Lúc 7 sáng thứ Hai 23 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ này, ngài cầu nguyện cách riêng cho các gia đình đang gặp khó khăn về kinh tế do dịch bệnh coronavirus gây ra.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đang gặp khó khăn kinh tế vì đại dịch này, vì họ không thể làm việc. Tất cả những điều này ảnh hưởng đến các gia đình. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đang phải lao đao về vấn đề này.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã đề cập đến đức tin, sự bền đỗ và lòng can đảm như các điều kiện thiết yếu để có thể cầu nguyện. Đức Thánh Cha đã phân tích các điều kiện này dựa trên bài Tin mừng trong ngày nói về sự chữa lành cho người con trai của một quan chức nhà vua ở Cana, Galilêa (Ga 4: 43-54).

PHÚC ÂM: Ga 4: 43-54

“Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ Samaria mà đến Galilêa. Chính Người đã nói: “Không vị tiên tri nào được kính nể nơi quê hương mình”. Khi Người đến Galilêa, dân chúng ra đón tiếp Người: Họ đã chứng kiến tất cả các việc Người làm ở Giêrusalem trong dịp lễ; vì họ cũng đi dự lễ.

Người trở lại Cana xứ Galilêa, nơi Người đã biến nước thành rượu. Bấy giờ có một quan chức nhà vua ở Capharnaum có người con trai đang đau liệt. Ðược tin Chúa Giêsu đã bỏ Giuđêa đến Galilêa, ông đến tìm Người và xin Người xuống chữa con ông sắp chết. Chúa Giêsu bảo ông: “Nếu các ông không thấy những phép lạ và những việc phi thường, hẳn các ông sẽ không tin”. Viên quan chức trình lại Người: “Thưa Ngài, xin Ngài xuống trước khi con tôi chết”. Chúa Giêsu bảo ông: “Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi”. Ông tin lời Chúa Giêsu nói và trở về.

Khi xuống đến sườn đồi thì gặp gia nhân đến đón, báo tin cho ông biết con ông đã mạnh. Ông hỏi giờ con ông được khỏi. Họ thưa: “Hôm qua lúc bảy giờ cậu hết sốt”. Người cha nhận ra là đúng giờ đó Chúa Giêsu bảo ông: “Con ông mạnh rồi”, nên ông và toàn thể gia quyến ông đều tin. Ðó là phép lạ thứ hai Chúa Giêsu đã làm khi Người ở Giuđêa về Galilêa.


Mở đầu bài giảng Đức Thánh Cha nói:

Sau khi cầu xin Chúa Giêsu chữa cho con trai mình, viên quan chức đã bị Chúa quở trách một chút, Chúa quở trách mọi người – bao gồm cả ông ấy. Thay vì giữ im lặng, vị quan chức vẫn tiếp tục khẩn khoản, ông nói “Thưa Ngài, xin Ngài xuống trước khi con tôi chết”. Nhờ thái độ khẩn khoản này, ông nhận được sự bảo đảm từ Chúa Giêsu rằng con ông sẽ sống.

Qua câu chuyện này, chúng ta thấy đức tin là yêu cầu đầu tiên cho những lời cầu nguyện thực sự của người tín hữu Kitô.

Nhiều lần chúng ta chỉ cầu nguyện bằng môi miệng chứ không xuất phát từ đức tin trong tim, hay đó chỉ là một đức tin yếu đuối.

Đức Thánh Cha cũng đề cập đến một ví dụ khác về người cha có đứa con bị quỷ câm ám là người đã cầu xin Chúa gia tăng đức tin, sau khi Chúa Giêsu nói với ông rằng mọi thứ đều có thể đối với những người có đức tin (Mc 9:23).

Đức tin và lời cầu nguyện; cầu nguyện với đức tin. Tôi cầu nguyện với đức tin hay tôi chỉ lặp lại theo thói quen. Chúng ta hãy chú ý để khi chúng ta cầu nguyện chúng ta không rơi vào thói quen, mà không nhận thức được rằng Chúa đang ở đây, rằng tôi đang nói chuyện với Chúa và Ngài có thể giải quyết các vấn đề.

Yêu cầu thứ hai là sự bền đỗ. Chính Chúa Giêsu dạy chúng ta điều này.

Một số người cầu xin nhưng không nhận được ân sủng. Họ không có lòng bền đỗ vì sâu thẳm bên trong họ không cần điều họ kêu xin hoặc họ không có niềm tin.

Đức Thánh Cha đã trích dẫn các dụ ngôn trong đó Chúa Giêsu dạy chúng ta bền đỗ đến cùng: chẳng hạn câu chuyện người kia đánh thức hàng xóm của mình vào giữa đêm để xin mấy chiếc bánh, và bà góa khẩn khoản kêu nài trước vị thẩm phán bất công.

Đức tin và sự bền đỗ đi cùng nhau bởi vì nếu anh chị em có niềm tin, anh chị em chắc chắn rằng Chúa sẽ ban cho anh chị em những gì anh chị em đang cầu xin. Nếu Chúa khiến anh chị em chờ đợi, hãy gõ và gõ và gõ. Cuối cùng, Chúa sẽ ban ân sủng cho anh chị em.

Nếu Chúa khiến chúng ta chờ đợi, ấy là vì thiện ích của chúng ta. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Chúa luôn đón nhận rất nghiêm chỉnh lời cầu nguyện của chúng ta.

Chúa muốn chúng ta cầu nguyện với lòng can đảm. Đây là yêu cầu thứ ba.

Có người sẽ nghĩ: Can đảm có cần thiết khi cầu nguyện không? Để có thể đứng trước mặt Chúa: vâng, can đảm là cần thiết. Nó gần như luôn luôn là cần thiết. Tôi không muốn đưa ra một điều dị giáo, nhưng gần như chúng ta đang đe dọa Chúa. Ông Môisê đã tỏ can đảm trước mặt Chúa khi Chúa muốn tiêu diệt dân tộc ông. Sự can đảm của Ápraham khi ông thương lượng để cứu dân thành Sôđôm. Ông lại gần và thưa: “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao? Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao?” Sau đó, ông can đảm kèo nài cùng Chúa. Nếu có 30 thì sao? Nếu có 20 thì sao? Thật là can đảm. Đức tính can đảm này rất cần thiết, không chỉ đối với các công việc tông đồ, mà còn với lời cầu nguyện.

Để kết luận bài giảng của ngài, Đức Thánh Cha đã suy tư về những gì chúng ta đang trải qua trong những ngày này.

Đức tin, sự bền đỗ và lòng can đảm. Trong những ngày này, chúng ta cần phải cầu nguyện nhiều hơn. Hãy tưởng tượng nếu chúng ta có thể cầu nguyện như thế này. Đó là với một đức tin vững mạnh rằng Chúa có thể can thiệp; và với sự bền đỗ và lòng can đảm rằng Chúa không bao giờ lừa dối. Ngài có thể khiến chúng ta phải chờ đợi. Ngài có thể thong thả. Nhưng Ngài không bao giờ lừa dối. Anh chị em hãy có niềm tin, sự bền đỗ và lòng can đảm.


Source:Vatican News