Chỉ còn 1 ngày nữa, Đức Phanxicô sẽ đặt chân xuống đất Thái Lan. Cuộc tông du này sẽ lôi cuốn một số khá đông người Công Giáo Việt Nam cả từ trong nước lẫn từ các nước khác như Hoa Kỳ, Úc, ... Có người còn dám tiên đoán số người Việt Nam tại Thái Lan để chào đón Đức Phanxicô có khi đông hơn cả chính người Thái Lan nữa.

Âu điều đó phần nào nói lên lòng biết ơn của người Công Giáo Việt Nam đối với một đất nước từng có lòng quảng đại tự biến thành một trong các hậu cứ của Đạo Công Giáo ở Việt Nam buổi đầu.

Thực vậy, nếu Macao là hậu cứ cho việc đem đức tin vào Việt Nam thì Thái Lan là hậu cứ của việc lên chính sách cho việc hình thành cơ cấu Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam.

Ai cũng biết Giáo Sĩ Alexandre De Rhodes (Đắc Lộ), Dòng Tên, có hai đại công đối với Giáo Hội Việt Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung là xây dựng các cộng đoàn tín hữu Công Giáo đầu tiên và chuẩn định chữ quốc ngữ. Năm 1645, khi buộc phải rời bỏ Việt Nam, ngài đã qua Rôma vận động việc bổ nhiệm các giám mục cho miền đất truyền giáo đầy hứa hẹn này.

Giám mục, kế thừa các tông đồ, trước nhất là biểu tượng của hợp nhất, điều mà hẳn cha Đắc Lộ cảm thấy rất thiếu giữa cảnh truyền giáo hết sức năng nổ của các thừa sai Phanxinh, Augustinô, Đa Minh và Dòng Tên của ngài. Linh mục Bùi Đức Sinh và nhất là Linh mục Nguyễn Thế Thoại trong các biên soạn lịch sử (1) đã nói rất rõ và chi tiết hiện tượng thiếu hợp nhất này. Phải có các giám mục để chấm dứt tình trạng quân hồi vô phèng, rất có hại cho cánh đồng truyền giáo.

Dù gì thì đời sống Kitô hữu, muốn trọn vẹn, cần phải có các giám mục để ban đầy đủ các bí tích nhất là bí tích thêm sức và truyền chức thánh. Cha Đắc Lộ là người tha thiết muốn dùng người Việt Nam để truyền đạo cho người Việt Nam. Trong khi không thể truyền chức linh mục cho người Việt Nam, ngài đã nghĩ đến việc đào tạo các thầy giảng làm cánh tay nối dài của các thừa sai ngoại quốc. Và thầy giảng Anrê Phú Yên là một trong những cánh tay vươn dài được ngài sủng ái, vuợt mọi nguy nan mang thủ cấp thầy về Macao, trân quí như bảo ngọc.

Giám mục sẽ sản sinh các trợ thủ giá trị hơn nhiều: các linh mục và các giám mục Việt Nam. Muốn có không phải chỉ là Đạo Công Giáo mà còn là Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, phải có các Giám Mục cho miền đất truyền giáo này.

Được sự chấp thuận và khuyến khích của Tòa Thánh, cha lên đường cầu hiền và gặp được giáo sĩ François Pallu, 1 linh mục trẻ người Pháp. Linh mục Pierre Lambert de la Motte không hẳn do giáo sĩ Đắc Lộ tìm ra mà tự ý tìm đến gặp và gia nhập nhóm của giáo sĩ François Pallu. Nhưng nhờ chính việc vị sau dâng hết tài sản của mình cho nhóm mà nhóm truyền giáo cho Đông Á này được Tòa Thánh chấp nhận. Tòa Thánh bổ nhiệm hai vị làm đại diện tông toà cho Đàng Trong và Đàng Ngoài Việt Nam hậu bán thế kỷ 17.



Juthia, thủ đô vương quốc Xiêm La (Thái Lan)

Pallu được tấn phong Giám Mục hiệu tòa Heliopolis ngày 17 tháng 11 năm 1658; de la Motte được tấn phong Giám Mục hiệu toà Bérythe ngày 11 tháng 6 năm 1660. Vị đầu lên đường ngày 27 tháng 11 năm 1660, tới Thái Lan ngày 22 tháng 8 năm 1662; vị sau lên đường ngày 3 tháng Giêng năm 1662, tới Thái Lan ngày 27 tháng Giêng năm 1664.

