Chúa Nhật 7 THƯỜNG NIÊN. A
(Mt. 5, 38-48)
YÊU THƯƠNG


Chúng ta hãy nên trọn lành như Cha chúng ta ở trên trời là Đấng trọn lành. Ngày xưa người ta đối xử với nhau một cách sòng phẳng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Họ chưa có quan niệm về lòng từ bi hỉ xả. Họ chưa học biết sự yêu thương tha thứ. Có lẽ cách đối xử, ăn miếng trả miếng như thế được coi là sự công bằng. Công bằng nhưng thiếu đức bác ái, thiếu lòng nhân thì công bằng trở nên què cụt. Đây chỉ là thực hiện những hành vi tiêu cực.

Chúa Giêsu đã lên tiếng dạy bảo chúng ta những điều tích cực hơn. Chúa dạy chúng ta hãy yêu thương mọi người, yêu cả kẻ thù và còn cầu nguyện cho họ. Cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ, vu khống và ghen ghét chúng con. Những điều Chúa dạy thật cao cả và khó tưởng tượng. Tình yêu không có biên giới. Sự tha thứ không có tính toán. Đôi khi thực hành điều Chúa dậy, chúng ta cảm thấy như mất mát, thua thiệt và chịu nhục nhã.

Chúa muốn chúng ta bước lên cao hơn một bước mà mọi người bình thường cư xử với nhau. Thói thường thì chúng ta nghĩ ai làm hại tôi, tôi trả lại họ như thế; ai nói hành tôi, tôi nói lại và ai lừa dối tôi, tôi lừa lại. Như thế chúng ta nghĩ rằng có qua có lại mới toại lòng nhau. Ở đời, chúng ta thường xử với nhau như thế và cho đó là có tình có nghĩa và công bằng.

Chúa dạy chúng ta hãy có thái độ cao thượng hơn. Hãy đem yêu thương vào nơi thù ghét và đem tha thứ vào chỗ lỗi lầm. Cầu nguyện và yêu thương kẻ xỉ vả, lăng nhục và nói gian nói dối về chúng ta. Chúa dạy chúng ta và chính Chúa đã hành động trước. Chúa tha thứ cho những kẻ bách hại, đánh đập và vu khống cho Chúa. Trên thập giá, Chúa cầu nguyện xin Cha tha thứ cho họ.

Thực hành đức công bằng luôn đi kèm theo đức bác ái. Trong hoàn cảnh cuộc sống hiện nay, chúng ta không bao giờ có sự công bằng đích thực, nhưng chúng ta có đức bác ái đích thực. Đức ái đó là sự yêu thương tha thứ. Tha thứ dẫn chúng ta đến sự hòa giải. Sự hòa giải dẫn đưa chúng ta đến niềm vui và hạnh phúc.

Chỉ có tình yêu mới có thể xóa đi hận thù và chúng ta có thể hưởng phúc bình an. Chúa chính là nguồn tình yêu. Xin tình yêu Chúa bao trùm cuộc sống để mỗi hành động chúng ta thực hiện trong tình yêu. Lạy Chúa, xin nâng đỡ chúng con mọi nơi và mọi lúc để chúng con sống xứng đáng là môn đệ Chúa.

TUẦN 7 MÙA THƯỜNG NIÊN
THỨ HAI
Mc. 9: 14-29


Khi Chúa Giêsu và các môn đệ xuống núi, có một người đem đứa con bị qủy câm ám và xin Chúa chữa. Ông nói: Qủy nhập vào nó bất kỳ ở đâu thì vật ngã nó xuống đất, và sủi bọt mép, nghiến răng và cứng đờ. Thật dễ sợ. Ma qủy hành hạ con người bằng mọi cách. Không phải lỗi của riêng ai, qủy muốn hại ai là người đó bị. Những người bị qủy ám chỉ lăn lộn với đau khổ của thế xác và linh hồn.

Họ cũng là con cháu của Abraham tổ phụ. Họ cũng là con dân Chúa chọn. Tại sao ma qủy lại chọn người này mà không chọn người khác để làm hại, Qủy có lợi lộc gì khi ám vào con người? Qủy dữ muốn trả thù và muốn lôi kéo con người để quy phục nó. Nếu người ta tôn thờ và kính yêu ma qủy, nó sẽ thỏa mãn một vài nguyện ước.

