1. Tranh luận bùng nổ rất lớn tại Ý, lôi kéo cả các Hồng Y, sau khi cảnh sát làm gián đoạn một Thánh lễ

Cảnh sát đã làm gián đoạn một Thánh lễ được cử hành chỉ có 12 tín hữu tham dự vào Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót tại làng Soncino phía bắc nước Ý, gần Milan. Cách thức hành xử của cảnh sát, và của Giám Mục sở tại đã làm bùng lên một cuộc tranh luận rất lớn tại Ý, lôi kéo cả Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh.

Sáng Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót, Cha Lino Viola đã cử hành Thánh lễ tại nhà thờ San Pietro Apostolo, nghĩa là Thánh Phêrô Tông đồ, trong thành phố Gallignano, thuộc giáo phận Cremona. Đây là vùng thiệt hại nặng thứ nhì tại Ý trong đại dịch coronavirus kinh hoàng vẫn còn đang tiếp diễn. Đức Giám Mục sở tại, là Đức Cha Antonio Napolioni, là vị Giám Mục Ý đầu tiên nhiễm coronavirus nhưng may mắn sống sót.

Thánh lễ được dự định truyền hình trực tiếp. Ngay từ đầu, Cha Lino Viola không có ý định cử hành Thánh lễ dành cho công chúng. Tuy nhiên, vì là Thánh lễ kính Lòng Thương Xót, nên 10 anh chị em giáo dân đã đến tham dự với ý hướng là cầu nguyện cho những người thân yêu của họ vừa qua đời. Tổng cộng là 13 người trong nhà thờ bao gồm cả cha Lino Viola, một người giúp lễ, một người quay phim và 10 anh chị em giáo dân.

Sau khi Cha Lino Viola kết thúc bài giảng của ngài, một người cảnh sát xuất hiện yêu cầu ngài giải tán đám đông. Tuy nhiên, ngài khăng khăng không đồng ý và nói rằng “chúng tôi đang cử hành Thánh lễ”.

Một lát sau người cảnh sát này quay lại, lên tận bàn thờ, đưa một điện thoại cầm tay cho Cha Viola, và nói với ngài rằng thị trưởng thành phố, đang ở đầu dây bên kia, muốn nói chuyện với ngài. Tuy nhiên, Cha Viola đã từ chối. Ngài nói:

“Tôi yêu cầu cảnh sát ra khỏi nhà thờ, đây là một nơi linh thiêng và đây là một sự lạm dụng quyền lực. Nhiệm vụ của các anh em là ở bên ngoài. Sau lễ chúng ta sẽ nói về chuyện này.”

Tờ Cremona Oggi, là tờ báo trực tuyến địa phương, cho biết trong ngôi nhà thờ rộng mênh mông chỉ có vài tín hữu có mặt tại Thánh lễ. Thực sự, khả năng lây nhiễm thấp hơn đáng kể so với các cửa hàng. Nhưng quá nhiều các quy tắc nghiêm ngặt đã áp đặt các lệnh cấm trên các cử hành tôn giáo và coi đó là các dịch vụ “không thiết yếu” so với việc mua sắm. Thánh Lễ có công chúng tham dự ở Ý đã bị đình chỉ từ ngày 9 tháng Ba.

Thị trưởng thành phố Gabriele Gallina nói “chỉ cần Cha Viola yêu cầu các tín hữu ra khỏi nhà thờ và tiếp tục việc cử hành. Tuy nhiên, vị linh mục từ chối không chịu làm điều đó.”

Thị trưởng giải thích rằng ông đã nói chuyện với Cha Viola vào chiều Chúa Nhật. “Giữa chúng tôi không có vấn đề gì, mối quan hệ tốt đẹp giữa chúng tôi không có gì sứt mẻ, nhưng thực ra chỉ cần ngài yêu cầu các tín hữu ra khỏi nhà thờ, và có lẽ tất cả mọi thứ đã suôn sẻ.”

Giải thích với giới báo chí, Cha Lino Viola cho biết có tổng cộng 13 người có mặt trong nhà thờ, bao gồm cả chính ngài. Ban đầu chỉ có 7 người, cha cho biết “6 người nữa bước vào” trong khi ngài mặc áo trong phòng thánh để chuẩn bị dâng Thánh lễ.