Cả hai chọn thủ đô Juthia (tên Thái Ayutthaya) của Thái Lan làm bản doanh. Tại sao lại Thái Lan mà không phải Macao? Có phải tại Thái Lan gần Pháp hơn Macao? Có thể, nhưng phần chắc là vì Thái Lan không lệ thuộc Bồ Đào Nha, một quốc gia không ưa người Pháp, và hiện giữ quyền bảo hộ khắp vùng truyền giáo Đông Á.

Thành phố này, được thiết lập năm 1350, là thủ đô thứ hai của Vương quốc Xiêm La. Nó rất phồn thịnh từ thế kỷ 14 tới thế kỷ 18; trong thời gian này, nó trở thành một trong các khu vực đô thị rộng lớn và có tính quốc tế nhất và là trung tâm ngoại giao và thương mãi hoàn cầu.

Nhưng năm 1767, thành phố bị quân xâm lược Miến Điện đốt phá và buộc cư dân phải rời bỏ. Juthia không bao giờ được tái thiết và hiện chỉ còn là một khu khảo cổ rộng lớn toạ lạc tại Quận Phra Nakhon Si Ayutthaya, thuộc tỉnh Phra Nakhon Si Ayutthaya. Di tích nổi tiếng là các tháp hài cốt (prang) sừng sững và các tu viện Phật Giáo đồ sộ, cho thấy sự chói sáng của nền kiến trúc Thái hồi đó.

Triều đình Juthia trao đổi đại sứ với rất nhiều quốc gia xa xôi, trong đó có triều đình Pháp ở Versailles và triều đình Mughal ở Delhi, cũng như các triều đình Nhật Bản và Trung Hoa. Các người ngoại quốc phục vụ trong các cơ quan công quyền và sống trong thành phố như các tư nhân. Gần Cung Vua là những khu đặc biệtcủa thương nhân ngoại quốc và thừa sai, được xây dựng theo lối kiến trúc của riêng họ. Ảnh hưởng ngoại quốc rất rõ trong thành phố và còn có thể nhìn thấy trong các nghệ phẩm còn lại và trong các phế tích khảo cổ.

Danh tiếng của Juthia lớn đến nỗi khi thủ đô mới được xây tại Bangkok, người ta đã cố gắng tạo dựng lại các mẫu đô thị và hình thức kiến trúc của Juthia. Nhiều kiến trúc sư và thợ xây dựng của Juthia còn sống được sử dụng trong công trình xây dựng tân thủ đô. Và danh xưng chính thức của Bangkok vẫn duy trì tên “Ayutthaya.

Nhờ ở một thủ đô “có tính quốc tế nhất” này, hai Đức Cha Pallu và de la Motte dĩ nhiên nắm vững tình hình chính trị ở Việt Nam lúc đó, khiến các ngài chưa thể tiếp tục đi vào hai giáo phận được Tòa Thánh giao phó.

Tình hình chính trị tại Việt Nam

Thực vậy, Việt Nam lúc đó được cai trị bởi 3 vương quyền: từ Sơn Nam trở ra thuộc nhà Mạc (cướp ngôi Nhà Lê, bị liên minh Trịnh Nguyễn diệt trừ, chạy lên Cao Bằng, mãi năm 1667 mới chấm dứt), từ Thanh Hóa trở vào thuộc nhà Lê, nhưng thực ra họ Trịnh nắm quyền và từ năm 1600, Nguyễn Hoàng tự xưng Chúa, cha truyền con nối, hết thần phục nhà Lê, nên kể từ Thuận hóa trở vào, phương Nam thuộc nhà Nguyễn.

