Chúa Nhật 2 Chay A
Giữa hai lần báo trước biến cố Thương Khó và Phục Sinh, Đức Giê-su đưa ba môn đệ ra khỏi đời thường để bước vào thế giới của Thiên Chúa. Ở đó, những điều xảy ra nhằm mặc khải căn tính của Đức Giê-su. Biến cố trên núi cao báo trước sự Phục Sinh của Đức Giê-su vì Người có nguồn gốc thần linh, Người có Cha là Thiên Chúa, Người là Con và được Chúa Cha yêu thương. Chính Chúa Cha ra lệnh cho các môn đệ lắng nghe giáo huấn của Đức Giê-su.
Trình thuật bắt đầu bằng sự tách biệt với đời thường về thời gian, về không gian và về con người: “Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao” (Mt 17,1).
Về thời gian là “sáu ngày sau”, đánh dấu sự phân cách với những gì đã xảy ra trước đó một tuần. Về nơi chốn: ba môn đệ được tách riêng ra một nơi và được đưa lên một ngọn núi cao. Về con người: chỉ có ba môn đệ được chọn: “Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an”.
Sau khi được tách biệt khỏi thời gian và không gian bình thường, những gì xảy ra trên núi thuộc về một thế giới khác. Đó là thế giới của Thiên Chúa, thế giới không còn khoảng cách thời gian và không gian, thế giới mà ngôn ngữ không thể diễn tả được. Trong khoảng khắc thần linh đó, mặc khải của Thiên Chúa được tỏ bày qua thị giác (để thấy) và qua thính giác (để nghe).
Đức Giê-su được biến đổi hình dạng trước mặt ba môn đệ: “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng”. Nếu dung nhan Đức Giê-su chói lọi như mặt trời thì làm sao các môn đệ có thể nhìn mà không bị mù mắt. Nếu y phục của Đức Giê-su trở nên trắng tinh như ánh sáng thì làm sao các môn đệ có thể thấy được, vì không ai thấy được ánh sáng mà chỉ có thể thấy sự phản chiếu của ánh sáng nơi sự vật mà thôi.
Thực ra, đây là cách diễn tả những thực tại thần linh bằng thứ ngôn ngữ thị kiến của sách Khải Huyền. Ba môn đệ đang đối diện với thế giới của Thiên Chúa, đối diện với những thực tại thuộc về Thiên Chúa, đối diện với vinh quang của Thiên Chúa, nên ngôn ngữ loài người hoàn toàn bất lực. Ngôn ngữ loài người không mô tả được, chỉ vì điều xảy ra không có trong kinh nghiệm cuộc sống thường ngày của con người. Bằng ngôn ngữ, sách Khải Huyền chỉ có thể mô tả những thị kiến về thế giới thần linh bằng các từ: “như”, “giống như”, “tựa như”... còn điều trông thấy thì không thể mô tả được. Chẳng hạn Gio-an mô tả thị kiến ở Kh 4,2-3: “Lập tức tôi xuất thần. Kìa một cái ngai đặt ở trên trời và có một Đấng ngự trên ngai. Đấng ngự đó trông giống như ngọc thạch và xích não. Chung quanh ngai có cầu vồng trông giống như bích ngọc”. Kh 4,6 viết: “Trước ngai có cái gì như biển trong vắt tựa pha lê”. “Trông giống như...”, “như...”, còn thực sự thế nào thì không mô tả được.
Có thể nói, trên núi cao, giữa trời và đất, ba môn đệ được thấy “thị kiến” về Đức Giê-su trong thế giới của Thiên Chúa, chỉ có thể mô tả bằng so sánh “như”: “Chói lọi như mặt trời”, “trắng tinh như ánh sáng”, nghĩa là dung nhan của Đức Giê-su không phải là mặt trời, và y phục của Người cũng chẳng phải là ánh sáng, chỉ là “như”, “giống như” mà thôi.
Trong thế giới thần linh ấy, các nhân vật sống cách nhau hàng thế kỷ có thể ngồi lại đàm đạo với nhau. Theo Kinh Thánh, Mô-sê dẫn dân Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập vào thế kỷ XIII TCN, Ê-li-a là ngôn sứ dưới thời vua A-kháp, thế kỷ VIII TCN và Đức Giê-su thế kỷ I SCN. Nội dung đàm đạo không được kể ra, nhưng điều chắc chắn là có trao đổi giữa các nhân vật. Trong thế giới trên cao, điều nhấn mạnh là tương quan giữa người sống và người đã khuất, là nối kết giữa các thế hệ với nhau, như thể khoảng cách thời gian không còn nữa. Ba môn đệ là chứng nhân cuộc đàm đạo nhưng nội dung lại vượt ra ngoài sự nắm bắt của người phàm.
Mặc khải bằng thị kiến kết thúc với sự lên tiếng của con người, cụ thể là Phê-rô, và chuyển sang hình thức mặc khải thứ hai: “Tiếng nói từ đám mây”: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (17,5). Từ kinh nghiệm thị kiến, thấy bằng mắt, chuyển sang mặc khải bằng lời qua tiếng phát ra. Các môn đệ chỉ có thể lãnh hội được nội dung bằng cách “nghe”. Tiếng phát ra từ đám mây không phải là tiếng con người, tiếng này có nguồn gốc từ trời và bí ẩn. Lối hành văn phù hợp với bối cảnh của biến cố trình bày mặc khải của Thiên Chúa.