“Họ là một gia đình đến nhà thờ để cầu nguyện cho một số người đã chết, cộng với một phụ nữ đã mất đi một người họ hàng vì coronavirus hai ngày trước đó. Tôi là ai mà yêu cầu người ta ra khỏi nhà thờ?” Ngài nhấn mạnh thêm: “Thật không phải là con người khi bảo họ đi ra.”

Cha Lino Viola giải thích rằng các tín hữu cách nhau bốn mét, mặc dù hầu hết cái gọi là hướng dẫn khoảng cách xã hội chỉ đề nghị khoảng hai mét là cùng. Đồng thời, mọi người đều đeo khẩu trang y tế.

Mỗi tín hữu tham dự trong Thánh lễ này bị phạt €280, riêng cha Viola bị phạt đến €680. Cha Viola nói: “Không một ai phải đóng tiền phạt. Nếu có chuyện gì giáo xứ gánh hết cho. Tôi tin rằng tôi không hề tạo ra một cuộc tụ họp đông người phi pháp.”

Ngài hứa sẽ nói chuyện với chính quyền địa phương, đặc biệt là Tỉnh Trưởng của tỉnh Cremona, “và tôi muốn nói chuyện với một luật sư để hiểu liệu một sự lạm dụng quyền lực đã xảy ra hay không?”

Tờ La Nuova Bussola Quotidiana chỉ ra rằng cảnh sát vào bên trong nhà thờ và làm gián đoạn việc cử hành Thánh lễ thực sự có thể cấu thành một sự vi phạm luật pháp quốc tế giữa Ý và Vatican.

Thỏa thuận của hai bên khẳng định rằng “các cơ quan công quyền không thể xâm nhập để thực hiện nhiệm vụ của mình trong các tòa nhà dùng làm nơi thờ phượng mà không thông báo trước cho giới chức thẩm quyền giáo hội,” trừ khi có trường hợp khẩn cấp như hỏa hoạn, chẳng hạn.

Đức Cha Antonio Napolioni của giáo phận Cremona đã không hỗ trợ linh mục của ngài. Một tuyên bố do giáo phận đưa ra vào hôm thứ Hai 20 tháng Tư đã gây ra sóng gió tại Ý vì đã trách Cha Viola “không tuân thủ các quy định hiện hành liên quan đến tình trạng khẩn cấp, và lệnh cấm cử hành các Thánh Lễ có sự hiện diện của các tín hữu.”

“Liên quan đến vấn đề này, Giáo Phận Cremona, trong khi nhận thức được những khổ đau trong lòng và sự khó chịu sâu sắc của rất nhiều linh mục và giáo dân do sự thiếu thốn bí tích Thánh Thể bắt buộc và kéo dài, nhưng lấy làm tiếc mà nhấn mạnh rằng hành vi của linh mục giáo xứ là mâu thuẫn với các chuẩn mực dân sự và chỉ dẫn của giáo quyền mà trong vài tuần nay đã được áp dụng trong đời sống phụng vụ và bí tích của Giáo Hội tại Ý và của Giáo Hội của chúng ta tại Cremona.”

Tuyên bố này của Đức Cha Antonio Napolioni đã vấp phải một sự chống đối gay gắt của anh chị em giáo dân và cả hàng giáo sĩ tại Ý. Dư luận chung tỏ ra đồng tình hơn với cách hành xử của Cha Viola.

Vụ này đã làm bùng nổ một cuộc tranh luận lớn tại Ý lôi kéo rất nhiều người có tiếng tăm trong xã hội và Giáo Hội.

Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, cựu Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, cho rằng trường hợp này “có thể chỉ đơn giản là đã có dư thừa lòng nhiệt thành của hai cảnh sát địa phương, đặc biệt là vì họ phải làm việc dưới tình trạng căng thẳng phát sinh kể từ khi bùng phát virus corona.”

“Tuy nhiên, cần phải rõ ràng rằng Ý đã ký một thoả ước với Giáo Hội vào năm 1929, theo đó các nhà chức trách giáo hội là những giới chức duy nhất có quyền trên những nơi thờ phượng. Tòa Thánh và các vị bản quyền địa phương lẽ ra phải phản đối một sự vi phạm như vậy đối với Hiệp ước Latêranô. Hiệp ước này đã được xác nhận một lần nữa vào năm 1984 và vẫn còn hiệu lực.”