Ba thế lực này đương nhiên không để nhau yên. Họ Trịnh vừa phải dẹp Mạc ở phía Bắc vừa phải đánh Nguyễn ở phía Nam. Đến năm 1672, hai họ Trịnh Nguyễn đụng trận lớn tất cả 7 lần. Phần họ Nguyễn vừa lo chống quân Trịnh vừa lo “mở mang bờ cõi”: đánh chiếm Chiêm Thành và Chân Lạp. Năm 1611, lấy Phú Yên của Chiêm Thành; 1653 lấy Diên Khánh cũng của Chiêm Thành; 1658 lấy Mối Xuy (Biên Hòa) của Chân Lạp; 1679 lấy Gia Định cũng của Chân Lạp... Chiêm Thành bị xóa sổ với việc mất Bình Thuận năm 1693; năm 1757, Chân Lạp mất thêm phần đất lớn sau này là 4 tỉnh còn lại của “Nam Kỳ Lục Tỉnh”: Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.

Chiến tranh vì thế có thể nói là liên miên. Trong khi đó, cả 3 vương quyền đều vừa muốn lợi dụng người ngoại quốc để gây thanh thế và xây dựng lực lượng vừa sợ ảnh hưởng và mưu mô của họ, cho nên có lúc hoan nghinh các thừa sai, nhưng thường thì nghi kỵ và cấm cách. Linh mục Bùi Đức Sinh, trích dẫn J. Tissanier (Relation du Voyage du P. Joseph Tissanier de la Compagnie de Jésus depuis la France jusqu’au Royaume de Tunquin, Paris 1663), cho rằng có lần Trịnh Trạc nói với cận thần: các thừa sai từ phương trời xa hàng vạn dặm trường, hy sinh vất vả, lại chỉ có một mục đích truyền đạo thôi sao!

Chính vì thế, năm 1658, Trịnh Tạc ra lệnh trục xuất các thừa sai: 6 vị phải ra đi, 2 vị ở lại không được truyền đạo. Năm 1663, Trịnh Tạc còn ban bố sắc dụ cải tổ phong tục. Về tôn giáo, sắc dụ bắt dân phải tuân theo tam cương ngũ thường của Nho Giáo, không được mù quáng theo tà đạo. Cuối năm này, Ông cho trục xuất các thừa sai còn lại. Liền sau đó, Ông cho soạn một chỉ dụ cấm đạo, gọi Đạo Công Giáo là “một đạo kỳ quặc”...

Phía Nam, Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) tiếp tục chính sách cấm đạo của Thượng Vương. Khởi đầu còn nhân nhượng vì sợ làm phật lòng người Bồ Đào Nha; sau càng ngày càng dữ dội, nhất là sau khi Hiền Vương mất 7 huyện vùng phía nam Lam Giang đầu năm 1661. Cuộc bách hại lên cao độ vào cuối năm 1663.

Cuộc bách hại trên nặng đến nỗi, ba thừa sai cuối cùng của Dòng Tên, khi phúc đáp thư thăm hỏi của Đức Cha de la Motte, đã cho ngài hay là không nên tới Việt Nam.

Công đồng và chủng viện Juthia

Chưa vào được giáo phận của mình, hai vị giám mục Đàng Trong và Đàng Ngoài bắt tay thực hiện hai việc tối ư quan trọng đối với tương lại truyền giảng Tin Mừng cho dân Việt: tổ chức Công đồng địa phương và thiết lập một chủng viện để đào tạo các linh mục cho cánh đồng truyền giáo đầy hứa hẹn nhưng cũng lắm gian nan, ngay tại Juthia, trên Đất Xiêm La.

Đầu năm 1664, khi Đức Cha Pallu vừa đặt chân lên Juthia, Công đồng địa phương đã được triệu tập với sự tham gia của 2 Giám Mục và 6 linh mục thừa sai. Công đồng thực hiện 3 điều quan trọng: đặt tên Hội là “Hội Dòng Thừa Sai Tông tòa” với 3 lời khấn và đời sống khắc khổ; quyết định thiết lập một chủng viện; và ban hành 1 Bản Huấn Thị.