Đối diện với thế giới của Thiên Chúa và vinh quang của Người, các môn đệ đã “kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất” (17,5). Chính Đức Giê-su đã đưa các ông trở lại đời thường bằng cách chạm vào các ông và nói: “Chỗi dậy đi, đừng sợ”, các ông ngước mắt lên và mọi chuyện lại trở về thực tế. Nhưng biến cố ấy, những gì đã thấy, những lời đã nghe, sẽ không bao giờ rời khỏi các ông. (x. Suy niệm CN 2 Mùa Chay A, Giu-se Lê Minh Thông, O.P.)
Ba môn đệ thân tín được Đức Giê-su dẫn lên núi Tabor. Ở đó cả ba nhìn thấy vinh quang của vương quốc Thiên Chúa chói sáng nơi Đức Giê-su. Trên núi, đám mây thánh thiện của Thiên Chúa bao phủ họ. Trên núi, trong cuộc đàm đạo của Đức Giê-su Hiển Dung với Lề luật và Tiên tri, họ hiểu rằng, giờ của ngày Lễ Lều đích thực đã đến. Trên núi, họ cảm nghiệm, Đức Giêsu chính là Tora sống động, là lời trọn vẹn của Thiên Chúa. Trên núi, họ thấy “quyền lực” của vương quốc đang đến trong Đức Ki-tô. Nhưng chính trong sự gặp gỡ đáng sợ với vinh quang của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, họ phải học biết điều thánh Phao-lô nói trong lá thư thứ nhất gởi giáo đoàn Cô-rin-tô với các môn đệ thuộc mọi thời đại: “Chúng tôi rao giảng một Đức Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do thái hay Hy lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, Người là sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1,23-24). Sức mạnh của vương quốc tương lai xuất hiện nơi Đức Giê-su Hiển Dung, Đấng nói với các chứng nhân Cựu ước về sự cần thiết của cuộc khổ nạn như con đường tiến đến vinh quang (x. Lc 24,26-27). Như thế, họ được tiền dự vào ngày quang lâm; nhờ đó dần dần họ được dẫn vào mầu nhiệm sâu thẳm của Đức Giê-su.(x.Đức Giêsu thành Nazareth, Lm Aug Nguyễn Văn Trinh biên dịch, trang 273).
Đức Giê-su đưa các môn đệ lên đỉnh núi Tabor chiêm ngắm vẻ đẹp của thế giới thần linh, sau đó Ngài đưa các môn đệ xuống núi chuẩn bị vác thập giá lên núi Sọ. Xuống núi để chu toàn nhiệm vụ trần gian. Đức Giê-su phải chịu khổ nạn, chịu chết rồi mới Phục Sinh mở lối vào thiên đàng. Hai đỉnh núi: núi Ta-bor và núi Sọ cách nhau không xa về địa lý nhưng lại là con đường vạn lý. Chỉ có con đường tình yêu mới nối liền hai núi mà thôi.Với Đức Giêsu, vinh quang núi Ta-bor chỉ là chốc lát, chỉ là khởi đầu, chỉ là lời báo trước cho mầu nhiệm núi Sọ nơi vinh quang vĩnh cửu sau cuộc Khổ Nạn. Còn với Phê-rô, đây là vinh quang của ơn cứu độ, và ông phải dấn mình vào: ông tưởng rằng không cần có thập giá vẫn có vinh quang. Mãi đến sau này, sau biến cố Phục Sinh, ông mới hiểu rõ và thuật lại toàn bộ sự kiện (x. 2 Pr 1,16-20).
Thánh Phê-rô cùng các Tông đồ còn phải vượt qua những yếu đuối, sa ngã, còn phải nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách, còn phải chịu đau khổ vì Thầy chí thánh, còn phải trải qua cái chết đớn đau rồi mới tới được Núi Thánh thiên quốc như lòng mong ước. Các ngài chỉ đi một con đường Thầy mình đã đi qua. Đó là con đường tình yêu.
Trong cuộc sống người tín hữu, lên núi chính là những giây phút dành cho việc cầu nguyện, tiếp xúc thân mật với Chúa. Đó là những buổi tham dự Thánh lễ, kinh nguyện, những giờ cầu nguyện riêng tư, những buổi Tĩnh Tâm. Cần phải dành những giây phút lên núi với Chúa : Núi của thánh lễ, núi của cầu nguyện, núi của sám hối, núi của những dịp tĩnh tâm. Đó là những giây phút lên núi để gặp gỡ Chúa, để lắng nghe, để chiêm niệm, để biến đổi bản thân mình.
Kỷ niệm ngọt ngào trong những giờ sống hạnh phúc bên Chúa sẽ là sức mạnh nâng đỡ ta trong những thách đố của đời sống. Núi Thánh sẽ trở thành quê hương yêu dấu để tâm hồn ta luôn hướng về, dù còn phải vượt qua rất nhiều trở ngại cách ngăn. Thiên Đàng thoáng thấy qua những giờ kết hiệp với Chúa sẽ là nguồn động viên giúp ta chu toàn mọi nghĩa vụ của con người. Như thế, khi đã xuống núi rồi, ta vẫn còn mong ước sẽ trở lên núi mỗi khi có dịp.
Chúng ta có sẵn sàng nhận lời mời của Chúa Giê-su để cùng với Người “lên núi” không? Mỗi lần Cầu Nguyện, Tĩnh Tâm, Linh Thao, Dâng Lễ, lắng nghe Lời Chúa, đón nhận các Bí Tích, là chúng ta được “lên núi” với Chúa. Nhiều lần “lên núi” như thế là để thực tập cho quen với một lần “lên Núi Thánh” là đỉnh cao cuối cùng trong Nước Trời.