Trong khi đó, Đức Hồng Y Angelo Becciu, tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh nhận xét rằng:

“Với các linh mục kinh ngạc trước những gì đã xảy ra với một người anh em mình tại giáo phận Cremona, tôi xin nói điều này: về nguyên tắc không có thẩm quyền nào được phép làm gián đoạn một Thánh lễ, mà anh em phải bảo vệ tới cùng. Nếu vị chủ tế vi phạm bất kỳ điều gì, thì phải chờ hết Thánh lễ rồi tính sau, chứ không phải trong thời gian Thánh lễ!”



2. Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các gia đình khủng hoảng kinh tế và những kẻ cho vay ăn lời cắt cổ

Lúc 7 sáng thứ Năm 23 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ, ngài cầu nguyện cách riêng cho các gia đình khủng hoảng kinh tế và những kẻ cho vay ăn lời cắt cổ, xin Chúa hoán cải con tim của họ để biết yêu thương những người đang lâm vào tình cảnh gây ra bởi dịch bệnh coronavirus.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Trong nhiều ảnh hưởng bi thảm có thể cảm nhận được trong đại dịch này, chúng ta thấy nhiều gia đình túng thiếu, đói khổ và không may họ phải nhờ đến sự trợ giúp của các nhóm cho vay ăn lời cắt cổ. Đây là một đại dịch khác. Đại dịch xã hội: gia đình của những người có công ăn việc làm không thường xuyên hoặc chẳng may là một công việc không chính thức thì rơi vào cảnh tay làm hàm nhai, tay không thể làm thì không có lương thực, khổ nhất là các gia đình có trẻ em. Và sau đó các nhà cho vay ăn lời cắt cổ này chiếm đoạt những thứ nhỏ nhoi mà họ có. Chúng ta hãy cầu nguyện. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những gia đình này, cho những đứa trẻ trong những gia đình này, cho phẩm giá của những gia đình này, và chúng ta cũng cầu nguyện cho những kẻ thừa cơ kiếm lời: xin Chúa chạm đến trái tim của họ và khiến cho họ hoán cải.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về Bài Đọc Một trích từ sách Tông đồ Công vụ (Cv 5:27-33) trong đó Phêrô, sau khi đối mặt với những lời trách móc và đe dọa của các thượng tế là những người đã ra lệnh cấm ông không được dạy bảo dân chúng, đã trả lời rằng chúng ta phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng phục con người và phải tuyên bố công khai trước tất cả chư dân sự phục sinh của Chúa Giêsu, là Đấng cứu tinh, mà các nhà lãnh đạo tôn giáo đã muốn lên án chết cho Ngài. Sự can đảm của Phêrô, người trước đó rất yếu đuối và hèn nhát, xuất phát từ lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dành cho ông.

Bài Ðọc I: Cv 5, 27-33

“Chúng tôi là nhân chứng các lời đó cùng với Thánh Thần”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Hôm ấy, khi các thủ hạ dẫn các tông đồ đi, họ đem các ngài ra trước công nghị. Vị thượng tế hỏi các ngài rằng: “Ta đã ra lệnh cấm các ngươi nhân danh ấy mà giảng dạy. Thế mà các ngươi đã giảng dạy giáo lý các ngươi khắp cả Giêrusalem; các ngươi còn muốn làm cho máu người đó lại đổ trên chúng tôi ư?” Phêrô và các tông đồ trả lời rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta. Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã cho Ðức Giêsu sống lại, Ðấng mà các ông đã giết khi treo Ngài trên thập giá. Thiên Chúa đã dùng quyền năng tôn Ngài làm thủ lãnh và làm Ðấng Cứu Ðộ, để ban cho Israel được ăn năn sám hối và được ơn tha tội. Chúng tôi là nhân chứng các lời đó cùng với Thánh Thần, Ðấng mà Thiên Chúa đã ban cho mọi kẻ vâng lời Người” Khi nghe những lời đó, họ liền phẫn nộ và tìm mưu giết các ngài.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Bài Đọc Một tiếp tục câu chuyện đã được bắt đầu với việc chữa lành cho một người bị bại liệt tại Cửa Đẹp. Các tông đồ được đưa đến trước công nghị, sau đó các ngài bị tống vào ngục, và cuối cùng một thiên thần đã giải thoát họ. Và đúng vào buổi sáng mà lẽ ra các ngài phải rời khỏi nhà tù để bị đưa ra xét xử, thì các ngài đã được thiên thần giải thoát và đang hùng hồn rao giảng trong Đền thờ. Có người đến báo cáo cho Thượng Hội Đồng rằng: “Những người các ông đã tống ngục, kìa họ đang đứng trong Đền Thờ và giảng dạy cho dân!” Viên lãnh binh bèn đi với bọn thuộc hạ và điệu các ông về, nhưng không dùng bạo lực vì sợ bị dân ném đá.

