Biểu tình nổ ra dữ dội tại Đức để phản đối phiên bản châm biếm của một bài hát thiếu nhi được phát trên đài truyền hình quốc gia ngay sau lễ Giáng Sinh. Bài hát chế giễu các thói quen không thân thiện với môi trường của một người bà hư cấu đã đánh mạnh vào sự khác biệt giữa các thế hệ tại Đức.

Hầu hết trẻ em Đức ở tuổi mầm non đều quen thuộc với một bài hát thiếu nhi về Oma, tức là bà nội hay bà ngoại trong gia đình. Bài hát này có tựa đề “Meine Oma fährt im Hühnerstall Motorrad”, nghĩa là “Bà tôi đi xe máy trong sân nuôi gà.”

Mỗi phiên khúc trong bài hát kể về những cuộc phiêu lưu kỳ thú của một người bà kết thúc bằng một điệp khúc: “Bà tôi thực là một người phụ nữ khéo léo”.

Nhưng ngay sau ngày Giáng sinh, đài truyền thanh truyền hình Tây Đức có trụ sở ở Köln, gọi tắt là WDR, đã tung ra một video trong đó một ca đoàn thiếu nhi đã hát một phiên bản hài hước mới của bài hát này. Bài hát được đổi tên thành “Meine Oma ist ein altes Umweltschwein”, nghĩa là “Bà tôi là một con heo môi trường già nua.” Trong đó có những câu đầy xúc phạm như bà tôi có chiếc xe máy đốt một nghìn lít xăng mỗi tháng, và ăn những miếng thịt heo tạo ra bao nhiêu hiệu ứng khí thải nhà kính hàng ngày vì thịt từ siêu thị giảm giá rất rẻ.

Đoạn phim sau đó kết thúc với một trích dẫn từ một thiếu nhi hoạt động môi trường tên là Greta Thunberg của nhóm “Những ngày Thứ Sáu cho Tương lai”: “Chúng tôi sẽ không để bà làm như thế đâu”.

Nhưng sau khi đài truyền hình cho chiếu video này và đưa lên Facebook, chỉ trong một ngày trang Facebook này đã thu được khoảng 40,000 lời bình luận bày tỏ sự kinh ngạc, thất vọng và phẫn nộ. WDR đã xóa video này khỏi trang Facebook của mình.

Dưới hashtag #Omagate, màn trình diễn này đã gây ra sự phẫn nộ trên phương tiện truyền thông xã hội và tái hiện cuộc chiến văn hóa sôi nổi ở Đức giữa thế hệ Boomers, những người sinh trong khoảng 1946 đến 1960, và Thế hệ Z, tức là thế hệ đương đại.

Những nỗ lực của chính phủ Đức trong việc chống biến đổi khí hậu đã trở thành một vấn đề chính trị nóng bỏng trong những tháng gần đây; trong đó nhóm “Những ngày Thứ Sáu cho Tương lai” bày tỏ sự khinh miệt và hằn học đối với những người già và kết án họ đã không hành động, hay đã thất bại trước tình trạng khẩn cấp về khí hậu.

Armin Laschet, thống đốc bang North Rhine-Westphalia, nhận xét rằng cuộc tranh luận về bảo vệ khí hậu đang ngày càng được một số người lèo lái thành một cuộc xung đột thế hệ.

Wolfgang Kubicki, phó chủ tịch Quốc Hội Liên bang Đức, nhận xét rằng dàn hợp xướng thiếu nhi đã bị lạm dụng cho các mục đích đề cao các ý thức hệ quá khích theo cùng một cách thức chế độ cộng sản Đông Đức đã từng thực hiện.