Bản Huấn thị trên có nhiều điều rất thực tiễn, biết nhìn xa trông rộng. Theo Linh mục Bùi Đức Sinh, nó khuyến cáo các thừa sai “cần biết việc, biết người, quen thuộc ngôn ngữ, phong tục, nhưng phải khước từ các phương thế và thủ đoạn nhân loại để đạt lý tưởng. Các thừa sai phải trình bầy Lời Chúa với một khoa sư phạm thích hợp cho từng lứa tuổi và từng giai đoạn, nhất là nên thận trọng đừng làm phật lòng các tôn giáo bạn. Trong tổ chức nội bộ giáo xứ, các thừa sai nên đề cử ông trùm, ông câu, ông biện và một số bà hộ sinh, với nhiệm vụ rửa tội cho trẻ sơ sinh nguy tử, để không trẻ nào chết mà không được rửa tội. Đời sống tu đức được đề nghị cho các linh mục địa phương là một nền linh đạo tập trung vào mầu nhiệm Chúa Kitô chịu đóng đinh”.

Phải nói ngay rằng Bản Huấn Thị trên đã được Tòa Thánh chuẩn phê và nó đã trở thành sách nhỏ đi liền với Sách Nguyện của các thừa sai Đông Nam Á.

Sau Công đồng trên, năm 1665, Đức Cha Pallu đi Rôma để đệ nạp công vụ của Công đồng Juthia. Một phần cũng vì sau nhiều cố gắng, Đức Cha vẫn không vào được Đàng Ngoài. Ngài đành trao quyền giám quản địa phận Đàng Ngoài cho Đức Cha de la Motte để về Âu Châu.

Tại Rôma, Đức Cha Pallu tích cực vận động để Đức Clêmentê IX ban hành sắc dụ “Speculatores” năm 1669 buộc các thừa sai phải vâng phục vị đại diện tông toà địa phương, một vấn đề lúc ấy và mãi sau này không được thi hành đúng đắn. Ngài cũng vận động xin Tòa Thánh tấn phong 4 giám mục người địa phương cho Đàng Ngoài, 2 Giám Mục người địa phương cho Đàng Trong, và mỗi nơi một Giám Mục người nước ngoài.

Đức Cha Pallu


Năm 1673, ngài trở lại Juthia một lần nữa và cố gắng tìm đường vào Đàng Ngoài. Ngày 20 tháng 8 năm 1674, ngài lên tầu để vào Đàng Ngoài. Nhưng tầu gặp bão, dạt vào Phi Luật Tân, bị bắt rồi bị trục xuất. Cuối cùng phải trở về Âu Châu và sau đó, lên đường qua Hoa Nam làm đại diện tông tòa ở đấy cho tới ngày qua đời, 29 tháng 10 năm 1684.

Phần Đức Cha de la Motte một mình ở lại Juthia. Việc trước mắt là thiết lập chủng viện tại Juthia, một thứ ưu tiên hàng đầu, theo huấn thị của Bộ Truyền Bá Đức Tin ngày 10.11.1659 gửi cho Hội “Được 12 linh mục tốt qúi hơn là rửa tội cho 12,000 người”. Rất may, Quốc Vương Xiêm La đã cấp cho ngài một miếng đất tốt để xây dựng chủng viện. Và Chủng Viện Thánh Giuse đã được khai giảng vào năm 1665 với các chủng sinh Xiêm La, Việt Nam, Trung Hoa với tiêu chuẩn là “nhà cầu nguyện, suy gẫm, học hành nhiều, sống tiết độ, giản dị, yên tĩnh trầm lặng suy nghĩ đến cuộc sống, phải tận hiến cho Tin Mừng và vì các linh hồn, sẽ phải sống như các tông đồ luôn chiến đấu và dâng mạng sống cho Đức Giêsu Kitô”.

Linh mục Bùi Đức Sinh không cho biết con số và tên các chủng sinh Việt Nam lúc khai giảng niên học đầu tiên năm 1665. Linh mục Nguyễn Thế Thoại thì cho biết mãi năm 1667, Cha Hainques mới “tuyển 2 thầy cho sang Juthia là Giuse Trang và Luca Bền” và 1 năm sau, 2 thầy được Đức Cha de la Motte phong chức: “Đó là hai linh mục tiên khởi của Việt Nam”. Nhưng sau đó, cha viết thêm rằng: “ngày 24.02.1668, cố chính Deydier [Đàng Ngoài] gởi sang Xiêm La: Thầy già Bentô Văn Hiền 52 tuổi và Gioan Văn Huệ 44 tuổi. Sau 4 tháng học tập tịnh tâm trong chủng viện Thánh Giuse, hai thầy được phong chức linh mục ngày 8/6/1668”.

