Suy niệm tháng các Linh Hồn

“ Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Kitô đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an nghỉ trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Kitô. “ ( Trích thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Thesalonia )

“…Lạy Chúa nhân từ ! Xin thương đoàn tụ con cái Cha đang tản mát khắp nơi. Xin thương cho ông bà, cha mẹ, anh chị em chúng con đã qua đời và tất cả những ai ly trần trong ơn nghĩa Chúa, nơi chúng con hy vọng sẽ tới, để cùng nhau hưởng vinh quang Chúa muôn đời. “

Lời Hiệp thông vị Linh mục chủ tế đọc trong Thánh Lễ hàng ngày, Giáo Hội nhắc chúng ta luôn nhớ đến những người đã qua đời- đặc biệt tháng 11 cầu nguyện cho các linh hồn nơi Luyện ngục- sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa trên Nước Hằng Sống.

Truyền thống tốt đẹp này do Viện Phụ Đan Viện Chiny, nước Đức khởi đầu từ ngày 2/11/998.

Đến Thế kỷ 10, Đức Giáo Hoàng Gioan 10 thiết lập Lễ Cầu cho các Linh Hồn trong toàn Giáo Hội.

Tại Ba Lan, đêm Lễ Cầu Hồn đèn Thánh đường thắp sáng nhắc mọi người nhớ cầu nguyện cho các Linh Hồn sớm được giải thoát khỏi Luyện Hình.

Nước Hungary có tục lệ cao quí vào ngày 2/11, các trẻ em mồ côi được tập trung tại Nhà thờ lãnh quà , đồ chơi và dùng bữa ăn đầm ấm dưới sự săn sóc đầy tình thương của tín hữu.

Riêng tại Việt Nam, rất tôn trọng chữ hiếu, dịp Tết mọi người kéo nhau lên nghĩa trang viếng mộ ông bà, cha mẹ, anh chị em và họ hàng đã qua đời, mang hoa đèn đặt trên mộ, sơn quét sạch sẽ, rồi đọc kinh cầu nguyện. Ngày 2/11, đi viếng nhà thờ, đọc kinh lãnh ơn Toàn xá chỉ cho các linh hồn.

Năm 1992, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành giáo lý về Lễ Cầu Hồn với 3 điểm chính :

-Cần có Luyện Ngục : Dù người qua đời trong ơn nghĩa Chúa vẫn còn vướng mắc tì ố, cần phải thanh tẩy trước khi vào Thiên Đàng là nơi Sách Khải Huyền đã minh định ;

“ Người ta sẽ đem vinh hiển và giáu sang của các dân tộc đến đó. Kẻ ô uế, làm điều gian ác, dối trá, không thể được vào, nhưng chỉ những kẻ đã được ghi tên trong Sách Sự Sống của Chiên Con.” (KH.21 : 26 & 27)

-Luyện Ngục để thanh tẩy: là dấu hiệu sau cùng của người được Thiên Chúa tuyển chọn.

-Người sống cứu người chết : bằng cầu nguyện, xin lễ, bố thí, lãnh ơn xá chỉ cho người qua đời.

Đặc ân trong ngày này các Linh Mục được phép làm 3 Thánh Lễ chỉ cho các Linh Hồn.

Công Đồng Vatican II, trong Hiến Chế ‘Vui Mừng và Hy vọng’ đã xác quyết :

“Chúa Giêsu đã mang lại chiến thắng khi Người sống lại và nhờ cái chết của Người, Người giải phóng chúng ta khỏi sự chết, đồng thời làm cho con người có khả năng hiệp thông với anh chị em đã qua đời trong ân sủng Chúa Kitô và làm cho chúng ta hy vọng rằng người ấy đã thực sự trong Chúa.”

Giáo Hội giành riêng tháng 11 cầu cho các Linh Hồn, đồng thời cũng dạy chúng ta một bài học quí giá :

- Cuộc sống chúng ta hiện nay là để chuẩn bị cho sự chết ngày mai.

- Cái chết là ngưỡng cửa để ta bước vào đời sống vinh hiển.

- Nhớ đến người chết chính là tình yêu hiệp thông, sự báo hiếu công ơn người đã gây dựng, giúp ta trong cuộc sống trần thế.

Trong Cựu Ước, sách Ma-ca-bê 2 chương 12 nói đến việc nhớ ơn người đã qua đời :

“Vì tưởng nhớ, cầu nguyện cho người đã an nghỉ được giải thoát khỏi Luyện Hình là một việc đạo đức.”

Ngoài ra, còn cho chúng ta hiểu biết thêm những sự việc liên quan đến ngày Lễ Cầu Hồn như :

- Luyện ngục không phải là nơi đầy đọa với những cực hình như Hỏa ngục, nhưng là nơi để thanh lọc trọn vẹn khỏi những tì ố trước khi lãnh nhận phúc Trường Sinh hưởng Nhan Thánh Chúa- Linh Hồn nơi Luyện Ngục chịu những hình phạt tạm thời do tội lỗi mình gây ra. Gọi là những Linh Hồn đáng thương không thể tự mình lập công để giải thoát hay giảm nhẹ đau khổ, mà tùy thuộc vào lời cầu nguyện và việc lành của các tín hữu nơi trần thế, cùng lời chuyển cầu lên các Thánh cầu xin Thiên Chúa. Chúng ta phải tin là Luyện Ngục có thật, vì khi Đức Mẹ hiện ra tại Mễ Du đa cho Vicka Jacob được thị kiến Thiên Đàng- Luyện Ngục và Hỏa Ngục.

