Lúc 11 giờ 30 sáng thứ Hai 4 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ bên trong Đền thờ Thánh Phêrô để cầu nguyện cho 13 Hồng Y, và 156 Tổng Giám Mục và Giám Mục qua đời trong vòng 12 tháng qua.

Trong số các vị đặc biệt có Đức Hồng Y Roger Etchegaray được coi là một đại ân nhân của Giáo Hội Việt Nam qua đời ngày 4 tháng 9 vừa qua.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có 40 Hồng Y và 30 Giám Mục trước sự hiện diện của hơn 1,000 tín hữu. Thánh lễ diễn ra tại bàn thờ Ngai Tòa Thánh Phêrô là nơi Đức Hồng Y Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã chủ sự thánh lễ đưa chân Đức Tổng Giám Mục Bùi Văn Đọc hồi tháng Ba năm ngoái 2018.

Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:


Các bài đọc chúng ta vừa nghe nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đến thế giới này để được sống lại; chúng ta không được sinh ra cho cái chết nhưng cho sự phục sinh. Như Thánh Phaolô viết trong bài đọc thứ hai, ngay cả bây giờ “chúng ta đã có quyền công dân trên trời” (Phil 3:20) và, như Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng, chúng ta sẽ được sống lại vào ngày sau hết (x Ga 6:40). Đó cũng là cùng một ý tưởng về sự sống lại được nêu trong bài đọc thứ nhất đã khiến Ông Giuđa Macabêô làm “một điều tuyệt vời và cao quý” (2 Mac 12:43). Hôm nay chúng ta có thể tự hỏi: ý nghĩ về sự phục sinh ảnh hưởng đến tôi như thế nào? Làm thế nào để đáp lại lời mời gọi được sống lại?

Trước hết, chúng ta được sự trợ giúp từ Chúa Giêsu, Đấng trong Tin Mừng hôm nay cho biết: “Tất cả những ai đến với Ta, Ta sẽ không loại ra ngoài” (Ga 6:37). Lời mời gọi của Chúa là: “Hãy đến với Ta” (x. Mt 11:28). Đến với Chúa Giêsu, Đấng hằng sống, để được miễn nhiễm khỏi cái chết, khỏi nỗi sợ rằng mọi thứ sẽ kết thúc. Hãy đến với Chúa Giêsu: điều này có vẻ như một sự hô hào tâm linh chung chung và thậm chí là tầm thường. Nhưng chúng ta hãy cố gắng làm cho điều đó trở nên cụ thể bằng cách đặt ra một vài câu hỏi. Hôm nay, trong các hồ sơ mà tôi giải quyết trong văn phòng, tôi có đến gần Chúa hơn không? Tôi có làm cho chúng trở nên một cơ hội để thưa chuyện với Ngài không? Trong những người mà tôi đã gặp, tôi có liên hệ đến Chúa Giêsu không? Tôi có mang những người ấy đến với Chúa trong lời cầu nguyện của mình không? Hay tôi đã làm mọi thứ trong khi chỉ nghĩ đến những mối quan tâm của mình, chỉ vui mừng vì những điều tốt đẹp dành cho tôi và phàn nàn về những điều không thành công? Nói một cách dễ hiểu, tôi đã sống một ngày của mình để đến với Chúa, hay tôi chỉ đơn giản là quay cuồng xung quanh mình? Và tôi đang đi đâu? Phải chăng tôi chỉ lo làm mọi cách để tạo ấn tượng tốt, để bảo vệ vai trò, lịch trình và thời gian rảnh của mình? Hay tôi đến với Chúa?

Những lời của Chúa Giêsu thật đánh động: “Tất cả những ai đến với Ta, Ta sẽ không loại ra ngoài”. Những lời ấy như muốn nói rằng bất kỳ Kitô hữu nào không đến với Ngài sẽ bị loại bỏ. Đối với các tín hữu, không có sự mập mờ lưng chừng. Chúng ta không thể vừa thuộc về Chúa Giêsu lại vừa quay cuồng xung quanh chúng ta. Những người thuộc về Chúa Giêsu sống bằng cách liên tục tiến ra từ chính chúng ta và hướng về Người.

Cuộc sống tự nó không ngừng tiến ra: từ khi còn trong bụng mẹ cho đến khi chúng ta chào đời, từ tuổi ấu thơ đến tuổi thiếu niên, từ tuổi thiếu niên đến khi trưởng thành, v.v., cho đến ngày chúng ta giã từ thế giới này. Hôm nay, khi chúng ta cầu nguyện cho các Hồng Y và Giám Mục là những người đã giã từ cuộc sống này để gặp gỡ Chúa Phục Sinh của chúng ta, chúng ta không thể quên điều quan trọng nhất và khó khăn là “đi ra”, là điều mang lại ý nghĩa cho tất cả những điều khác: đó là ra khỏi chính bản thân của chúng ta. Chỉ khi ra khỏi chính mình, chúng ta mới mở được cánh cửa dẫn đến Chúa. Chúng ta hãy cầu xin ân sủng này: “Lạy Chúa, con muốn đến với Chúa mỗi ngày, trên mọi nẻo đường và cùng với những người bạn đồng hành của con. Xin giúp con ra khỏi bản thân mình để đi về phía Chúa, vì chính Chúa là sự sống”.

