ nên từ chức.

7. Phái đoàn các Hồng Y thăm người tị nạn Rohingya ở Bangladesh

Hai vị Hồng Y từ Phi Luật Tân và Miến Điện đã đến thăm một trại tị nạn người Rohingya ở Bangladesh trong tuần này để gặp gỡ các gia đình tị nạn cũng như nhân viên các cơ quan cứu trợ và các quan chức chính phủ.

Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle của Manila và Đức Hồng Y Charles Maung Bo của Yangon đã đi đến các trại tị nạn ở miền đông nam Bangladesh vào ngày 29 tháng 7, ucanews cho biết như trên.

Đức Hồng Y Tagle là chủ tịch của Caritas Internationalis, một liên đoàn toàn cầu các cơ quan cứu trợ và phát triển Công Giáo, đã giúp đỡ hơn nửa triệu người tị nạn Rohingya bằng cách cung cấp nơi ở, nước uống, các phương tiện vệ sinh, y tế và các nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày.

Đức Hồng Y Bo là chủ tịch của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC).

Các vị Hồng Y đã nói chuyện với các gia đình tị nạn trong các trại và gặp gỡ các tình nguyện viên và nhân viên của Caritas, những người đang giúp cung cấp nhu yếu phẩm cho người tị nạn.

Các ngài cũng đã gặp Muhammad Abul Kalam, người đứng đầu Ủy ban Cứu trợ và Hồi hương người Tị nạn của chính phủ Bangladesh, đang giám sát 30 trại tị nạn, nơi cư trú của gần 1 triệu người tị nạn ở nước này.

Abul Kalam nói với ucanews rằng ông cảm ơn các vị Hồng Y vì những nỗ lực của Giáo Hội trng việc giúp đỡ người tị nạn, và giải thích cho các ngài về những trở ngại nghiêm trọng mà những người trong các trại đang phải đối mặt.

“Tôi tin rằng các vị Hồng Y đã được mắt thấy tai nghe về những thách thức khác nhau mà người tị nạn đang phải trải qua, đặc biệt là những rủi ro trong mùa gió mùa cũng như các vấn đề về sức khỏe và môi trường,” ông nói.

Cùng tháp tùng với hai vị Hồng Y trong chuyến viếng thăm của các ngài có Đức Hồng Y Patrick D’Rozario of Dhaka của thủ đô Dhaka, Bangladesh; Đức Tổng Giám Mục Moses Costa của tổng giáo phận Chittagong; và Đức cha Gervas Rozario của giáo phận Rajshahi.

Năm 2017, Rohingya, một nhóm thiểu số Hồi giáo, đã phải đối mặt với sự gia tăng bạo lực đàn áp ở Miến Điện.

Chính phủ Miến Điện từ chối sử dụng thuật ngữ Rohingya và coi họ là những người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh. Họ đã bị từ chối quyền công dân và nhiều quyền khác kể từ khi một đạo luật gây tranh cãi được ban hành vào năm 1982.

Bạo lực lên đến mức khiến Liên Hợp Quốc tuyên bố cuộc khủng hoảng là một ví dụ trong sách giáo khoa về việc thanh lọc sắc tộc.

Hơn 1 triệu người Rohingya đã chạy trốn qua biên giới tới Bangladesh và đang sống trong các trại tị nạn, nhiều trại trong số đó nằm trong một vùng đầm lầy dọc theo biên giới giữa hai nước.

Bangladesh và Miến Điện đã đồng ý một chương trình hồi hương vào cuối năm ngoái, nhưng rất ít người Rohingya đã trở về quê hương.

Chuyến đi này là Đức Hồng Y Tagle từ chuyến thăm thứ hai đến một trại tị nạn Rohingya. Ngài đã thực hiện một chuyến thăm tương tự vào tháng 12 năm ngoái, mô tả trại này là một tiếng kêu với toàn thế giới cho một nền chính trị tốt hơn dựa trên lòng trắc ẩn và tình liên đới.

“Khi nào chúng ta mới có thể học được bài học của mình và có thể ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng quy mô thế này xảy ra lần nữa? Làm sao với tư cách là một cộng đồng quốc tế và một gia đình nhân loại, chúng ta có thể quay trở lại những điều cơ bản về phẩm giá, sự quan tâm và lòng trắc ẩn?” Đức Hồng Y Tagle nói.

8. Đức Cha Robert Emmet Barron bày tỏ vui mừng khi lần đầu được truyền chức linh mục

Trong đoạn video quý vị và anh chị em đang xem thấy đây, Đức Cha Barron, Giám Mục Phụ Tá tổng giáo phận Los Angles, cho biết cảm xúc của ngài khi lần đầu tiên trong đời Giám Mục được truyền chức linh mục cho sáu tu sĩ dòng Đa Minh Đền thánh quốc gia Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Washington, DC.