- Thánh Lễ không thể mua ít hay nhiều bằng tiền bạc, vì Thánh Lễ là vô giá như ngụ ngôn trong Phúc Âm nói về bà góa nghèo dâng cúng chỉ 2 đồng nhưng được Chúa ca ngợi vì lòng thành của bà :

“Đức Giêsu vừa ngó lên thấy những kẻ giàu bỏ tiền vào rương, lại thấy một bà góa nghèo bỏ vào 2 đồng tiền. Ngài phán rằng: quả thật ta bảo cùng các ngươi, bà góa này đã bỏ vào nhiều hơn mọi người khác, vì những người kia đều lấy của dư mình mà làm của dâng, nhưng bà này thiếu thốn mà đã dâng của mình có để nuôi chính mình.” ( Lc.21: 1- 4 )

- Ơn Toàn xá : được lãnh nhận khi xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha, để nhượng cho các Linh Hồn ( Muốn hiểu rõ hơn về Ơn Toàn Xá, xin tham khảo theo Cẩm nang Ân Xá của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ ban hành năm 2006 hay trao đổi với các Linh Mục sở tại để hiểu rõ hơn. )

- Các Thánh cùng thông công :

Các Thánh là Giáo Hội Khải hoàn.

Giáo Hữu là Giáo Hội Chiến đấu.

Linh Hồn là Giáo Hội Đền tội.

Ba Giáo Hội được Chúa Thánh Linh kết hợp làm một Đại gia đình con cái Chúa trong tình thương yêu trợ giúp và cầu nguyện cho nhau.

Sử liệu của các cha dòng Capuchino đã ghi lại hình phạt các Linh hồn trong Luyện Ngục phải chịu qua câu

truyện như sau :

‘Cha Hippolyte de Calvo là tôi tớ tín trung của Thiên Chúa và đặc biệt cha có lòng thương xót các linh hồn. Năm ấy cha được bề trên gởi đến Flandres, một thành phố biên giới giữa Pháp và Bỉ, để mở một tu viện cho dòng. Trong số các tu sĩ đi với cha có một thày rất đạo đức. Nhưng vừa tới nơi thi thày ngã bệnh và qua đời.

Sáng hôm sau, cha đang quì cầu nguyện trong nhà thờ, bỗng cha thấy vị tu sĩ mới quá cố xuất hiện, dưới hình bóng một người phủ đầy lửa. Vị tu sĩ thú tội cùng cha với lời rên rỉ não nề về một lỗi nhẹ thày đã quên xưng tội lúc còn sống. Thày thưa xin cha cho con việc đền tội và ban phép lành giải thoát con khỏi đau đớn trong lửa Luyện ngục.

Xúc động trước sầu khổ của vị tu sĩ, cha vội nói ngay: ‘Nhân danh quyền được Chúa cho phép, tôi xin tha tội và chúc lành cho thày. Còn việc đền tội xin thày ở lại Luyện nguc cho đến giờ Kinh Thứ Nhất, tức khoảng 8 giờ sáng nay.

Cha nghĩ là mình đã khoan hồng khi ra việc đền tội cho thày chỉ ở lại Luyện ngục vài giờ. Nào ngờ khi vừa nghe xong án lệnh, thày như rơi vào tình huống tuyệt vọng. Thày vừa chạy vòng vòng trong nhà thờ

vừa kêu khóc thảm thiết : ‘Ôi tấm lòng không đại lượng! Ôi người cha không biết cảm thương một người đau khổ trong Luyện ngục! Sao cha lại trừng phạt một cách khủng khiếp một lỗi nhẹ mà nếu cón sống, hẳn cha chi ra một đền tội cỏn con. Thật cha chẳng biết gì những kinh hoàng các linh hồn phải chịu trong

Luyện ngục.’ Nghe lời trách móc của tu sĩ, cha dựng tóc gáy, cảm thấy hối hận và tìm cách vớt vát sự vô ý của mới mình. Bỗng cha nghĩ ra diệu kế, vội đánh chuông tụ họp các tu sĩ trong nhà thờ. Khi các tu sĩ có mặt đông đủ, cha kể lại câu chuyện vừa mới xảy ra và cùng cộng đoàn đọc Kinh Giờ Một cầu cho thày quá cố sớm thoát khỏi lửa Luyện hình.

Từ ngày đó cho đến khi qua đời, trong 20 năm cha Hippolyte không bao giờ quên truyện đã xảy ra. Trong các bài giảng cha luôn nhắc lại câu của Thánh Anselmo :

“Sau khi chết, hình phạt nhẹ nhất đón chờ ta trong lửa Luyện hình, trở thành lớn lao hơn tất cả những gì mà trí khôn ta có thể tưởng tượng khi còn sống nơi trần thế.”

Kinh Vực Sâu.

“Lạy Chúa tôi ! Tôi ở dưới vực sâu kêu lên Chúa tôi. Xin hãy khứng nhận lời tôi kêu xin.

Hãy lắng nghe tiếng tôi cầu xin. Nếu Chúa tôi chấp tội nào ai rỗi được. Bởi Chúa tôi hằng có lòng lành, cùng vì lời Chúa tôi phán hứa, tôi đã trông cậy Chúa tôi. Linh hồn tôi cậy vì lời hứa ấy, vì đã trông cậy Chúa tôi. Những kẻ làm dân Đức Chúa Trời đêm ngày, hãy trông cậy Người cho liên. Vì Người rất nhân lành hay thương vô cùng, sẽ tha hết tội lỗi kẻ làm dân Người thay thảy.

Lạy Chúa tôi ! Xin ban cho các linh hồn được nghỉ yên đời đời và được sáng soi vô cùng.

Lạy Chúa tôi ! Xin cứu lấy các linh hồn cho khỏi tù ngục và được nghỉ yên-Amen.

Đinh Văn Tiến Hùng