Trong Tông Thư dưới dạng Tự Sắc “Aperuit illis” - Chúa mở tâm trí cho họ (Lc 24:45), Đức Thánh Cha Phanxicô đã ấn định Chúa Nhật thứ III mùa Thường niên là “Chúa Nhật cử hành, suy tư và phổ biến Lời Chúa”.

Tông Thư này được công bố hôm 30 tháng 9 năm ngoái, 2019, nhân lễ thánh Giêrônimô, vào đầu năm kỷ niệm 1600 năm thánh nhân qua đời. Thánh Giêrônimô là dịch giả Kinh Thánh nổi tiếng, đã dịch Kinh Thánh từ nguyên ngữ ra tiếng Latinh. Thánh nhân cũng đã từng khẳng định rằng “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”.

Đức Thánh Cha cho biết ngài đi đến quyết định trên đây nhằm đáp lại bao nhiêu lời thỉnh cầu của các tín hữu, mong muốn trong Giáo Hội có một Chúa Nhật Lời Chúa được cử hành.

Trong bối cảnh đó, lúc 10 giờ Sáng Chúa Nhật 26 tháng Giêng, tức là Mùng Hai Tết Canh Tý, Đức Thánh Cha đã cử hành Chúa Nhật Lời Chúa đầu tiên bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô.

Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:


“Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng” (Mt 4:17). Với những lời này, Thánh Sử Mátthêu giới thiệu sứ vụ của Chúa Giêsu. Đấng là Lời của Thiên Chúa đã đến để nói với chúng ta, bằng lời nói và bằng chính cuộc sống của Ngài. Vào ngày Chúa Nhật Lời Chúa đầu tiên này, chúng ta hãy tìm đến những gốc rễ trong lời rao giảng của Người, hãy tìm đến chính nguồn mạch của lời ban sự sống. Tin Mừng hôm nay (Mt 4: 12-23) giúp chúng ta biết Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng như thế nào, ở đâu và cho ai.

1. Chúa Giêsu bắt đầu như thế nào? Với một cụm từ rất đơn giản: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (câu 17). Đây là thông điệp chính của tất cả các bài giảng của Chúa Giêsu: Ngài nói với chúng ta rằng Nước Trời đang ở trong tầm tay. Điều đó có nghĩa là gì? Nước Trời có nghĩa là triều đại của Thiên Chúa, nghĩa là cách thức mà Thiên Chúa trị vì thông qua mối quan hệ của Ngài với chúng ta. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Nước Trời đang ở trong tầm tay, rằng Chúa đang ở gần. Đây là sự mới lạ, là thông điệp đầu tiên: đó là Thiên Chúa không xa chúng ta. Đấng ngự trên thiên đàng đã xuống trần gian; Ngài đã hoá thành nhục thể. Ngài đã phá bỏ các bức tường và rút ngắn khoảng cách. Bản thân chúng ta không xứng đáng được Người xuống gặp chúng ta. Giờ đây sự gần gũi này của Thiên Chúa đối với dân Người là một trong những cách mà Người đã làm mọi thứ kể từ đầu, thậm chí ngay cả trong Cựu Ước. Thiên Chúa nói với dân Người rằng “Hãy tưởng tượng: có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta?” (x. Đnl 4: 7). Và sự gần gũi này đã trở nên bằng xương bằng thịt nơi Chúa Giêsu.

Đây là một thông điệp vui mừng: Thiên Chúa đã đích thân đến thăm chúng ta, bằng cách hoá thành phàm nhân. Người không mặc lấy tình trạng con người của chúng ta vì bổn phận, không, không phải như thế, nhưng là vì tình yêu. Vì tình yêu, Người đón nhận bản tính nhân loại chúng ta, vì một người chỉ đón nhận những gì người ấy yêu mến. Thiên Chúa đón nhận bản tính nhân loại chúng ta bởi vì Người yêu mến chúng ta và ước ao ban cho chúng ta ơn cứu rỗi mà, chỉ một mình chúng ta không được Chúa giúp, thì chúng ta không thể hy vọng đạt được. Chúa muốn ở lại với chúng ta và ban cho chúng ta vẻ đẹp của cuộc sống, sự bình yên trong tâm hồn, niềm vui được tha thứ và cảm thấy được yêu thương.