Như thế là phù hợp với tài liệu “Biên Niên Sử Của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam” (https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bien-nien-su-cua-giao-hoi-cong-giao-viet-nam-25943), theo đó “1668: Tại chủng viện Ayutthaya, Thái Lan, bốn linh mục Việt Nam đầu tiên được Đức cha Lambert de la Motte phong chức linh mục: Cha Giuse Trang và Luca Bền (Đàng Trong, được thụ phong vào tháng 3); Cha Bênêdictô Hiền và Gioan Huệ (Đàng Ngoài, được thụ phong vào tháng 6)”.

Dĩ nhiên, Chủng Viện trên tiếp tục huấn luyện các linh mục tương lai cho Giáo Hội Việt Nam. Như tháng 2 năm 1672, khi tạm biệt Đàng Trong để trở lại Juthia, Đức Cha de La Motte có mang theo 12 chủng sinh. Năm 1744, Đức Cha Néez gửi 3 chủng sinh qua Juthia “để họ học La Tinh và những khoa học thánh cần thiết cho chức linh mục”. Năm 1745, ngài lại gửi thêm 10 chủng sinh nữa.

Linh mục Nguyễn Thế Thoại có ghi: nhân việc Trịnh Cương ra chỉ dụ cấm đạo năm 1712 và trục xuất Đức Cha De Bourges của địa phận Tây Đàng Ngoài, 18 chủng sinh đã rời Phố Hiến theo Đức Cha qua Juthia.

Tốt nghiệp chủng viện Juthia có hai vị đáng lưu ý. Người thứ nhất là Cha Giuse Phước. Không hiểu cha thuộc khóa nào của chủng viện, nhưng được Đức Cha Laneau tâu về Tòa Thánh với ý định vận động cho ngài làm giám mục tiên khởi người Việt Nam, sau khi Tòa Thánh cho các Giám Mục ở Việt Nam được đề cử một linh mục bản quốc làm Giám Mục Phụ Tá, dù lúc đó, Cha Phước mới chỉ là phó tế: “Là một chủng sinh xuất sắc của Thánh Bộ, là gương các nhân đức, thánh thiện trong hành vi, chỉ cái nhìn của thầy Giuse cũng đủ khiến người ta ca tụng Chúa. Trong 6 năm ở chủng viện, thầy chưa làm phiền lòng đồng bạn và giáo sư. Thầy nhún nhường như bản tính e lệ hoặc vì bởi khiêm nhường”.

Năm 1691, cha Phước hồi hương, được Đức Cha De Bourges của Tây Đàng Ngoài giới thiệu về Tòa Thánh: “Một linh mục sống lành thánh, không có tật xấu nào”. Sau 3 năm phục vụ, Đức Cha De Bourges đề cử ngài làm Giám Mục Phụ Tá, nhưng tỏ ý ngần ngại “về khả năng giáo luật của vị linh mục mình đệ đạt, mà giáo luật rất hữu ích, nếu không phải là cần thiết cho Giám Mục”. Chính sự ngần ngại này khiến Tòa Thánh không tấn phong cho cha Phước. Linh mục Nguyễn Thế Thoại trưng dẫn nhiều phát biểu của giáo sĩ ngoại quốc cho thấy họ không chịu được iễn tượng phải làm bề dưới một giám mục bản quốc!

Người thứ hai may mắn hơn nhờ có dóng máu Tây Phương. Đó là Đức Cha Francesco Perez. Ngài có cha là người Tây Ban Nha và mẹ là người Thái Lan, được Đức Cha Laneau, đại diện tông toà đầu tiên của Thái Lan, và 2 lần làm giám quản đại diện tông tòa Đàng Trong, đưa vào chủng viện Juthia, được mô tả là “chủng sinh sớm thông minh và đạo đức căn bản vững chắc”. Khi Đức Cha Mahot [1682-1684] của Đàng Trong qua đời, Tòa Thánh đã phong ngài làm Giám Mục hiệu tòa Bugie, đại diện Tông tòa Đàng trong, ngày 17.1.1687. Tuy nhiên, vị Giám Mục này, sau đó, chịu nhiều áp lực, dè bỉu, hành tỏi của các giáo sĩ Tây phương không lai giống!