Trong ảnh này là một thiếu nữ trong một cuộc biểu tình về bảo vệ môi trường tại Munich ngày 20 tháng 9 năm ngoái với sự tham dự của 1.4 triệu người ở Đức. Miếng giấy dán trên đầu cô có 3 chữ bị gạch đi là könnte, hätte, wollte , nghĩa là có thể, có lẽ sẽ, mong muốn; chỉ còn lại một chữ cuối cùng là Machen!, nghĩa là “Làm đi”. Ý cô là muốn thúc giục phải có ngay hành động chứ đừng bàn cãi nhưng nhị gì cả.

Phản ứng dữ dội

Những người già và cả những người trẻ hơn cũng như một nhóm những người biểu tình mặc áo đen liên kết với các đảng phái ở miền tây nước Đức đã nhanh chóng phản kháng trước trụ sở của đài truyền hình ở Köln.

Cũng có những người khác biểu tình nhằm bảo vệ đài WDR sau khi xe hơi của một ký giả bị đốt trong sân đậu xe ở chung cư nơi ông cư ngụ vào đúng đên Giao Thừa. Chiếc xe bị hư hại hoàn toàn, hai chiếc xe khác kế bên cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.

Trong khi đó, WDR đã đề nghị chính phủ bảo vệ các nhà báo, những người thực sự đã nhận được những lời dọa giết về vấn đề này.

Tờ Spiegel Online tường thuật: “Bài hát của những đứa trẻ đã đến các lời dọa giết. Phản ứng về bài hát thiếu nhi này cho thấy sự phẫn nộ lên đến mức nào. Các lực lượng chính trị đã được huy động rất nhanh.”

Trong một nỗ lực làm giảm bớt sự phẫn nộ, Tom Buhrow, giám đốc WDR, nói ông xin lỗi về bài hát này “không có nhưng nghị gì cả.”

Tự do ý kiến?

Liên minh các nhà báo của Đức, gọi tắt là DJV, thì lại nói rằng WDR không cần xin lỗi. Họ cho rằng quyền châm biếm phải được bảo vệ như một phần của quyền tự do ngôn luận.

Trong khi đó, người đứng đầu dàn hợp xướng WDR cho rằng cô ta bị bất ngờ trước những lời chỉ trích. Cô ta thanh minh rằng “Oma, người bà trong bài hát này là tất cả chúng ta”. Đối với nhiều người, đó chỉ là một lời sáo rỗng.

Một nhà hoạt động nhân quyền sinh năm 1945 tweet rằng “Chúng tôi đang phải sống một cuộc sống không có ngày mai”. Bà nhắc nhở độc giả của mình rằng các thế hệ cũ đã tăng trưởng nhanh chóng trong những năm sau chiến tranh. “Nhưng điều này đã không xảy ra với giá phải trả của thế hệ tiếp theo. Chúng tôi cần phải được tôn trọng.”

Sau những trào lưu an tử và trợ tử, mà trong nhiều trường hợp thực tế là bức tử, việc sử dụng quyền tự do ngôn luận để xúc phạm người già là một biểu hiện rất cụ thể khác của nền văn hóa vứt bỏ thường được Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo.

Sau khi nhắc lại sách Huấn Ca “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu”, tờ Tagestpost của Công Giáo Đức, nhận xét rằng “Châm biếm chỉ tốt nếu nó dám chống lại cường quyền.”

“Có những vấn đề cần được đặt ra khi châm biếm. Những lời châm biếm phải dám giễu cợt, phải dám lôi kéo ai đó ra khỏi chiếc bệ của người ấy. Và đó là lý do tại sao, nếu nghĩ đúng như thế, thì cũng có một sự châm biếm lành mạnh, trong đó chúng ta thực sự chỉ cười nhạo những kẻ cường quyền, chống lại ‘những kẻ trên cao’. Còn những kẻ nhạo báng những người đã yếu thế thì không xứng đáng được gọi là những người có lòng can đảm.”

“Những lời châm biếm trên truyền hình công cộng ở Cộng hòa Liên bang của chúng ta rất thường không phải là thứ dám chế nhạo ‘những kẻ trên cao’, nhưng được ‘những kẻ trên cao’ đó ra lệnh.”


Source:Tagestpost