Đức Cha nói:

“Dòng anh em thuyết giảng đã có một tác động sâu sắc đến cuộc sống của tôi, và tôi biết ơn các tu sĩ dòng Đa Minh vì đã mời tôi truyền chức cho các anh em này làm linh mục của Chúa Giêsu Kitô.

Những linh mục này cũng là nhóm người đầu tiên mà tôi được hân hạnh truyền chức linh mục, vì vậy họ sẽ luôn giữ một vị trí đặc biệt trong những lời cầu nguyện của tôi và trong trái tim tôi.

Anh chị em cũng hãy nhớ đến những tân linh mục mới này và tất cả các tân linh mục vừa được phong chức trong những lời cầu nguyện của anh chị em, xin cầu xin Chúa cho họ luôn luôn trung thành và tìm cách bắt chước gương hy sinh của Chúa Giêsu, vị linh mục thượng phẩm của chúng ta.”

Đức Cha Robert Emmet Barron, sinh ngày 19 tháng 11 năm 1959, là Giám Mục Phụ Tá của Tổng giáo phận Los Angeles. Ngài cũng là Chủ tịch Ủy Ban Truyền Thông của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.

Ngài là người sáng lập ra Word on Fire, và là người dẫn chương trình truyền hình CATHOLICISM, một bộ phim tài liệu về đức tin Công Giáo. Trước đây, ngài từng là Giám đốc Đại Chủng viện Mundelein thuộc Tổng giáo phận Chicago.

Đức cha Barron đã xuất bản nhiều sách, tiểu luận và bài viết về thần học và tâm linh. Ngài cũng là phóng viên tôn giáo của NBC và cũng đã xuất hiện trên Fox News, CNN và EWTN.

Ngày 21 tháng Bẩy năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm ngài về làm Giám Mục Phụ Tá tổng giáo phận Los Angles.

9. Tòa Giám Quản Tông Tòa Nam Ả rập quan ngại trước những căng thẳng trong vùng Vịnh

Trong tuyên bố đưa ra hôm mùng 2 tháng Tám Tòa Giám Quản Tông Tòa Nam Ả rập đã bày tỏ những quan ngại về tình trạng an ninh trong vùng. Tuyên bố Tòa Giám Quản Tông Tòa Nam Ả rập được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Vịnh Ba Tư giữa Hoa Kỳ và Iran, sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran hồi năm ngoái.

Trong một diễn biến mới nhất, hôm thứ Năm 1 tháng Tám, phiến quân ở Yemen đã phóng hỏa tiễn vào một cuộc diễn hành quân sự trong một quận của thủ đô Aden giết chết 57 binh sĩ và sĩ quan thuộc một lực lượng được liên quân các nước theo Hồi Giáo Sunni ủng hộ.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là quang cảnh cuộc diễn hành. Chỉ vài phút sau đó, một hỏa tiễn tầm trung đã bắn vào giữa đoàn diễn hành gây thương vong rất nặng nề.

Trong khi đó, một chiếc xe hơi, một chiếc xe buýt và ba chiếc xe gắn máy chất đầy chất nổ lao thẳng vào một đồn cảnh sát trong khu phố Omar al-Mokhtar gần đó. Vụ nổ làm 11 người chết và ít nhất 29 người bị thương. Những kẻ đánh bom tự sát cũng chết hết.

Tuyên bố Tòa Giám Quản Tông Tòa Nam Ả rập mong mỏi các quốc gia, và các phe phái tìm ra những giải pháp giúp vãn hồi hòa bình trong khu vực.

10. Nỗi chua xót của một người truyền bá Tin Mừng trên đường phố Luân Đôn

Tờ Daily Mail, số ra ngày 1 tháng Tám cho biết lực lượng cảnh sát Anh, thường được gọi là Scotland Yard, đã phải bồi thường cho mục sư Oluwole Ilesanmi, 64 tuổi, một số tiền là 2,500 bảng Anh, tức là khoảng 3,000 Mỹ Kim vì những sỉ nhục họ gây ra cho ông.

Ilesanmi, người Nigeria, đã di dân đến London vào năm 2010 với tư cách là một nhà truyền giáo. Ông đã rất hăng hái khi được di dân vào Anh và vẽ ra trong trí bao nhiêu viễn cảnh đẹp đẽ: Những lời rao giảng Tin Mừng của ông sẽ được nồng nhiệt chào đón tại quốc gia có truyền thống Kitô Giáo và tự do thay vì những cuộc ruồng bắt của đủ các phong trào khủng bố Hồi Giáo tại quê hương. Ông mơ sẽ được thuyết giảng trong các nhà thờ Tin Lành rộng lớn trước một cử tọa thật đông đảo.

Đời không như là mơ. Cuối cùng, ông trở thành một nhà truyền giảng Tin Mừng trên đường phố giữa cảnh ông đi qua bà đi lại không ai màng nghe những thông điệp của ông.

