Covid-19. Thời của sự vâng phục

Cách đây ít ngày tôi có viết bài Covid-19 Thời của sự ân cần quan tâm. Đó chỉ là một câu chuyện riêng tư ít nhiều làm thức tỉnh trong tôi về một tinh thần sống quan tâm đến người khác bằng những hành động nho nhỏ. Nay tôi chia sẻ cùng bạn đọc một suy tư khác, thiết nghĩ cũng rất thực tế và hữu ích trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là khi mà theo dõi trên các trang mạng và truyền hình, chúng ta vẫn thấy con số lây nhiễm và tử vong gia tăng chóng mặt tại các quốc gia, ngay cả nơi các quốc gia tân tiến. Đúng là con virus này không loại trừ ai, nó thật vô cùng nguy hiểm và chúng ta cần phải hết sức đồng tâm đối phó mới mong diệt được.

Điều mà tôi muốn chia sẻ trong bài viết này là: trong những ngày này chúng ta cần có tinh thần vâng phục chính quyền, các nhà lãnh đạo tôn giáo, xã hội. Từng người một, chúng ta cần sống và tuân thủ đúng, tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ thị, hướng dẫn của những vị có thẩm quyền và trách nhiệm trong xã hội và cộng đoàn. Nói rộng hơn, chúng ta cần có và sống tinh thần vâng phục.

Bạn theo dõi trên truyền hình, báo chí, các trang mạng xã hội, bạn nhận thấy điều gì được nhắc đến nhiều nhất? Thưa đó là các yêu cầu, chỉ thị của chính phủ, của bộ y tế, của các nhà lãnh đạo các cấp yêu cầu người dân cần và phải tuân thủ đúng những điều luật vừa được thiết lập để tự bảo vệ cho chính mình và cho người khác.

Những quy định ấy là gì? Đó là hạn chế đi lại khi không cần thiết, đeo khẩu trang khi giao tiếp với người khác, giữ khoảng cách an toàn, không tiếp xúc ở cự ly gần, không tụ họp đông người, rửa tay sạch sẽ, không ho, khạc nhổ bừa bãi mất vệ sinh,..

Ngay khi phát hiện dịch bệnh, chính phủ đã cho lệnh đóng cửa các nơi nhạy cảm với dịch bệnh nhất: trường học, nhà hàng, các nơi tụ họp đông người như nhà thờ, chùa chiền... mục đích là để ngăn chặn sự phát tán của virus. Họ quyết định như thế với một động thái tích cực nhằm ngăn chặn những tình huống xấu nhất có thể xảy ra cho cộng đồng.

Điều đó có nghĩa là vì cộng đồng, vì sự sinh tồn của cá nhân và cộng đồng mà các nhà lãnh đạo dân sự và tôn giáo mới lên tiếng yêu cầu và đưa ra các quy định cụ thể cách chặt chẽ.

Nhưng tại sao các nhà lãnh đạo cao cấp, Bộ Y tế hay những chuyên gia y khoa học lại phải lên tiếng nhiều lần, phải lặp đi lặp lại những khuyến cáo và yêu cầu người dân như thế? Thưa là vì họ yêu mến, họ lo lắng cho chúng ta và họ muốn bảo toàn sự sống của chúng ta và của cộng đồng.

Tôi tin rằng để có những quyết định như thế những vị hữu trách hẳn phải đau đầu, đắn đo suy nghĩ rất kỹ trước khi ra quyết định. Tôi cũng tin rằng họ cũng lường trước những xáo trộn, thiệt hại có thể xảy ra, nghĩa là họ cũng đã nghĩ tới những hệ lụy tiêu cực sẽ đến nhưng giữa hai cái xấu, họ chọn cái ít xấu hơn...

Tính cho tới hôm nay là gần 4 tháng kể từ khi dịch cúm viêm phổi cấp bùng phát. Khắp nơi trên thế giới vẫn đang vất vả đối phó để tiêu diệt và phát tán của dịch virus này. Chúng ta, những công dân bình thường, từ nhớn đến bé, bô lão đến nhi đồng, nam cũng như nữ, giàu cũng như nghèo... đang bị thử thách, bị cô lập, bị hạn chế giao tiếp với xã hội bên ngoài.

Mấy ngày đầu khi tuân thủ và thực hiện quy định mới thì không sao, chúng ta vui hưởng sự yên tĩnh, an nhàn trong chính ngôi nhà của mình. Nhưng những ngày tiếp theo sau đó thì với nhiều người, đó quả là một áp lực tâm lý nặng nề. Chúng ta thấy tù túng, tẻ nhạt, chúng ta thấy gò bó, nặng nề, ngột ngạt... lòng trí tự nhiên cứ muốn như chim sổ lồng, muốn tìm tự do thanh thản đi lại bên ngoài.

Lẽ tự nhiên và thường tình là vậy bởi một trong những yếu tính tự nhiên của con người là yếu tính xã hội. Tự bản chất yếu tính này đòi buộc con người có giao tiếp, liên hệ, tiếp xúc với các đối tượng khác. Con người không thể là ốc đảo, con người có căn tính xã hội và căn tính ấy luôn có những nhu cầu đòi được đáp ứng đầy đủ.