Thời đại chúng ta hiện nay, có biết bao nhiêu nhóm đang thờ qủy Satan. Họ tụ họp cùng nhau và đặt bàn thờ hiến tế. Họ sống trong thác loạn. Thỏa mãn mọi thú vui nhục dục và hiến thân xác thịt cho ma qủy. Họ tụ họp ở những nơi thần bí và trong đêm tối. Càng ngày càng có nhiều người chạy theo phong trào thờ qủy để được tận hưởng tất cả những khoái lạc của con người tại thế.

Họ là những người bị thần ô uế ám. Họ đang lăn lộn với bản năng thấp hèn. Lậy Chúa, xin cứu giúp họ và cứu chúng con.

THỨ BA
Mc. 9: 30-37


Chúa Giêsu ngồi xuống gọi Nhóm mười hai và nói với các ông: Ai muốn làm người đứng đầu, thì hãy làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người. Đường lối của Chúa đi ngược lại với các xử trí của người đời. Con đường của Chúa đi hoàn toàn là con đường mới, con đường của trời cao. Con người không thể nhận biết nếu Chúa không chỉ dậy.

Chúa từ trời cao đi xuống, Chúa chỉ dậy chúng ta con đường đi lên. Đi lên từng bước để tới ngọn nguồn. Con đường đi lên luôn phải phấn đấu và kiên trì. Đi lên như khi chúng ta chèo thuyền ngược dòng, cứ buông mái chèo, thuyền lại bị trôi theo dòng. Theo con đường của Chúa là đi ngược lên thượng nguồn Chân Thiện Mỹ và là nên tốt lành như Cha ở trên là Đấng Nhân Lành.

Con đường đi lên là con đường phục vụ, con đường yêu thương và tha thứ. Con đường đi lên là con đường khổ giá. Con đường đi lên là con đường hoàn thiện. Con đường đi lên là con đường từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Chúa. Đây là con đường hẹp. Đây là cách sống đạo của Tin mừng. Ai muốn làm lớn phải phục vụ mọi người.

Chúa Giêsu mở đường mời gọi chúng ta đi lên qua cách phục vụ khiêm tốn. Càng theo Chúa đi lên, chúng ta càng gần gũi Chúa. Con đường đi lên với Chúa sẽ dẫn chúng ta đến vinh quang bất diệt muôn đời.

THỨ TƯ LỄ TRO
Mt. 6: 1-6; 16-18


Chúng ta bước vào mùa tập luyện và thanh luyện tâm hồn. Chúa Giêsu dạy chúng ta về cách thức cầu nguyện, ăn chay và bố thí. Tất cả các thực hành phải đi từ tâm hồn. Chúa Giêsu bác bỏ những thực hành bề ngoài chỉ có ý khoe khoang cho người ta thấy mà khen.

Chúa dạy khi cầu nguyện, hãy vào phòng đóng cửa cầu nguyện cùng Cha, Ngài thấu tỏ mọi bí ẩn, sẽ lắng nghe và ban phúc cho. Cầu nguyện là kết hợp và tâm sự với Chúa chứ không phải lớn tiếng kể lể với người khác.

Khi ăn chay đừng làm ra mặt thiểu não và ủ dột. Ăn chay không cần tỏ lộ ra bề ngoài cho người ta thấy để nhận tiếng khen. Ăn chay là tiết chế, là hãm mình và hy sinh trút bỏ một điều gì để giúp mình thanh thoát hơn.

Khi làm phúc bố thí, hãy làm cách kín đáo. Đừng khoe khoang công đức trước mắt người đời để được khen ngợi, làm như thế là họ đã được thưởng công rồi.

Cầu nguyện, ăn chay và bố thí, cả ba việc cần được thực hiện với ý hướng nội tâm và tránh mọi hình thức biểu dương để được người đời khen ngợi. Chúng ta hãy cố gắng thực hiện các việc lành cách kín đáo, Cha chúng ta ở trên trời sẽ thấu tỏ tấm lòng của chúng ta và sẽ ban ơn cho chúng ta.

THỨ NĂM SAU LỄ TRO
Luca 9: 22-25


Chúa Giêsu nói với mọi người rằng: Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Mới vào nhập môn theo Chúa, chúng ta đã thấy có những gánh nặng phải mang vác. Chúa Giêsu vạch rõ con đường theo Chúa là con đường thánh giá. Con đường theo Chúa là con đường hẹp và nhiều chông gai.

Chúa mời gọi chúng ta theo Chúa, trước hết hãy từ bỏ chính mình. Nói thì đơn giản nhưng thực hành thật là khó khăn. Từ bỏ chính mình là từ bỏ ý riêng, từ bỏ những ước muốn dục vọng và từ bỏ những khoái thích của cuộc sống. Thân xác nặng nề và yếu đuối cứ kéo ghì chúng ta xuống và ước muốn buông xuôi thì nhẹ nhàng hơn. Từ bỏ mình là một sự phấn đấu không ngừng.

