24. CƯỜI ĐỂ NHẪN NHỤC

Lâu Sư Đức là người ôn thuận thận trọng, chưa một lần hiềm khích với người khác.

Năm nọ, đứa em trai được trao cho chức thích sứ ở Châu Đại, Sư Đức khuyên bảo em:

- “Đến Châu Đại, đừng có so đo phân bì với người khác về những chuyện nhỏ nhặt nhé”.

Em trai nói:

- “Từ nay về sau dù cho người ta có nhổ vào mặt em thì em cũng không tranh cãi, chỉ lau đi là xong chuyện”.

Sư Đức lắc đầu nói:

- “Đó chính là chuyện mà anh đang lo đó a ! Phàm có ai nhổ vào mặt em thì nhất định là họ hận em, nếu lúc ấy mà chùi đi thì hoá ra là làm cho họ coi em là kẻ thù sao? Nếu người ta nhổ vào mặt em, thì nên cười mà nhận, đợi chút xíu thì nó sẽ khô đi mà thôi !”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 24:

Nhẫn nhục là một đức tính không phải tự nhiên mà có, nhưng cần phải luyện tập và ước ao được sống nhẫn nhục mới có thể đạt được sự nhẫn nhục trong cuộc sống.

Chữ “nhẫn” viết theo tiếng Trung Quốc thì hai chữ “tâm và đao” ghép lại thành chữ “忍 nhẫn”, với ý nghĩa là khi chúng ta chịu nhẫn nhục thì giống như lưỡi đao đâm vào tim mình, rất đau và thống khổ, bởi vì khi im lặng trước một lời nhục mạ hoặc làm ngơ trước một cử chỉ nhạo báng mình, thì chẳng khác chi lấy đao đâm vào quả tim của mình vậy...

Chữ “nhẫn” được “viết” theo tinh thần của Phúc Âm thì là chữ “yêu nằm bên cạnh chữ thập giá”, với ý nghĩa là vì yêu Đức Chúa Giê-su nơi tha nhân mà chúng ta chịu nhẫn nhục, vì yêu Đức Chúa Giê-su đang hiện diện trong cộng đoàn mà chúng ta nhẫn nhục.

Vì yêu thương nên người Ki-tô hữu mới nhẫn nhục anh em, chứ không phải vì sợ người khác hận mình, đó là tinh thần của Đức Chúa Giê-su đã dạy khi Ngài bị đóng đinh trên thập giá vì yêu thương chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------

http://www. vietcatholic.net

https://www. facebook.com/jmtaiby

http://nhantai. info