Đức Cha De La Motte

Hậu cứ

Làm gì thì làm, tâm tư của Đức Cha de la Motte, dĩ nhiên, luôn hướng về hai giáo phận nay thuộc quyền mình. Như trên đã nói ngay năm 1662, khi Đức Cha Pallu chưa tới Juthia, Đức Cha de la Motte đã cố gắng tìm đường vào Đàng Trong rồi, nhưng các thừa sai Dòng Tên hồi ấy cho biết tình hình cấm cách chưa thuận tiện để Đức Cha thực hiện việc ấy. Chính các giáo sĩ Dòng Tên cũng đã nhận được lệnh bị trục xuất vào cuối năm 1664.

Ngài đành phái cha Chevreuil với quyền cha chính Địa Phận Đàng Trong đến Hải Phố (Hội An). Đi đến đâu, ngài cũng vận động để các thừa sai thừa nhận thẩm quyền của vị đại diện Tông Tòa và cố gắng rửa tội cho nhiều người. Điều cảm kích là ngày 22 tháng 12 năm 1664, cha được chứng kiến cảnh bé gái Luxia, 12 tuổi, thấy cha là Phêrô Kỳ ở xứ Kim Long được phúc tử đạo, đã chạy đến xin quan cho mình cũng được phúc ấy. Quan chỉ cho đánh đòn rồi đuổi về. Nhưng rồi ngày 4 tháng 2 năm 1665, cô lại xuất hiện tại Hải Phố và xin quan cho mình được phúc tử đạo như cha. Lần này quan khép án cô vào nhóm tín hữu Quảng Ngãi bị hành hình. Cô bị voi giầy, đầu cô được trao cho cha chính Chevreuil đem về Juthia. Ngày 7 tháng 3 năm 1665, Cha mang thủ cấp của Luxia về Thái Lan và Đức Cha de la Motte đã long trọng chôn cất thủ cấp này dưới bàn thờ chính Nhà Thờ Thánh Giuse ở Juthia. Án phong chân phước cho cô và 44 bạn tử đạo khác đã được Đức Cha de la Motte đệ trình về Tòa Thánh nhưng đã bị thất lạc do biến cố Napoléon đem hết các tài liệu của Thánh Bộ về Paris.

Nhờ chuyến đi tốt đẹp của Cha Chevreuil, ngày 23 tháng 7 năm 1669, Đức Cha de la Motte rời Xiêm La để tới Phố Hiến, trong tư cách tuyên úy cho 1 thương thuyền Pháp. Ngoài việc ban bí tích thêm sức cho những người chưa lãnh nhận, Đức Cha thực hiện ngay 3 việc quan trọng: phong chức linh mục cho “bẩy thầy già”; họp công đồng Đàng Ngoài lần thứ nhất tại Phố Hiến, đặt nền tảng cho tổ chức Nhà Đức Chúa Trời; lập Dòng Mến Thánh Giá Nữ. Tất cả vào đầu năm 1670.

Xong xuôi, Đức Cha trở lại Juthia. Còn chính địa phận Đàng Trong? Ngài đâu chần chờ, cuối tháng 6 năm 1671, ngài rời Xiêm La, dùng thuyền và ngày 1 tháng 9 cùng năm, ngài đã có mặt tại Nha Trang. Từ đó đi Ninh Hòa, Vạn Ninh, Đèo Cả, Nước Mặn, Quảng Ngãi, Hải Phố. Chính tại Hải Phố, Đức Cha đã tổ chức công đồng đầu tiên cho Đàng Trong ngày 19 tháng 1 năm 1672 với sự tham dự của 2 thừa sai Guart và Vachet, cha Giuse Trang và chừng 3 chục thầy giảng. Các quyết định phần lớn tập chú vào chủ đề: mọi người, dù thuộc Dòng “miễn trừ” cũng phải nhìn nhận thẩm quyền của đại diện tông tòa. Quyết định này dường như được tiếp nhận rộng rãi, nên thừa sai Vachet đã viết “Thiên Chúa đã ban nhiều phước lành cho Giám Mục hiệu tòa Béryte để cỉ cho mọi người thấy ác quả nếu không giữ được hiệp nhất, nên ngay những người nóng hơn cả cũng làm theo ý ngài để góp phần giảm bớt người theo phe kia”. Linh mục Nguyễn Thế Thoại tì cho thừa sai Vachet lạc quan tếu.