Từ bỏ mình và vác thập giá mình hằng ngày. Ai trong chúng ta cũng có những thập giá phải vác phải mang. Có những thánh giá nặng nề lê thê, có những thánh giá xần sùi ghê rợn, có những thánh giá cộc cằn khô cứng, hãy vác mà đi theo Chúa. Từ bỏ mình đã khó, vác thánh giá còn khó hơn. Chúa khuyến khích chúng ta vác thánh giá đi theo Chúa chứ không phải vác đi một mình. Chúa vác thánh giá đi trước, chúng ta theo sau. Hãy nhìn thánh giá của Chúa và nhìn lại thánh giá của chúng ta. Muốn có sức mạnh để tiếp tục vác thánh giá, chỉ có một cách duy nhất là Vác Thánh Giá Theo Chúa.

THỨ SÁU SAU LỄ TRO
Mt. 9: 14-15


Môn đệ của thánh Gioan ăn chay thường, còn các môn đệ của Chúa Giêsu lại không. Các môn đệ của thánh Gioan giữ các luật buộc về an chay giống như các người biệt phái. Mỗi tuần phải ăn chay vài lần để tu luyện. Ăn chay thì tốt nhưng cũng cần có ý hướng tốt.

Thường khi các nhóm hay so sánh và bắt bẻ nhau về cách sống đạo. Họ tranh luận hơn thiệt về cách thực hành các điều luật dạy. Họ suy nghĩ rằng người nào càng chu toàn luật, càng tỏ ra là người thánh thiện và hoàn hảo. Qua câu truyện, Chúa Giêsu muốn đi vào ý nghĩa thật của việc ăn chay. Chúa cũng có ý bênh đỡ các môn đệ của Ngài. Chúa phán rằng: Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi chàng rể đang ở với họ? Đúng thế, họ không thể ăn chay và mặt mày buồn thảm khi tân lang còn đang hiện diện bên cạnh.

Chúa Giêsu có ý ám chỉ về chính Ngài. Ngài là tân lang của Giáo Hội. Ngài đến thiết lập một đạo lý mới và một Giáo Hội mới. Giáo Hội sống bằng nội tâm và tình yêu. Chưa tới lúc các môn đệ của Chúa phải ăn chay. Chỉ khi chàng rể bị đem đi khỏi họ, họ mới ăn chay.

Chúa Giêsu báo trước về cuộc khổ nạn của Chúa. Sẽ tới ngày Chúa Kitô bị treo trên thập giá, ngày đó các môn đệ sẽ hối lỗi, buồn thảm và chay tịnh.

THỨ BẢY SAU LỄ TRO
Luca 5: 27-32


Khi ra rao giảng, Chúa Giêsu đã phải đối diện với nhiều thứ quyền lực chung quanh. Các phong tục tập quán, các lề thói có sẵn và các truyền thống từ lâu đời là cái khung của cuộc sống. Mọi người dựa vào các tập tục để đoán xét và kết tội. Không ai có quyền vượt trên các truyền thống của cha ông. Cứ thế, đời này qua đời khác, người ta không thể thay đổi.

Chúa Giêsu ra giảng dạy và Ngài đã mở một lối thoát cho nhiều người. Cho dù gặp chống đối và thù ghét, Chúa đã canh tân cách nhìn về con người và cách sống đạo thực sự. Bài phúc âm nói về việc Chúa Giêsu gọi ông Lêvi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Chúa nói với ông: Hãy theo Ta. Ông bỏ mọi sự đứng dậy theo Người. Thật lạ lùng, lời Chúa phải có một sức đánh động mãnh liệt trong tâm hồn ông Lêvi.

Các người luật sĩ và biệt phái không thể hiểu tại sao Chúa Giêsu lại đi lại, ngồi chung và ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi. Dưới con mắt của họ cũng như dân chúng, những người thu thuế được xếp vào hạng những người tội lỗi.

Chúa Giêsu đáp trả rất khôn ngoan: Những ai mạnh khỏe thì không cần tới thầy thuốc, chỉ những người đau yếu mới cần thôi. Chúa Giêsu đến tìm chữa lành những tâm hồn rách nát thương đau. Chúa yêu mến họ và Chúa mở rộng cánh tay đón mời họ. Chúng ta là những người tội lỗi, hãy xả thân vào lòng nhân hậu của Chúa. Chúa sẽ chữa lành cho chúng ta.