Tôi muốn đề xuất một ý nghĩ thứ hai, về sự sống lại, rút ra từ bài đọc thứ nhất về “điều cao quý” mà Ông Giuđa Macabêô đã làm cho những người đã chết. Chúng ta biết ông đã làm điều đó bởi vì “ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức” (2 Mac 12:45). Tinh thần đạo đức, lòng đạo hạnh, được ban thưởng trọng hậu. Lòng đạo đức đối với người khác mở ra cánh cửa vĩnh cửu. Cúi xuống trên những người túng quẫn để phục vụ họ là chúng ta đang bước trên đường lên thiên đàng. Thánh Phaolô nói: “tình yêu không bao giờ kết thúc” (1 Cor 13: 8), như thế chính tình yêu là cầu nối giữa trời và đất. Chúng ta có thể tự hỏi mình có đang tiến lên dọc theo cây cầu này không. Tôi có để mình bị xúc động trước tình huống của người túng cùng không? Tôi có thể khóc với những người đang đau khổ không? Tôi có cầu nguyện cho những người không ai nghĩ đến không? Tôi có giúp cho những ai không có gì để trả lại cho tôi không? Đây không phải là tình cảm bồng bột nhất thời hay việc tham gia vào các hoạt động bác ái nhỏ nhoi; nhưng đó là những vấn đề của đời người, những vấn đề liên quan đến sự phục sinh.

Cuối cùng, tôi muốn đưa ra một ý nghĩ thứ ba về sự phục sinh. Tôi trích từ Sách Linh Thao, trong đó Thánh Y Nhã đề nghị rằng trước khi đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào, chúng ta nên tưởng tượng mình đứng trước mặt Chúa vào ngày chung thẩm. Đó là khoảnh khắc cuối cùng và không thể tránh khỏi, một điều mà tất cả chúng ta sẽ phải đối mặt. Mỗi quyết định trong cuộc sống, nhìn từ quan điểm đó, sẽ được định hướng tốt, vì nó gần với sự phục sinh hơn, là ý nghĩa và mục đích của cuộc sống chúng ta. Khi sự ra đi được cân nhắc bởi mục tiêu, sự hoạch định được đánh giá bằng kết quả thu hoạch, thì khi đó cuộc sống được đánh giá tốt nhất bằng cách bắt đầu từ chung cuộc và mục đích của nó. Thánh Y Nhã viết: “Tôi hãy nghĩ đến bản thân mình như đang đứng trước sự hiện diện của Ðấng phán xét tôi vào ngày sau hết, và suy tư về những quyết định mà tôi muốn đưa ra trước vấn đề hiện nay; và giờ đây tôi sẽ chọn đó là quy tắc của cuộc sống, mà tôi sẽ tuân giữ trọn đời” (Linh Thao, 187). Đó có thể là một thực hành hữu ích khi chúng ta nhìn thực tại qua đôi mắt của Chúa chứ không chỉ qua đôi mắt của chính chúng ta; nhìn đến tương lai, và sự phục sinh chứ không chỉ đến hiện tại đang qua đi này; và đưa ra những lựa chọn có hương vị vĩnh cửu, và hương vị của tình yêu.

Tôi có đi ra khỏi chính mình mỗi ngày để đến với Chúa không? Tôi có cảm nhận và thực hàng lòng bác ái đối với những người đang trong tình trạng quẫn bách không? Tôi có đưa ra quyết định quan trọng trong tầm nhìn của Thiên Chúa không? Chúng ta hãy để bản thân mình được thử thách ít nhất bởi một trong ba suy nghĩ này. Chúng ta sẽ trở nên hài hòa hơn với ước muốn mà Chúa Giêsu thể hiện trong Tin Mừng hôm nay: rằng Người không muốn để mất một ai trong tất cả những kẻ Chúa Cha đã ban cho Ngài (x. Ga 6:39). Giữa rất nhiều tiếng nói trần tục đang khiến chúng ta quên đi ý nghĩa của cuộc sống, chúng ta hãy trở nên hiệp một lòng một ý với thánh ý Chúa Giêsu, Đấng Phục sinh và hằng sống. Như thế, chúng ta sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta ngày nay là một rạng đông của sự phục sinh.


Source: Libreria Editrice Vaticana