Đầu tháng 2 năm 1672, Đức Cha trở về Juthia. Tháng 3 năm 1673, ngài phái cha Vachet trở lại Đàng Trong. Kết quả không khả quan, đại diện Dòng Tên ở Đàng Trong tuyên bố không thừa nhận thẩm quyền của Đức Cha de la Motte. Trước tình hình này, cuối tháng 7 năm 1675, Ngài trở lại Đàng Trong, thoạt đầu ở Hội An, ra Huế, vào Quảng Nam, Quảng Ngãi, cuối năm trở lại Hội An, tại đây, ngài phong chức linh mục cho một nho sĩ nổi tiếng, tác giả “Sấm Truyền Ca” tức linh mục Lữ-Y Đoan. Chuyện buồn là ngài gặp rắc rối lớn với đại diện Dòng Tên: rắc rối đến nỗi hai bên ra vạ tuyệt thông cho nhau. Tháng 5 năm 1676, Đức Cha trở lại Juthia, báo cáo sự việc cho Tòa Thánh. Ngày 10 tháng 10 năm 1678, Tòa Thánh ra chỉ thị, đòi cả các giáo sĩ dòng “miễn trừ” cũng phải phục tùng Giám Mục đại diện tông tòa khi ở trong phạm vi giáo phận truyền giáo. Phần Dòng Tên đã cho triệu vị đại diện của mình ở Đàng Trong về Âu Châu. Còn Đức Cha de la Motte thì qua đời ngày 15 tháng 6 năm 1679.

Ngài không còn nữa nhưng các công trình của ngài vẫn tiếp tục phục vụ hai Giáo Hội Đàng Trong và Đàng Ngoài, Juthia tiếp tục là hậu cứ phục vụ Giáo Hội Việt Nam. Mấy sự kiện sau đây chứng tỏ điều đó:

• Đầu năm 1679, các nhà truyền giáo Đa Minh trở về Manila qua ngả Thái Lan;
• 17/5/1682, tại Thái Lan, Đức Cha Laneau tấn phong linh mục De Bourges làm Giám Mục phụ trách Tây Đàng Ngoài; vị này sau đó tấn phong linh mục Deydier làm Giám Mục phụ trách Đông Đàng Ngoài;
• Năm 1682, thừa sai Delavigne lâm bệnh phải đưa qua Thái Lan;

Nhất là Chủng Viện Thánh Giuse vẫn tiếp tục đào tạo các linh mục tương lai cho Việt Nam. Các năm 1760 đến 1765, Miến Điện xâm lăng Thái Lan, Chủng viện phải di về Chantaburi (gần Cao Miên); năm 1765, di về Hòn Đất (Hà Tiên); năm 1769 bị đốt phá, phải di chuyển qua Pondichéry (Ấn Độ); năm 1782 phải đóng cửa vì xa xôi quá không có sinh viên. Sau đó, vào năm 1802, nó được tái sinh tại Pénang, Mã Lai, nơi đào tạo ra nhà bác học nổi danh số một của Việt Nam là Petrus Trương Vĩnh Ký.

Tất cả là nhờ công phúc của hai vị Giám Mục tiên khởi của Việt Nam và lòng hiếu khách của nhà vua và nhân dân Thái Lan.
__________________________________________________________________________________________________________
(1) Lm Bùi Đức Sinh, O.P., M.A. Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam I-III, Calgary-Canada 2002; L.M. JMT Nguyễn Thế Thoại,
Công Giáo Trên Quê Hương Việt Nam, 2 Quyển, Lưu Hành Nội Bộ, 2001.