Giờ đây chúng ta có thể hiểu được yêu cầu thẳng thừng mà Chúa Giêsu đưa ra: “Hãy sám hối”, nói cách khác, “Hãy thay đổi cuộc sống của anh em”. Hãy thay đổi cuộc sống của anh em vì một lối sống mới đã bắt đầu. Thời anh em sống cho chính mình mà thôi đã qua rồi; bây giờ là thời để sống với Chúa và cho Chúa, với tha nhân và cho tha nhân, với tình yêu và cho tình yêu. Hôm nay Chúa Giêsu nói những lời như thế với anh chị em: “Hãy can đảm, Ta ở đây với anh em, hãy để Ta bước vào và cuộc sống của anh em sẽ thay đổi”. Chúa Giêsu đang gõ cửa. Đó là lý do tại sao Chúa ban cho anh chị em lời của Người, để anh chị em có thể nhận được lời Chúa như một bức thư tình mà Người đã viết cho anh chị em, để giúp anh chị em nhận ra rằng Người đang ở bên anh chị em. Lời của Người an ủi và khích lệ chúng ta. Đồng thời Lời Chúa cũng thách thức chúng ta, giải phóng chúng ta khỏi sự trói buộc của tính ích kỷ và hiệu triệu chúng ta hoán cải, vì lời Chúa có sức mạnh thay đổi cuộc sống của chúng ta và đưa chúng ta ra khỏi bóng tối để bước vào ánh sáng. Đây là sức mạnh của lời Người.

2. Nếu chúng ta để ý nơi Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng, chúng ta thấy rằng Ngài bắt đầu từ những nơi mà vào thời ấy được người đời cho là “chốn tối tăm”. Cả bài đọc thứ nhất và bài Tin Mừng đều nói với chúng ta về những người “ngồi trong miền thâm u của sự chết”. Họ là những cư dân của “vùng Dơvulun và Náptali, trên con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Giođan, thuộc miền Galilê, miền đất của dân ngoại” (Mt 4: 15-16; x là 8: 23-9: 1). Galilê, miền đất của dân ngoại, là miền đất nơi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng của Người, đã được đặt tên như thế vì nó quy tụ những người thuộc các chủng tộc khác nhau và là nơi sinh sống của nhiều dân tộc, ngôn ngữ và văn hóa. Đó thực sự là “trên con đường ven biển”, nghĩa là một giao lộ. Ngư dân, doanh nhân và người nước ngoài đều cư ngụ ở đó. Đó chắc chắn không phải là nơi để tìm thấy sự tinh khiết tôn giáo của dân được Chúa chọn. Tuy nhiên, Chúa Giêsu bắt đầu từ đó, chứ không phải từ tiền đường của đền thờ Giêrusalem, như thế là từ phía đối diện của đất nước, từ Galilê của dân ngoại, từ khu vực biên giới. Ngài bắt đầu từ ngoại vi.