Thế nên trong những ngày này chắc chắn có nhiều người sống trong áp lực, căng thẳng và bực bội. Chính tôi trong giai đoạn này cũng có một vài lần có tư tưởng “nổi loạn”. Chuyện gần đây nhất là đám tang. Đúng trong Tuần Thánh, giáo xứ của tôi có một bà cụ qua đời. Gia đình họ xin cử hành nghi lễ an táng cho Cụ ngay mà không muốn trì hoãn.

Là một mục tử, tôi đồng cảm với họ trong nỗi niềm mất mát người thân, đặc biệt trong thời điểm đầy khó khăn này. Tôi chấp thuận yêu cầu của gia đình và đồng ý cho phép 20 người là con cháu đến tham dự nghi lễ an táng. Tôi đã ít nhiều chủ quan khi cho rằng nhà thờ thì lớn, đủ sức để 20 người cùng hiện diện với giãn cách an toàn là 2 mét cách nhau trong khi luật của y tế tỉnh bang yêu cầu không được tụ họp quá 10 người.

Nhưng sau đó tôi nhận được chỉ thị từ Tòa Giám mục yêu cầu hủy bỏ kế hoạch tổ chức lễ an táng với 20 người tham dự. Cảm giác đầu tiên của tôi là bực bội và cảm thấy khó chịu vì sự cứng nhắc, máy móc. Nhưng khi bình tâm suy xét, tôi thấy có điều đúng trong đó. Mình cần phải làm gương, phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt ấy không chỉ vì cho mình mà còn vì ích lợi của cộng đồng và xã hội.

Thế là tôi đã mất gần một tiếng đồng hồ qua điện thoại để sắp xếp với gia đình và nhà quàn (funeral home), để thảo luận và cuối cùng chúng tôi đã đồng ý sẽ tổ chức nghi lễ an táng cho Cụ ở ngoài nghĩa trang với con số tham dự vẫn là 20 người nhưng chỉ được 10 người hiện diện xung quanh quan tài, còn 10 người còn lại thì phải ngồi trong xe và tham dự từ xa.

Giờ đây mọi chuyện đã xong. Chúng tôi đã tổ chức xong nghi lễ an táng cho Cụ và gia đình cũng mãn nguyện khi thấy mọi sự được tổ chức nghiêm trang, chu đáo và ân cần. Tôi liền ngồi vào bàn kom-piu-tờ lọc cọc gõ máy để chia sẻ cùng bạn đọc vài suy tư về tinh thần và bài học vâng phục. Vâng. Chúng ta cần học và sống tinh thần vâng phục trong những ngày này. Cần học và sống tinh thần vâng phục trong những chuyện nhỏ nhặt, vụn vặt nhất. Học nữa, học mãi, việc học không bao giờ là muộn cả. Vậy:

• Nếu có ai đó khó chịu, cảm thấy không thoải mái khi đeo khẩu trang trong giao tiếp? Hãy cố gắng đeo vào vì sự an toàn của chính mình và của mọi người xung quanh.

• Nếu có ai đó bực bội vì không được tụ họp la cà, ngồi nhâm nhi vài lon bia, nướng mấy con khô mực để lai rai vài xị rượu với bạn bè? Hãy cố gắng đừng càm ràm kêu ca vì chỉ ít lâu nữa thôi lệnh phong tỏa rồi cũng sẽ được gỡ bỏ.

• Nếu có ai đó cáu kỉnh vì chân có nốt ruồi không đi không được? Cái chân đi quen rồi, giờ ở nhà hoài thấy thấy tù túng, bực bội quá đi thôi! Xin hãy cố gắng kiên nhẫn vì chắc chắn dịch bệnh cồ-rố-nà sẽ sớm bị tiêu diệt.

• Và nếu có ai đó bực bội, ấm ức vì ngày nào cũng nhìn thấy, cũng chạm mặt “con khỉ già” là vợ hay chồng mình, đi ra đi vô gặp hoài “mụ vợ già” (hay “ông già mắc dịch”) thì thôi xin đừng bực bội, cáu kỉnh nữa, vì nói gì thì nói “con khỉ già ấy” đã sống chung với mình ngót nghét mấy chục năm qua, ăn cùng bàn, ngủ cùng giường, đắp cùng tấm chăn, bế bồng chăm bẵm con của mình rồi mà.

Từng người một, hãy cố gắng biến sự tù túng, khó chịu, bực bội thành niềm vui, hãy gò ép mình vào khuôn khổ, mỗi người ráng một chút, ráng một chút, điều tích cực sẽ sớm xảy đến.

Xin hãy tận hưởng và vui sống từng giây phút hiện tại trong niềm vui và sự sung mãn của cuộc sống.

Xin Đức Kitô Phục sinh chúc lành cho chúng ta và cho toàn thế giới. Chúa đã sống lại thật. Alleluia, Alleluia.

Lm Louis Nguyễn, Yorkton, Canada