Thử thách không dừng ở đó. Tháng Hai, năm nay khi đang rao giảng Tin Mừng tại một nhà ga xe lửa ở Bắc Luân Đôn, người ta gọi cảnh sát đến bắt ông. Những người Hồi Giáo cảm thấy chướng mắt đã gọi điện thoại báo cảnh sát, buộc tội ông là có những lời lẽ “chống Hồi Giáo”.

Hai viên cảnh sát đã đến gặp Ilesanmi và lớn tiếng yêu cầu ông ngừng giảng đạo. Khi ông từ chối, họ tịch thu Kinh Thánh, còng tay ông, và chở đến một nơi cách đó hơn 6 km, và thả ông xuống đó. Ông phải vay tiền của một người lạ để trở về nhà.

“Tôi đã rất buồn khi họ giật cuốn Kinh thánh của tôi và ném nó vào xe cảnh sát. Họ sẽ không bao giờ dám làm điều đó nếu đó là cuốn kinh Koran, “ mục sư Ilesanmi nói, không dấu được nỗi ê chề.

Ambrosine Shitrit, người phụ nữ gần đó dùng điện thoại quay lại toàn bộ vụ việc. Cô nói với Daily Mail rằng nhà thuyết giáo đã không làm gì gây bất hòa và không có cách nào người ta có thể nói ông đã tuôn ra những lời lẽ bài Hồi giáo.

Video này đã giúp mục sư Oluwole Ilesanmi thắng kiện và được bồi thường 2,500 bảng Anh. Nhưng tâm hồn ông vẫn cảm thấy ê chề.

11. Đức Tổng Giám Mục Wilton Gregory lên tiếng phàn nàn cách nói mang mầu sắc phân biệt chủng tộc của tổng thống Trump

Trong một bài phỏng vấn được công bố trên tờ Catholic Standards hôm thứ Sáu 1 tháng Tám, Đức Tổng Giám Mục Wilton Gregory của tổng giáo phận Washington cho rằng “Tất cả chúng ta phải có trách nhiệm chống lại các thứ ngôn ngữ chế giễu, lên án hoặc phỉ báng người khác vì chủng tộc, tôn giáo, giới tính, tuổi tác, văn hóa hoặc dân tộc của họ.”

Đức Tổng Giám Mục đã đưa ra lập trường trên nhằm đáp lại những tweets gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump đối với những thành viên Quốc hội đã chỉ trích ông.

“Những diễn từ như thế không có chỗ trên môi của những người tuyên xưng Chúa Kitô, và những người tự xưng mình là các thành viên văn minh của xã hội,” ngài nói.

Hôm 14 tháng Bẩy, Tổng thống Donald Trump đã tweet rằng “Những Phụ nữ Cấp tiến của đảng Dân chủ trong Quốc Hội”, là những người đã chỉ trích ông, đã đến từ các quốc gia trên thế giới, nơi nếu có cái gọi là chính phủ, thì cái chính phủ ấy hoàn toàn là một thứ thảm họa, cặn bã, tham nhũng và bất lực, và các thành viên Quốc Hội ấy nên về xứ mà giúp sửa chữa những nơi băng hoại và đầy rẫy tội ác đó.

Những tweets này được xem là nhắm đến Dân biểu đảng Dân chủ Ilhan Omar của Minnesota, là người đã đến Hoa Kỳ với tư cách là một người tị nạn Somalia. Tại một cuộc biểu tình ở Bắc Carolina vài ngày sau đó, những ủng hộ viên của tổng thống Trump đã hô vang khẩu hiệu “Tống cổ nó về nước!”. Ngày hôm sau, tổng thống Trump nói rằng ông không hài lòng với khẩu hiệu đó và không đồng ý như thế.

Vào ngày 27 tháng 7, tổng thống Trump cũng đã tweet rằng Dân biểu Elijah Cummings, một thành viên Quốc hội người Mỹ gốc Phi đại diện cho phần lớn thành phố Baltimore, nên chăm sóc cho chính bản quán của mình mà ông gọi là một chốn “ghê tởm, chuột bọ và đủ thứ loài gặm nhấm lộn xộn.”

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Tổng Giám Mục Gregory nói rằng có những lúc, mà một mục tử và một môn đệ của Chúa Giêsu được kêu gọi để bảo vệ phẩm giá của tất cả con cái Chúa.

“Tôi sợ rằng những bình luận công khai gần đây của Tổng thống và những người khác và những phản hồi mà họ gây ra, đã làm sự chia rẽ sâu sắc thêm và làm giảm cuộc sống quốc gia của chúng ta”.

“Những nhận xét có tính cách loại bỏ, hạ bệ hoặc coi bất cứ con cái nào của Thiên Chúa là ma quỷ đều phá hoại lợi ích chung và phủ nhận cam kết quốc gia của chúng ta đối với tự do và công lý cho tất cả mọi người.”