Họ điệu các ông đến giữa Thượng Hội Đồng; vị thượng tế hỏi các ông rằng: “Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa, thế mà các ông đã làm cho Giêrusalem ngập đầy giáo lý của các ông, lại còn muốn cho máu người ấy đổ trên đầu chúng tôi!”

Bấy giờ ông Phêrô và các Tông Đồ khác đáp lại rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm.” Rồi hai ông Phêrô và Gioan trách móc các nhà lãnh đạo, và các thượng tế vì đã giết Chúa Giêsu. Các ông đã cáo buộc họ, với một lòng dũng cảm, với một sự thẳng thắn, khiến ta phải ngạc nhiên: “Chẳng lẽ đây không phải là ông Phêrô đã từ chối Chúa Giêsu đó sao?” Thưa: đó chính là Phêrô, người đã rất sợ hãi, là người đã hèn nhát? Nhưng làm sao lại được như thế này? Chính ông đã giải thích trong câu nói này: “Chúng tôi là nhân chứng các lời đó cùng với Thánh Thần, Ðấng mà Thiên Chúa đã ban cho mọi kẻ vâng lời Người.”

Thánh Phêrô đã có thể chọn con đường thoả hiệp, chẳng hạn như nói rằng:

“Nhưng yên tâm, chúng tôi sẽ đi, chúng tôi sẽ nói dịu giọng hơn, chúng tôi sẽ không bao giờ buộc tội các ông ở nơi công cộng, nhưng các ông phải để cho chúng tôi yên”, và như thế là đạt được các thỏa hiệp.

Nhưng thánh Phêrô đã chọn con đường khác. Ngài thực hiện một hành trình trong đó ngài thể hiện sự can đảm và táo bạo. Trong lịch sử của Giáo hội, những nhà lãnh đạo Giáo hội đôi khi đã thoả hiệp để cứu Dân Chúa. Nhưng vào những thời điểm khác, họ đã thỏa hiệp để tự cứu mình, chứ không phải cứu Giáo Hội thánh thiện.

Đề cao hình ảnh thánh Phêrô đã từ chối thỏa hiệp đức tin của mình, nhưng chọn con đường can đảm, Đức Thánh Cha nói rằng thánh Phêrô yêu mến hết mình, nhưng ngài cũng sợ hãi.

Thánh Phêrô là một người cởi mở với Thiên Chúa đến mức Thiên Chúa tiết lộ với thánh nhân rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng rồi ông rơi vào cám dỗ chối bỏ Chúa Giêsu, nhưng sau đó thánh nhân chuyển từ trạng thái sa chước cám dỗ sang trạng thái có ân nghĩa với Chúa.

Sức mạnh đó, hay bí mật của thánh Phêrô đến từ đâu?

Có một câu sẽ giúp chúng ta hiểu: Trước cuộc thương khó, Chúa Giêsu nói với thánh Phêrô:

“Simôn, Simôn ơi, kìa Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh.”

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói rằng như Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho thánh Phêrô, Ngài cũng cầu nguyện cho tất cả chúng ta. Sau đó, Ngài khuyến khích các tín hữu đừng chỉ cầu nguyện xin Chúa Giêsu ban cho chúng ta hết ân sủng này đến hồng ân khác nhưng phải biết chiêm ngưỡng Chúa Giêsu là Đấng đã chỉ cho Chúa Cha thấy những vết thương của mình.

Chúng ta hãy suy nghĩ về cách thánh Phêrô có thể tiến bộ trên con đường này từ một kẻ hèn nhát trở thành một người can đảm nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần. Đó là nhờ lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, và chúng ta hãy biết ơn Chúa Giêsu vì Ngài luôn cầu nguyện cho mỗi chúng ta.