Ở đây có một thông điệp cho chúng ta: lời cứu rỗi không tìm kiếm những nơi tinh tuyền, sạch sẽ và an toàn. Thay vào đó, lời Chúa đi vào những nơi chốn phức tạp và tối tăm mờ mịt trong cuộc sống của chúng ta. Giờ đây, cũng như khi đó, Chúa muốn đến thăm những nơi mà chúng ta nghĩ rằng Chúa sẽ không bao giờ đến. Tuy nhiên, thường chúng ta lại chính là những người đóng chặt cửa, thích giữ trong lòng sự lầm lạc, mặt tối và trò ăn ở hai lòng được che đậy của chúng ta. Chúng ta giữ nó thật chặt bên trong, rồi đến với Chúa với một số lời cầu nguyện như con vẹt, trong khi cảnh giác kẻo sự thật của Ngài khuấy động được con tim chúng ta. Đó là sự giả hình được che giấu. Nhưng bài Tin Mừng hôm nay bảo với chúng ta rằng: “Chúa Giêsu đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân.” (câu 23.). Chúa đã đi qua tất cả các khu vực đa dạng và phức tạp đó. Cũng vậy, Ngài không ngại khám phá địa hình của tâm hồn chúng ta và bước vào những góc gập ghềnh và khó khăn nhất trong cuộc sống của chúng ta. Chúa biết rằng chỉ có lòng thương xót của Người mới có thể chữa lành chúng ta, chỉ có sự hiện diện của Người mới có thể biến đổi chúng ta và chỉ có lời Người mới có thể canh tân chúng ta. Vì vậy, chúng ta hãy mở ra những con đường quanh co của tâm hồn chúng ta - những con đường chúng ta có bên trong chúng ta mà chúng ta không muốn nhìn thấy hoặc chúng ta muốn dấu đi. Hãy mở những con đường ấy ra cho Ngài, Đấng đang đi dọc theo “con đường ven biển”; chúng ta hãy chào đón vào tâm hồn chúng ta lời Ngài, đó là lời “sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi… phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4:12).

3. Cuối cùng, Chúa Giêsu đã bắt đầu nói với ai? Tin Mừng nói rằng, “Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là ông Simôn, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: ‘Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá’.” (Mt 4: 18-19). Những người đầu tiên được mời gọi là các ngư dân: không phải là những người được tuyển chọn cẩn thận vì khả năng của họ, cũng không phải là những người sùng đạo cầu nguyện trong đền thờ, mà là những con người lao động bình thường.

Chúng ta hãy suy nghĩ về những gì Chúa Giêsu đã nói với họ: Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá. Chúa Giêsu đang nói chuyện với các ngư dân, sử dụng ngôn ngữ mà họ hiểu được. Cuộc sống của họ thay đổi ngay tại chỗ. Ngài gọi họ ở nơi họ đang sống và trong tình trạng của họ, để biến họ trở thành người chia sẻ trong sứ vụ của Người. “Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.” (c. 20). Tại sao ngay lập tức? Đơn giản vì họ cảm thấy bị lôi cuốn. Họ không vội vã vì họ vừa nhận được một lệnh truyền, nhưng vì họ bị lôi cuốn bởi tình yêu. Để theo Chúa Giêsu, những việc lành phúc đức mà thôi thì chưa đủ; chúng ta phải lắng nghe tiếng gọi của Chúa mỗi ngày. Ngài là Đấng duy nhất biết rõ chúng ta và yêu thương chúng ta trọn vẹn, dẫn chúng ta tiến ra để bước vào chiều sâu của cuộc sống, như Chúa đã làm với các môn đệ đã nghe Ngài.

Đó là lý do tại sao chúng ta cần lời Chúa. Chúng ta cần lời Người để chúng ta có thể nghe, giữa hàng ngàn những tiếng nói khác trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, một lời nói với chúng ta không phải về thứ này thứ khác, nhưng là về sự sống.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tạo không gian bên trong chính mình cho Lời Chúa! Mỗi ngày, chúng ta hãy đọc một hoặc hai câu Kinh Thánh. Chúng ta hãy bắt đầu với Tin Mừng: chúng ta hãy để sách Kinh Thánh mở ra trên bàn chúng ta, hãy mang sách Kinh Thánh trong túi hoặc trong giỏ xách của chúng ta, hãy đọc Kinh Thánh trên điện thoại di động của chúng ta và để Lời Chúa truyền cảm hứng cho chúng ta hàng ngày. Chúng ta sẽ khám phá ra rằng Thiên Chúa gần gũi với chúng ta, rằng Người xua tan bóng tối trong chúng ta và, với một tình yêu vĩ đại, Chúa đang dẫn dắt cuộc sống của chúng ta vào vùng nước sâu.

Cuối Thánh lễ Đức Thánh Cha đã trao sách Kinh Thánh cho 40 người đại diện cho các thành phần khác nhau của dân Chúa. Các tín hữu tham dự Thánh Lễ cũng nhận được mỗi người một cuốn Kinh Thánh.


Source:Holy See Press Office